Hồi ký - danh nhân

Võ Nguyên Giáp – Georges Boudarel

bia vo nguyen giap1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK VÕ NGUYÊN GIÁP

Tác giả : Georges Boudarel

Download sách Võ Nguyên Giáp – Georges Boudarel ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH HỒI KÝ – DANH NHÂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook           

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Đây là cuốn sách được giới sử học Pháp đánh giá là một trong những cuốn sách giá trị nhất viết về Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự lỗi lạc, vị tướng lĩnh tài ba, nhân vật nổi bật của lịch sử hiện đại Việt Nam và thế giới thế kỷ 20.

Tác giả đã khắc họa rõ nét, sinh động chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ khi còn là một cậu bé cho tới khi trở thành vị chỉ huy của quân đội Việt Nam, trong sự tham chiếu, so sánh giữa nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Ngoài những chi tiết nói về những chiến tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không có gì khác biệt so với các cuốn sách khác của các tác giả phương Tây, còn có những chi tiết rất thú vị cho chúng ta biết về năm sinh của Đại tướng, những đoạn viết nói rõ âm mưu hiểm độc của thực dân Pháp có ý định mua chuộc cậu học sinh trung học Võ Nguyên Giáp, nhưng kết quả ngược lại, Võ Nguyên Giáp đã trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã chỉ huy toàn quân dân đánh bại ba đế quốc lớn và các thế lực phản động khác. Có những hiểu lầm về vị Đại tướng huyền thoại đã được tác giả làm rõ và tìm ra sự thật bằng những tài liệu phong phú và xác thực.

Trích dẫn :

Một người tên là Văn

Ngày 24 tháng 12 năm 1944, chiều muộn. Một nhóm 32 người men theo con đường trong một góc khuất vùng rừng núi tỉnh Cao Bằng, phía cực bắc của Việt Nam, ngay gần biên giới Việt – Trung. Đi cuối nhóm đầu tiên là trưởng nhóm, một người tên là Văn. Hoạt động ở vùng này từ ba năm nay, chưa bao giờ Văn có nhiều người dưới quyền đến thế, chưa bao giờ anh dám đi giữa ban ngày ban mặt với một nhóm người trên đường như thế. Khi quay lại để nhìn cả đội, cảnh hàng người chạy dọc theo những khúc quanh của con đường núi khiến anh ấm lòng. Đầu đội nón bọc vải, mình mặc quần áo chàm, chân quấn xà cạp, có thể khiến anh vui vui khi thấy mình trông thật buồn cười. Cả đội ăn mặc giống lính dõng.

Mục tiêu của họ là gì? Đó là Phai Khắt, một đồn nhỏ. Từ hơn một năm nay, đồn có khoảng 10 lính dõng, do một viên thiếu tá người Pháp làm chỉ huy, có11 vài ngôi nhà tranh bên bờ suối, đối diện với một nương lúa nằm sát trong núi. Đây là một bản Việt Minh “hoàn toàn”: toàn bộ người dân, kể cả chức dịch đều “hoàn toàn” theo Việt Minh. Không có gì đáng lo. Người dân đã cung cấp mọi thông tin.

17 giờ ngày 25 tháng 12, đội chìa “Giấy đi tuần” cho tên lính gác rồi đi thẳng vào đồn, theo sau Thu Sơn mặc bộ kaki đóng giả đội sếp.

– Chúng tao đang đi tuần, quan đồn có nhà không? Thu Sơn hỏi tên lính gác, giọng hách dịch rồi đàng hoàng tiến vào đồn. Người của anh nhanh chóng tiếp cận nơi để súng, trong khi hai nhóm khác bao vây nhà bọn lính ở. Lúc đó, lính địch đứa đang ăn cơm trong nhà, đứa thu dọn quần áo, đứa quét dọn, sửa hàng rào. Thu Sơn hô lớn: “Rassemblement! Rassemblement général! Le chef de poste revient du district!” (Tập hợp! Tập hợp! Đồn trưởng về!). Một lát sau, khi toàn bộ lính đã tập hợp trước mặt, Thu Sơn đổi giọng:

– Chúng tôi là quân cách mạng, anh em đầu hàng sẽ không giết ai hết, giơ tay lên!

Bị bất ngờ, không kịp trở tay, toàn bộ lính địch buộc phải đầu hàng. Giữa lúc đó, người của tổ canh gác cách đồn 3 kilômét phóng ngựa tới báo tin tên đồn trưởng đang đi ngựa trở về, theo sau hắn có 10 tên lính không mang súng. Đội quyết định bắt tên đồn trưởng. Những tên lính bị bắt được đưa ra phía sau đồn, chiến lợi phẩm được thu dọn, rồi ai nấy vào vị trí. Văn, Thu Sơn và Hoàng Sâm nấp dưới mái hiên. Văn nói nhỏ: “Khi nó vào, tôi sẽ hô “Giơ tay lên”, nếu nó giơ tay các đồng chí lập tức xông ra bắt sống. Có lệnh mới được nổ súng”. Nhưng khi Văn vừa hô “Giơ tay lên” thì nhiều tiếng súng vang lên, cả người và ngựa đều bị tiêu diệt. Do quá căm thù, không kìm được nên một số đồng chí đã nổ súng ngay.

Việc thu dọn chiến trường được tổ chức ngay với sự giúp đỡ của nhân dân. Tất cả những gì có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày đều được để lại cho dân làng. Những vũ khí thu được được trang bị ngay cho đội, súng kíp giao lại cho du kích địa phương. Số súng này đủ trang bị cho nửa trung đội, nhưng thu được rất ít đạn.

Nửa đêm hôm ấy, đội dừng chân ở một bản cách đó 15 kilômét để kiểm điểm rút kinh nghiệm trận đánh vừa qua. Tới 3 giờ sáng ngày 26 tháng 12, cả đội tiếp tục hành quân đến Nà Ngần, một ngôi nhà được biến thành đồn lính, có 22 lính khố đỏ, do hai sĩ quan người Pháp chỉ huy, nằm cách đồn Phai Khắt 25 kilômét. Đội hy vọng sẽ thu được đạn dược ở đây. Sáng sớm, đội dừng lại. Cả đội thay quần áo, cải trang bằng những bộ quần áo lính dõng, lính tập mới thu được ở Phai Khắt, giả làm một toán lính dõng, lính khố đỏ đang dẫn giải “ba cộng sản” bị trói. Kịch

bản có thay đổi. Khi đến cổng, Thu Sơn lại chìa giấy cho lính gác xem, trong khi một đồng chí khác đi sau rút thuốc lá ra mời và châm lửa cho bọn gác. Tò mò, lính gác trên chòi canh liếc nhìn:

– Lại bắt được cộng sản người Mán à?

Trong khi cuộc chuyện trò diễn ra với nhóm thứ hai, thì Thu Sơn đi thẳng vào trong đồn. Lúc này đồn do một tên đội người Việt, nổi tiếng phản động, chỉ huy thay cho hai sĩ quan lên tỉnh. Cũng như ở Phai Khắt, bọn lính đang làm nhiều việc khác nhau, một số thu dọn chăn màn, một số đi rửa mặt. Tên đội ngồi ở bàn làm việc; vũ khí vẫn còn trên giá để súng, trong đó bốn khẩu đã bị Việt Minh lấy ngay ở lối vào. Thu Sơn chĩa khẩu tiểu liên vào tên đội. Bất ngờ tên đội định đặt tay vào khẩu súng của hắn đặt trên bàn, nhưng trước khi hắn có thời gian làm việc đó thì đã bị hạ. Nhóm đang nói chuyện ở lối vào vô hiệu lính gác, bọn lính trong đồn rất hoảng hốt. Mọi việc diễn ra rất nhanh. Ba tên lính liều chết chống cự đều bị tiêu diệt. Ba du kích người Tày được cử đến giải thích. Tù binh rất ngạc nhiên khi thấy các nữ chiến sĩ vai mang súng, lưng đeo đạn, nói năng lưu loát, giải thích cho họ hiểu chủ trương chính sách của Việt Minh. Đa phần tù binh xin được trở về quê, họ được trả lại quân trang.

ĐỌC THỬ

Hai mươi phút sau, đội lại ra đi sau một cuộc giải thích nhanh cho dân làng mà họ phải ngăn không cho đi theo đội.

Đến tối, toàn đội vượt qua quốc lộ 3A (Cao Bằng – Nguyên Bình) và đi vào vùng rừng núi đá vôi Gia Bằng. Cả ngày, anh em chỉ ăn một bữa cơm, nhưng vẫn cố gắng đi liên tục không nghỉ. Một đội viên đã tổng kết thành một câu hài hước: “Quân cách mạng chúng tôi ăn thì mỗi ngày một bữa, đánh thì mỗi ngày hai trận”. Đội đi cả đêm trong rừng, đến tận Lũng Dẻ, một bản của đồng bào Mông, giữa khu du kích Thiện Thuật (tên của một chí sĩ kháng Pháp ở đồng bằng sông Hồng khi Pháp chiếm Bắc Kỳ trong những năm 1880). Khu du kích nằm trong một lòng chảo khá rộng, bao quanh là những vách đá tai mèo hiểm trở, một thành trì tự nhiên thực sự. Trong mười ngày tại Lũng Dẻ, cả đội nghỉ ngơi, chấn chỉnh, củng cố lực lượng và huấn luyện thêm. Khi xuất phát, đội được phát triển thành đại đội. Một bộ phận nhỏ do Hoàng Văn Thái chỉ huy, phụ trách công tác tham mưu – tình báo, đi xuống phía nam hoạt động tuyên truyền, mở rộng cơ sở. Đại bộ phận, do Văn chỉ huy, đi lên phía bắc, hướng về đồn Đồng Mu, phải đi qua Trung Quốc, gần Bảo Lạc, cách đường ở phía bắc Cao Bằng 100 kilômét, trong đó 60 kilômét là đường mòn hẹp và hiểm trở. Hoạt động của Việt Minh còn yếu trong vùng địa hình hiểm trở lởm chởm đá tai mèo, rừng núi lô nhô, giống như một vịnh Hạ Long trên cạn với đỉnh núi Pia Oắc cao 1931 mét ở phía nam. Không thể đi theo đường dễ, cũng không đi được vào ban ngày, cả đội đi liên tục, theo nhiều điểm, có khi lại phải đi xuống thung lũng và im lặng vượt qua những điểm gác của địch, trong tiếng trống của lính gác đêm. Đồn Đồng Mu được xây dựng rất kiên cố trên một ngọn đồi cao vì phải thường xuyên đối phó với bọn phỉ từ phía Trung Quốc. Quân lính trong đồn có hơn 40 lính khố đỏ, do ba tên sĩ quan Pháp chỉ huy. Đồn có nhiều lô cốt, tường dày có lỗ châu mai, giao thông hào và dây thép gai bao bọc xung quanh. Không thể sử dụng cách cải trang đột nhập đồn, chỉ còn cách vượt tường đột nhập và kêu gọi quân bên trong đầu hàng. Đội chia thành bốn tổ, xuất phát trong đêm, leo lên đồi và vượt hàng rào dây thép gai. Đội đang đột nhập thì bị địch hỏi:

– Ai?

Tình huống này nằm ngoài dự kiến.

– Chúng tôi là Việt Minh đến lấy súng của Tây, không đánh các anh em.

Một quả lựu đạn và một loạt đạn nổ vang. Từ 23 giờ đến 2 giờ sáng, bên trong đồn, hai đội đã vào được và bắn nhau với địch dữ dội. Việt Minh vừa bắn vừa hát để động viên khí thế chiến đấu và báo hiệu cho các chiến sĩ liên lạc. Tuy nhiên, họ lại làm lộ vị trí chiến đấu, khiến quân địch tập trung hỏa lực bắn tới. Đến rạng sáng, ban chỉ huy hạ lệnh rút khỏi đồn. Đội mất một tiểu đội trưởng, thu năm súng trường mousqueton và một số đạn, bắt bốn tù binh. Các tù binh này khai đồn đã trong tình trạng báo động.

Một cuộc hành quân mới lại bắt đầu, mọi người vừa đi vừa nghỉ dọc đường và ăn cơm nắm. Sau khi nghỉ ngơi, đội cẩn thận xóa mọi dấu vết nhỏ nhất, từ những chiếc lá gói thức ăn đến hạt cơm rơi xuống đất vì chúng có thể để lộ dấu vết. Rồi cả đội lại lên đường. Đến vùng an toàn hơn, các chiến sĩ tản ra thành những đội nhỏ đi vào bản để tuyên truyền. Tại Nà Ngần, họ có được thành quả đầu tiên: thu 16 súng trường và nhiều tù binh. Nhưng bây giờ, việc cần ưu tiên là tuyên truyền. Hồ Chí Minh đã nhắc đi nhắc lại điều này: “Chính trị trọng hơn quân sự, vũ trang tuyên truyền trọng hơn tác chiến”.

“Một chiến thắng chỉ được 100 người biết sẽ chỉ tác động đến 100 người; nhưng nếu ta cho 1000 người biết, thì cũng như ta đã mang về 10 chiến thắng khác hoặc một chiến thắng lớn hơn 10 lần”. Người sau này viết lên những dòng này chính là Văn, mà Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của ông vừa có những trận tấn công đầu tiên. Sáu tháng sau, ông được cả thế giới biết đến với tên thật Võ Nguyên Giáp.

Chàng sinh viên, thầy giáo dạy sử và người chiến sĩ cách mạng

Sinh ở An Xá, tỉnh Quảng Bình vào năm 1910[1], Giáp lúc nhỏ sống ở một vùng đồng bằng nhỏ hẹp ven biển miền Trung phía bắc vĩ tuyến 17. Nơi đây từ thế kỷ XI là bàn đạp của cuộc nam tiến không gì ngăn nổi của dân tộc Việt Nam. Ông đã lớn lên ở một vùng đất hẹp vào bậc nhất của Việt Nam, có những cánh đồng lúa nước kẹp giữa một bên là những cồn cát trắng xóa mênh mông chạy dọc bờ biển và bên kia là những mỏm núi xanh trơ trụi trong dãy Hoành Sơn uốn lượn giữa những cánh rừng rậm, nơi đây vào mùa hè những cơn gió tây khô rát gọi là gió Lào từ lục địa Nam Á nóng bỏng thổi ra biển.

[1] Theo xác nhận của gia đình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911. (Ghi chú của Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp – VPĐT).

Cụ bà thân sinh, những hôm không bận việc đồng áng thì cặm cụi bên khung cửi. Còn cụ ông là một nông dân có học thức tự cày cấy ruộng nhà, và truyền lại cho cậu bé Giáp chữ nghĩa, vốn tri thức và tình yêu quê hương đất nước. Đối với những ai hiểu biết thì mỗi tấc đất ở đây đều mang một chứng tích lịch sử. Phía bắc tỉnh là động Phong Nha sâu hút, thu hút nhiều khách hành hương đến cầu nguyện trước một bàn thờ còn sót lại của người Chăm, bên cạnh những nhũ đá lung linh dưới ánh sáng khi mờ khi tỏ từ cửa động rọi vào. Trên bờ biển, Đèo Ngang hùng vĩ nằm án ngữ biển, nơi đây Bà Huyện Thanh Quan, nữ thi sĩ của thế kỷ XVIII từng ca ngợi vào một buổi chiều tà: “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc”. Cậu bé Giáp tuy ở tuổi ấu thơ cũng đã hiểu rằng nữ tác giả khi nói đến con cuốc cuốc là nói đến non sông đất nước vì tiếng con chim cuốc theo âm Hán Việt đồng âm với tiếng quốc có nghĩa là đất nước quê hương.

Cách làng An Xá một quãng ngắn, còn sót lại di tích của thành lũy do nhà quân sự kiêm thầy giáo dạy chữ Nho, Đào Duy Từ, tác giả cuốn Hổ trướng khu cơ (Bí quyết phép dùng binh) – một cuốn sách giáo khoa dạy nghệ thuật quân sự cho các tướng lĩnh thời bấy giờ – xây dựng vào cuối thế kỷ XVII được người dân vùng này truyền tụng là lũy Thầy. 25 năm trước khi cậu bé Giáp ra đời, toàn bộ vùng đất Quảng Bình này từng là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Cần Vương, hưởng ứng lời kêu gọi chống Pháp của vua Hàm Nghi. Ở phía bắc, trong tỉnh kế bên cũng có một văn thân là cụ Phan Đình Phùng đã xây dựng căn cứ kháng chiến trên núi Vụ Quang trong mười năm và đến năm 1910, một toán nghĩa quân còn về đồng bằng quyên góp lương thực và gây quỹ ủng hộ kháng chiến chống Tây. Nhưng sau năm 1919, dường như quá khứ vẻ vang ấy đã vĩnh viễn hết thời, không có gì cưỡng lại được. Người ta bước vào một thời đại mới, bút lông mềm mại đã nhường chỗ cho bút sắt vừa viết vừa phát ra tiếng cót két của hãng Sergent-Major từ phương Tây đem tới.

Năm 1923, cậu bé Giáp tạm biệt cha mẹ già vào Huế, cố đô của triều đình nhà Nguyễn xưa, cách nhà 150 kilômét, để học ở trường Quốc học. Vào thời đó, các trường học từ bậc trung học trở lên đều đặt ở các thành phố, thị xã và đô thị lớn, và được “chính trị hóa” một cách khác thường. Học sinh không ồn ào, hiếu động mà rất chăm chỉ đèn sách. Ở lớp, các cô cậu im lặng, ngồi nghiêm chỉnh nghe lời thầy giảng hay ghi ghi chép chép, chỉ còn nghe được tiếng ruồi bay qua bay lại. Một số cố học để sau này ra làm quan. Nhiều người khác cốt sao sau này nên người, để “cứu nước, đánh giặc ngoại xâm”, “canh tân đất nước”. Những ý nghĩ tốt đẹp này ám ảnh tâm trí những con người trẻ tuổi. Đi đâu cũng thấy những nhóm nhỏ ra đời mà trong buổi lễ gia nhập, các cậu “thề đấu tranh, hy sinh đến cùng cho sự nghiệp”.

Người ta xì xào, bàn tán về con người có sức hấp dẫn kỳ lạ mang tên Nguyễn Ái Quốc (sau này đổi tên là Hồ Chí Minh), tác giả áng văn đả kích nổi tiếng có tựa đề: Bản án chế độ thực dân Pháp, cùng với những người cùng chí hướng đang hoạt động tại nước Nga Xô viết. Người ta đưa cho Giáp một bản và anh đã đọc say sưa. Báo chí thực dân đã dành toàn bộ phương tiện tuyên truyền tốt nhất để vu cáo những người Bôn-sê-vích, thậm chí có những người có xu hướng ôn hòa, chỉ đưa ra những đề nghị cải cách xã hội khiêm tốn nhất cũng bị chúng gán cho cái tên Bôn-sê-vích.

Anh học trò trung học Võ Nguyên Giáp đặc biệt say mê các môn lịch sử, địa lý và vật lý. Anh chỉ rời sách vở khi bận đến dự những cuộc thảo luận sôi nổi về các đề tài liên quan đến lịch sử nước nhà. Khi 14, 15 tuổi đời anh đã có những bước ngoặt có tính quyết định cả cuộc đời anh sau này.

Năm 1924, Toàn quyền Đông Dương Merlin tích cực phá hủy những gì mà những người tiền nhiệm của ông là Albert Sarraut và Maurice Long đã bước đầu xây dựng cho cái gọi là tự do, bác ái ở Đông Dương. Merlin chủ trương thanh niên Đông Dương chỉ nên học đến bậc trung học rồi đi làm, không nên học lên đại học, nhất là sang Pháp du học vì ông ta cho rằng họ sang chính quốc sẽ bị ảnh hưởng chủ nghĩa nhân quyền tự do của nước Pháp, sẽ trở thành những phần tử chống Pháp. Tuy nhiên, vào năm 1925, khoảng 400 thanh niên Việt đi lén trên các tàu biển đã tới Marseille (Pháp).

Không ý thức được các mối hiểm nguy đó, Phủ Toàn quyền Đông Dương lợi dụng lúc vua Khải Định băng hà đã buộc Hội đồng Phụ Chính thông qua trong phiên họp ngày 6 tháng 11 năm 1925 một đạo dụ thu hẹp quyền hành của nhà vua nay chỉ giới hạn trong những chức trách thuần túy lễ nghi, ban sắc cho các thần thành hoàng làng. Ngay cả việc tuyển dụng và bổ nhiệm quan chức giúp việc cho nhà vua cũng thuộc quyền của Khâm sứ Pháp. Chính quyền thuộc địa đã nhanh chóng cắt gọn cái cành cây mỏng manh, vốn vẫn là chỗ dựa để cai trị dân bản xứ, như vậy sự sụp đổ của chế độ thực dân chẳng còn bao xa.

Trong những điều kiện ấy, có gì đáng ngạc nhiên khi người ta ngày càng hướng về “những người ở Pháp về” như Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, những nhà luận chiến nảy lửa ở Sài Gòn bắt đầu truyền bá những tư tưởng lật đổ do những cây bút già dặn viết trên các tờ báo bằng tiếng Pháp. Năm 1925, một nhà văn có tên là Malraux đã phản ánh tình trạng này trên tạp chí Indochine (Đông Dương): “Một tin đồn lan truyền khắp nơi trong xứ An Nam về mối lo ngại rằng mọi sự căm giận, oán thù tản mát lâu nay đã được tập hợp lại để có thể trở thành một sự bùng nổ, nếu các ngài không đề phòng, khác nào cánh đồng vào vụ gặt.”

Thực vậy, một hành động mạnh mẽ vừa xuất hiện lại. Ngày 24 tháng 6 năm 1924, vào 8 giờ 30 phút tối tại tô giới Anh – Pháp ở Quảng Châu, người ta tổ chức ở khách sạn Victoria tiệc mừng Toàn quyền Merlin vừa kết thúc chuyến đi thăm các nước Đông Á về thì một người Việt Nam trẻ tuổi liệng qua cửa sổ phòng tiệc một trái lựu đạn được ngụy trang trong một chiếc máy ảnh. Lựu đạn nổ làm năm người thiệt mạng, trong đó ba người chết ngay tại chỗ, nhưng Merlin thoát chết. Vụ mưu sát này đã gây tiếng vang lớn trong toàn Đông Dương làm thức tỉnh “hồn nước”, nhất là trong đám thanh niên học sinh. Tại Quảng Châu, nhà đương cục Trung Hoa Quốc dân Đảng đã dựng bia lưu danh Phạm Hồng Thái, người chủ mưu trong vụ này, đối diện với đài tưởng niệm các anh hùng của cách mạng Trung Hoa. Trong những năm tiếp theo, bia liệt sỹ Phạm Hồng Thái trở thành nơi hành hương chính trị của những người Việt Nam lưu vong.

Một năm sau sự kiện chấn động này, một cuộc truy lùng của cảnh sát, về kỹ thuật thì khá thành công nhưng về chính trị thì lại là một chủ trương rất dở, đã gây nên sự phản đối khắp nơi. Tháng 6 năm 1925, ở ngay lối ra của nhà ga Thượng Hải, cảnh sát Pháp bắt cóc nhà yêu nước Phan Bội Châu đang lưu vong tại Trung Quốc và sắp đi gặp Nguyễn Ái Quốc mới đến Quảng Châu, cùng với Borodine từ Matxcơva.

Việc kết án tử hình nhà yêu nước kỳ cựu được tất cả mọi người kính trọng đã gây nên một phong trào rộng lớn đòi ân xá cho Phan Bội Châu. Cuối năm 1925, Phan Bội Châu được Toàn quyền Varenne ân xá nhưng quản thúc tại nhà ở Huế. Ông sống những ngày cuối đời tại ngôi nhà đơn sơ bên bờ sông Hương. Trên một tờ báo địa phương, nhà nho Huỳnh Thúc Kháng, vừa mãn hạn tù 13 năm (từ 1908 đến 1921) tại Côn Đảo, đã nói đến những tình cảm của các tầng lớp nhân dân đối với nhà yêu nước họ Phan.

Giáp tích cực tham gia các phong trào này với thanh niên các trường. Tháng 3 năm 1926, Phan Chu Trinh tạ thế. Cụ là người đã chịu án tù đày ở nhà tù Côn Đảo chỉ vì đòi thực hiện những biện pháp canh tân, cấp tiến từ đầu thế kỷ. Cái chết của Phan Chu Trinh khiến phong trào bất mãn với chính sách thuộc địa lại bùng lên. Tại tất cả các thành phố, từ Sài Gòn đến Hà Nội, thanh niên học sinh bãi khóa, mặc đồ tang, tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh. Chính quyền thuộc địa hiểu rõ ý nghĩa của phong trào tôn vinh nhà yêu nước Phan Chu Trinh, đã đuổi học những “người cầm đầu phong trào”. Tại Huế, Giáp đã bị theo dõi từ lâu và cũng nằm trong số này[2].

[2] Võ Nguyên Giáp bị đuổi học vì tổ chức biểu tình bãi khóa phản đối Ban giám hiệu nhà trường đuổi anh Nguyễn Chí Diểu (VPĐT).

Dường như kể từ thời gian này, Giáp đã gia nhập Đảng Tân Việt[3], một chính đảng hoạt động bí mật chủ trương bạo động và chịu ảnh hưởng sâu sắc của những người mác-xít. Giáp quay về An Xá, trong bụng đã nghĩ đến việc xuất dương sang Trung Quốc để gia nhập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu. Ý định này không thành, Giáp quay lại Huế không phải để đi học mà để hoạt động như một chiến sĩ cách mạng và có quan hệ mật thiết với những người thân cận của Huỳnh Thúc Kháng.

[3] Năm 1928, Võ Nguyên giáp được kết nạp vào Đảng Tân Việt (BT).

Tình hình tiếp tục căng thẳng, Việt Nam Quốc dân Đảng, một nhóm có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa trên một nền tảng mờ nhạt theo chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên, chủ trương tiến hành khởi nghĩa. Từ năm 1927, nhóm này có ảnh hưởng trong giới trí thức và bắt đầu gây cơ sở trong hàng ngũ binh lính của quân đội thuộc địa để tổ chức nội gián.

Trong năm 1929, tất cả các chi bộ của Thanh niên [viết tắt của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội] và Tân Việt bỗng nhiên ngả sang chủ nghĩa cộng sản và “đi vô sản hóa” (tức là xin vào làm trong nhà máy, xưởng thợ để gần gũi công nhân, tự cải tạo mình và tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản). Những vụ đình công, xô xát và cả mưu sát ngày càng gia tăng và tháng 2 năm 1930, nổ ra vụ binh biến của lính khố đỏ đóng ở Yên Bái theo chủ trương do Việt Nam Quốc dân Đảng đề xuất, đồng thời một loạt các vụ bạo động địa phương cũng xảy ra ở ngoài rìa miền châu thổ sông Hồng cho đến gần Hải Phòng. Phong trào bị đàn áp, nhưng ngay sau đó một cuộc đình công nổ ra ở Vinh ngày 1 tháng 5. Quay về làng, những công nhân đã khuyến khích nông dân tổ chức biểu tình, người đi đầu cầm cờ đỏ, tiến vào các thị xã, huyện, tỉnh lỵ.

Bắt đầu nhen nhóm từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, các Xô viết địa phương đã được thành lập nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền thuộc địa, phong trào lan rộng ra các nơi như vết dầu loang. Toàn bộ nông thôn Nam Kỳ cũng như Quảng Ngãi, phía nam Huế, cả Thái Bình phía nam châu thổ sông Hồng ở Bắc Kỳ rục rịch khởi nghĩa. Chính quyền thuộc địa phái lính lê dương về hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để tiến hành chiến dịch “bình định” các làng khởi nghĩa. Các nơi khác trong diện tình nghi cũng bị trấn áp. Tại Huế, Giáp tham gia các phong trào ủng hộ và quyên góp giúp những người bị bắt giam trong các nhà tù. Trong một vụ ẩu đả với một người Pháp, Giáp bị bắt, bị kết án ba năm tù giam tại nhà tù Lao Bảo thuộc tỉnh Quảng Trị[4], giáp biên giới Lào. Ở nhà tù này nhiều phạm nhân không chịu nổi chế độ tra tấn của bọn cai ngục lại thêm khí hậu khắc nghiệt nên chết rất nhiều. Tháng 9 năm 1915, 35 tù chính trị nổi dậy đốt nhà giam và bỏ trốn. Không lâu trước khi phạm nhân trẻ Võ Nguyên Giáp bị giải đến Lao Bảo, tại đây đã xảy ra một vụ binh biến, trong đó Nguyễn Sĩ Sách, một trong những lãnh đạo Đảng Cộng sản đã bị đánh chết.

[4] Võ Nguyên Giáp bị giam ở nhà lao Thừa Phủ, Huế, chứ không phải ở Lao Bảo (VPĐT).

Một sự can thiệp đúng lúc của quan cai trị Marty đã đưa Giáp ra khỏi trại giam Lao Bảo trước khi mãn hạn tù. Là một chuyên gia và khá lọc lõi kinh nghiệm trong ngành an ninh, lại có đầu óc sáng suốt đáng gờm, hẳn ông ta cho rằng không nên để Giáp bị giam lâu trong tù, nơi đây chàng thanh niên sôi sục ý chí cách mạng này chắc chắn sẽ trưởng thành thêm do được tiếp xúc với các chính trị phạm khác, sau này có thể trở thành một kẻ thù không đội trời chung của chính quyền thực dân, cho nên tốt hơn là tạo điều kiện cho anh ta học thành tài và anh ta sẽ khôn ngoan, dễ bảo hơn. Có thể đây không phải là trường hợp duy nhất để thu phục. Sau đó, từ thân phận tù khổ sai, Giáp trở thành học sinh Trường Trung học Albert Sarraut, một trường học tốt nhất ở thuộc địa, thực tế là dành riêng cho con em người Pháp và số ít quan lại hay công chức cao cấp người Việt được ưu đãi đặc biệt. Marty đã mắc sai lầm lớn nhất trong cuộc đời hành nghề mật thám của mình.

Sau khi đỗ tú tài triết học năm 1934, Giáp ghi tên vào học trường luật. Vừa đi học đại học, chàng sinh viên Giáp vừa xin làm giáo viên Trường tư thục Thăng Long để kiếm sống. Trường Thăng Long[5] trở thành vườn ươm thực thụ những hạt giống cách mạng của Việt Nam, có những học sinh sau này là những nhà cách mạng xuất sắc như Lê Đức Thọ[6], nhà thương thuyết về hòa bình tại Hội nghị Paris về Việt Nam, Nguyễn Thành Lê, người phát ngôn tại Hội nghị Paris, tướng Lê Quang Đạo, nhà quân sự lỗi lạc trở thành Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Lam, Phó thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước.

[5] Trường tư thục Thăng Long là tiền thân của trường Trung học Cơ sở Thăng Long ngày nay. Năm 1934, Hoàng Minh Giám cùng với một số nhà trí thức đương thời như Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Đặng Vũ Xích, Phạm Hữu Ninh, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Dương… thành lập “Hội mở mang nền tư thục”, một năm sau lập lên Trường tư thục Thăng Long với mục đích truyền bá kiến thức cho cộng đồng và tuyên truyền lòng yêu nước, thương dân và căm thù thực dân Pháp xâm lược. Năm 1945, thực dân Pháp đã buộc trường phải đóng cửa do những ảnh hưởng của trường đến phong trào yêu nước ngày càng mạnh (BT).

[6] Lê Đức Thọ không học ở trường Thăng Long (VPĐT).


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button