Hồi ký - danh nhân

Tony Blair: Hành Trình Chính Trị Của Tôi

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Tony Blair

Download sách Tony Blair Hành Trình Chính Trị Của Tôi ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  HỒI KÝ  – DANH NHÂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Tôi muốn cuốn sách này không giống với những cuốn hồi ký chính trị khác. Hầu hết những hồi ký mà tôi đã đọc đều khá tẻ nhạt, do đó những điều mà bạn sắp đọc trong cuốn hồi ký này không phải là những mô tả thường thấy về những người tôi đã gặp, những việc tôi đã trải qua. Cuốn sách là một chuỗi các sự kiện và ngày tháng, nhưng một số chính trị gia sẽ không được đề cập đến ở đây, không phải vì họ không quan trọng mà vì tôi viết cuốn sách trong vai trò một nhà lãnh đạo, chứ không phải một sử gia. Đã có rất nhiều bài viết – và chắc chắn sẽ còn nhiều bài viết hơn nữa của nhiều tác giả về quá trình 10 năm làm Thủ tướng của tôi, nhưng chỉ một người có thể viết đúng về những gì liên quan đến nhân vật trung tâm của quá trình này và người đó chính là tôi.

Vậy nên đây là một cuốn sách mang tính cá nhân, kể về cuộc hành trình trong một giai đoạn lịch sử mà trong đó thiên hướng chính trị và có thể cả tính cách cá nhân của tôi, dần tiến triển và thay đổi trong một chừng mực nhất định. Tôi khởi đầu và kết thúc cuộc hành trình này bằng hai phong cách lãnh đạo khác nhau. Vì thế tôi đặt tên cho cuốn sách là Hành trình chính trị của tôi, trong đó tôi miêu tả những sự kiện lớn diễn ra trong thời gian làm Thủ tướng của mình, qua cái nhìn của chính tôi – người phải ra những quyết định liên quan đến những sự kiện đó. Vì vậy, cuốn sách này không hoàn toàn khách quan và tôi cũng không có ý định làm điều đó, nhưng tôi hy vọng rằng đây sẽ là một cuốn sách tử tế.

Tôi sẽ viết theo chủ đề thay vì bám theo trình tự thời gian của các sự kiện. Câu chuyện của tôi bắt đầu năm 1997 và kết thúc vào năm 2007, trong đó, tôi đề cập đến những chủ đề khác nhau, như con đường dẫn đến quyền lực, vấn đề Bắc Ireland, Công nương Diana, Sự kiện 11 tháng Chín, vấn đề Iraq, cuộc cải cách dịch vụ công, Olympic, hay sự kiện tháng Bảy năm 2005. Bạn – trong vai trò một độc giả, có thể coi đó là những chủ đề riêng biệt nếu muốn, mặc dù trên thực tế chúng có liên quan với nhau. Một vài điều khác như mối quan hệ của tôi với Gordon Brown hay với các tổng thống Mỹ, cũng sẽ được đề cập đến trong suốt câu chuyện.

Do đã đọc nhiều tự truyện hay hồi ký mà mở đầu thì đầy nhiệt huyết, nhưng lại kết thúc trong tình thế dồn dập và vội vã do tác giả bị hối thúc bởi hạn cuối của nhà xuất bản, nên tôi đã viết các chương không theo thứ tự như bạn đọc thấy, mà phần khó thì viết trước, phần dễ viết sau. Tôi muốn duy trì nhịp độ và bầu nhiệt huyết của mình trong toàn bộ cuốn sách. Và cuối cùng, tôi đã mất đến 3 năm để hoàn thành cuốn sách này.

Trên hết, cuốn sách không chỉ đơn giản là cái nhìn trở lại quá khứ. Lẽ dĩ nhiên, khi viết về những sự kiện đã xảy ra, thì người ta phải nhìn nhận chúng dưới cách nhìn tại thời điểm tương ứng. Nhưng tôi hoàn toàn không phải là người hoài cổ, mà luôn hướng đến tương lai, bởi tôi vẫn còn nhiều công việc và dự định phải hoàn thành trong cuộc đời. Tôi vẫn đang làm việc chăm chỉ như đã từng làm và vẫn học tập không ngừng nghỉ.

Ở đây, việc nhìn lại quá khứ hoàn toàn chỉ với mong muốn làm sáng tỏ những vấn đề vẫn đang tiếp diễn, vì vậy cuốn Hành trình chính trị của tôi là hướng đến tương lai, đặc biệt trong những vấn đề đối ngoại sau Sự kiện 11 tháng Chín, các cuộc xung đột tại Iraq, Afghanistan, cũng như những vấn đề đang làm đau đầu Chính phủ hiện nay như cải cách y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội và an ninh trật tự. Tôi cố gắng trình bày quan điểm về thế giới trong cả hai khía cạnh như nó đang là và như nó có thể là, chứ không đơn giản là quan điểm về thế giới của tôi khi tôi còn tại vị. Chương cuối cùng sẽ nói riêng về giai đoạn 2007–2010, do tôi không đồng ý với nhiều lý giải theo cách truyền thống về cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, về những thách thức an ninh đang diễn ra và chúng có liên quan mật thiết đến những tranh cãi về các vấn đề của ngày hôm nay.

Cuối cùng, cuốn sách như một bức thư gửi tới đất nước yêu dấu của tôi. Tôi đã giành thắng lợi trong cả 3 cuộc tổng tuyển cử. Trước đó, Công Đảng thậm chí chưa bao giờ thắng nổi 2 nhiệm kỳ liên tiếp, 6 năm là thời gian cầm quyền dài nhất của một Chính phủ Công Đảng. Lần này là 13 năm và thời gian cầm quyền đó có thể dài hơn, như tôi đã nói trong chương cuối, nếu Công Đảng mới không bị ruồng bỏ.

Có được những thắng lợi đó là nhờ những con người có cùng suy nghĩ với tôi về Công quốc Anh. Đó là một đất nước vĩ đại. Một dân dộc vĩ đại với những con người can đảm, quyết đoán và sẵn sàng mạo hiểm. Nhưng chúng ta cần một tầm nhìn, một ý niệm, một cảm nhận về chỗ đứng của chúng ta trong thế giới hôm nay và ngày mai, cũng như cần có sự trân trọng sâu sắc đối với quá khứ của chúng ta. Đó là lý do vì sao tôi đã và vẫn là chính trị gia đầu tiên không thuộc cánh tả hay cánh hữu, mà là một chính trị gia trong vai trò một nhà đổi mới. Tôi muốn đổi mới Công Đảng sao cho nó có đủ năng lực để liên tục là đối thủ đáng gờm, thách thức quyền lực của Đảng Bảo thủ. Tôi muốn đổi mới nước Anh, nơi mà niềm kiêu hãnh về ánh hào quang đang tắt dần của một đất nước hùng mạnh nhất trong thế kỷ XX vẫn còn le lói sáng, để đất nước không cảm thấy bị bỏ lại đằng sau khi thế kỷ XXI bắt đầu, thế kỷ mà ánh hào quang xưa đã không còn nữa. Tôi muốn chúng ta tự hào rằng mình thuộc về một đất nước với sự đa dạng văn hóa và tín ngưỡng, tự hào về sự phá bỏ các định kiến, chú trọng đến sự đóng góp hơn là phần thưởng nhận được, hòa nhập dễ dàng vào một xã hội mở và vào nền kinh tế toàn cầu. Tôi muốn chúng ta nhận ra những tham vọng mới đang nảy nở trong lòng nước Anh và trên toàn thế giới. Chúng ta phải cải cách các dịch vụ công và định chế phúc lợi để chúng phù hợp hơn với thế giới năm 2005, chứ không phải năm 1945. Chúng ta sử dụng quyền thành viên của Liên minh châu Âu và mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ để chi phối các quyết định của thế giới, ngay cả khi quyền lực của chúng ta đối với các quốc gia mới nổi đang giảm dần. Chúng ta sẽ đóng một vai trò mới, như một đối tác phát triển trên những lục địa như châu Phi. Chúng ta sẽ tiến đến một nền chính trị mà trong đó tham vọng và sự táo bạo tồn tại bên cạnh một xã hội công bằng và đầy tình thương.

Cuốn sách đặt ra những nỗ lực để đạt được một tầm nhìn như vậy – sẽ có những thành công và không thành công và vì thế công việc này vẫn đang được tiếp tục. Cuốn sách nói lên quan điểm của tôi về lý do tại sao các thế lực, dù là cánh tả hay cánh hữu, không đồng tình với tầm nhìn đó và cố gắng kiềm chế nó, nhưng dù sao tôi vẫn tin rằng đó là hy vọng duy nhất cho tương lai của nước Anh.

Mặc dù quan điểm chính trị của tôi vượt ra ngoài mô hình cánh hữu, cánh tả truyền thống, nhưng không nên cho rằng tôi dè bỉu chính trị đảng phái bởi tôi luôn mang ơn Công Đảng, các đảng viên, những người ủng hộ và các cộng sự của mình. Tôi đã gặp nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn bên tôi với lòng tự trọng và sự chân thành phi thường. Đôi khi tôi vẫn có những suy nghĩ bảo thủ, đặc biệt là trong các vấn đề kinh tế và an ninh, nhưng con tim tôi luôn tràn đầy nhiệt huyết và tâm hồn luôn tràn đầy sức sống.

ĐỌC THỬ

1. Kỳ vọng lớn lao

Ngày 2 tháng Năm năm 1997, lần đầu tiên tôi đặt chân đến phố Downing với tư cách Thủ tướng. Trước đó tôi chưa bao giờ có văn phòng làm việc riêng, thậm chí còn chưa làm phụ tá cho một công chức cấp cao nào. Đây là công việc đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi trong Chính phủ.

Đêm bầu cử ngày 1 tháng Năm đi qua trong sự huyên náo của những lời chúc tụng, niềm hân hoan và sự kỳ vọng. Lịch sử thường không được hình thành thông qua hàng loạt các thăng trầm và biến động. Mười tám năm cầm quyền của Chính phủ Bảo thủ đã kết thúc. Công Đảng – một Công Đảng mới đã giành chiến thắng áp đảo. Có lẽ một kỷ nguyên mới đang bắt đầu. Khi tôi bước qua cánh cổng sắt dẫn vào tòa nhà Chính phủ trên phố Downing và khi đám đông – được tập hợp và kiểm soát cẩn thận – lao về phía trước trong sự háo hức, bất chấp các hàng rào an ninh, bất chấp những mệt mỏi vì một đêm trắng, thì tôi cảm giác như có một dòng điện, không chỉ chạy qua đám đông đó mà qua cả đất nước này. Nó chạm đến tất cả mọi người, nâng họ lên, cho họ hy vọng, khiến họ tin rằng không có gì là không thể, rằng cách thức cuộc bầu cử diễn ra và khí thế của nó có thể thay đổi cả thế giới.

Tất cả mọi người đều ở trong trạng thái cảm xúc như vậy, trừ tôi. Bao trùm tâm trí tôi là một nỗi lo sợ, nỗi sợ mà tôi chưa bao giờ cảm nhận trước đó, nó lớn hơn cả nỗi sợ tôi đã trải qua vào ngày biết mình sẽ lãnh đạo Công Đảng. Trước đêm bầu cử, nỗi sợ ấy được nén lại bởi những bận rộn thường ngày, kỷ luật trong công việc, nỗ lực to lớn về thể chất và tinh thần trong chiến dịch tranh cử. Khi tham gia chiến dịch tranh cử, tôi có cảm xúc giống như khi hoạt động chính trị. Tôi đã vạch ra chiến lược để lãnh đạo đảng vượt qua đối thủ và tiến tới nắm chính quyền; tôi kiên định với chiến lược đó và biết rằng nếu làm được như vậy, tôi sẽ không thể thất bại. Tôi đã xây dựng lại hình ảnh của Công Đảng như một Công Đảng mới – một lực lượng chính trị tiên tiến, cải cách trên chính trường nước Anh; tiếp đó, tôi soạn ra bản đề cương chương trình hoạt động bao gồm những vấn đề quan trọng nhất đủ để thu hút mọi người, nhưng không quá chi tiết để đối thủ dựa vào đó mà chỉ trích; sau đó, tôi tiếp tục tiến hành một cuộc công kích mạnh mẽ nhưng thuyết phục nhằm vào Chính phủ và hình thành một bộ máy tranh cử cực kỳ hiệu quả.

Tôi như một chiến binh quả cảm chiến đấu chống lại sự tự mãn để duy trì kỷ luật trong đảng và ngay cả trong những người thân cận của mình. Tôi thường xuyên nói rằng việc dẫn trước đối thủ trong các cuộc trưng cầu dân ý lớn không nói lên điều gì, đừng bao giờ đánh giá thấp các thành viên của Đảng Bảo thủ và rằng vì sao chúng tôi lại gặp phải vấn đề này hay thách thức kia. Vì chúng tôi đã thất bại trong 4 kỳ bầu cử liên tiếp và chưa bao giờ giành chiến thắng trong hai nhiệm kỳ liền nhau nên những gì tôi làm được đang gieo niềm hy vọng cho Công Đảng. Các thành viên Công Đảng hầu như tin rằng họ không thể chiến thắng và rằng vì một lý do thần thánh hay quỷ quái nào đó mà Công Đảng không được phép giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử cho dù đảng này có làm được điều gì đi nữa. Với một số người, điều này giống như câu cách ngôn trong bóng đá: “Một quả bóng tròn, hai đội cùng chơi, mỗi đội 11 cầu thủ, trong hai hiệp, mỗi hiệp 45 phút và dù thế nào đi nữa thì người Đức vẫn giành chiến thắng.”

Tôi cho rằng niềm tin này là hoàn toàn vô căn cứ. Chúng tôi thất bại vì chúng tôi xa rời lớp cử tri hiện đại trong thế giới ngày nay. Nguyên tắc đầu tiên trong chính trị là không có nguyên tắc nào cả, chí ít là trong chuyện thắng hay bại được coi như tiền định. Nếu anh có chiến thuật và kế sách hợp lý, anh luôn có cơ hội chiến thắng, nếu không, anh vẫn thất bại cho dù đã gần như chạm tay vào vinh quang.

Bên ngoài, chúng tôi tỏ vẻ như mọi thứ vẫn đang ở ranh giới mong manh giữa thắng và bại, điều này khiến chúng tôi phải luôn nỗ lực, cố gắng và lèo lái con thuyền đảng đi đúng hướng. Thế nhưng, trong thâm tâm, mọi người không biết rằng tôi rất tự tin về chiến thắng của mình. Thêm vào đó, bản thân tôi cho rằng Thủ tướng đương nhiệm lúc đó, ngài John Major, là một nhà lãnh đạo xuất sắc hơn nhiều người vẫn tưởng. Xét trên phương diện cá nhân, ông ấy là người rất lôi cuốn. Nhưng may mắn cho chúng tôi, đảng của ông đã rời xa khỏi đường hướng đúng đắn, rơi vào tình thế nguy cấp và trở thành một đảng cánh tả cực đoan; và trong suốt quãng thời gian tưởng chừng như dài vô tận – gần ba năm – khi còn là lãnh đạo đảng đối thủ của ông, tôi đã học được cách công kích ông và nội bộ đảng của họ đấu đá lẫn nhau.

Major đã quyết định tham gia chiến dịch tranh cử dai dẳng kéo dài suốt ba tháng (thông thường chỉ kéo dài chưa đầy một tháng). Đương nhiên, cuộc chiến tranh cử rất cam go, nhưng nó không phải là trận địa hoàn toàn mới mẻ mà vẫn đi theo một khuôn mẫu nhất định nào đó. Ông ta hy vọng chúng tôi sẽ sơ sẩy, đột nhiên mất bình tĩnh và nhờ may mắn nào đó, thái độ của công chúng sẽ thay đổi. Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra.

Trái lại, Đảng Bảo thủ đã bị chia rẽ, nhiều người có thể đoán trước được điều này. Mỗi khi Major cố gắng thúc họ tiến lên thì ai đó lại muốn bỏ cuộc, lại phát ngôn ngu ngốc, hay bị dính vào scandal. Thường thì cả ba sự việc cùng xảy ra một lúc, đôi khi lại do cùng một người gây ra. Nó giống như một vụ tự sát, hay một nghệ sĩ ảo thuật buộc đá vào chân, tay bị xích, chui vào một cái hộp chì bị khóa và nhảy xuống dòng nước sâu. Bạn nghĩ xem, ông ta làm cách nào để thoát khỏi chiếc hộp đó được? Và rồi bạn cũng nhận thấy rằng ông ta hoàn toàn bất lực, giãy dụa và ngộp thở. Việc một đảng chính trị rơi vào tình cảnh tương tự là điều khó tin, nhưng nếu đối thủ của họ đủ khôn ngoan thì việc dụ họ chui vào một cái bẫy như thế là điều hoàn toàn có thể và bằng việc chiếm lĩnh khu trung tâm, đối thủ đã khiến họ ngu ngốc tự đẩy mình ra bên lề cuộc chơi.

Vì vậy, chiến dịch tranh cử diễn biến dai dẳng và mệt mỏi – bản chất là vậy – những con số tăng, giảm không phản ánh đúng sự thật, những số phiếu thăm dò gây choáng váng và nhiều điều bất ngờ xảy ra nhưng cuối cùng, kết quả cũng rõ ràng. Tuy nhiên, tỷ lệ chiến thắng là bao nhiêu vẫn còn là một câu hỏi. Tôi chợt nghĩ, nếu như phải đặt cược cho canh bạc này, tôi sẽ đặt lớn, nhưng lớn đến bao nhiêu thì kết quả đêm 1 tháng Năm sẽ trả lời. Và đó cũng là lúc nỗi sợ hãi bắt đầu len lỏi trong tôi.

Ngày bầu cử thực sự đã trôi qua tốt đẹp, như tất cả các cuộc bầu cử khác, chiến dịch tranh cử kết thúc và bạn đi bỏ phiếu. Tôi bước ra khỏi nhà bỏ phiếu ở Trimdon Colliery – một làng mỏ cũ gần Sedgefield, Durham, nơi tôi từng là nghị sĩ, đại diện cho cử tri địa phương trong suốt 14 năm. Làng mỏ này đã bị đóng cửa theo quy định của Hội đồng Khoáng sản Quốc gia và Chính phủ vào những năm 1960, để tập trung khai thác ở những mỏ có trữ lượng lớn hơn. Tôi đến điểm bỏ phiếu cùng Cherie và bọn trẻ – hình ảnh một gia đình lý tưởng – trong khi đó, đám săn ảnh thi nhau chộp lấy bất kỳ khoảng khắc nào của chúng tôi. Tôi cười, nhưng không quá hồ hởi, nói chuyện nhưng không quá hào hứng. Trông tôi vẫn tự nhiên như mọi ngày, như thể bình thường bạn vẫn nắm tay vợ, mặc quần âu, áo sơ mi, cà vạt, cùng các con bạn đi bỏ phiếu trong một nhà bỏ phiếu bằng gỗ dựng tạm và tìm cho mình một chỗ đứng trong lịch sử.

Sau đó tôi về nhà, chờ đợi sự thất bại như ba lần trước đó, năm 1983, 1987 và 1992. Tôi tự hỏi thất bại có ý nghĩa gì với mình, làm thế nào tôi có thể chiến đấu với đối thủ trong lần kế tiếp, liệu tôi có thể lái con tàu của chúng tôi tránh khỏi thất bại hay không. Lúc này đây, tất cả những ánh mắt đang tập trung vào tôi, khi tôi bước những bước cuối cùng đến với thắng lợi. Sự lo lắng lấn át mọi cảm xúc, vì thế tôi không thể tĩnh tâm được. Tôi cố gắng tập trung vào việc lựa chọn một Nội các mới và gọi điện cho Gordon Brown, người sau đó là Tổng thư ký Nội các Đối lập (Nội các đối lập bao gồm các thành viên cấp cao của phe đối lập, giám sát những người ở vị trí tương đương trong Chính phủ cầm quyền) và Peter Mandelson – người phụ trách chiến lược, cùng với John Prescott từ Hull đến, để thảo luận với tôi về việc lựa chọn Nội các này. Tôi nói chuyện liên tục với Philip Gould – người phụ trách việc tổ chức thăm dò ý kiến và các thành viên khác trong đảng về khả năng giành đa số phiếu, tất cả cũng chỉ để giết thời gian. Mặc dù vậy, sự lo lắng, hồi hộp về những gì sắp diễn ra vẫn không hề nguôi ngoai.

Nhưng tất cả những trạng thái cảm xúc đó rồi cũng biến mất vào quá nửa đêm khi chúng tôi đến điểm kiểm phiếu, đặt tại trung tâm thể thao trong nhà, ở Newton Aycliffe – một thị trấn ở Durham, nơi tôi từng là đại diện cho cử tri của Sedgefield. Những lá phiếu cuối cùng được kiểm đã cho thấy chiến thắng áp đảo, các con số có thể có một chút chênh lệch, nhưng sai sót lớn ở đây là điều không thể xảy ra. Chúng tôi sắp chiến thắng, tôi sắp trở thành Thủ tướng. Suốt buổi tối, tâm trạng của tôi như thể đang chơi trò tung hứng mỗi khi kết quả mới được công bố. Dĩ nhiên, chặng cuối của cuộc hành trình này đã và đang làm thay đổi cả đất nước, nhưng trên con đường gian khổ dẫn đến đích, chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng mỗi bước đi để chắc chắn vượt qua thử thách, chúng ta phải đảm bảo rằng mình đã chọn được chiếc xe phù hợp, động cơ tốt, hành khách hoặc yên vị trên xe hoặc thúc giục khởi hành, chứ không tìm cách cản đường đi tới của cỗ xe. Để chắc chắn, chúng tôi đã thảo luận kỹ lưỡng cách lái bộ máy chính quyền mới nếu trúng cử. Ở thời điểm hiện tại, đó là việc của phe đối lập đang nắm chính quyền, nhưng những việc này luôn chiếm lĩnh tâm trí chúng tôi, chúng tôi đã quá hiểu và đã trải nghiệm trong nhiều năm vị trí của một Nội các Đối lập khi vị thế của Công Đảng vẫn còn mờ nhạt trên chính trường. Càng đến gần ngày bầu cử, toàn bộ tâm trí của chúng tôi càng tập trung vào việc tổ chức chính quyền và cảm xúc cũng vậy, luôn hồi hộp hướng đến ngày đó.

Đó là tất cả những gì chúng tôi biết, một vài tay lão luyện như Jack Cunningham và Margaret Beckett đã làm Thứ trưởng trong chính quyền Callaghan nhiệm kỳ 1976–1979, còn lại tất cả chúng tôi đều đi lên từ những tay “không chuyên”. Cho dù những tay lão luyện chỉ biết đến chính quyền Công Đảng trong giai đoạn “giãy chết”, nhưng tinh thần của năm 1997 đã khác xa năm 1970, như sao Hỏa với Trái đất.

Về phần mình, chúng tôi tự nhủ rằng “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”. Chúng tôi tự tin bước đi hiên ngang, gạt phăng tất cả các vật cản để đi đến những giây phút cuối cùng này. Có phải chúng tôi đã chiến đấu trong một cuộc chiến vĩ đại, đã đạp qua xác quân thù? Có phải chiến lược của chúng tôi đã được an bài, đập tan niềm kiêu hãnh trong trái tim phe đối lập? Có phải chính quyền chỉ là điểm đến tiếp theo trên một con đường xa hơn và không thể đoán trước? Với sự liều lĩnh, tự tin và tinh thần kiên định, những con người đã làm nên những điều tuyệt vời tính đến thời điểm này chắc chắn sẽ không mất đi những phẩm chất đó trên chặng đường tiếp theo.

Tôi có thể thấy điều đó ở tất cả những người xung quanh mình và sẽ luôn luôn như vậy. Vào đêm mà gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng, tôi không còn nhìn cuộc sống qua lăng kính màu đen nữa, nhưng khi phải đối mặt với ánh sáng, tôi lại thấy lo sợ.

Tôi sợ vì biết rằng đây không phải chỉ là điểm đến tiếp theo trên cùng một con đường, mà giờ đây chúng tôi sẽ bước vào vùng đất xa lạ. Tôi lo sợ bởi bản năng cho tôi biết những chướng ngại tiếp theo sẽ vô cùng khó khăn và phức tạp. Tôi sợ với ý nghĩ rằng mình sẽ phá nát chính quyền. Cùng với thời gian, tôi biết rằng khi lòng dân không yên, họ sẽ không quan tâm việc Chính phủ đúng hay sai, cho dù thực ra là Chính phủ đúng. Khi người dân quay lưng và gây áp lực với chính quyền, họ thật tàn nhẫn, dửng dưng với mọi thứ ngoại trừ những điều làm thỏa mãn sự căm ghét của họ. Tôi sợ bởi vì ngay lúc đó, đột nhiên tôi cho rằng mình không phải là một người tháo vát, mạo hiểm và có tài tiên đoán, nhưng vẫn phải đứng mũi chịu sào, không biết đúng sai nhưng vẫn phải ra quyết định. Tôi nhận ra rằng mình đã không biết công việc đó khó khăn đến nhường nào, Chính phủ hoạt động ra sao và hoàn toàn không biết cá nhân mình phải xử sự thế nào khi công chúng quay lưng lại, nhưng tôi biết đó là những gì mình sẽ phải đối mặt.

Ở trụ sở chính của Milibank tại London (tòa nhà nơi Công Đảng bắt đầu chiến dịch tranh cử và bắt đầu biết đến sự khắc nghiệt của bầu cử), bữa tiệc mừng chiến thắng đã được mở màn. Trong hội trường tại điểm bầu cử Durham, nơi kiểm phiếu, bầu không khí đầy náo nhiệt. Không khí đó lan tỏa một cách tự nhiên giữa các thành viên Công Đảng, ngay cả Đảng Bảo thủ, Đảng Dân chủ Tự do và tất cả mọi người đều cảm nhận được thời khắc lịch sử ấy.

Trong hệ thống Nghị viện, Thủ tướng cũng chỉ như một nghị sĩ đứng khiêm tốn ở điểm bầu cử như các ứng cử viên khác, trong khi người phụ trách đọc kết quả – một hành động rất dân chủ. Tuy nhiên, khi có thêm nhiều thông tin được công bố về sự kiện đáng chú ý này, tại điểm bỏ phiếu của Thủ tướng và lãnh đạo đảng đối lập, không chỉ có thành viên của các chính đảng, mà còn vô số ứng viên khác xuất hiện với động cơ nào đó hoặc đơn giản chỉ để xuất hiện trước công chúng mà thôi. Họ có những cái tên thú vị và lạ lùng: Crewy Driver (Đảng Rock n’ Roll), Boney Maronie Steniforth (Đảng Monster Raving Looney), Jonathan Cockburn (Đảng Blair Must Go) và Cherri Blairout–Gilham (Đảng của người nhận trợ cấp). Mỗi đảng phái đều có quyền gửi một số người của họ đến điểm kiểm phiếu. Họ đứng lẫn vào nhau trong hội trường như trong một cuộc thi chạy việt dã toàn quốc mà tôi từng xem trên tivi.

Kết quả thắng cuộc rõ ràng ngay từ đầu. Đó không chỉ đơn thuần là một chiến thắng, mà một chiến thắng áp đảo. Sau 2 giờ kể từ khi tôi bắt đầu thực sự cảm thấy lo lắng, dòng tít chạy phía dưới màn hình tivi cho thấy có hơn 100 ghế cho Công Đảng, trong khi Đảng Bảo thủ chỉ có 6 ghế. Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình đã làm một việc trái với Hiến pháp. Tôi muốn đánh bại Đảng Bảo thủ và đã thực hiện nó một cách hoàn hảo, nhưng sẽ thế nào nếu chúng tôi quét sạch họ? May thay, số phiếu của họ tăng lên sau đó. Nhưng chiến thắng áp đảo này rõ ràng đã đi vào lịch sử. Mọi người bắt đầu thư giãn và uống mừng. Tôi vẫn hoàn toàn tỉnh táo, còn nhiều việc phải làm. Tôi sẽ phải phát biểu, gửi tin nhắn vì vậy phải giữ giọng nói và thái độ phù hợp với tầm quan trọng của chiến thắng.

Đó là thời điểm cảm xúc của tôi trái ngược với hầu hết mọi người xung quanh. Khi họ càng lúc càng phấn chấn với quy mô áp đảo của chiến thắng, tôi lại cảm thấy ngày càng nặng nề bởi gánh nặng trách nhiệm đè lên vai. Tôi biết rằng điều này hơi kỳ quặc, vì thực sự tôi đã cảm thấy hơi tức giận, những người quanh tôi có biết rằng trách nhiệm tôi sắp phải đón nhận to lớn như thế nào không? Họ có nghĩ đến sự cần thiết của một bản tuyên bố để kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân? Họ phải cẩn trọng loại bỏ hoặc giới hạn những hành động nào để phù hợp với vai trò điều hành đất nước?

Một người lắc lư đi đến chỗ tôi – người đầu tiên trong số nhiều người đêm đó – “Thật là tuyệt, anh sẽ là một Thủ tướng vĩ đại, Tony ạ, chắc chắn như vậy”. Tôi nói “Ôi, thôi đi”. Làm sao mà anh ta hay tôi có thể biết được điều đó.

Khoảng nửa đêm, chúng tôi gọi David Hill, một người luôn đúng mực hiện đang phụ trách mảng báo chí của đảng tại Milibank và quát vào mặt anh ta rằng những đảng viên đang ăn mừng một cách quá đà và họ nên bình tĩnh lại. “Chúng ta sắp sửa giành chiến thắng lịch sử và chấm dứt 18 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ” – anh ta nói: “Thật khó để bảo tất cả bọn họ làm ra vẻ ủ rũ, thưa ngài”.

Tôi quay sang tập trung vào việc mình sẽ nói gì, sẽ có ba bài phát biểu: Một bài tại điểm kiểm phiếu trên cương vị một nghị sĩ; một tại cuộc mít tinh nội bộ ở CLB của Công Đảng tại làng Trimdon, cách điểm bỏ phiếu của tôi một con phố; và một tại Hội trường Royal Festival, London vào lúc 5 hoặc 6 giờ sáng, nơi một sự kiện lớn đã được chuẩn bị cho những người ủng hộ và giới truyền thông.

Tôi thảo luận về nội dung phát biểu với Alastair Campbell, người phụ trách truyền thông. Trong suốt ba năm qua, anh ta đã vững vàng như một hòn đá tảng. Theo kinh nghiệm của tôi, có hai kiểu người điên khùng: Kiểu thứ nhất rất nguy hiểm, kiểu thứ hai mang lại cho họ sự sáng tạo, sức mạnh, sự khéo léo và nghị lực. Alastair là kiểu điên khùng thứ hai. Thế nhưng kiểu người thứ hai lại không kiên định, khó nắm bắt và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào với hậu quả khôn lường. Trên tất cả, bạn phải biết rằng không thể thuần hóa họ, nhưng có thể thuyết phục họ và điều khiến họ trở nên khác biệt và nổi bật là họ không lựa chọn làm việc theo cách thông thường và dễ đoán trước. Họ thường xuyên nổi cáu. Sau này, trước khi rời bỏ vị trí vào cuối năm 2003, Alastair hầu như đã đi quá giới hạn. Giống như những kẻ sáng tạo khác, anh ta có thể gây cho bạn những cú đau để đời nhưng trong hầu hết thời gian – đặc biệt trong những năm điều hành phe đối lập và giai đoạn đầu của Chính phủ Công Đảng – anh ta là một người khác, người không thể thiếu và không thể thay thế. Cùng với Gordon và Peter Mandelson, anh ta đã thực hiện xuất xắc các ý tưởng chính trị của Công Đảng mới và chịu trách nhiệm về các thông cáo báo chí trong thời đại thông tin này. Điều hài hước là, về mặt hoạch định chính sách thì tư tưởng của anh ta lại rất gần với Công Đảng Cũ. Đêm hôm đó, tâm trạng của anh ta cũng giống tôi: bình thản và kiềm chế. Chúng tôi duyệt lại những điều cần nói trong bài phát biểu: đầu tiên là về gia đình, tiếp theo là về đảng và cuối cùng là về đất nước.

Tôi thực sự xúc động khi nhắc đến cha mình. Khi phát biểu tại điểm kiểm phiếu, tôi thấy ông đứng đó với giọt nước mắt hãnh diện. Tôi nghĩ về cuộc đời ông: được nhận làm con nuôi ở Glasgow, cha nuôi của ông lúc đó là người dựng cột buồm tại bến tàu Govan, mẹ nuôi là một người có sự pha trộn kỳ quặc giữa chủ nghĩa xã hội và cuồng tín – bà đã từ chối trả ông lại cho mẹ ruột. Thời trẻ ông là Thư ký của Đoàn Thanh niên Cộng sản Glasgow, sau đó là binh nhì trong chiến tranh, kết thúc tuổi trẻ với hàm thiếu tá quân đội và là thành viên Đảng Bảo thủ, trong khi đó thì hầu hết những người khác đều đi theo con đường chính trị ngược lại.

Ông trở thành một nhà nghiên cứu và luật sư chuyên nghiệp, lúc này ông đã là một đảng viên tích cực của Đảng Bảo thủ. Ông giữ một ghế trong Nghị viện của Đảng Bảo thủ tại thị trấn Hexham, miền Bắc nước Anh và trong cuộc bầu cử năm 1964, ông là một ứng cử viên đầy tiềm năng. Thậm chí, ông còn có một chương trình riêng trên đài truyền hình địa phương. Ông thông minh, lôi cuốn và đầy tham vọng. Ông phù hợp với hình tượng mà Đảng Bảo thủ đang kiếm tìm trong một thế giới nhiều biến động: không ai có thể tranh luận về giai cấp với ông, ông hiểu về giai cấp mình đã thuộc về và cũng học cách để thoát khỏi giai cấp đó.

Một đêm nọ, sau những cuộc họp, các sự kiện xã hội và công việc nặng nhọc, ông bị đột quỵ và tưởng như không thể qua khỏi. Ông đã tỉnh lại, nhưng phải trải qua ba năm đau đớn học nói lại từ đầu. Tôi vẫn còn nhớ mẹ tôi đã giúp cha tôi như thế nào, ngày qua ngày, bà hướng dẫn ông học lại từng từ từng câu một cách khó khăn. Và tôi cũng không thể quên rằng gia đình chúng tôi đột ngột rơi vào cảnh khó khăn về tài chính như thế nào, ngay lúc đó một vài người bạn đã bỏ ông và thật phũ phàng khi giọng nói của ông không thể trở lại bình thường thì nghiệp chính trị của ông cũng chấm dứt.

Cha là người đã định hình quan điểm chính trị của tôi. Không phải vì ông đã dạy tôi rất nhiều về chính trị bằng cách hướng dẫn tôi trong các hoạt động chính trị (việc ông thuộc về phe chính trị đối lập đã dẫn đến một vài cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai cha con, mặc dù không thường xuyên). Mà vì từ khi còn bé, tôi thường nghe những cuộc tranh luận của ông với bạn bè và tiếp thu những luận điểm, cảm nhận niềm đam mê trong giọng nói của họ và hiểu chút ít về sự rối rắm của chính trị.

Tôi nghĩ lại lần đầu tiên được gặp mặt các chính trị gia, họ đều không phải người Công Đảng, Micheal Spicer – thành viên Đảng Bảo thủ sau này, hay cả Patrick Jenkin (có thể tôi nhớ nhầm) – người phục vụ trong Nội các của bà Thatcher. Họ đã đến ăn tối tại nhà chúng tôi ở High Shincliffe, Durham. Lý do tôi lờ mờ nhớ lại chuyện này là bởi Micheal, khi đó là một thành viên trẻ triển vọng của Đảng Bảo thủ, muốn đấu tranh giành một ghế ở Nghị viện trong sự vô vọng mà cha tôi lại là người có ảnh hưởng đến các ghế tại Durham.

Nhưng những điều đó không tác động nhiều đến con đường đến với chính trị của tôi bằng những điều cha tôi đã dạy – một cách hoàn toàn vô thức rằng, tại sao những người như ông lại tham gia Đảng Bảo thủ. Ông nghèo, xuất thân từ tầng lớp lao động, luôn khao khát gia nhập tầng lớp trung lưu. Ông lao động chăm chỉ, hưởng thành quả lao động của chính mình và mong muốn con cái làm tốt hơn. Ông nghĩ – giống như nhiều người cùng thế hệ với mình – rằng làm việc chăm chỉ, nghiêm túc hơn thì sẽ nhận thành quả tốt hơn – và đây chính là một trong số những giá trị mà Đảng Bảo thủ bảo vệ. Bạn làm như vậy thì bạn chính là một thành viên của Đảng Bảo thủ: Điều này giống như hai mặt của đồng xu vậy, có mặt này thì phải phải có mặt kia và ngược lại. Chính từ đây đã hình thành tham vọng chính trị của tôi: Phá vỡ mối liên kết đó và thay thế chúng bằng những lựa chọn khác. Bạn có lòng trắc ẩn, bạn quan tâm đến những người kém may mắn hơn mình, bạn tin vào xã hội cũng như tin vào cá nhân. Và bạn có thể gia nhập Công Đảng nếu muốn. Bạn có thể thành công và thu hút được sự quan tâm, tham vọng và đam mê, trở thành một người tài năng và cấp tiến. Hơn nữa, những điều đó không xung đột với nhau mà là những phương tiện hoàn toàn thích hợp để đảm bảo mọi việc diễn ra trôi chảy. Chúng là câu trả lời cho những đòi hỏi thiết thực, không hề viển vông của con người.

Cha tôi ảnh hưởng sâu sắc đến tôi và mẹ theo một cách khác. Bà khác biệt với ông đủ để hai người chung sống với nhau. Tôi giống cha nhiều hơn: nhiệt huyết, dứt khoát, với một tham vọng cao độ – mà tôi e rằng có thể coi như một sự ích kỷ. Mẹ tôi, trái lại, là một phụ nữ khuôn phép, thánh thiện và đáng mến. Bà nhút nhát, ngay cả trong công việc. Bà ủng hộ cha tôi về mặt chính trị với tư cách một người vợ và một người bạn, nhưng thi thoảng với tôi, bà ứng xử như thể mình hoàn toàn không phải là một người của Đảng Bảo thủ. Vì một số lý do – có lẽ liên quan đến nguồn gốc Ireland của mình – bà cảm thấy mình bị cho ra rìa và bà cho rằng một vài người bạn của cha mang tinh thần bảo thủ hơn trong Đảng Bảo thủ đã rời bỏ cha khi ông bị bệnh.

Bà mất khi tôi vừa bước sang tuổi 22 vì ung thư tuyến giáp. Bà đã không qua khỏi, nhưng việc sống thêm được năm năm sau khi căn bệnh được phát hiện đã thật sự là một điều kỳ diệu.

Đó là một cú sốc, không gì có thể sánh được với nỗi đau mất người thân. Đó có thể không phải là điều tồi tệ nhất trên đời, nhưng nỗi đau đó tác động đến chúng ta theo cách mà chúng ta chưa bao giờ cảm thấy, nhất là khi ta còn trẻ. Mẹ mất làm tôi choáng váng bởi vì tôi chưa từng nghĩ đến điều đó. Bệnh tình bà xấu đi khi tôi học năm cuối đại học tại Oxford, chuẩn bị thi tốt nghiệp, cha tôi và anh trai Bill đã giấu tôi sự thật về tình trạng sức khỏe của bà. Tôi về nhà vào cuối tháng Sáu và cha đón tôi ở ga. “Bệnh của mẹ con thực sự rất nặng” – ông nói.

“Con biết, nhưng mẹ sẽ không chết phải không?” tôi nói, ngu ngốc mong chờ sự đảm bảo từ ông.

“Cha e mẹ con sẽ không qua khỏi.” – ông trả lời. Thế giới như chao đảo trước mắt tôi; tôi không thể hình dung được điều đó. Người nuôi tôi khôn lớn, chăm sóc tôi, luôn bên cạnh giúp đỡ và yêu thương tôi một cách vô điều kiện sẽ ra đi mãi mãi.

Kể từ lúc đó cuộc sống của tôi không bao giờ còn được như trước, khi sự gấp gáp, tham vọng đè nặng lên vai và nhận thức rằng cuộc đời là hữu hạn và phải tiếp tục sống với nhận thức đó. Nỗi nhớ mẹ chưa bao giờ nguôi ngoai trong trái tim tôi.

Trong lúc niềm vui và sự tán dương của mọi người trong đêm bầu cử bủa vây lấy tôi như một cơn sóng triều phấn khích, bất chấp tất cả những điều mà tôi phải nghĩ và làm trong thời khắc quan trọng đó để thực hiện tham vọng của mình, tôi vẫn nghĩ đến mẹ và biết rằng bà sẽ tự hào vô cùng về tôi, cũng như tôi biết tình yêu bà dành cho tôi không bao giờ thay đổi. Rồi mọi việc cũng hoàn thành, tất nhiên là phải đối mặt với thực tế sau những vui mừng ngắn ngủi trong ngày 1 tháng Năm năm 1997.

Lúc đó, tôi thấy cha đang ở Trimdon, nhìn tôi hạnh phúc vì những hy vọng của ông đã được tôi hoàn thành. Khi ánh mắt chúng tôi găp nhau, tôi cũng nhận ra rằng hai cha con đang có cùng một suy nghĩ: đáng lẽ mẹ phải ở đây lúc này.

Tôi hướng suy nghĩ của mình về công việc hiện tại. Có rất nhiều người ở đây. Câu lạc bộ Công Đảng tại Trimdon tràn ngập niềm vui. Chúng tôi có một chiếc máy bay đậu tại sân bay Teesside, kết quả bầu cử được gửi đến Alastair khi chúng tôi lên máy bay. Có cả những thành viên cấp cao trong Nội các Đảng Bảo thủ mất ghế, như Quốc vụ khanh Quốc phòng Micheal Portillo và Quốc vụ khanh Đối ngoại Malcolm Rifkind. Thực là một cơn địa chấn trên chính trường. Tôi ngồi cùng Cherie, tập hợp ý tưởng cho bài phát biểu tại Hội trường Festival, cô ấy biết tôi đang nghĩ gì và như mọi lần, nói với tôi theo cách không ai có thể làm, rằng cô ấy biết sẽ có nhiều khó khăn ở phía trước, chính trị đều bắt đầu như vậy nhưng lại có kết thúc không giống nhau, cô ấy cho rằng đây là một vinh dự lớn, chúng tôi sẽ cùng nhau cống hiến cho đảng với sự chân thành của mình.

Một sự cố nực cười đã xảy ra, chúng tôi bị lạc đường đến Hội trường Festival trong khi liên tục được giới thiệu trước đám đông đang chờ đợi bằng bài hát của chiến dịch tranh cử “Things Can Only Get Better” (tạm dịch: Mọi chuyện chỉ có thể tốt hơn), nhưng cũng giống như Von Trapps, đám đông vẫn chẳng thấy chúng tôi xuất hiện trên sân khấu. Cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi. Tinh thần của tôi đã hoàn toàn bình lặng. Đây là một chiến thắng vĩ đại, vì thế tôi càng phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, không thể để bất kỳ việc gì gây ra những rối rắm trong đảng dù chỉ một giây. Phải hành xử xứng đáng với cương vị Thủ tướng, chứ không phải một cầu thủ vừa ghi bàn thắng trên sân vận động Wembley.

Nhưng việc đó không dễ dàng chút nào, thật khó chịu khi phải là người duy nhất tỉnh táo trong một cuộc vui như thế này, trong khi những người khác được chúc tụng, quát tháo, khóc rồi cười, còn bạn không được đụng đến một giọt rượu nào, mỉm cười và nói “Vâng, xin cảm ơn, đây là một thời khắc đặc biệt”. Máy quay chĩa vào bạn mọi lúc, những tay săn ảnh bấm máy liên tục, các nhà báo ghi ghi chép chép. Bạn cười, nhưng không được hòa vào khí thế chung, bạn ôm, nhưng với những cái vỗ nhẹ sau lưng, bạn cảm ơn, nhưng với một thứ tình cảm chừng mực. Có những gương mặt thân quen trong chiến dịch tranh cử, những người bạn lâu năm và có cả những người tôi chưa từng gặp trước đó. Với họ, mỗi lời chúc mừng là một khoảnh khắc để tận hưởng, còn với tôi, là khoảnh khắc phải làm nhiệm vụ.

Tôi gặp Neil Kinnock, lãnh đạo Công Đảng, người đã dạy tôi rất nhiều, gửi lời chúc mừng tới tôi rất chân thành và nồng ấm. Nhưng ngay cả khi trao đổi với ông, tôi vẫn nhận ra ánh nhìn lo âu của Alastair dõi theo tôi lên trên bục, trong khi mọi người thư giãn ở dưới, chúng tôi vẫn phải bước trên sân khấu để làm vừa lòng người nghe.

Như khi còn lãnh đạo phe đối lập, bạn phải gánh một trách nhiệm lớn lao, đó là nhiệm vụ vận động cho vị trí cao nhất của quốc gia. Bạn là người cầm trịch cho quan điểm chính trị của mình, cho đảng và cho niềm tin bạn đang nắm giữ. Những ai đã từng chạy đua tranh cử đều biết rằng đó là một công việc phức tạp đến nhường nào. Có hàng triệu ý kiến về tổ chức, truyền thông, nhân sự và chính sách phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Nếu bạn làm tốt, điều đó khẳng định sự chuẩn bị tốt và là dấu hiệu thực sự của khả năng lãnh đạo của bạn. Nhưng ngay cả khi bạn làm tốt chiến dịch tranh cử và chiến thắng thì điều đó cũng không thể hiện năng lực của bạn trong cương vị lãnh đạo tiếp theo. Bắt đầu từ thời điểm trọng trách Thủ tướng được đặt lên đôi vai, bạn mới hiểu rằng quy mô, tầm quan trọng và sự phức tạp của vị trí lãnh đạo này hoàn toàn khác so với những gì bạn tưởng tượng trước đó. Không giống như những vị trí lãnh đạo khác, bạn phải sống theo một cách hoàn toàn mới. Bạn có thêm nhiều sự hỗ trợ cho công việc, bạn có cả một đội ngũ dưới quyền hùng hậu. Vâng, bạn là lãnh đạo, nhưng với sự cộng tác chặt chẽ của đội ngũ của bạn, các mối quan hệ tin cậy của bạn được sàng lọc dựa vào sự trải nghiệm, giao tiếp của bạn được kiểm soát bằng giác quan thứ sáu của chính mình, bạn nhận thấy đội ngũ này như một gia đình, hay như một nhóm những kẻ có cùng âm mưu.

Khi bước lên bục, tôi cố gắng hướng tâm trí và nhiệt huyết của mình vào lời phát biểu, cuối cùng, tôi đã nhận ra nguồn gốc của nỗi sợ hãi lớn dần trong tôi ngày hôm đó: Tôi cô đơn. Không còn đội ngũ thân quen, không còn những cảm xúc được sẻ chia giữa những người bạn. Họ là họ và tôi là tôi. Ở chừng mực đó, họ không thể ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi và tôi cũng vậy, chẳng thể ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Tôi đứng trên bục và lướt nhìn qua đám đông phía dưới. Mọi người chen chúc trên cầu Waterloo, nêm chặt không chỉ bên ngoài Hội trường Festival mà còn xung quanh bờ sông Thames, tung hô, biểu đạt niềm vui, cảm xúc đang dạt dào trong họ. Ngay lúc đó và cả ngày hôm đó tôi đều cảm thấy nôn nóng, tôi nóng lòng mong tiệc liên hoan kết thúc và trở lại với công việc, để bắt đầu cương vị của một người đứng đầu Chính phủ. Thế nhưng, tôi vẫn thể hiện diện mạo và tinh thần tốt nhất của mình.

Khi tôi bắt đầu bài phát biểu, mặt trời cũng bắt đầu nhô lên và bình minh đến mang theo những tia nắng đủ màu sắc tuyệt đẹp, báo hiệu một ngày mới tốt lành. Tôi không thể cưỡng được, mặc dù hối hận ngay sau khi nói: “Một buổi bình minh đẹp đã bị phá hỏng, phải không các vị?”. Câu nói đó của tôi nhanh chóng kéo những con người đang lơ lửng trên mây xanh xuống mặt đất để nhấn mạnh rằng đảng trúng cử là Công Đảng mới và Chính phủ sẽ điều hành đất nước theo đường lối của Công Đảng mới. Có lẽ những điều tôi nói chẳng có nghĩa lý gì, nhưng tôi bắt đầu bị ám ảnh rằng nhân dân có thể sẽ lo sợ vì đã trao trọng trách cho chúng tôi và tin rằng chúng tôi sẽ quay trở lại là một Công Đảng già nua, chứ không phải một Công Đảng mới mà chúng tôi đã hứa hẹn. Tôi kiếm tìm những điều kiêu hãnh, ngạo mạn để giúp mình tĩnh tâm, tỉnh táo, tuy nhiên, sự lo lắng vẫn nhanh chóng quay lại ám ảnh chúng tôi.

Cuối cùng, tôi và Cherie về nhà tại Islington, bắc London vào lúc 7 giờ sáng, lúc đó, căn nhà đang có rất đông người vây quanh, chúng tôi dự định sẽ chợp mắt một chút trước khi đến cung điện gặp Nữ Hoàng và bắt đầu điều hành Chính phủ. Cảm giác khác lạ như thể chúng tôi quay trở về ngôi nhà mình đã gắn bó lâu năm, ngủ lại một hoặc hai đêm nữa, trước khi rời đi mãi mãi.

Giấc ngủ ngắn khiến tôi tỉnh táo hơn hẳn. Cuộc bầu cử đã có kết quả cuối cùng. Với 179 ghế áp đảo, nhiều hơn tất cả các đảng phái khác cộng lại, chúng tôi đã tạo ra một điều sửng sốt và vĩ đại nhất trong lịch sử Anh. Những ghế chưa bao giờ giành được trước đây, như tại Hove, cũng rơi vào tay chúng tôi. Một vài ghế quay trở lại lần đầu tiên kể từ thắng lợi lớn của Attlee năm 1945. Những nơi chúng tôi đinh ninh rằng thuộc về đội quân xanh và khó có thể thay đổi được thì đã thuộc về quân màu đỏ: Hastings, Crawley, Worcester, Basildon và Harrow. Còn lại những vùng đã thuộc quân đỏ thì vẫn như vậy trong cả hai kỳ bầu cử tiếp theo.

Không lâu sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc vào đêm trước và khi những lá phiếu cuối cùng đã chỉ ra người chiến thắng, John Major gọi cho tôi thừa nhận thất bại. Ông đã rất lịch thiệp, nhưng để làm điều đó với ông chắc hẳn cũng không hề dễ dàng gì. Ông có sức mạnh, nhưng đã bị tôi đánh bại vì những điểm yếu cá nhân của chính mình.

Có một điều kỳ lạ trong chính trị là các vị lãnh đạo cũng như các đảng phái có thể cảm thấy bị xúc phạm khi bị phe đối lập công kích và họ thường cho rằng sự công kích đó không “đẹp” (tôi dám nói rằng tôi cũng đã phải chịu đựng cảm giác này, mặc dù tôi luôn đấu tranh chống lại nó), nhưng họ lại hoàn toàn quên tịt điều đó khi tấn công đối thủ. Khi ngẫm lại cách chúng tôi cư xử với tư cách là phe đối lập, tôi vẫn lấy làm ngạc nhiên về sự chuyên nghiệp của chính mình, mặc dù cũng vẫn có một vài chiến thuật mang tính cơ hội và dễ dãi. Hơn nữa, những sự công kích này đã để lại những mầm mống có thể dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng mà chúng tôi không thể đoán trước được.

Những chỉ trích của tôi đối với cựu Thủ tướng Anh, John Major, luôn là những chỉ trích liên quan đến chính trị, chẳng hạn như ông ta là một nhà lãnh đạo kém năng lực và chia rẽ đảng phái. Thế nhưng, những lời chỉ trích của Đảng Bảo thủ đối với tôi thì luôn liên quan đến các khía cạnh cá nhân và đời tư, chẳng hạn tôi là một kẻ dối trá, lừa đảo và gian lận. Vì vậy, thật khó khăn cho Major khi gọi điện cho tôi, nhưng ông ta đã làm vậy và ngày hôm sau, tôi đã có những phát biểu tỏ lòng hết sức ngưỡng mộ ông (tôi không biết việc đó có xát thêm muối vào vết thương lòng của ông hay không).

Tôi nhận được một cuộc điện thoại khác từ Bill Clinton. Cảm giác thật dễ chịu do cách ông ấy nói chuyện nồng ấm và vui vẻ, nhằm lôi kéo đồng minh. Nhưng tôi cũng cần phải nói thêm rằng, ông ấy luôn biết được suy nghĩ của tôi và biết những cạm bẫy đang chờ tôi phía trước. Ông ấy nhẹ nhàng và thẳng thắn nhắc nhở tôi về những biến động có thể xảy ra.

Quãng đường từ Richmon Crescent tại Islington đến cung điện Buckingham thực sự khác ngày thường. Người dân đổ xô ra đường phố, nêm chật ních các con phố, vẫy tay và chào đón tân Thủ tướng. Máy bay trực thăng lượn lờ phía trên để ghi hình trực tiếp khoảnh khắc đó và vì thế mọi người biết chúng tôi đang di chuyển đến đâu và đổ ra đường để chào đón. Dường như cả đất nước đang trong ngày đại lễ. Một sự đoàn kết đáng kinh ngạc trong thời khắc chính trị thay đổi. Người ta bầu cử vì rất nhiều lý do. Tuy nhiên, lại có một số người chỉ luôn bầu cho một đảng phái dù bất kể lý do gì (Tôi đã từng bỏ phiếu cho Công Đảng vào năm 1983. Và mặc dù tôi là một ứng cử viên của Công Đảng, nhưng tôi không nghĩ chiến thắng của đảng này là điều tốt nhất cho đất nước). Nhiều người bỏ phiếu vì lòng trung thành với một đảng phái nào đó hay theo truyền thống từ trước đến giờ họ vẫn luôn làm như thế. Khi kết quả bầu cử được công bố, điều thực sự tốt cho một quốc gia cần có sự thay đổi và lúc đó ngay cả những người bỏ phiếu chống lại bạn cũng vẫn tham gia vào lễ chào mừng sự kiện chính trị trọng đại đó như thể họ có hai lá phiếu vậy: một lá phiếu họ bỏ trong hòm, còn lá phiếu kia, họ tự ấn định trong suy nghĩ của mình.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button