Hồi ký - danh nhân

Tổng Thống Mỹ – Những Bài Diễn Văn Nổi Tiếng

tong-thong-my-ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK TỔNG THỐNG MỸ – NHỮNG BÀI DIỄN VĂN NỔI TIẾNG

Tác giả : Đang cập nhật

Download sách Tổng Thống Mỹ – Những Bài Diễn Văn Nổi Tiếng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH HỒI KÝ – DANH NHÂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời nói đầu

Nhà sử học nổi tiếng người Anh, Ngài John Robert Seeley đã nêu ra một quan điểm kinh điển về vấn đề nghiên cứu lịch sử: “Lịch sử là những gì nền chính trị đã trải qua, và chính trị là lịch sử đương đại”. Theo ông, lịch sử chính là sự tiếp nối những hành động của các nhà chính trị, trong đó nổi bật là vị trí nguyên thủ của những quốc gia lớn. Những diễn ngôn và quyết sách của họ không chỉ có ảnh hưởng đến các chính sách của quốc gia đó trong một nhiệm kỳ hay một khoảng thời gian nhất định mà còn tác động sâu sắc tới chiến lược phát triển, quan hệ đối ngoại cũng như hàng loạt vấn đề mà cả thế giới đang quan tâm.

Nước Mỹ, quốc gia mang tầm vóc vĩ đại ngay từ khi được khai sinh, trong thế kỷ XXI này vẫn đang giữ vững vị thế dẫn đầu của nó trên trường quốc tế. Và, Tổng thống Mỹ – người lãnh đạo của đất nước này cũng luôn luôn là nhân vật được thế giới quan tâm đặc biệt.

Những bài diễn văn của các Tổng thống Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn, không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Trước đây, những bài diễn văn nhắm tới thính giả là những người có mặt trong một buổi lễ cụ thể. Về sau, cùng với đà phát triển của phương tiện truyền thông đại chúng và sự vận động của hình thái chính trị Hoa Kỳ, những bài diễn văn này đã được coi như một dạng tuyên ngôn chính trị của nguyên thủ quốc gia tới tất cả các công dân Mỹ và người dân ở các nước khác trên toàn thế giới.

Có thể nói, lịch sử chính trị Hoa Kỳ đã được tái hiện một cách đầy đủ và sinh động thông qua những bài diễn văn của các đời Tổng thống. Mỗi Tổng thống Mỹ là một nhân cách chính trị độc đáo, và mỗi nhiệm kỳ Tổng thống lại mang một diện mạo đặc biệt được thể hiện qua văn phong, ý tưởng và tính thuyết phục trong mỗi bài diễn văn.

***

Với mong muốn mang đến cho độc giả thêm những thông tin về tầm vóc Mỹ, Công ty cổ phần sách Alpha Books đã tuyển chọn và chuyển ngữ các bài diễn văn, được đánh giá là xuất sắc nhất trong lịch sử nước Mỹ và truyền tải một cách đầy đủ nhất thông điệp cùng những ảnh hưởng mà các bài diễn văn đó mang lại cho nhân loại, trong tập sách bạn đang cầm trên tay.

Chúng tôi tin tưởng rằng cuốn sách này sẽ truyền cảm hứng và thúc đẩy bạn thêm yêu mến vẻ đẹp lấp lánh của lối văn phong hùng biện: trang nhã trong phong cách, súc tích và chuẩn xác trong ngôn từ, hợp lý và gây xúc cảm trong từng luận cứ.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

ĐỌC THỬ

PHẦN I LẬP QUỐC VÀ GIỮ GÌN

Trên núi Rushmore ở tiểu bang South Dakota của nước Mỹ, 100 năm qua vẫn sừng sững tượng cao 18 mét của 4 Tổng thống Mỹ tạc vào đá núi: George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln. Ước tính có khoảng 2 triệu du khách đến thăm di sản này mỗi năm. Đến đó, họ ngắm chân dung của 4 vị tổng thống kiệt xuất của nước Mỹ và xem bản Tuyên ngôn Độc lập cùng bản Hiến pháp. Đến đó, họ hiểu thêm về những tiền nhân đã khai quốc, mở mang bờ cõi và bảo vệ nền cộng hòa ra sao.

Nền cộng hòa đó ra đời trong tiếng súng, khi vùng đất mới của những thuộc địa riêng lẻ vì muốn liên kết chống thực dân Anh đã hợp lại. Trong khi người dân còn nhọc nhằn bên những luống cày cống nạp cho thực dân thì những người liên bang đã ngồi lại với nhau, lập ra những thể chế đầu tiên. Lịch sử nước Mỹ ghi ngày 7-6-1776, một đại biểu thuộc địa Virginia, ông Richard Henry Lee, trình bày trước Hội nghị Đại lục tại Philadelphia (tiểu bang Pennsylvania) rằng liên minh các thuộc địa “có quyền là những tiểu bang tự do, đọc lập”. Đáp lại đề nghị này, Hội nghị Đại lục đã lập ra ủy ban khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập chuẩn bị tài liệu để nước Mỹ tuyên bố độc lập, bao gồm những con người ái quốc mà sau này trở thành những vị cha già của đất nước: Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, George Washington, Benjamin Franklin, John Adams… Thomas Jefferson là ủy viên của ủy ban đã chắp bút lo viết dự thảo đầu tiên.

Ngày 4-7-1776, bản Tuyên ngôn Độc lập được chuẩn y, không chỉ tuyên bố sự ra đời của một quốc gia mới với 13 tiểu bang, mà còn đưa ra một triết lý mới về sự tự do của con người mà sau này trở thành động lực cho toàn thế giới: “Chúng tôi xem những chân lý sau như hoàn toàn hiển nhiên, rằng mọi con người đều được sinh ra bình đẳng, rằng họ được Đấng sáng tạo ban cho những quyền không thể chuyển nhượng, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Những người ký tên vào Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 dù có bộ óc nhìn xa đến đâu cũng không thể mường tượng được rằng con cháu họ sau này có những bước đi thật dài để kiến tạo đất nước chỉ với 9 ngàn dặm vuông và 3 triệu dân lúc họ thành lập trở thành một cường quốc chỉ một thế kỷ sau đó.

Tuyên ngôn Độc lập được cả nước đón chào bằng lửa mừng, rượu mừng, pháo hoa và chuông nhà thờ. Nhưng sau khi người Mỹ tuyên bố độc lập, quân đội Anh mở cuộc tấn công lớn hòng dẹp tan quân cách mạng, quân đội do George Washington lãnh đạo đã thất bại liên tục và rút về phía Bắc. Nathan Hale, một cựu giáo sư ở Connecticut, khi bị quân Anh xử, đứng trước giá treo cổ đã tuyên bố một câu sau này hậu thế còn ghi: “Nếu tôi có được một vạn lần sinh mệnh thì tôi cũng sẽ hiến dâng toàn bộ số sinh mệnh đó để chiến đấu bảo vệ quốc gia đang chịu quá nhiều đau khổ của tôi.” Tinh thần ấy đã cổ vũ những người cách mạng tiến tới để bảo vệ nền độc lập non trẻ cho đến năm 1783, Mỹ và Anh ký kết hòa ước tại Paris với việc Anh thừa nhận nền độc lập của Mỹ. Cuộc chiến tranh của cách mạnh Mỹ thành công, người Mỹ giành được độc lập, Hợp chúng quốc gia đời trong hoàn cảnh xã hội suy kiệt, đi đâu cũng thấy vết thương chiến tranh.

Để bảo vệ nền cộng hòa non trẻ, luật pháp phải ra đời. Cho đến nay, Mỹ vẫn được thế giới nhìn về như một đất nước có hệ thống pháp luật đầy đủ nhất và hoàn hảo nhất. Điều này được khởi đầu ngay từ khi nước Mỹ mới giành độc lập, viết ra bộ luật đầu tiên của đất nước. Ngày 14- 5-1787, Hội nghị lập hiến diễn ra ở Philadelphia với sự góp mặt của 55 nhân vật, trong đó James Madison đóng vai trò chính, cùng nhau tạo ra bản Hiến pháp của nước Mỹ. Đến ngày 17-9-1787, sau 16 tuần tranh luận, Hiến pháp được 39 trong 42 đại biểu tham dự ký kết. Từ những buổi bình minh đầu tiên đó của quốc gia, những người lập quốc bên cạnh việc định ra khái niệm tự do và bình đẳng còn xác định nhiều quy tắc bảo vệ cho quyền của mỗi cá nhân. Đầu năm 1789, cuộc bầu cử toàn nước Mỹ được tổ chức lần đầu tiên dưới bản Hiến pháp. Cử tri đã bỏ phiếu nhất trí bầu George Washington làm tổng thống và John Adams làm phó tổng thống. Washington tuyên thệ nhậm chức vào ngày 30-4- 1789 tại thủ đô lúc bấy giờ là New York. Hơn 220 năm sau, khi nhậm chức tổng thống, các tổng thống Mỹ đều lập lại câu thề mà Washington đã tuyên thệ ngày đó, sau này được ghi vào Hiến pháp, rằng sẽ thực thi các nhiệm vụ của tổng thống một cách trung tín và bằng hết sức của mình để “duy trì, bảo vệ và gìn giữ Hiến pháp nước Mỹ”.

Ngày ấy, những lãnh đạo của nước Mỹ dáng nhỏ bé, đi lại bằng ngựa hoặc xe, nói với dân qua truyền miệng hoặc loa, nhưng trách nhiệm của họ thì thật nặng nề: bảo vệ chính quyền non trẻ và xây dựng đất nước với ý thức rõ rằng hậu duệ muôn đời sau sẽ đánh giá những bước đi đầu tiên này. Đến năm 1796, Washington quyết định rằng hai nhiệm kỳ là đủ, ông nghỉ hưu năm 1797. Gần ba năm sau, Washington giã từ cuộc đời vào ngày 13-12-1799. Lên thay Washington, John Adams đã làm một việc quan trọng để đời trong lịch sử: dời thủ đô nước Mỹ từ Philadelphia đến một thành phố mới được xây dựng nằm bên bờ sông Potomac tại đặc khu Columbia (District of Columbia) vào năm 1800. Thành phố mới này được đặt tên là Washington để kỷ niệm người cha già đầu tiên của nước Mỹ. Để tránh sự nhầm lẫn với tiểu bang Washington ở miền Tây, thủ đô Washington được thêm hai chữ D.C. phía sau. Và để nhớ rằng Pennsylvania từng là vùng đất kinh đô, Adams đã cho đặt tên đại lộ trung tâm ở thủ đô là Pennsylvania mà ngày nay vẫn là con đường mà mỗi tổng thống phải đi qua trong thủ tục tuyên thệ nhậm chức.

Vị tổng thống thứ ba và cũng là người khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập – Thomas Jefferson – là người kế thừa và tiếp tục phát huy di sản của Washington nhiều nhất để gìn giữ nền độc lập có được bằng xương máu của binh sĩ. Trong diễn văn nhậm chức năm 1800, Jefferson đã hứa hẹn một chính quyền “khôn ngoan và cần kiệm”. Chỉ sự hiện diện của Jefferson trong Nhà Trắng thôi cũng đủ khuyến khích tiến trình dân chủ. Ông huấn luyện nhân viên phải tự xem mình là người được nhân dân ủy nhiệm. Ông khẳng định “Tất cả chúng ta đều là người Cộng hòa, tất cả chúng ta đều là người Liên bang”, và rằng cần phải bảo vệ sức mạnh Hiến pháp bởi đó là “sợi dây neo” gìn giữ hòa bình trong nước và sự an toàn ở nước ngoài. Trong một lá thư, Thomas Jefferson nhấn mạnh một câu về sau được khắc trên tượng đài của ông: “Tôi đã thề trước bàn thờ Chúa lời thề sẽ mãi mãi căm thù với bất cứ hình thức nào chà đạp lên sự bình đẳng của con người.” Một trong những hành động của Jefferson được ghi dấu ấn vào lịch sử Mỹ là đã làm tăng gấp đôi diện tích đất nước. Với 15 triệu USD, Mỹ có được thỏa thuận mua Louisiana vào năm 1803. Lãnh thổ này rộng hơn 2,6 triệu km2, có cả cảng Orleans.

James Madison – “cha đẻ của Hiến pháp” – kế nhiệm Jefferson. Những người sau cứ lót tiếp những viên gạch mà người trước đã nung đúc cho nền cộng hòa. Trong khi chính quyền mới ra đời với việc thiết lập các cơ quan liên quan, nước Mỹ không ngừng mở rộng diện tích và dòng người di dân từ châu Âu không ngừng cập bến nước Mỹ. Điều kiện sống ở dọc suốt bờ biển Đại Tây Dương đã kích thích cuộc di dân đến những vùng đất mới. Từ New England, nơi đất đai không thể cho sản lượng lương thực cao, người dân đã rời những ngôi làng và nông trại ven biển để đi vào vùng nội địa màu mỡ. Cho đến năm 1800, vùng thung lũng sông Ohio và Mississippi đã trở thành một vùng biên giới rộng lớn. “Hi-o, chúng ta đi nào, trôi theo dòng Ohio” đã trở thành bài hát của hàng ngàn người đi tìm vùng đất mới ngày ấy. Từ năm 1816 đến 1821, 6 tiểu bang mới được thành lập: Indiana, Illinois và Maine (những bang tự do) và Mississippin, Alabama và Missouri (những bang nô lệ). Năm 1819, đánh đổi bằng 5 triệu USD, nước Mỹ đã thu được cả vùng Florida từ Tây Ban Nha và quyền hạn của Tây Ban Nha đối với xứ Oregon miền Viễn Tây. Trong lúc ấy, miền Tây đã trở thành khu vực buôn bán lông thú rất sôi động. Dân số đất nước tăng từ 7,2 triệu đến hơn 23 triệu từ năm 1812 đến 1852 và đất đai có thể định cứ tăng lên gần bằng diện tích châu Âu: từ 4,4 triệu lên 7,8 triệu km2. Cuộc Tây tiến này cũng đưa dân định cư vào những xung đột với các cư dân sống lâu đời ở đó: người da đỏ.

Bận bịu dựng xây đất nước, người Mỹ vẫn không quên tiền nhân. Năm 1848, một tháp đá cẩm thạch cao 169,2 mét, nặng 90.854 tấn được khởi công xây dựng và sau đó hoàn thành vào năm 1884, đài tưởng niệm không chỉ để nhớ mãi tổng thống đầu tiên của nước Mỹ George Washington mà còn là một trong những biểu tượng của thủ đô nước Mỹ cho đến ngày hôm nay. Cho đến năm 1850, nước Mỹ với 31 tiểu bang đã là nơi cư ngụ của 23 triệu dân. Miền đông công nghiệp bùng phát, miền trung tây và miền nam nông nghiệp phồn vinh. Sau năm 1849, các mỏ vàng ở California rót một suối vàng vào các kênh thương mại. Đối với dân miền nam năm 1850, họ không cảm thấy có trách nhiệm với chế độ nô lệ. Ở một số vùng duyên hải chế độ nô lệ đến năm 1850 đã có hơn 200 tuổi, đó là một phần quan trọng của nền kinh tế tại đây. Phong trào bãi nô nổi lên đầu những năm 1930. Riêng ở Ohio, người ta ước tính từ năm 1830 đến 1860 có hơn 40.000 nô lệ đã bỏ trốn. Số tổ chức bài nô đã tăng nhanh đến độ vào năm 1840 có khoảng 2.000 tổ chức với tổng số hội viên là 200.000 người. Từ lãnh thổ của Mexico, Texas trở thành tiểu bang thứ 28 của Mỹ vào năm 1845. Sau đó, Mexico tiếp tục nhượng lại cho Mỹ vùng Tây Nam và California với giá 15 triệu USD.

Về mặt xã hội, những năm 1850 là một thập niên đầy bất hòa về việc chiếm hữu nô lệ, đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định tạo dựng nên nước Mỹ trong quá khứ và lãnh đạo đất nước phải đối đầu khi tính chuyện tương lai. Năm 1852, Harriet Beecher Stowe xuất bản cuốn Uncle Tom’s Cabin (Túp lều của chú Tom), một cuốn tiểu thuyết phản ứng trước việc thông qua đạo luật nô lệ bỏ trốn, miêu tả sự tàn bạo của chế độ nô lệ. Hơn 300.000 bản đã được bán hết trong năm đầu tiên. Thời thế tạo anh hùng, giữa không khí sục sôi ngày đó, một cái tên vì dân xuất hiện và được lịch sử Mỹ ghi nhớ về sau: Abraham Lincoln. Lincoln từ lâu đã coi chế độ chiếm hữu nô lệ là một điều tàn ác. Trong một bài diễn văn đọc ở Illinois năm 1854, ông tuyên bố rằng mọi pháp chế của đất nước phải nằm trong nguyên tắc là chế độ nô lệ phải bị hạn chế và cuối cùng sẽ bị hủy bỏ. Bài diễn văn khiến ông được miền Tây đang lớn mạnh ủng hộ nhiệt liệt. Năm 1858, Lincoln ra tranh cử giành ghế thượng nghị sĩ Illinois, ông nhấn mạnh trong bài diễn văn phát động chiến dịch tranh cử về mục tiêu của nước Mỹ: “Một gia đình chia rẽ không thể nào tồn tại. Tôi tin chính quyền này không thể chịu đựng mãi mãi tình trạng nửa nô lệ nửa tự do. Tôi không mong đợi liên bang bị tan rã. Tôi không mong muốn ngôi nhà sụp đổ mà tôi mong đợi nó không còn bị chia rẽ.”

Nhiệm kỳ Tổng thống sau đó của Abraham Lincoln là nhưng năm của ly khai, nội chiến và giải quyết chế độ chiếm hữu nô lệ. Trong diễn văn nhậm chức ngày 4-3-1861, Abraham Lincoln từ chối công nhận việc ly khai, gọi việc này là “vô hiệu về mặt pháp lý”. Nội chiến huynh đệ Nam – Bắc tương tàn tiếp tục xảy ra. Một trận đánh được lịch sử Mỹ khắc ghi trong nội chiến là trận đánh dữ dội kéo dài 3 ngày tại Gettysburg với số người chết hơn 3.000 quân Liên bang và hơn 4.000 quân Liên minh chết, số bị thương và mất tích lên đến 20.000 lính mỗi bên. Ngày 19-11- 1863, khánh thành nghĩa trang quốc gia mới tại Gettysburg, Lincoln có bài diễn văn 272 từ mà sau này được đánh giá là bài diễn văn nổi tiếng nhất của các tổng thống Mỹ. Việc xây dựng nghĩa trang cho binh sĩ của cả hai chiến tuyến cũng như những câu từ trong bài diễn văn có tác động to lớn đến việc hòa giải và hàn gắn quốc gia, với một cụm từ bất hủ: chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Cuộc nội chiến kéo dài đến năm 1865, khi quân đội miền Nam đầu hàng thì mới kết thúc. Lúc này, tái thiết là nhiệm vụ hàng đầu, như quyết tâm của Abraham Lincoln trong diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai năm 1864: “Chúng ta hãy nỗ lực để hoàn thành công việc đang dang dở, băng bó các vết thương trên đất nước.” Kết thúc cuộc nội chiến cũng là lúc nước Mỹ mở ra thời kỳ tái thiết và thống nhất hai miền Nam Bắc với “những vết thương” đầy mình. Thời kỳ tái thiết kéo dài từ năm 1863 đến 1877, thêm một gánh nặng mới đặt lên đôi vai vốn đã gầy guộc của Lincoln.

Ngày 1-1-1863, Abraham Lincoln ký một văn kiện quan trọng mà ông đã mơ ước từ lâu: Tuyên bố trả tự do cho người nô lệ, còn gọi là Tuyên bố giải phóng nô lệ. Đối tượng của bản tuyên bố này là hơn 3 triệu người nô lệ, được tuyên bố “kể từ nay được tự do”. Điều đáng tiếc là chưa tận hưởng được cái giá của nền tự do do chính người nô lệ mong mỏi và tạo lập, ngày 14-4, ông bị một người Virginia cay đắng trước thất bại của miền Nam ám sát và mất một ngày sau đó. Nhà thơ James Russell Lowell viết: “Chưa từng có lời thương tiếc nào đầy sức thuyết phục như cái nhìn lặng lẽ đồng tình mà những người lạ trao nhau khi họ gặp nhau ngày hôm đó. Nhân loại chung của họ đã mất đi một người thân thiết.”

Thế kỷ đầu tiên của nước Mỹ đi qua với 4 cái tên đã được khắc nhớ nhất trong lịch sử Mỹ: George Washington, Thomas Jefferson, James Madison và Abraham Lincoln. Nền dân chủ, giá trị Mỹ mà họ tạo ra, với người Mỹ, không chỉ có giá trị trăm năm.

George Washington

22/02/1732 – 14/12/1799

George Washington là nhà lãnh đạo chính trị và quân sự có ảnh hưởng lớn đối với lịch sử Hoa Kỳ từ năm 1775 đến năm 1799. Ông đã lãnh đạo đất nước chiến thắng Vương quốc Anh trong cuộc Cách mạng Mỹ với tư cách là Tổng Tư lệnh Lục quân Lục địa (năm 1775–1783), giám sát quá trình xây dựng Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787. Với tư cách là người được Quốc hội nhất trí chọn lựa làm Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ (1789–1797), ông đã kiến tạo nên hình dáng và lễ nghi cho mô hình chính phủ được sử dụng cho đến nay, ví dụ như hệ thống nội các và buổi lễ đọc diễn văn nhậm chức của tân Tổng thống. Với tư cách là Tổng thống, ông đã xây dựng một chính phủ mạnh mẽ và giàu có về tài chính, đưa đất nước tránh được chiến tranh, dập tắt các cuộc nổi loạn và chiếm được sự đồng thuận của người dân. Ông được coi như vị Cha già của dân tộc Mỹ.

Washington sinh trưởng trong tầng lớp quý tộc nhỏ thuộc bang Virginia. Là một nhà lãnh đạo bẩm sinh, mạnh mẽ, can đảm và dũng cảm trong chiến đấu, Washington nhanh chóng trở thành một sĩ quan cao cấp của các lực lượng thuộc địa, từ 1754 đến 1758, trong suốt những giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh chống người da đỏ bản địa và người Pháp (French and Indian War). Với những tố chất thiên tài trong nghệ thuật quân sự cùng kinh nghiệm chỉ huy địa phương quân tại Virginia, ông trở thành tổng tư lệnh Lục quân Lục địa chỉ huy quân đội. Dưới sự lãnh đạo của Washington, các lực lượng cách mạng đánh bại hai binh đoàn chính của Anh tại Saratoga năm 1777 và Yorktown năm 1781.

Washington trở thành Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ vào năm 1789. Washington có tư tưởng về một quốc gia hùng mạnh và vĩ đại, được xây dựng trên những nền tảng của nền cộng hòa, sử dụng sức mạnh của liên bang. Ông sử dụng chính phủ cộng hòa để cải thiện hạ tầng cơ sở, mở rộng lãnh thổ phía tây, lập ra một trường đại học quốc gia, khuyến khích thương mại, tìm nơi xây dựng lên một thành phố thủ đô (sau này được gọi là Washington, D.C.), giảm thiểu những sự căng thẳng giữa các vùng và vinh danh tinh thần chủ nghĩa quốc gia. Washington đã trở thành một hình tượng quốc tế đối với phong trào giải phóng dân tộc và chủ nghĩa quốc gia. Hình ảnh của ông được đặc biệt ngưỡng mộ tại Pháp và châu Mỹ Latin. Các học giả lịch sử luôn xếp ông là một trong số những tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ.

Diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên của TỔNG THỐNG George Washington

Ngày 30 tháng 04 năm 1789

Thưa các Thượng Nghị sĩ và Hạ Nghị sĩ,

Trong tất cả những biến cố thăng trầm của cuộc đời, chưa có sự kiện nào khiến tôi băn khoăn và lo lắng hơn việc nhận được thông báo của các ngài vào ngày 14 tháng này. Một mặt, Tổ quốc đã cất tiếng gọi mời, đưa tôi ra khỏi cuộc sống ẩn dật mà tôi đang ẩn nấp an toàn. Tất nhiên, bản thân tôi không bao giờ có thể nghe được tiếng gọi đó của Tổ quốc nếu như không có trong lòng những hy vọng chân thành, niềm xác quyết và mong muốn được quay trở lại với những ngày sống khoáng đạt và có ích hơn. Mặt khác, tầm quan trọng và mức độ khó khăn của trọng trách mà Tổ quốc đặt lên vai tôi chắc chắn là quá đủ để đánh thức trong những công dân hiểu biết và từng trải của đất nước này nỗi nghi ngờ vào phẩm chất, năng lực của một người (như tôi), nhưng cũng không thể lấn át được sự thất vọng của chính tôi khi nhận thức rõ về sự thiếu hụt, kém cỏi của bản thân. Trong cuộc giằng xé nội tâm, tất cả những gì tôi dám quả quyết chính là sự nhìn nhận chính xác về trách nhiệm của bản thân, thông qua quá trình tìm hiểu mọi tình huống có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện trọng trách đó. Tôi cũng hy vọng rằng, trong khi thực hiện nhiệm vụ này, nếu tôi bị tác động quá nhiều bởi những sự kiện đã diễn ra trước đó hoặc bởi sự đa cảm khi tin tưởng tuyệt đối vào đồng bào mình hay cảm giác nản chí trước những nhiệm vụ nặng nề, lỗi lầm đó sẽ được giảm nhẹ nếu xem xét tới những động lực làm tôi lạc lối. Đồng thời, hậu quả của những lỗi lầm đó sẽ được Tổ quốc chúng ta đánh giá với một chút thiên vị vốn đã được hình thành.

“Với lòng yêu nước nồng nàn của mình, tôi xin ngưỡng vọng tới một viễn cảnh về một đất nước tồn tại như một sự kết hợp vững chắc giữa đức hạnh và hạnh phúc; giữa nghĩa vụ và quyền lợi; giữa tinh thần cao thượng và sự chân thành”

Với ấn tượng về những gì mà mình đã có, tuân theo mệnh lệnh của công chúng, để khắc phục những khó khăn hiện tại, tôi nghĩ điều thích hợp nhất trong hành động chính thức đầu tiên của mình là tha thiết khẩn cầu Chúa – Người tạo ra quy luật cho vũ trụ, người điều khiển hội đồng của mọi quốc gia, người có thể giúp con người bù đắp những khiếm khuyết của mình – ban phúc lành cho tự do và hạnh phúc của người Mỹ bằng một chính phủ được thiết lập bởi chính họ vì những mục đích thiết yếu, một chính phủ có thể sử dụng mọi công cụ để đi tới thành công, phân chia nhiệm vụ cho từng chức năng. Tôi cam đoan rằng lòng tôn kính mà các bạn gửi đến Đấng Sáng Tạo tạo ra những lợi ích chung và riêng không ít hơn lòng tôn kính của tôi cũng như không ít hơn của bất kỳ đồng bào nào của chúng ta. Không có ai bị ép buộc phải bày tỏ lòng biết ơn và quý mến đối với Bàn tay Vô hình đã làm được nhiều việc hơn bất cứ người dân Mỹ nào. Những bước xây dựng một quốc gia độc lập của người Mỹ khác xa với các ví dụ điển hình về những cơ quan mà Chúa từng khai mở. Những thay đổi mang tính cách mạng được tiến hành trong hệ thống của chính phủ liên hiệp hiện nay là kết quả của những cuộc đấu tranh thầm lặng và sự ủng hộ của quần chúng, cho nên nó rất khác biệt với hình thức chính phủ được thành lập không dựa vào lòng biết ơn thiêng liêng dành cho Chúa. Xuất phát từ cuộc khủng hoảng hiện tại, tư tưởng đó đã tạo ấn tượng mạnh trong tôi. Tôi tin các ngài sẽ đồng tình với tôi rằng, tân chính phủ tự do sẽ không chịu ảnh hưởng của bất kỳ điều gì và sẽ hoạt động với nhiều triển vọng tốt đẹp.

Trong điều khoản về thành lập hệ thống cơ quan hành pháp, nhiệm vụ của Tổng thống là “khuyến nghị với các ngài những cách thức mà Tổng thống cho là cần thiết và thích hợp”. Tôi sẽ đối mặt với những tình huống cần đến sự giúp đỡ của các ngài trong việc xem xét hoàn cảnh, lục tìm trong hiến chương lập pháp cách thức để xác định quyền lực và các chi tiết khác cần phải chú ý. Trong những trường hợp này, việc cùng nhau xem xét vấn đề sẽ thích hợp hơn nhiều so với việc đưa ra những đánh giá cá nhân. Quá trình đó là sản phẩm của sự cống hiến, phụ thuộc vào tài năng, tính chính trực, lòng yêu nước, tôn vinh những phẩm hạnh đã được tạo ra và kế tục. Một mặt, trong những phẩm hạnh đáng kính đó, tôi chắc chắn rằng, các định kiến địa phương, sự ràng buộc về quyền lợi, cái nhìn riêng biệt hay hận thù đảng phái sẽ làm lệch lạc cái nhìn công bằng và sự thông hiểu, những điều thiết yếu để đảm bảo quyền lợi và lợi ích của các cộng đồng. Mặt khác, những nguyên tắc đạo đức cá nhân thuần túy và bất biến sẽ giúp quá trình thành lập nền tảng cho chính sách quốc gia và một chính phủ tự do diễn ra một cách thành công, phản ánh nguyện vọng của mọi công dân và giành được sự kính trọng của toàn thế giới. Ở phương diện này, với lòng yêu nước nồng nàn của mình, tôi xin ngưỡng vọng tới một viễn cảnh về một đất nước tồn tại như một sự kết hợp vững chắc giữa đức hạnh và hạnh phúc; giữa nghĩa vụ và quyền lợi; giữa tinh thần cao thượng và sự chân thành. Chúng ta hoàn toàn tin rằng nụ cười tốt lành của Chúa sẽ xuất hiện nơi đây, ở một quốc gia coi trọng những quy tắc vĩnh hằng về trật tự và quyền lợi mà chính Người đã ban hành; và chúng ta cũng tin rằng việc gìn giữ ngọn lửa tự do thiêng liêng và vận mệnh của một nền cộng hòa kiểu mẫu cần được đánh giá một cách tường minh, và cuối cùng, cuộc thử nghiệm về chính phủ cộng hòa kiểu mẫu đã được giao vào tay người Mỹ.

Bên cạnh những vấn đề kể trên, tôi vẫn cần các ngài cho ý kiến để quyết định xem liệu có thể vận dụng quyền lực cụ thể theo điều khoản thứ 5 của Hiến pháp tới đâu. Điều này liên quan tới tình hình hiện tại, qua bản chất tự nhiên của các phản kháng có tính hệ thống, hoặc qua mức độ của những tâm trạng bất an đã tạo ra sự phản kháng đó. Thay vì thực hiện những khuyến nghị cụ thể cho vấn đề này, vấn đề mà tôi không thật sự hiểu biết cặn kẽ, tôi sẽ dành sự tin tưởng tuyệt đối vào sự sáng suốt của các ngài trong việc nhận thức rõ và theo đuổi lợi ích chung. Tôi tin chắc các ngài sẽ thận trọng và tránh những thay đổi có thể gây nguy hại đến lợi ích và hiệu quả của một chính phủ liên hiệp, gây ra những hậu quả cho tương lai, làm tổn hại lòng tôn kính đối với những quyền tự do của con người và sự tôn trọng những lợi ích chung của xã hội. Tất cả những lý do trên sẽ tạo ra ảnh hưởng đến cuộc tranh luận của các ngài về thành quả của thế hệ trước để lại cho những thế hệ tiếp nối.

Cùng với những điều đã đề cập ở trên, tôi cũng muốn nhấn mạnh một vấn đề tới các quý ngài, nhất là tới các Hạ Nghị sĩ. Vì liên quan đến bản thân, do đó tôi sẽ nói một cách ngắn gọn nhất. Khi lần đầu tiên được vinh dự nhận lời mời gọi phụng sự cho Tổ quốc, tôi đã suy ngẫm về nhiệm vụ của mình trong cuộc đấu tranh bền bỉ cho tự do, và một tia sáng đã lóe lên trong tâm tưởng rằng tôi sẽ từ chối bất cứ khoản lương bổng nào bằng tiền bạc. Tôi không biết vì sao mình lại có ý nghĩ này; nhưng đến giờ tôi vẫn ấn tượng sâu sắc với ý định đó. Tôi phải từ chối vì với bản thân tôi, khoản thù lao cá nhân không xứng đáng này cũng nằm trong ngân sách hoạt động của ngành hành pháp. Tôi hy vọng rằng trong suốt thời gian cầm quyền của tôi, những dự toán cho hoạt động của tôi phải được giới hạn trong những chi tiêu thực sự mà lợi ích chung yêu cầu.

Chia sẻ với các ngài những cảm nghĩ của bản thân, tôi xin được dừng lời tại đây nhưng không quên gửi đến Chúa nhân từ đã sinh thành ra con người với lời thỉnh cầu thiêng liêng rằng, vì Chúa đã rất sẵn lòng trao cho chúng ta những cơ hội được suy ngẫm trong bình yên tuyệt đối, nên Chúa sẽ sắp đặt cho nước Mỹ một chính phủ kiểu mẫu đảm bảo an toàn cho liên minh của chúng ta và ban cho nhân dân Mỹ cơ hội sống trong hạnh phúc, để ân lành của Chúa được ban phát đều khắp, đồng thời với những suy nghĩ uyên bác và chừng mực, những cách thức phù hợp và hiệu quả quyết định sự thành công của chính phủ này.

Thông điệp Liên bang đầu tiên của Tổng thống George Washington

Ngày 8 tháng 1 năm 1970

Thưa các Thượng Nghị sĩ và Hạ Nghị sĩ,

Tôi rất tự hào được chúc mừng các quý ngài về triển vọng thuận lợi hiện tại của công việc chung. Theo thông tin chính thức, sự tán thành của Bắc Carolina đối với Hiến pháp Hợp Chúng Quốc, cùng với sự tín nhiệm, lòng kính trọng ngày càng tăng đối với đất nước và lợi ích chung sẽ giúp mang tới một chính phủ liên minh vững mạnh và việc chung sống trong hòa thuận, hòa bình và sung túc mà chúng ta được Chúa ban phúc sẽ mở ra những hy vọng, và ở một mức độ lớn hơn, là sự thịnh vượng của quốc gia.

Việc đổi mới cách thức vận hành những cuộc hội đàm về vấn đề chung không chỉ khích lệ tinh thần của những người tham gia, mà kết quả cuối cùng của các phiên họp cũng đã làm hài lòng các cử tri. Mức độ khó khăn và lạ lẫm của công việc này cho phép chúng ta hy vọng. Theo tiến trình của phiên họp, vượt xa sự kỳ vọng của các cử tri, để bảo vệ được những phúc lành mà Chúa đã giao cho chúng ta, chúng ta phải thật sự thận trọng và cân nhắc khi sử dụng lòng yêu nước, sự kiên quyết và trí tuệ của mình.

Trong rất nhiều vấn đề thu hút sự chú ý của các ngài, lĩnh vực an ninh quốc phòng xứng đáng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Chuẩn bị tốt cho chiến tranh là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để gìn giữ hòa bình.

Một người tự do không chỉ được trang bị vũ khí để chiến đấu mà còn được bổ sung những điều thiết yếu khác như quá trình rèn luyện tinh thần và một kế hoạch đồng bộ mang tính hệ thống. Phải giữ được sự độc lập (với ngoại bang) trong quá trình xây dựng một đội quân vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích của chính chúng ta. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải phát triển công nghiệp quốc phòng.

Thành lập quân đội là điều xác đáng và chúng ta sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn về điều này. Trong số những điều cần phải coi trọng, một việc rất quan trọng là làm hài hòa được quyền lợi của các binh sỹ với lợi ích của nền kinh tế quốc dân.

Có lý do để hy vọng rằng những giải pháp hòa bình đối với các bộ tộc thù địch của người Da đỏ sẽ khiến những cư dân ở biên giới phía tây và nam cảm thấy an tâm hơn. Tuy nhiên, từ những thông tin trên văn bản mà các ngài đang có (từ khối Thịnh vượng chung Virginia), có thể thấy rằng chúng ta phải chuẩn bị thật tốt để bảo vệ những bộ phận đó của Liên bang, và trong trường hợp cần thiết, chúng ta sẽ sử dụng sức mạnh để trừng phạt những kẻ xâm lược.

“Chuẩn bị tốt cho chiến tranh là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để gìn giữ hòa bình.”

Vì những lợi ích của Hoa Kỳ, mối giao hảo của đất nước chúng ta với các quốc gia khác cần được tạo điều kiện thuận lợi bằng các điều khoản, trong đó cho phép tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình, đưa ra những phương thức có lợi nhất cho lợi ích chung. Theo đó, với mục đích này, việc bồi hoàn cho những người làm thuê theo bản chất của công việc cần được quy định rõ trong luật, và một khoản ngân sách cung cấp cho chi phí phát sinh trong hoạt động ngoại giao cũng cần được đặt ra.

Cân nhắc về tính cấp thiết, nên nhanh chóng quy định những điều khoản về việc công nhận quyền công dân cho người nước ngoài bằng một bộ luật thống nhất về quốc tịch.

Sự thống nhất về tiền tệ, đơn vị đo của toàn liên bang là một điều vô cùng quan trọng và tôi chắc chắn rằng vấn đề đó sẽ nhận được sự quan tâm thích đáng.

Có lẽ không cần phải đề cập nhiều hơn nữa về sự tiến bộ trong nông nghiệp, thương mại, sản xuất. Nhưng tôi cần phải nhắc tới sự cần thiết của những khích lệ, giới thiệu những phát minh mới và có ích từ nước ngoài, cũng như sự nỗ lực của những thiên tài của nước Mỹ trong nghiên cứu, phát minh và công sức của ngành Bưu chính để tăng cường mối giao liên tới những vùng xa xôi của đất nước.

Tôi tin các ngài sẽ đồng ý với tôi rằng không có gì xứng đáng với sự bảo trợ của các ngài hơn là sự phát triển của khoa học và văn chương. Tri thức của mỗi quốc gia là nền tảng chắc chắn nhất đảm bảo cho hạnh phúc chung. Những hoạt động của một chính phủ sẽ ghi dấu ấn ngay trong cảm nhận của dân chúng của quốc gia đó, điều đó cũng sẽ diễn ra tương ứng ở đất nước này. Có nhiều cách thức để bảo vệ một Hiến pháp tự do. Đó có thể là thuyết phục những người lãnh đạo rằng niềm tin của dân chúng chính là thước đo tốt nhất cho mọi hoạt động của chính phủ. Đó có thể là tăng cường công tác giáo dục để người dân biết và coi trọng quyền lợi của bản thân; để phân biệt và tránh xâm phạm vào những quyền đó; để phân biệt giữa áp bức và quyền lực chính đáng của luật pháp, giữa gánh nặng xuất phát từ sự thiếu quan tâm đến lợi ích của họ, và những hậu quả của nó với những tình huống khẩn cấp không thể tránh khỏi của xã hội; để phân biệt tinh thần tự do với phóng túng, bừa bãi, tôn trọng sự tự do và tránh xa sự phóng túng, kết hợp sự cảnh giác vừa phải với lòng kính trọng bất khả xâm phạm đối với luật pháp. Đây là vấn đề xứng đáng được đưa ra bàn luận trong những cuộc họp của các cơ quan lập pháp nhằm tìm ra biện pháp tốt nhất để thực hiện công việc này, hoặc bằng cách bảo trợ cho các hội thảo về giáo dục, thiết lập những viện nghiên cứu của trường đại học quốc gia, hoặc cũng có thể là những cách thức khác.

Thưa các ngài,

Khi kết thúc phiên họp cuối, tôi vô cùng phấn khởi với giải pháp mà các ngài đưa ra cũng như ý kiến của các ngài về việc coi trọng công tác củng cố niềm tin trong dân chúng bởi điều này ảnh hưởng đến thanh danh và sự thịnh vượng của đất nước chúng ta. Tôi ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối vào nỗ lực của các ngài, đồng thời tôi cũng đặt sự tin cậy tương đương vào quá trình hợp tác của các nhánh trong cơ quan lập pháp. Sẽ là thừa khi chúng ta đề cập tới những động lực của những giải pháp mang những tính chất rõ ràng và liên quan sâu sắc tới lợi ích lâu dài của nước Mỹ, đồng thời được phê chuẩn qua biểu quyết của các ngài.

Thưa các Thượng Nghị sĩ và Hạ Nghị sĩ,

Tôi đã cho nhân viên đặt giấy tờ và những bản kê liên quan cần được các ngài xem xét vào chỗ ngồi của riêng từng người. Việc cung cấp tới các ngài thông tin về mọi vấn đề của đất nước cũng là một nhiệm vụ mà tôi cần đảm trách.

Lợi ích của đất nước là mục tiêu lớn lao nhất chúng ta hướng tới và nỗ lực. Và tôi sẽ thật sự thỏa mãn khi cùng các ngài thực hiện nhiệm vụ thú vị nhưng nhiều gian khổ này để đảm bảo công dân của chúng ta nhận được phúc lành mà họ có quyền mong đợi từ một chính phủ tự do và công bằng.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button