Hồi ký - danh nhân

Tiểu Sử David Ben – Gurion: Lịch Sử Hình Thành Nhà Nước Israel

tieu-su-david-ben-gurion-lich-su-hinh-thanh-nha-nuoc-israel_26013_11. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Michael Bar-Zohar

Download sách Tiểu Sử David Ben – Gurion: Lịch Sử Hình Thành Nhà Nước Israel ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH HỒI KÝ – DANH NHÂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Tóm tắt cuốn sách “Tiểu Sử David Ben – Gurion: Lịch Sử Hình Thành Nhà Nước Israel”: Ben Gurion chưa bao giờ đồng ý cho bất cứ ai viết hồi ký của ông, đó là trước khi ông gặp Michael Zar-Bohar. Được phép tiếp cận các nhật ký, thư từ, tài liệu cá nhân và kho lưu trữ tuyệt mật của Ông cụ, tác giả đã khắc họa chân dung chân thực nhất của người đã hiện thực hóa giấc mơ về một quốc gia lý tưởng của người Do Thái – một chính khách quyết đoán thực hiện các quyết định sinh tử cho vận mệnh của đất nước Israel, và một người đàn ông cô đơn trên đỉnh cao quyền lực.

Tiểu sử David Ben-Gurion – Lịch sử hình thành nhà nước Israel dài từ những năm tháng tuổi thơ của cậu bé David Gruen ốm yếu được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình sùng đạo với một ông bố luôn dành tâm huyết cho “Tình yêu Ziôn” và Vùng đất Israel cho đến những bước ngoặt làm thay đổi suy nghĩ và cuộc đời của cậu, và sau đó là con người vĩ đại biến ước mơ từ ngàn đời của dân tộc Israel thành hình, xóa bỏ cuộc sống lưu vong của hàng vạn người Do Thái trên khắp thế giới, mang họ đến Israel trong những cuộc giải thoát ngoạn mục và cuối cùng, đưa đất nước Israel bị cô lập giữa thế giới Ả-rập trở thành cường quốc quân sự và khoa học kỹ thuật cực kỳ tiến bộ.

Các thành tựu sáng chói và các thất bại, những quyết định và sai lầm đằng sau những nỗi thống khổ và hy vọng, giấc mơ thầm kín, tất cả đã vén lên bức màn sự thật đằng sau Ben Gurion – vị Cha già vĩ đại của dân tộc Israel trước đây, bây giờ và mãi mãi

Mời các bạn tải đọc cuốn ebook “Tiểu Sử David Ben – Gurion: Lịch Sử Hình Thành Nhà Nước Israel -Michael Bar, Zohar”

ĐỌC THỬ

Chương 01. David Gruen

David mới mười một tuổi, một cậu bé Do Thái xanh xao mặc áo choàng dài màu đen trong một giáo đường Do Thái ở Plonsk, khi cậu lần đầu tiên nghe tin Messiah vị cứu tinh đã đến. Thiên hạ đồn ông là người tuấn tú với cặp mắt kiêu hãnh, rực lửa và chòm râu đen. Tên ông là Theodor Herzl, và ông sẽ dẫn dắt người dân Israel trở về vùng đất của cha ông họ. Với sự thơ ngây của con trẻ, David tin câu chuyện và lập tức trở thành một tín đồ nhiệt thành của Chủ nghĩa Xiôn vốn đang lan truyền khắp thế giới Do Thái. Hạt giống niềm tin vào chủ nghĩa này đã được gieo vào cậu từ thời thơ ấu, lúc cậu ngồi trong lòng ông nội mình là Zvi Aryeh Gruen để học tiếng Hebrew từng chữ một; khi cậu lắng nghe cha mình, Avigdor Gruen, một trong các lãnh đạo địa phương của Hovevei Zion (tạm dịch: Những người yêu Xiôn), một vị tiền bối của Phong trào Xiôn mới khởi sinh. Khi còn là một đứa trẻ, David Gruen quyết định một ngày nào đó cậu sẽ dựng nên ngôi nhà của chính mình trên chính Vùng đất Israel.

Niềm tin David hấp thụ tại quê nhà được nuôi dưỡng bằng bầu không khí độc nhất vô nhị của Plonsk. Có điều gì đó rất đặc biệt về thị trấn này. Không lớn, không nổi tiếng, cũng không trù phú. Trên thực tế, nó không hơn gì một thị trấn nhỏ bé hàng tỉnh ở nước Ba Lan thuộc Nga, phát triển xung quanh tòa lâu đài được xây dựng bởi một hoàng tử Ba Lan thời Trung Cổ. Plonsk mang đậm bản sắc Do Thái nhiều hơn cả Nga hay Ba Lan. Năm 1881, năm năm trước khi David chào đời, có 4.500 người Do Thái trong tổng số 7.824 cư dân ở đây, hầu hết là thương nhân và thợ thủ công vô cùng nghèo khó.

Tuy nhiên, thị trấn vẫn lấy làm kiêu hãnh nhờ ngôi trường Kochari, do một nhóm học giả điều hành, những người – dưới danh xưng là Kohol Koton – đạt được tiếng tăm rộng khắp nhờ trình độ học vấn của mình. Sau một khoảng thời gian, một hội Kohol Koton nữa được thành lập tại Plonsk, dù bản chất khác: mục đích “hạ thấp xuống nhân gian” bằng cách truyền bá Kinh Thánh và ngữ pháp tiếng Hebrew cho người nghèo và ít học. Được lãnh đạo bởi giới trí thức địa phương, hội này được cho là hoạt động hiệu quả, và năm 1865, tất cả trí thức hàng đầu trong thị trấn đã thành lập Hội Bằng hữu Học hỏi và kinh Torah, tuyên bố: “Chúng ta sẽ nỗ lực kết hợp kinh Torah với việc học hỏi… nhằm thăng hoa ngôn ngữ thiêng liêng của chúng ta và văn học Hebrew, vốn – đáng tiếc biết bao – bị các trí thức hiện tại xua đuổi như gió thoảng… họ cho nó cũ kỹ và lỗi thời.” Trong số những lãnh đạo của hội có một nhà buôn giàu có từng dạy tiếng Hebrew tại ngôi trường danh tiếng Kochari. Zvi Aryeh Gruen, “một người Do Thái cao lớn, tuấn tú,” một người ngoan đạo không bao giờ đi ngủ trước khi đọc xong năm chương trong Kinh Thánh. Ông là người có học, thông thạo tiếng Hebrew, Đức và Ba Lan (khi về già ông học thêm tiếng Nga), và thư viện phong phú của ông bao gồm rất nhiều tác phẩm của Spinoza, Plato và Kant. Nhưng mối quan tâm hàng đầu của ông lại là ngôn ngữ Hebrew.

Gruen có bốn người con trai. Đứa thứ ba, Avigdor – gắn bó sâu sắc với Zvi Aryeh và tín ngưỡng của ông – tự cho mình là người thừa kế về mặt tâm linh của cha. Cũng như cha mình, Avigdor được giáo dục bài bản, là một học giả Hebrew tận tụy và thành viên tích cực của Hội Bằng hữu Học hỏi và kinh Torah. Ông cũng theo đuổi việc cha mình thực hiện khi về già: đại diện pháp lý. Avigdor cũng trở thành “một trong hai ‘luật sư’ Do Thái của thị trấn.” Thực tế, Avigdor là người viết các loại đơn từ, nhưng ông cũng được ủy quyền tham gia các vụ tố tụng pháp đình. Trong quá trình làm việc, ông thiết lập các mối ràng buộc chặt chẽ với giới chức Nga và Ba Lan của thị trấn, và có được vị trí đáng kính trọng giữa cộng đồng Do Thái.

Avigdor cao lớn và thanh nhã, khuôn mặt dài của ông mang một hàng ria và chòm râu uy quyền. Ông cũng rất kỹ lưỡng về ngoại hình của mình, khi là công dân đầu tiên của Plonsk từ bỏ bộ quần áo Do Thái truyền thống để thay bằng áo đuôi tôm đen, cổ cứng, áo chẽn là cứng và nơ bướm. Khi còn trẻ, ông đã cưới Sheindel Friedman, một người họ hàng xa và là con gái duy nhất của một địa chủ, người đã tặng đôi trẻ hai căn nhà gỗ cuối đường Goats với khu vườn lớn ở giữa. Sheindel “có dáng người nhỏ nhắn, với những nét nổi bật”. Sức khỏe của cô không được tốt và sáu trong mười một đứa con của hai người đều chết không lâu sau khi sinh.

Gia đình Gruen tận hưởng một cuộc sống thoải mái. Tầng trên của nhà họ là nơi ở của một gia đình. Những người này làm công việc chăm đàn bò và các vật nuôi, lau dọn và nấu ăn. Avigdor Gruen cùng gia đình sống ở tầng dưới. Đôi khi công việc của Avigdor sẽ đưa ông đến Warsaw, cách đó bốn mươi dặm. Nhưng hầu hết quãng đời của ông đều trôi đi yên bình và trầm lắng. Ông nắm giữ một vị trí quan trọng trong cộng đồng Do Thái địa phương và được tôn thờ tại “Tân Giáo đường Do Thái”, dành riêng cho những công dân giàu có và được kính trọng nhất của thị trấn.

Có vẻ rất ngạc nhiên, khi mà, cột trụ xã hội này bị tiêm nhiễm bởi cơn điên mang tên “Tình yêu Xiôn”. Tuy nhiên, sự nhạy cảm của Avigdor đối với căn bệnh này có từ ấu thơ, lúc ông đã ôm ấp lòng cảm mến sâu đậm dành cho Vùng đất Israel. Cùng với sự hình thành của phong trào Những người yêu Xiôn năm 1884, ông trở thành một trong những thành viên đầu tiên, và ngôi nhà của ông biến thành trụ sở cho các hoạt động xã hội và buổi họp mặt của hội nhánh Plonsk. Tại đây, Những người yêu Xiôn đã dệt nên các giấc mơ non trẻ sự trở về của Chủ nghĩa Xiôn, trình bày những bài diễn thuyết đầy say mê về sự phục quốc Do Thái, ngâm các vần thơ khai trí, thu thập tiền quyên góp và thề trung thành với quê hương do tổ tiên để lại. Và cũng tại đây, hai năm sau sự thành lập của phong trào Những người yêu Xiôn, Sheindel Gruen đã hạ sinh đứa con thứ tư sống sót của bà: David Yosef Gruen.

David là một đứa trẻ bệnh tật, thấp và gầy giống mẹ. Cậu không kết bạn với đám trẻ cùng tuổi và hiếm khi ra ngoài để chạy nhảy sau vườn. Đầu cậu to một cách không cân đối, và người cha lo lắng đã mang cậu đến thị trấn kế bên Plonsk để tham vấn một chuyên gia, người này đã sờ tay lên đầu cậu bé và trấn an Avigdor rằng, con trai ông sẽ trở thành một người vĩ đại. Sheindel, một phụ nữ Do Thái sùng đạo, kết luận một cách tự hào rằng “Duvcheh” (biệt danh của David) của bà lớn lên sẽ thành một giáo sĩ Do Thái vĩ đại và nghiên cứu kinh Torah.

Sheindel quan tâm đặc biệt tới cậu con trai ít nói và ưu ái cậu hơn các anh em của mình, sự ưu ái thể hiện trong cả niềm tự hào về trí khôn lẫn việc đáp ứng các nhu cầu của cậu. Thể trạng của cậu bé rất tệ, cậu hay ốm và bị ngất. Lo lắng cho sức khỏe của con, bà rời những đứa con còn lại để mang cậu đến một ngôi làng vào dịp hè. David, vốn luôn xa cách anh chị mình, lại rất gắn bó với mẹ. Năm David mười một tuổi, cái chết của người mẹ trong lúc sinh đã gây nên cú sốc rất lớn với cậu. Phải mất rất lâu Ben-Gurion mới có thể chấp nhận thực tế nghiệt ngã này. “Hằng đêm, tôi gặp Mẹ trong mơ. Tôi trò chuyện và hỏi bà ‘Tại sao chúng con không thấy mẹ ở nhà?’. Suốt nhiều năm nỗi đau này không hề thuyên giảm,” ông viết lại sau này.

Sau cái chết của Sheindel, cậu bé trầm ngâm, cô độc lại càng thu mình hơn. Chị em cậu không thể thay thế mẹ, và người vợ hai của cha không thể có được cảm tình của David. Ngược lại, cậu làm ngơ và xa lánh người mẹ kế cho đến bà qua đời. Nhưng David rất gắn bó với cha, “Nhờ cha mà tôi thừa hưởng tình yêu dành cho Vùng đất Israel… và ngôn ngữ Hebrew.” Hẳn thế, cha của David đã lấp đầy trái tim cậu bằng tinh thần Xiôn với hình hài nguyên bản nhất của nó. Nhưng chính ông nội Zvi Aryeh mới là người thật sự dạy cậu tiếng Hebrew. Mỗi ngày, khi David đến văn phòng, ông cụ dẹp công việc sang một bên, đặt cậu ngồi lên đầu gối và kiên nhẫn dạy cậu từng chữ Hebrew. Theo cách này, Hebrew trở thành ngôn ngữ mẹ đẻ thứ hai của David: cậu nói và viết vô cùng thành thạo.

“Duvcheh” học hành bài bản tại ngôi trường dòng Do Thái còn được gọi là heder. Bắt đầu từ tuổi lên năm, cậu học tại một trường heder truyền thống, khi bảy tuổi cậu tiếp tục học với một thầy giáo “hiện đại”, một người gù lưng dạy ngữ pháp Hebrew và Kinh Thánh. Vị giáo viên thường đọc một đoạn văn trong Kinh Thánh tiếng Đức, và bắt học sinh lặp lại các từ tiếng Đức mà không cần hiểu nghĩa, rồi ông mới dịch nghĩa từng câu văn. Sau này, David tiếp tục học tại một “trường heder cải cách”, ở đây cậu học Kinh Thánh và tiếng Hebrew. Ngoài nền giáo dục Do Thái, cậu bé tóc xoăn, ham học hỏi còn theo học một trường công của người Nga, ở đó cậu đã tiếp thu các nguyên lý cơ bản của tiếng Nga và được biết đến những tác gia Nga vĩ đại, ảnh hưởng sâu sắc đến nhân sinh quan của cậu sau này.

Có ba cuốn sách để lại dấu ấn lên thế giới quan của David. The Love of Zion (Tình yêu Xiôn) của Avraham Mapi… “đã thổi hồn cuộc sống vào những trang giấy của Kinh Thánh… và tăng thêm lòng thành của tôi đối với Vùng đất Israel.” Uncle Tom’s Cabin (Túp lều của bác Tom) của Harriet Beecher Stowe “truyền cảm hứng đối với tôi về sự kinh hãi nô lệ, nô dịch và lệ thuộc… Sau khi đọc xong The Resurrection (Phục sinh) của Tolstoy, tôi đã trở thành người ăn chay, tuy nhiên, khi rời khỏi nhà của cha, tôi không thể chuẩn bị đồ ăn phù hợp với mong muốn bản thân, nên tôi đã ăn thịt trở lại.”

Song nhân sinh quan của David được vun đắp bởi nhiều thứ khác ngoài việc đọc và học hành bài bản. Mỗi ngày, từ trường trở về nhà, cậu ném mình vào thế giới của Những người yêu Xiôn, và cuốn sách này trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn cậu. Giữa David và cha còn có một sự thấu hiểu sâu sắc. Avigdor thích cậu bé ngồi cạnh mình trên giường và dành toàn bộ các buổi tối để giảng cho cậu về địa lý và lịch sử. Chỉ một lần duy nhất Avigdor đánh con trai mình. “Khi cha biết tôi đã không tuân theo các nghi thức đeo bùa, ông đã tát vào mặt tôi, lần duy nhất trong đời.” Tuy nhiên, cậu nhóc không chịu thôi, vẫn lì lợm từ chối tuân thủ các quy tắc tín ngưỡng và ngừng cầu nguyện. Cặp môi mỏng mím chặt và chiếc cằm nhô ra một cách quyết liệt minh chứng cho cá tính ngoan cố và mạnh mẽ của cậu. Avigdor Gruen đã phải nhượng bộ.

Avigdor rất tự hào về David. Tuy là người quá uy quyền để có thể chia sẻ ý nghĩ của mình với con, ông vẫn tin rằng David nổi trội hơn bạn bè cùng trang lứa. Vì vậy, ông quyết định cậu bé nên được hưởng nền giáo dục ưu việt nhất, và ông đặc biệt lo lắng về những trở ngại trong các ngôi trường Nga thường hiện diện trên hành trình của những thiếu niên Do Thái. Năm 1896, với sự góp mặt của Theodor Herzl với cộng đồng Do Thái, Avigdor đã trở thành một người nhiệt thành theo Chủ nghĩa Xiôn. Quá lo lắng cho tương lai của David, ông quyết định cầu cứu vị thầy tâm linh của mình. David chỉ mới mười lăm tuổi khi – không chút hay biết – cha viết thư về cậu gửi đến Herzl, chủ tịch của Tổ chức Xiôn:

“Plonsk, ngày 1 tháng 11, 1901.

Kính gửi Lãnh đạo của dân chúng tôi, người phát ngôn quốc gia, Tiến sĩ Herzl, người đứng trước các Đấng Quân vương!

Tôi đã quyết định sẽ trải lòng với Người… Dù tôi là kẻ trẻ tuổi nhất trong số hàng ngàn người Israel, Chúa đã ban phước cho tôi có một đứa con xuất chúng, học cao hiểu rộng. Vẫn còn trong thời huy hoàng của những năm tháng thiếu niên, khoảng mười lăm tuổi, song bụng dạ nó đã chứa đầy kiến thức, và ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta, tiếng Hebrew, nó còn biết quốc ngữ, kiến thức toán học và nhiều môn khác, linh hồn nó luôn khao khát học hỏi. Nhưng mọi ngôi trường đều đóng cửa trước mặt nó, chỉ vì thằng bé là người Do Thái. Tôi đã quyết định gửi nó ra nước ngoài để học khoa học, và có người đã khuyên tôi gửi nó đến Vienna, nơi cũng có một trung tâm dạy học cho người Do Thái, một trường đại học cho các giáo sĩ. Vì thế, tôi đã quyết định mang việc này đến trước Người, để Người có thể tiến cử con trai tôi và để tôi cũng có thể hưởng lợi từ lời khuyên và sự sáng suốt của Người. Vì còn ai có thể làm thầy được như Người, và ai – nếu không phải Người – có thể chỉ dạy tôi biết phải làm gì? Vì tôi quá bất lực để nuôi dạy con trai, đứa con tôi trân quý như con ngươi trong mắt mình.

Với tất cả thành kính.

Avigdor Gruen.”

Lá thư này không bao giờ được hồi đáp, và cho đến lúc chết, Avigdor cũng không hề nói cho con trai ông biết về nỗ lực tiếp cận vị chủ tịch của Tổ chức Xiôn.

Khi David mười bốn tuổi, cậu đi theo con đường của cha và người anh Avraham bằng cách lao vào các hoạt động phục quốc Do Thái. Cùng với những người bạn thân nhất, David giúp thành lập Hội Ezra, mục tiêu là đẩy mạnh ngôn ngữ nói Hebrew. Mặc dù rất ít đứa thể hiện bản thân bằng thứ tiếng này, lũ nhóc trai bắt đầu chỉ gọi nhau bằng tiếng Hebrew và dùng từ ngữ Hebrew để thay thế các cụm từ tiếng Nga, Ba Lan hay tiếng Yiddish. Sau những cuộc thảo luận mệt mỏi kéo dài cùng các bậc phụ huynh đầy nghi ngại, các giáo viên bảo thủ và những ông chủ khắc nghiệt tuyển dụng lao động trẻ em, các thành viên Ezra đã thành công khi tập trung được khoảng 150 đứa trẻ – rất nhiều trong số chúng mồ côi và là thợ học nghề – để dạy Kinh Thánh và tiếng Hebrew – các kỹ năng đọc, viết và nói. Chỉ trong nửa năm, các nỗ lực đã sinh trái ngọt: lũ trẻ rách rưới của họ đã giao tiếp với nhau bằng tiếng Hebrew trong lúc lang thang trên khắp nẻo đường ngập rác của thị trấn Plonsk.

Không chỉ là một câu lạc bộ của những nam sinh tỉnh lẻ, Ezra là một nhóm độc nhất vô nhị của những thân hữu do ba thủ lĩnh lãnh đạo: Shmuel Fuchs, người lớn tuổi nhất, cao lớn, cường tráng và là nhà lãnh đạo tài năng; Shlomo Zemach, trẻ hơn hai tuổi, con của một trong những gia đình nổi bật và giàu có nhất thị trấn; và David Gruen, người trẻ nhất. Trong bài diễn thuyết đầu tiên tại Hội Ezra, David đã chọn đề tài “Chủ nghĩa Xiôn và các nền văn hóa.” Cậu cũng lần đầu thử viết lách. Cùng với Shlomo Zemach và Shmuel Fuchs, cậu quyết định xuất bản một tờ báo dành cho người trẻ dưới sự bảo trợ của Hội Ezra. Tờ báo bao gồm những sáng tác đầu tiên của David – thơ ca – nhưng sau vài số đã thất bại.

Shlomo và Shmuel một lần nữa sát cánh bên David khi – ở tuổi mười bảy – cậu thực hiện quyết định quan trọng nhất trong đời mình. Vào một sáng tháng Tám nóng bức, bộ ba ra ngoài bơi lội nơi dòng sông Plonka chậm rãi chảy qua thị trấn tạo thành một khúc sông tĩnh lặng, râm mát. Trần truồng, ướt nhẹp và cao hứng, chúng cùng ngồi xổm ở bờ sông đọc tờ báo ngày và bản báo cáo của Hội nghị Xiôn lần thứ Sáu ở Basel, trong đó Herzl đã trình bày “Chương trình Uganda” nhằm thành lập một nhà nước Do Thái ở châu Phi như chốn dừng chân tạm thời cho người Do Thái, vốn đang gặp họa từ hàng loạt vụ tàn sát. Vô cùng thất vọng với bản kế hoạch, ba chàng trai trẻ đưa ra các ý nghĩ nổi loạn. Với họ, Vùng đất Israel là quê hương duy nhất của người Do Thái, và họ bắt đầu cuộc trò chuyện nghiêm túc làm sao để chống lại điều tai ương họ gọi là “Chủ nghĩa Uganda” một cách tốt nhất. Tại nơi đó và chính lúc đó, họ đạt được quyết định:

“Chúng tôi đã kết luận rằng cách hiệu quả nhất để chống lại ‘Chủ nghĩa Uganda’ chính là giành lại Vùng đất Israel.”

Quyết định này còn hơn cả một kế hoạch tác chiến, nó là sự kết tinh của một lý tưởng. Giấc mộng giành quyền kiểm soát Vùng đất Israel của họ chỉ có thể hiện thực hóa bằng hành động, chứ không phải bằng chữ nghĩa: quyết định này ngụ ý một sự cam kết dành cho con đường hành động cá nhân và sự phản đối toàn diện đến Chủ nghĩa Xiôn “bằng miệng”. Buổi sáng mùa hè nóng bỏng đó đã chứng kiến màn biểu diễn đầu tiên của lý tưởng đánh dấu phẩm chất của David Gruen. Từ đó trở đi, ông không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để chứng minh sự ưu tiên dành cho hành động thay vì ngôn từ. “Trong mắt con” – về sau ông viết cho cha mình – “giành được một vùng đất là Chủ nghĩa Xiôn duy nhất, còn mọi thứ khác chỉ là huyễn hoặc, nói suông và tuyệt đối phí thời gian.”

Một cách công chính, bộ ba đánh dấu vào lịch làm việc của họ chuyến đi đến Palestine. Shlomo là người đầu tiên khởi hành, anh sẽ khảo sát vùng đất rồi quay về Plonsk. Còn có một lý do lãng mạn khác đằng sau quyết định này: chàng Shlomo Zemach trẻ tuổi đang yêu người chị gái xinh đẹp của Shmuel và hy vọng cùng nàng đến Palestine. Thế là chàng quyết định rằng sau khi đã chuẩn bị xong cơ sở để đón nàng, chàng sẽ trở về Plonsk. Rồi, với sự trợ giúp của Shmuel và David, cậu sẽ trốn đi cùng nàng, và cả bốn người sẽ cùng đào tẩu đến Palestine.

David sẽ là người cuối cùng ra đi. Trong bất cứ trường hợp nào, cậu cũng không quá vội vã. Palestine cần thợ xây dựng, cậu nói với bạn bè mình, nên cậu tìm học các môn kỹ thuật, và ngay khi lấy được bằng kỹ sư, cậu mới ra đi. Tuy thế, cậu quyết định phải đến Warsaw trước tiên để chuẩn bị cho kỳ thi đầu vào trường đại học kỹ thuật. Chuyến khởi hành đến Warsaw của David được lên lịch vào mùa hè đó. Tuy nhiên, mùa thu và cả mùa đông đã qua mà cậu vẫn trì hoãn. Những câu hỏi chất vấn của bạn bè chỉ nhận được câu trả lời lảng tránh, che đậy lý do chính của sự trì hoãn: cậu đang yêu một cách điên dại.

Cậu từ chối nói với bất kỳ ai, nhưng khi Zemach và Fuchs đọc những bài thơ được David trữ tình hóa như “khởi nguồn đời anh, hy vọng và niềm tin của anh, giếng mát đời anh và linh hồn của linh hồn anh,” họ hiểu cậu đang yêu. Rõ ràng cậu ngầm thừa nhận điều ấy, nhưng lại từ chối cho biết tên cô gái hay thú nhận độ sâu sắc tình cảm của mình. Một năm sau cậu mới chịu mở lòng, trong lá thư gửi Shmuel Fuchs:

“Tôi luôn có khát khao trải lòng cho một người khác, nhưng một thế lực bí ẩn đã ngăn tôi lại, khóa chặt môi tôi… Đúng, tôi đã yêu – như cậu đã biết – nhưng cậu không biết tôi yêu mạnh mẽ đến nhường nào… như vụ nổ của một ngọn núi lửa đang hoạt động, lửa tình đang thiêu đốt tim tôi. Mọi bài thơ tôi viết chẳng hơn gì chiếc bóng mờ của tim mình… Đột nhiên, tôi bắt đầu nghi ngờ tình yêu của mình… tôi đã thật sự yêu chưa? Câu hỏi này không cho tôi ngơi nghỉ hằng đêm. Cùng lúc đó, còn có những khoảnh khắc khác khi tôi không thể tin rằng linh hồn mình có thể tìm thấy chỗ cho câu hỏi ngây ngô như vậy… tình yêu của tôi chưa mãnh liệt đến vậy. Tuy nhiên, dần dần tôi nhận ra mình không yêu nàng… trong tim, tôi vẫn cảm thấy có một tình cảm luyến ái mạnh mẽ, nhưng không phải dành cho cô ấy. (Đến ngày hôm nay, tôi vẫn không biết mình đã ngừng yêu cô ấy, hay chỉ là chưa từng yêu…) Đó là lúc giữa đông. Đến khi ấy, tôi vui không tả; sau đó, tôi khốn cùng… trái tim khiến tôi phiền não làm sao, hối tiếc khiến tôi khổ sở dường nào, đến khi ấy vẫn có những lúc tôi ngồi trên giường cả đêm để khóc… Tôi không thể sống tiếp tại Plonsk nữa. Đó là một trong những lý do thúc giục tôi đến với Warsaw mùa hè năm ấy – cũng hệt như khi tình yêu là lý do để tôi lưu lại Plonsk lúc mới vào đông. Nhưng tất cả điều đó đã thuộc về quá khứ… Ngay cả hiện tại, có lúc ái tình vẫn thoáng qua tim tôi như tia chớp, một nhúm lửa hồng sẽ bùng cháy – đặc biệt khi tôi một mình và nhớ lại những sự tưởng đã lãng quên… Nhưng chỉ giây lát sau, nó liền qua đi… Liệu tim tôi đã cứng lại, hóa đá? Ai có thể giải những câu đố của tâm hồn?”


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button