Hồi ký - danh nhân

Thư Gửi Steve Jobs

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Mark Milian

Download sách Thư Gửi Steve Jobs ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  HỒI KÝ  – DANH NHÂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời dẫn

Steve Jobs cứ như một con người không có thật đối với tôi. Dĩ nhiên, nhà đồng sáng lập và tổng giám đốc điều hành của Apple là gương mặt quen thuộc nhất và cái tên nổi bật nhất trong ngành công nghệ, lĩnh vực mà tôi đã đưa tin suốt bảy năm qua. Thế nhưng lúc nào ông cũng ở “ngoài vùng phủ sóng,” hầu như chẳng bao giờ muốn tham dự bất kỳ một cuộc phỏng vấn chính thức nào với các phóng viên hoặc tham dự các hội nghị mà những doanh nhân khác thường có mặt.

Ngay cả trong đời sống, và có lẽ còn rõ nét hơn nữa trong cái chết, Steve luôn là một nhân vật huyền bí. Nhiều người trong ngành công nghệ này khi nhắc đến ông đều dùng tên riêng một cách thân mật, và ngày nay người ta vẫn có thói quen đó – chỉ gọi tên riêng của ông, mặc dù chưa bao giờ gặp con người này. Các nhà kinh doanh Internet trẻ tuổi nối đuôi nhau đi theo cách của Steve, mặc dù nhiều người trong số họ chưa bao giờ được gặp trực tiếp danh nhân này. Những người ủng hộ ông thì tán tụng, còn đối thủ thì công kích ông trong những cuộc trò chuyện công khai hoặc riêng tư. Apple đã phát triển thành một công ty hùng mạnh trên thế giới, nhưng ít có công ty nào lại được định hình và chi phối bởi một thủ lĩnh đơn thương độc mã như vậy.

Điều bí ẩn này chính là động lực khiến mọi người tìm mọi cách liên lạc với ông, và người ta đã nghĩ đến hộp thư của ông. Nếu nỗ lực tìm kiếm trên web, ta có thể tìm thấy địa chỉ email và số điện thoại của một số người, nhưng thông tin của Steve thì luôn được lưu hành rộng rãi vì ông là một người nổi tiếng và, đáng ngạc nhiên hơn nữa, đôi khi ông quả thật có viết thư trả lời. Nói một cách khác, chính ông là người đã khơi mào câu chuyện.

Sau khi chứng kiến hiện tượng này và đọc cả báo cáo về nó, tôi đã quyết định gửi một bức thư điện tử đến địa chỉ sjobs@apple.com. Bởi vì bộ sậu của ông Steve chưa bao giờ cho phép tôi phỏng vấn ông trực tiếp nên tôi xem đây như một cách đi vòng, nhưng rốt cuộc cũng không hiệu quả.

Là phóng viên cho báo  Los Angeles Times  và sau đó là CNN, tôi đã phỏng vấn hàng trăm nhà kinh doanh, các nhân vật nổi tiếng và các nhà lãnh đạo về văn hóa, nhưng chưa bao giờ phỏng vấn được Steve Jobs. Cơ hội lớn nhất của tôi là lần đứng trong nhóm phóng viên để trích lời Steve sau một cuộc họp báo tổ chức tại văn phòng của Apple tại Cupertino, California nhằm công bố một chuỗi sản phẩm laptop mới.

Cũng như vài chục nhà báo năng nổ khác, tôi đã từng nhiều lần chứng kiến Steve trình diễn trong các sự kiện quan trọng của Apple. Những sự kiện với iPad, iPod, iPhone và iCloud. Có lẽ dịp đáng thất vọng nhất mà tôi chứng kiến là khi Steve Jobs đi nghỉ phép để trị bệnh, và người thay thế ông trên sân khấu là Phil Schiller – nhân vật đứng đầu về marketing của Apple. Lần đó Apple giới thiệu máy iPhone 3GS vào mùa hè 2009. Còn lần mà cử tọa tung hô nhiệt liệt nhất có lẽ là sự kiện công nghệ diễn ra hai năm sau đó cũng tại chính sân khấu cũ, vào dịp Steve công bố phần mềm mới sau khi đi trị bệnh trở về và vẫn còn hốc hác.

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu người ta vỗ tay nhiệt liệt ở Đài Loan trong trường hợp Steve đến để nói chuyện về những sản phẩm mà ông yêu mến. Tôi biết Apple có nhiều người hâm mộ tại Việt Nam, và tôi muốn cám ơn những độc giả đang đọc cuốn sách này. Mặc dù sống cách trụ sở của Steve đến mười ngàn dặm, bạn đọc tại Việt Nam vẫn sẽ tìm được những bài học đầy giá trị về sự thông minh và bền bỉ qua các trang sách, từ những lá thư Steve gửi cho những người hâm mộ.

Tôi sống cách ba mươi lăm dặm về phía bắc Palo Alto, California, nơi Steve sống cùng gia đình, và cũng là nơi hàng trăm người đã tụ tập để tưởng niệm sau khi ông qua đời. Lúc sinh thời của Steve, tôi nghe nói ông thường đi loanh quanh trên đường phố Silicon Valley, nơi tôi đã từng lui tới gặp gỡ các nguồn tin. Tôi nghe nói ông thường đến San Francisco, nơi tôi sống, để ăn tại các quán Ấn Độ và các quán pizza mà tôi lui tới. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau trên đường đời. Lúc nào ông cũng là một diễn giả trên sân khấu, còn tôi thì ngồi trong số khán giả.

Danh tiếng của Steve đã trỗi dậy như cồn trong những năm tôi đưa tin về công nghệ, trong những năm cuối đời đầy ấn tượng của ông – quãng thời gian mà ông gầy dựng lại Apple và đưa công ty này lao vút lên bầu trời. Khi ngôi sao chiếu mệnh của ông vụt tắt vào ngày 5/10/2011, ngày mà ông từ giã cõi đời sau những năm dài chiến đấu với bệnh ung thư, tôi đang hoàn tất cuốn sách này. Từ dữ liệu công việc của tôi, tôi đã hiểu được rất nhiều điều về cuộc đời và sự nghiệp của Steve, những thất bại và vô số thành công của ông, những triết lý và niềm tin của ông.

Steve Jobs thường không phải là một người hiền hòa, mà là một người hành xử đúng đắn. Ông tranh đấu, thuyết phục và gào thét để đạt được mục đích, và sản phẩm của ông đã nhiều lần làm thay đổi thế giới. Những cuộc phỏng vấn với đồng nghiệp của Steve không cho ta thấy rõ lắm tất cả những điều này. Tôi cũng không tin rằng một cuộc phỏng vấn với chính Steve lại có thể giúp tôi hiểu hết những điều tôi hiểu được sau khi phân tích hơn một trăm bức email của ông.

Những bức thư này là những mảnh nhỏ của một trò chơi ráp hình, mà tất cả đều được khắc họa khéo léo bởi một người bị ám ảnh bởi sự tỉ mỉ. Một số bức thư rõ ràng có dụng ý quảng bá sản phẩm của Apple, một số nhằm góp phần lan truyền tin đồn và đánh lạc hướng đối thủ cạnh tranh. Có những mảnh thông tin thuộc về cuộc đời riêng của Steve mà có lẽ ông chẳng bao giờ muốn hé lộ, hoặc, ở độ tuổi chín chắn của ông, ông thật sự chẳng mấy quan tâm người ta sẽ làm gì. Tôi hy vọng tất cả những mảnh thông tin này, khi ráp lại với nhau, sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về một sản phẩm của Steve Jobs đã bị dừng quá sớm: chính con người thật của ông.

 

ĐỌC THỬ

FORWARD:

“Steve kính mến” là cách chào hỏi quen thuộc trong các bức thư ấy. Vô số email đã được mào đầu như thế khi gửi đến cho Steve Jobs, nhà sáng lập đã quá cố kiêm nhà lãnh đạo lâu năm của tập đoàn Apple. Lời chào quả có phần khác thường bởi trong thời đại Internet ít có người Mỹ nào bắt đầu email bằng từ “kính mến”, và những người viết, hầu như xa lạ, lại cảm thấy tự nhiên khi gọi nhà lãnh đạo đầy quyền lực này bằng cách gọi tên thân mật như vậy: Steve. Thường thì các bức thư này được gửi đến nhằm hỏi xin một món đồ mới thay cho món cũ đã hư hỏng, để tán gẫu về những chủ đề mà Steve có lẽ quan tâm, hoặc hy vọng khám phá được ông đang chế tạo thứ gì. Steve thường nói rằng sự bí mật góp phần tạo nên điều kỳ diệu, nhưng ông cũng thường bật mí chút đỉnh manh mối. Đó là lý do khiến nhiều người khó cưỡng lại được nỗi cám dỗ viết email cho ông.

Những bức thư ấy thường được gửi từ những người hâm mộ Steve hoặc từ những khách hàng cuồng nhiệt của Apple, những người chẳng ngại thú nhận trong thư rằng họ cũng hâm mộ ông. Trong các thư này những người viết thường hoài nghi không biết Steve có thật sự đọc email hay không, hoặc thậm chí họ còn hoài nghi ghê gớm hơn nữa về việc liệu ông có đích thân hồi đáp một kẻ vu vơ nào đó hay không. (Một nhân vật khác thường nhận được rất nhiềuthư hâm mộ – Ông già Noel, là người có tỉ lệ người hâm mộ nam và nữ khá cân bằng, nhưng đối với Steve thì những người hâm mộ ông lúc nào cũng là nam giới.) Điều khá bất ngờ đối với những người hâm mộ là Steve thường phúc đáp họ. Thư hồi đáp của ông đặc trưng ở chỗ thường cô đọng: “Vâng,” “Không,” “Tôi cũng nghĩ vậy.” Nhưng sự xác nhận, từ chối hoặc hoài nghi một cách gọn gàng đó cũng đủ để người nhận thư thỏa lòng. Đối với một số người, giây phút mở hộp thư và nhận được thư từ Steve Jobs quả là một khoảnh khắc xúc động. Một khi đã trấn tĩnh, người nhận thư đầy may mắn ấy thường bấm nút “chuyển tiếp” để báo cho hàng loạt người biết câu chuyện may mắn của mình.

Tiếp theo, người nhận thư phải đắn đo để quyết định có công bố bức thư hay không. Lựa chọn hàng đầu của họ là đăng tải trên trang blog  Mac Rumors (Tin đồn Mac)  bởi vì trang này và diễn đàn tại đó thuộc hàng nổi tiếng trong giới hâm mộ Apple.

Apple là một công ty được nhiều người ngưỡng mộ. Các cửa hiệu Apple giống như các thánh đường nơi người tiêu dùng tụ tập đông đảo như thánh địa.Trong một cuộc phỏng vấn của BBC, các nhà nghiên cứu sử dụng máy quét sóng não MRI đã thấy thái độ của những người hâm mộ Apple đối với sản phẩm của hãng này chẳng khác gì những tín đồ tôn giáo tôn sùng thần thánh của họ. Những người dùng máy tính Mac đã tự gọi họ là “dân Mac.” Một chiếc điện thoại di động thì cũng chỉ là điện thoại di động không hơn không kém, trừ phi là một chiếc iPhone. (Khẩu hiệu tiếp thị của Apple năm 2011 là “Nếu bạn không có một chiếc iPhone thì bạn sẽ không có iPhone.”) iPad, chiếc máy tính bảng chính thống đầu tiên, đã được xem như một vật “thần kỳ.” Steve Jobs nói rằng ông đã nghĩ ra từ ngữ đó. Trong hằng hà sa số các bức thư mỗi ngày, người gửi thư nào cũng khát khao muốn được Steve để mắt đến, đến nỗi một số tạp chí đã từng đăng những bài báo mách nước những thủ thuật để được hồi đáp. Tờ  Business Insider (Nhà kinh doanh trong cuộc)  còn đăng bài hướng dẫn dưới dạng slideshow về đề tài này, mặc dù tác giả chẳng hề nhận được một hồi đáp nào khi gửi thư thí nghiệm. Nhại theo tạp chí trào phúng  Onion  , một trang web hài hước khác chuyên đăng tin bịa về Apple mang tên  Scoopertino  (nhại theo địa danh nơi Apple đóng đô – Cupertino, thuộc California) đã từng bịa tít lớn giật gân “WikiLeak công bố 140.000 email của Steve Jobs.” Thực tế thì trong các bức điện gửi về từ sứ quán Mỹ tại Trung Quốc được WikiLeak công bố trong năm 2011, người ta chỉ thấy trích dẫn lời nhân viên của Apple hoặc nhắc đến Steve Jobs chứ khó mà tìm thấy thông điệp nào gửi thẳng từ văn phòng của Steve Jobs.

Tuy nhiên, ngoài  Mac Rumors   (Tin đồn Mac),  một số trang web khác đã từng đăng tải những bức thư thật của Steve. Trang  AppleInsider (Người trong Apple)  đã từng viết bài về những từ nhát gừng “vâng” hoặc “không” trong email của Steve. Trang  Cult of Mac (Giáo phái Mac)  , một trang web có cái tên khéo đặt giữa một đại dương các trang web tôn thờ Apple, cũng đã từng đăng bài về đề tài này. Một trang blog khác,  9to5Mac  , cũng từng xoay sở có được email độc quyền. Ngoài ra, các tạp chí chính thống, bao gồm  Fortune  ,  Gizmodo  và  Wired  , cũng đã từng cố moi cho được email từ Steve. Thậm chí có một trang blog còn tập trung vào đề tài những bức email của Steve, hệt như cuốn sách này. Trang này mang tên  Những bức email của Steve Jobs (Emails from Steve Jobs)  và đã từng qua mặt các trang web khác để đăng một số email của ông.

Tôi cũng đã từng nhận được vài bức email của Steve. Một số email dường như không đáng để đăng hoặc không thể xác nhận một cách triệt để và độc lập cho nên tôi không đề cập đến. Cuốn sách này nêu những bức email của Steve Jobs chưa từng được đăng tải, một số nằm trong thư viện lưu trữ của tôi và một số được tìm ra sau nhiều tháng nghiên cứu. Trong các bức thư mà tôi có được, có cả bức thông điệp duy nhất từ Apple nói về sự kiện gây xôn xao và dường như bị gán ghép một cách sai lệch về việc Apple tham gia một âm mưu tẩy chay chương trình Glenn Beck của kênh truyền hình Fox News.

Các biên tập viên của các trang blog nêu trên cho biết họ đã dày công kiểm chứng tính xác thực của các email này. Họ dẫn chứng phần tiêu đề kỹ thuật của email có chứa thông số điện tử cho biết bức thư xuất phát từ đâu. Một chuyên gia phân tích tin học có thể so sánh các tiêu đề này với các bức email đã được biết rõ do Steve Jobs gửi đi, mặc dù thật ra ai biết sử dụng Google đều có thể dễ dàng lấy được thông số này và ngụy tạo. Brian X. Chen, cộng tác viên của tờ  Wired  , đã áp dụng một kỹ thuật là yêu cầu nguồn tin cho biết thông số kỹ thuật của trương mục thư điện tử và đăng nhập vào để xem thông tin ở dạng nguyên gốc tự nhiên. Đối với cách này sẽ khó ngụy tạo hơn, nhưng cũng không phải là bất khả.

Trong thực tế, không có cách nào hoàn toàn chắc chắn để kiểm chứng các email này. Đối với nhiều bức được trích dẫn trong sách này, tôi đã kiểm chứng với các phóng viên và những người được cho rằng đã nhận email từ Steve. Các bức đáng ngờ đều bị loại. Còn lại thì đôi khi ta đành phải tin, cũng giống như đối với ông già Noel hoặc những phép lạ.

Chương 1:  QUAY TRỞ LẠI

TRÁI VỚI NHỮNG GÌ Steve Jobs nói về iPad, thiết bị này quả thật chẳng có gì thần kỳ. Nó là một chiếc máy tính, làm bằng nhôm, thủy tinh và silicon, có màn hình cảm ứng. Máy tính bảng đã từng xuất hiện cách đây một thập niên, và rồi sau khi iPad ra đời, tập đoàn Samsung, Sony và vô số các nhà sản xuất khác đã nhanh chóng nhại theo thiết bị rất thân thiện này của Apple. Tuy nhiên, công thức thần kỳ mà họ chưa thể tái tạo được chính là bản thân Steve. Các công ty kia đều thiếu một nhà lãnh đạo nổi danh kèm với một đám đông hâm mộ.

Steve là người có gu thẩm mỹ tinh tế, kỹ năng thương thuyết nhạy bén và đạo đức nghề nghiệp vững chãi. Từ lâu trước khi từ chức CEO, Steve đã nâng đỡ một loạt các nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyết và hứa hẹn như Tim Cook, Eddy Cue, Scott Forstall và Jonathan Ive, cũng như vun đắp cho nhiều người khác có những lợi thế tương tự. Nhưng vẫn chưa có một ai tỏ ra là nhân tố hoàn hảo, nhân vật Steve Jobs của tương lai. Đây sẽ là thách đố quan trọng nhất của Apple trong thời kỳ “hậu Steve,” nhưng trước khi một ai đó đăng quang, người ấy phải thấu hiểu điều gì đã làm Steve đăng quang.

Chuyện đời của Steve là một câu chuyện dài dòng và phức tạp. Cha đẻ của ông là một người Syria nhập cư tên Abdulfattah Jandali. Mẹ của Steve, Joanne Schieble, đã có thai trước khi hai người cưới nhau, và bà đã đem cho Steve làm con nuôi. Steve được nhận làm con nuôi của đôi vợ chồng Paul và Clara Jobs, một cặp vợ chồng sống tại vùng đất mới Thung lũng Silicon thuộc bang California. Thoạt đầu mẹ đẻ của Steve cho rằng họ không đủ tiêu chuẩn để nhận nuôi dạy Steve vì họ chưa tốt nghiệp đại học. Và vợ chồng nhà Jobs đã hứa rằng Steve lớn lên sẽ được ăn học đến nơi đến chốn. Sau này Steve đã theo học tại Đại học Reed ở Portland, bang Oregon được một học kỳ rồi bỏ vì ông nói rằng không muốn phung phí tiền của bố mẹ, mặc dù ông cũng có vấn đề với nhà trường.

Suốt mấy tháng sau đó, trong giai đoạn thỉnh thoảng tham dự các môn học không ghi danh, Steve đã tham dự một khóa học về thư pháp – một bộ môn mà ông cho biết đã đóng góp đắc lực vào việc phát triển giao diện đồ họa. Ngoài 20 tuổi Steve đã có một đứa con gái mà thời gian đầu ông không nhận mình là cha. Về sau Steve đã ăn năn về việc này. Năm 1983, Apple đã tung ra một chiếc máy tính tên Apple Lisa. Những người trong công ty am hiểu đôi chút về đời tư của Steve Jobs đều biết ngay đâu là nguồn cảm hứng để Steve chọn cái tên này.

Nhưng sẽ còn những điều mà chúng ta rất khó hiểu như vì sao ông lại có một số cách hành xử nào đó, hoặc vì sao ông lại ăn vận một cách hết sức đồng điệu như vậy, hoặc vì sao ông cứ liên tục tạo ra cơn sốt. Trong bộ trang phục văn phòng đặc trưng của mình – áo cổ rùa màu đen, quần jean xanh và giày đế mềm – Steve đã độc chiếm thị trường để tung ra hết thành công này đến thành công khác. Nhiều người đã chẳng còn ngạc nhiên nữa khi Apple vượt qua Exxon Mobil Corporation vào năm 2011 để trở thành công ty có giá trị cao nhất thế giới về mặt vốn hóa thị trường. Thật không tệ đối với một doanh nghiệp mà, theo lời Steve, chỉ còn 90 ngày nữa thì phá sản vào cuối thập niên 1990 trước khi Steve quay trở lại – chính công ty mà ông đã đồng sáng lập cùng với Steve Wozniak. Anh chàng Steve kia đã vắng bóng trong cuộc chơi nhiều năm qua. Trong câu chuyện của Apple, Steve Jobs là người hùng chính diện và được ví như huyền thoại Johnny Appleseed – một danh nhân nước Mỹ đã góp phần truyền bá giống táo và những tư tưởng thần học.

Thật ra mà nói, Mike Markkula, người điều hành ở vị trí số hai tại Apple, mới chính là người được mệnh danh Johnny Appleseed bởi vai trò lập trình phần mềm. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn năm 1997 với  New York Times  về việc tách khỏi Apple, Steve đã nói rằng ông “cảm thấy bị Mike phản bội”, bị loại bỏ và quên lãng. Đó là lý do vì sao giờ đây Mike hiếm khi được đề cập đến khi người ta nhắc đến huyền thoại về cuộc tạo dựng Apple.

Máy tính Macintosh ra đời năm 1984 với một đoạn phim quảng cáo rầm rộ có cảnh một phụ nữ phóng chiếc búa vào một cái màn hình khổng lồ, và một năm sau đó Steve Jobs bị buộc phải rời khỏi công ty mà chính ông đã tạo dựng trong gara của bố mẹ mình vào năm 1976. Nhiều nhân viên không thích Steve và than phiền rằng ông là một ông chủ cực kỳ hà khắc; hội đồng quản trị lại quan ngại rằng Steve không đủ năng lực để điều hành trong một công ty có tầm vóc; và John Sculley, vị chủ tịch của PepsiCo, người mà Steve đã tuyển mộ làm CEO của Apple, đã đánh bại nhà sáng lập trong cuộc đua tệ hại để giành quyền lực. Mike đã đứng về phe vị CEO này, và đó là nguồn gốc của câu chuyện về sự phản bội. Và John đã bị xem như thuộc nhóm kẻ xấu, còn Mike, cũng là người đồng sáng lập Apple, thì bị vùi dập.

“Điều hủy hoại Apple chính là các giá trị,” Steve Jobs đã nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1995 với Chương trình Vinh danh của Computerworld. “John Sculley đã hủy hoại Apple bằng cách áp đặt một chuỗi giá trị vào thượng tầng của Apple vốn đã băng hoại và mua chuộc những con người hàng đầu tại đó, loại bỏ những ai không thể mua chuộc, rước vào những kẻ băng hoại hơn và trả lương cho họ tổng cộng đến hàng chục triệu đôla và quan tâm đến vinh quang và của cải riêng tư hơn nền tảng ban đầu của Apple – là chế tạo những chiếc máy tính tuyệt hảo cho mọi người sử dụng.” Cuộc chạm trán tồi tệ tại Apple là cần thiết vì nếu không bị buộc phải trở thành kẻ vất vưởng và phải gây dựng lại từ hai bàn tay trắng thì Steve Jobs đã không bao giờ có thể trở thành một nhà lãnh đạo và kinh doanh hiệu quả đến thế. Ông đã thú nhận như thế trong bài diễn văn tại lễ phát bằng tốt nghiệp ở Đại học Stanford năm 2005: “Lúc ấy tôi không nhận thức được điều đó, nhưng quả thật việc bị sa thải khỏi Apple hóa ra lại là điều tuyệt vời nhất trong đời tôi. Gánh nặng của sự thành công được thay thế bằng sự nhẹ nhõm của một kẻ tái khởi nghiệp, không còn quá đoan chắc vào mọi thứ. Điều đó đã khiến tôi được giải thoát để bước vào một trong những giai đoạn sáng tạo nhất trong đời.”

Đoạn đời này đã được đặt tên là “màn hai,” phỏng theo cách Shakespeare chia vở kịch cuộc đời ra thành từng màn dài hàng thập kỷ. Tán đồng ý tưởng này, Steve đã kể với Stephen Wolfram, nhà khoa học về máy tính kiêm một tay lão luyện về toán học, về những gì ông “muốn thực hiện trong những năm ba mươi tuổi.” Màn hai bắt đầu bằng việc bán 70 triệu đôla cổ phiếu của Apple để thành lập NeXT Computer vào năm 1985, một công ty chuyên thiết kế phần cứng máy tính cao cấp cho các trường học. Khi Steve giới thiệu NeXT và phần mềm truyền thông chuyên dụng của máy này với khách hàng, được một bức email mẫu với nội dung: “Kính gởi Steve” sẽ xuất hiện trong hệ thống dữ liệu khách hàng. Mỗi khách hàng của máy tính NeXT, vốn không nhiều, đều nhận được một bức email của Steve Jobs. Tim Berners-Lee, người phát triển hạ tầng cho World Wide Web sử dụng NeXT, vẫn còn nhớ rõ thông điệp ấy. Tim viết, “Máy NeXT thật tuyệt vời. Một việc lớn lao mà Steve Jobs đã làm cho đời là kiên trì làm cho máy tính trở nên dễ sử dụng chứ không khiến con người phải nổi điên lên!”

Trong thời gian điều hành NeXT, Steve đã bỏ ra 5 triệu đôla để mua lại bộ phận sản xuất hoạt hình bằng máy tính của Lucasfilm Limited mang tên Pixar vào năm 1986 từ George Lucas, cha đẻ của  Star Wars (Cuộc chiến tranh giữa các vì sao)  . Steve đã đầu tư thêm khoảng 50 triệu đôla bằng tiền riêng của mình vào doanh nghiệp này, và biến công ty này thành Pixar Animation Studios, ban đầu bán các công cụ để sản xuất video và sau đó cho ra đời một số phim gia đình thành công nhất trong mấy thập kỷ qua, trong đó có  Toy Story   (Câu chuyện đồ chơi)  ,  Finding Nemo (Đi tìm Nemo)  và  Wall-E  . Công ty Walt Disney đã mua lại Pixar năm 2006 với trị giá cổ phiếu 7,4 tỉ đôla và ngay lập tức biến Steve thành cổ đông lớn nhất của Disney cho đến lúc ông qua đời.

Màn hai có nhiều khía cạnh đáng để tìm hiểu, và giai đoạn này đã được ghi lại khá rành rọt. Trong thời gian này, Steve cởi mở cho phép các nhà báo và nhà văn tháp tùng ông trong các cuộc họp và viết về đời sống của ông. Điều đó một phần là do ông vừa trải qua một thất bại tại Apple, và cần chứng tỏ bản thân trở lại cũng như thu hút sự chú ý cho các kế hoạch mới. Đến lúc quay trở lại Apple vào năm 1996 khi công ty này mua lại hãng NeXT đang chật vật, Steve mới cảm thấy chua chát vì hình ảnh của mình không được sách vở và báo chí khắc họa công bằng. Steve thắt chặt nguồn tiếp xúc này lại, chỉ còn một số ít nhà báo hạn hẹp được giao lưu ngay trước hoặc sau khi ra mắt sản phẩm mới.

Trong khi nguồn thông tin quan trọng và chính thống bị cắt đứt, một hình thức truyền thông mới bắt đầu lan truyền tin tức về Steve Jobs. Sự trở lại của ông diễn ra cùng lúc với sự lớn mạnh của Internet và sự ra đời của chiếc máy iMac sặc sỡ (chữ “i,” như Apple lúc ấy giải thích, ám chỉ Internet). Thế là nhà lãnh đạo này đã dùng thư điện tử làm phương tiện mới để truyền đạt thông tin. So với ngày nay, lúc đó hầu như chẳng có ai dùng email thường xuyên và số lượng người có thể truy cập vào một trang web tìm kiếm để tìm địa chỉ của Steve còn ít hơn nữa. Thông tin trên diễn đàn và trong các danh sách thư tín (mailing list) dần lộ ra các con đường để liên lạc trực tiếp với Steve: sjobs@apple.com, sjobs@pixar.com, sj@pixar.com, steve@mac.com, ceo@apple.com và theboss@apple.com.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button