Hồi ký - danh nhân

Tâm Thành Và Lộc Đời

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Thành Lộc & Nguyễn Thị Minh Ngọc

Download sách Tâm Thành Và Lộc Đời ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : DANH NHÂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

Đã có rải rác vài lời đề nghị tôi viết hồi ký hoặc ngồi kể cho người ta ghi lại từ nhiều năm trước nhưng tôi đã từ chối bai bải… vì thấy mình chưa đủ độ dầy và độ… sạch sẽ để cho người ta đọc về mình, phần cũng lười lắm nên thôi…

Bây giờ nghe nói chị Nguyễn Thị Minh Ngọc, bà bạn thân của mình chấp bút thì đúng như là cái điều kiện ắt có và đủ để cho cái phản ứng hóa học nó hình thành đúng thời điểm, gọi là thiên thời địa lợi nhân hòa đã có đủ, hai chị em lần nữa lại dính duyên như cứ phải làm kịch của chị ấy… suốt đời vậy!

Chị Ngọc viết vài lần cho đọc nhưng không ưng, vì nó không phải giọng điệu của mình. Tới lần nầy thì thấy lạ lắm! Người nghe kể chuyện có khi sẽ bị lẫn lộn về thời gian, không gian, nhưng đó đúng là cách viết lại của một người nhớ đến đâu thì kể đến đó, như những thước phim đời ghép lại từ những ký ức lúc nhớ lúc quên, không tuân thủ theo những quy luật tự nhiên của một cuốn hồi ký cổ điển, quen thuộc. Bà chị Ngọc đã chọn đúng cái lối dụng văn của thằng em, thằng bạn nầy khi kể, nó rất ngẫu hứng và… ngang bướng, lúc lương thiện, lúc lại ranh ma và có chút vị ươn ươn của mùi máu điên chạy rần rần trong thằng nghệ sĩ. Chắc tại chơi thân quá nên chị hiểu chứ không là chị, tôi không biết nhờ ai! Cảm ơn chị!

Sẽ có người phán: Vậy là nó biết nó già rồi nên mới chịu làm cuốn sách. Dạ nói sao cũng được, cũng đúng hết vì trong thời điểm nầy đây thấy làm điều đó đã là cần thiết, đời sống có hiện đại bao nhiêu, có tân tiến bao nhiêu thì đều cũng phải cần có những câu chuyện kể ngày xửa ngày xưa, nó là truyền thống kế thừa và nối tiếp những bước đi làm dài thêm quang lộ của đời, để đời luôn tồn tại, phát triển và vĩnh hằng. Sẽ có câu chuyện hay, cũng có những câu chuyện chưa thật hay, thậm chí các bạn ở thế hệ 8x và 9x sẽ không cảm hoặc cả không tin vào những mảng đời, câu chuyện mà chỉ có sinh ra và trải nghiệm sống trong thời điểm đó của lịch sử mới hiểu rằng đó là sự thật, dù sự thật khó tin hay không nhưng chắc chắn nó cũng sẽ góp phần làm phong phú vốn đời cho một thế hệ đang chuyển động và làm chủ cuộc sống hiện tại. Nhưng không phải là hồi ký thì cái gì cũng được kể lại, có những chuyện mà người trong cuộc cũng chỉ muốn giữ lại cho riêng mình, huống chi đây không hoàn toàn là một cuốn hồi ký, chỉ là những câu chuyện được kể lại, kể cho nhau nghe để còn nhìn nhau mà cười, gửi đến nhau những nụ cười viên mãn. Đời vậy là đủ đẹp, cau mày với nhau làm gì!

Ai cũng một lần được nghe kể những câu chuyện xưa với lời mở đầu là: Ngày xửa ngày xưa, có một…

Dạ, cũng thấy được an ủi lắm khi mai sau với khán giả yêu kịch nghệ cũng sẽ có một câu chuyện tương tự ngày xửa ngày xưa nơi đây đã từng có một…

ĐỌC THỬ

Tái sanh và được chọn

Tôi sinh năm 1961, tuổi Tân Sửu, cầm tinh con trâu. Lá số tử vi của tôi cho thấy cung Tài có Thái Âm tọa chủ chiếu vô bản mệnh,  làm việc gì về ban đêm sẽ thành công, sinh lúc 5 giờ sáng (giờ Dần) trúng vào giờ Cô Thần (tuyệt) nên không có vợ, con. Mệnh có Đào Hoa, Hồng Loan, lại đi với Đà La, làm gì cũng dễ nổi tiếng, mà là tiếng thơm, có năng khiếu về văn hóa nghệ thuật với các vai bi (Hóa Kỵ), hài (Thiên Hỉ), hạp với việc giảng dạy (Đồng Lương), có Thân vững nên đời ít bị nhiễu về mặt nhục dục! Có Kim Dự, Dịch Mã, Văn Xương cùng nhiều quý nhân nên xếp vào người hiền, có tên tuổi và được lên xe xuống ngựa. Cung Thiên Di chỉ rõ cuộc đời sẽ bị trôi vào thế giới bon chen, phù phiếm với nhiều nỗi thăng trầm. Cung Quan Lộc có nhiều sao tốt nhưng sao xấu lại dồn về cung Nô Bộc. Khi được cho biết là từ năm 40 tuổi trở đi tôi sẽ được giảm bớt việc bị phản và bị thù, tôi thấy mình chưa biết thù ai, khinh thì có. Nhưng khoan nói xa xôi đến chuyện sau nầy.

Để vẽ lại ấu thời của tôi, hai cái bóng in đậm là Ba và Má, rồi cả gia đình, cùng những sắc màu rực rỡ, âm thanh quyến rũ của sân khấu.

Ngay Má và Ba tôi cũng đồng nghĩa với Sân Khấu rồi. Thử hình dung đi, một cái đình lớn mang tên đình Cầu Quan – sau nầy còn gọi là đình Thái Hưng. Trong lòng cái đình ấy có chứa một cái sân khấu để biểu diễn. Bao quanh và trên dưới sân khấu ấy, ngoài chỗ cho khán giả ngồi xem còn là nơi sinh sống, ngủ, nghỉ và làm việc của vài gia đình thuộc dòng họ bầu Thắng nổi tiếng của ông ngoại như nhà của các cậu Minh Tơ, Khánh Hồng cùng các cậu, dì, anh chị họ khác của tôi. Mỗi gia đình có khoảng vài mét vuông.

Nếu tính đứng từ sân khấu đó nhìn xuống khán giả, thì nguyên một mảng mấy mét vuông thuộc cánh gà bên hông phải của sân khấu, chính là NHÀ của tôi. Chưa đến giờ diễn, nơi đó đủ chỗ để chứa một bộ bàn ghế để cả nhà dùng cơm cùng chiếc đi-văng là giang sơn của má (  công chúa, con gái ông bầu mà  ). Tới giờ diễn, chiếc bàn xếp lại để chỗ cho dàn nhạc cải lương ngồi – dàn nhạc Hồ Quảng thì nằm ở ngoài hố nhạc, trước mặt khán giả. Má ngồi trên đi-văng để hóa trang – lúc đó kêu là sắm tuồng.

Khu vực nầy có một chiếc gác xép, từ đó có một cầu thang đi xuống cánh gà bên phải sân khấu. Ngay dưới chân cầu thang gác xép đó sẽ là nơi banh cái ghế bố ra thành chỗ ngủ của ba sau khi tan xuất hát. Khoảng 9 giờ là tất cả bị lùa lên gác ngủ. Giờ đó bị phát giác còn thức chạy lăng quăng là bị đòn. Tôi thường ngồi thòng hai chân, ấn mặt vào giữa hai chấn song của lan can trên gác xép ngó xuống sân khấu coi hát như được ngồi ở một loại “chuồng gà” đặc biệt, thiết kế dành cho dân hạng sang trong các nhà hát của Tây xây. Tới chừng vãn hát, phần gác xép là nơi ngủ của ba chị: Bạch Liên, Bạch Lựu và Bạch Lý. Anh Long thì từ nhỏ vì khó nuôi đã được gởi ở nhà một bà cô cách đình vài bước chân thôi. Hai người còn lại là chị Bạch Lê và tôi, bạn có đoán được nơi ngủ không? Chính là sàn diễn mình mới được xem hồi nãy, trải chiếu ra thành nơi ngủ của người chị thứ nhì và bé Út trong nhà.

Chắc bạn đã từng đọc qua bài báo, tôi kể chuyện ba má hay cho tôi mặc đồ bà ba bằng sa-tanh màu lợt. Sau khi tắm, thơm tho trong bộ đồ mới, tôi khoái dông tới ngã tư Trần Hưng Đạo và Yersin, đứng hằng giờ liền để cây cột đèn xanh đèn đỏ hắt chuyển ánh sáng huyền ảo đủ màu lên nền áo bóng loáng của mình. Tôi thích được thôi miên trong thứ ánh sáng ấy. 15 giây là màu đỏ, 15 giây là màu xanh, 5 giây là màu vàng – có lẽ tôi thích màu vàng nhất vì nó chỉ có 5 giây. Cái gì hiếm thì nó quý, tôi thích màu vàng luôn từ đó. Và còn nữa, tôi thích mình là con biến sắc. Vào giờ đó, muốn kiếm Út Tâm cả nhà cứ đến gốc cột đó là thấy ngay chàng Út. Sa-tanh lúc bấy giờ đang là mốt. Cưng lắm mới được bận đồ sa-tanh. Áo bà ba phải có hai cái túi nghen. Tôi được xếp vào hàng “hot boy” thời bấy giờ, được nhiều người lớn bu lại nựng vì bụ bẫm dễ thương (Hình như bây giờ, gần nửa thế kỷ sau, vẫn có nhiều người nói thấy cái mặt của tôi vẫn còn muốn nựng). Trong túi áo bà ba của “hot boy” bấy giờ thường đầy ắp ốc ruốc đủ màu. Lỡ như không trang bị kịp ốc ruốc thì ít gì cũng phải có cây kim băng (còn gọi là kim tây) ghim vào chéo áo, để cho những đứa có ốc nhưng thiếu kim lể thì “hot boy” có thể chìa “vũ khí” ra cho mượn tạm để… cùng ăn.

Sa-tanh còn dùng để bọc áo gối. Cái chất vải bóng mát lạnh thoảng hương Eau De Cologne tạo cảm giác nhà mình nghèo nhưng sang. Cái mùi hương ấy cùng với những màu sắc chấp chóa của kim sa mắt gà đính vào phục trang biểu diễn, những tờ giấy bóng kiếng đủ màu bọc đèn, tiếng trống, phách lùng tùng xèng mà thiếu nó thì tôi không thể nào ngủ được. Mỗi ngày, từ lúc mở mắt ra đến lúc tạm nhắm hờ để trôi vào mộng, tất cả thế giới đầy màu sắc và âm thanh của sân khấu như vậy đã ngập tràn, thấm đẫm vào từng tế bào da thịt cùng tâm hồn tôi.

Tôi cũng không thể lơi lỏng ý tưởng mình là con trai của kép chánh Thành Tôn, thuộc một dòng dõi theo nghề hát bội ba đời tại đất Vĩnh Long. Ông nội của tôi là bầu Nở nức tiếng Vĩnh Long. Là kép nổi nhứt vùng vì hát hay lại khá đẹp trai, nhưng Ba tôi sớm ý thức được là để thỏa chí làm nghề cần phải xuất hiện ở Sài Gòn nên ông đã rời gánh của cha mình mà lên đó đầu quân. Rồi sau đó sanh tình và kết hôn với Huỳnh Mai, con gái thứ của bầu Thắng. Sau nầy tôi biết thêm, năm 1924 ông ngoại tôi là nghệ sĩ hát bội Hai Thắng, đã gom góp tiền bạc trong gia đình, mua lại gánh hát bội của bà Ba Ngoạn (là bà nội của cô Kim Cương), lập đoàn Vĩnh Xuân. Khoảng năm 1950, mấy người anh chị em của má như Minh Tơ – cùng vợ là nghệ sĩ Bảy Sự, các cậu Đức Phú, Khánh Hồng… đều có học hát cải lương của đoàn Phụng Hảo. Khoảng cuối thập niên 50 thế kỷ trước thì danh xưng Cải Lương Tuồng Tàu ra đời. Sau đó vài năm khán giả gọi đó là Cải Lương Hồ Quảng để rồi sau 1975, khi chuyển sang hát lịch sử Việt Nam, bộ môn nầy chuyển thành loại hình Cải Lương Tuồng Cổ.

Hai bên nội ngoại đều là những người nổi tiếng, yêu nghề và là những người đi tiên phong phối hợp loại hình sân khấu cổ với hoàn cảnh đương đại. Ngó các chị của tôi đều vừa đi học vừa đi hát trước mình, trong lòng tôi luôn nôn nao nghĩ đến ngày rồi sẽ đến phiên cậu Út bước ra sàn diễn. Ở cái tuổi chưa được ba cho phép làm khán giả – vì ông quan niệm phải học chữ trước – đã đôi lần tôi lén trốn ba đi xuống dưới đứng coi. Loại khán giả chui nhỏ xíu như tôi bằng cách nào coi được, các bạn biết không? Đình có bốn cây cột bự chảng nằm chình ình ngay giữa khán phòng. Muốn xem tuồng mà không được bắc ghế, tôi chỉ còn một cách duy nhứt là đu ôm lấy cây cột to, một chân co lên cái bục dưới gốc cột, một chân chống chịu trong hơn hai tiếng đồng hồ. Ở vị thế đu ôm cột đó, tôi thường hay bị người soát vé, đưa chỗ (lúc đó kêu là plát-sưa từ chữ placeur, tiếng Pháp) đuổi đi để không che khuất khán giả. Thấy họ chuyển sang hướng khác thì tôi chạy lại đu cột coi tiếp.

Bạn có tin không khi tôi sắp kể cho bạn nghe một dấu ấn lớn trong khúc đời thơ ấu đầy mộng tưởng nầy, một câu chuyện mà tôi chưa từng kể với ai trong gia đình, bạn bè và càng chưa kể cho các phóng viên nghe, một câu chuyện mà bây giờ khi nói ra, tôi vẫn không thể khẳng định nó là mộng hay thực.

Hãy hình dung vào giờ nửa khuya, cái thế giới nhỏ bé bên trong đình Cầu Quan của đại gia đình gồm nhiều tiểu gia đình của chúng tôi, bàn thờ Tổ nằm ngay sau lưng phông hậu của sân khấu, bàn thờ Thần Đình nằm sau lưng hàng ghế cuối cùng của khán phòng, đối diện với sân khấu. Đặc biệt nơi đó còn có hai tượng Thần Mã, bên Bạch Mã sơn trắng, bên Xích Thố mang sắc đỏ và đen. Ban ngày bọn trẻ con chúng tôi thích chạy qua, chạy lại dưới bụng hai tượng ngựa đó với mong cầu được khỏe mạnh. Nằm sát phông hậu của sân khấu còn là một chiếc bục cao hình hộp chữ nhật dài mà trong chuyên môn vẫn gọi đó là Sân Khấu Giả.

Bấy giờ tất cả mọi người đều an giấc, chị Bạch Lê nằm bên cạnh tôi ngủ rất say. Tôi thì đang bị sốt nên giấc ngủ không tròn, cứ chập chờn… Và rồi tôi đã nghe tiếng lục lạc khua vang cùng tiếng ngựa hí vang lừng, tiếng gươm đao khua lẻng xẻng cùng tiếng hô vang: “Quân sĩ đâu, hãy rượt theo vây bắt cho ta”. Tôi ngồi dậy, vén mùng chui ra ngồi nhìn ra mà lòng không hề thắc mắc hay sợ hãi.

Một nhóm “Người Bí Ẩn” lừng lững trào ra từ dưới đền thờ Thần Đình, tràn lên sân khấu đâu khoảng mấy chục mạng. Tại sao tôi gọi là “mạng” mà không gọi là người, vì thân thể của họ hoàn toàn không giống người, mà giống y như những vòng nhang khoanh khổng lồ mình vẫn thấy ở các chùa trong Chợ Lớn, đờn ông hình ống trụ, đờn bà hình nón lá. Từ các tấm thân ấy mọc ra đầy đủ đầu và tứ chi với lông trĩ, lông công cắm khắp lưng, đầu theo vai chánh, phụ. Nhóm “Người Bí Ẩn” ấy ca hát, thoại, múa võ y như trong các vở tuồng Tàu mà tôi vẫn được coi, có từ Tiết Đinh San, Tiết Ứng Luông đến Phàn Lê Huê, Thần Nữ và mọi nhân vật phụ khác. Bạn có tin không, ngay lúc tôi đang kể đây mà trong mắt tôi vẫn rõ mồn một hình ảnh của họ, trong tai tôi vẫn nghe rõ ràng âm thanh của những thứ binh khí họ chạm vào nhau nghe loảng xoảng và cả tiếng vó ngựa lộp cộp chạy đầy trên sân khấu chung quanh tôi. Tôi ngồi coi say mê cho đến khi các các hình bóng âm binh thần tướng ấy rút lui biến hết vào lòng sân khấu giả, tôi ngồi dậy chạy theo luôn vào gầm sân khấu giả đó và rồi họ biến mất để tôi ngồi một mình trong bóng tối. Tôi biết mình có giác quan thứ sáu rất nhạy và chính xác, nếu là ma chắc chắn lưng tôi sẽ lạnh. Nhưng không, tôi thấy ấm cả người, tôi biết chắc đó không phải là ma, mà là Thần.

Từ đó, mọi thứ đã không còn bình thường trong lòng tôi được nữa. Những đêm sau đó tôi cứ cố canh xem có còn được gặp lại họ nữa không, nhưng có lẽ cái gì thiêng quá thì chỉ xảy đến có một lần. Tôi không nghĩ đây là chuyện tình cờ mà họ đã cố tình cho tôi thấy, họ đã cố tình để tôi đi theo con đường của họ, con đường mà ba má và các anh chị tôi đang đi. Với tất cả lòng biết ơn cùng ý thức mình là Người Được Chọn.

Và cho đến hôm nay, khi ngồi kể lại chuyện nầy, giựt mình khi thấy mình sống đã hơn nửa thế kỷ, mà riêng tuổi vào nghề đến đây có tới gần bốn mươi năm miệt mài không ngưng nghỉ, so ra, đã dài hơn tuổi nghề của ba má và các chị rồi. Tại sao thế? Có lẽ tại vì chỉ có mình mới có được sự dẫn đường trong cơn mộng du nên phải “chịu nghiệp” dài hơn!!? Các Chư vị đã dẫn tôi đi rồi để tôi lại trong bóng tối, như một dự báo: trên con đường mình đi, tôi là người cô độc.

Cái đình Cầu Quan nằm ngay trung tâm thành phố Sài Gòn hoa lệ, cách chợ Bến Thành đâu có bao xa, nay là đất vàng đất bạc, nhưng ngày ấy tôi cũng ý thức được cái xóm mình lớn lên là một xóm nghèo. Nghịch lý thay, cái nghèo ấy đã khiến cho tâm hồn tôi, nghiệp diễn tôi lại giàu có hơn lên. Biết bao kỷ niệm thú vị tôi đã trải qua nơi đó. Những mùa Trung thu chỉ với những lồng đèn xếp bằng giấy dó mà đám rước đèn của đám trẻ nghèo bao giờ cũng có sức hút rất lớn với đám trẻ giàu lồng đèn giấy kiếng. Khi lên đèn ánh sáng lồng đèn giấy kiếng thì khuếch tán trong khi lồng đèn giấy dó thì hội tụ nên đèn nhà nghèo bao giờ cũng sáng và đẹp hơn đèn nhà giàu. Lồng đèn giấy kiếng cứ xin nhập bọn với lồng đèn giấy dó, chưa bao giờ đám con nít xóm nghệ sĩ chúng tôi lại tự hào mình là con nhà nghèo như lúc nầy.

Nếu có thể nói thêm gì về những ước mơ thuở nhỏ của mình, không thể không nhắc đến sự ưa thích vô cùng của tôi về thủy tinh, màu sắc, ánh sáng và những ảo giác tạo ra từ những thứ đó. Tôi không mơ xa đến những vì sao tận trời cao tít tắp, chỉ cần ống kính vạn hoa, những trái châu bé nhỏ lung linh (thời đó những trái châu treo trên cây thông Giáng sinh chỉ làm bằng thủy tinh chứ không làm bằng nhựa cứng như bây giờ), miếng miểng chai xanh từ những chai bia, những con đom đóm phát sáng kỳ diệu trong đêm đen, những hòn bi ve… cũng đủ khiến tôi ngây ngất ngắm nhìn và tơ tưởng vẽ ra một thế giới đầy mộng ảo. Tưởng tượng, để được trôi trong những mộng mơ đẹp, đó là gia sản giàu có, lành mạnh của những đứa bé con nhà nghèo.

Những lúc Sài Gòn cúp điện, tôi có thể ngồi hàng giờ trước đèn măng-xông hay chỉ cần một cây đèn dầu và dán mắt vào một miếng miểng chai rồi xoay nó thế là trò chơi ảo giác bắt đầu. Mọi thứ đằng sau miếng mảnh chai đó là cả một thế giới lung linh huyền ảo cứ thế mà thôi miên tôi. Cũng nhờ vậy mà tôi không cảm thấy sợ hãi khi ở trong bóng tối.

Ở tuổi học Mẫu Giáo, tôi được đến trường Tư Thục Hồ Văn Ngà ở con đường cùng tên. Ấn tượng của thời gian đó là những cây kẹo đèn cầy trong suốt đủ màu thường để ngó hơn là để ăn vì ba má luôn nhắc ăn kẹo là hư răng hết đó. Thân thiết hơn là hộp viết chì đủ màu hiệu Coleen, hộp bút lông 12 cây, những tờ giấy gói kẹo đầy màu sắc. Và có lẽ cũng nhiều người cùng thích với tôi những chiếc lá bồ đề ngâm nước tro cho mục rã thịt lá để chỉ còn những cọng gân lá nhuộm đủ màu trong suốt ép trong tập vở, đẹp mê hồn! Lũ bạn hay chọc: chỉ có con gái mới thích lá bồ đề nhuộm màu, tôi thây kệ, thích là thích thôi, đẹp mà! Mà xem ra những sở thích của tôi cũng giống con gái thật, toàn thích những gì có màu sắc và trong suốt. Cái gì cũng có lý của nó, hồi nhỏ ba má tôi đã từng cho tôi giả gái sau một trận đau ban tưởng chết.

Sau khi sanh hai chị Liên và Lê, mất một con trai, má tôi sanh tiếp hai chị Lựu và Lý. Sanh và nuôi con gái không sao mà hễ sanh con trai là má tôi bệnh, không thì mấy đứa con trai cũng bệnh, vì xem ra gia đình không có số nuôi con trai nên tôi suýt cũng theo số phận bị gởi cho người khác nuôi như anh Long. Nhưng rồi mấy chị thèm có em trai quá nên xin ba má để tôi lại nuôi. Má kể khi tôi được vài tháng tuổi, có lần tôi bị đau ban lên sởi rất nặng và đã ngưng thở. Ba má đã mang tôi lên chùa Tân Nghĩa ở Gò Vấp, nơi ba má tôi quy y. Sư trụ trì mang tôi đặt trong lòng chiếc Đại Hồng Chung, ông gióng lên ba hồi chuông và rồi cái xác tôi giật mình thức dậy sau một giấc ngủ dài rồi cười ngất như thể bị ai đó chọt cù léc. Sư trụ trì phán: “Cái xác phàm nầy coi như đã qua một kiếp, giờ thằng nhỏ đã được tái sinh trong kiếp mới”. Tôi được thầy đặt pháp danh là Thiện Tâm từ đó. Để dễ nuôi hơn trong kiếp mới nầy, ba má cho tôi giả làm con gái, để tóc dài và cho bận áo đầm. Cả nhà phải né tên thật mà gọi trại đi là Thành Tâm, với lòng tin nếu có “mấy người coi số tử” tới tìm, sẽ lầm tưởng là đứa trẻ khác mà không bắt đi.

Chuyện nầy tôi có kể cho vài tờ báo đăng rồi. Không hiểu sao, gia đình tôi khó nuôi con trai lắm. Anh đầu mất, anh Bạch Long phải gởi người khác nuôi và kêu ba má tôi là anh Hai, chị Hai. Chúng tôi còn một người em trai nữa, ba má đặt tên Thành Long, nhưng phải gởi chính bà mụ đỡ đẻ nuôi. Về sau, bà sang Pháp sống. Có tin về là em chúng tôi đã lập gia đình rồi và đang rất hạnh phúc. Lần đó, có một vị đạo diễn nước ngoài về Việt Nam làm việc, tôi tình cờ biết được anh chính là con trai ruột của bà mụ năm nào. Khi bà mất, anh có nhận nuôi người em nầy của chúng tôi. Khi anh ấy li dị vợ thì Thành Long cũng rời nhà và tự lập gia đình riêng. Chúng tôi rất muốn tìm gặp lại em, nhưng vị đạo diễn nầy cho biết chính anh ấy cũng muốn tìm nhưng không biết tìm nơi đâu. Chúng tôi chỉ còn biết cầu nguyện một ngày nào đó sẽ được gặp lại người em trai thất lạc. Không chừng em Thành Long cũng không biết là mình còn anh chị sống tại Việt Nam và mấy chị nữa sống ở Mỹ, Pháp, Úc. Anh Bạch Long tên thiệt là Thành Tùng, nhưng anh lấy nghệ danh là Bạch Long để nhớ về người em nầy.

Phần tôi, mãi tới khi bảy tuổi, lên lớp một, thấy đã sống được, tôi mới được cắt tóc và bận đồ con trai như các bạn bình thường. Nhưng thời mẫu giáo, còn mái tóc dài, bạn có thể hình dung tôi đã bị nhòm ngó, bị chọc ghẹo ra sao không:

1/ Nhòm ngó: dù mặc áo đầm nhưng mỗi khi đi đái, tôi vẫn không ngồi, người đi đường cứ chọc ghẹo tôi “Trời ơi, con gái mà sao đái đứng!”

2/ Chọc ghẹo: Ở nhà thì các chị như có được một bé Út xinh xắn để chơi đùa. Mấy chị thích cho tôi ngậm một đồng tiền cắc trong miệng, hay nhét đồng tiền vào lỗ tai, khi các chị giựt cái bính tóc của bé Út thì bé Út có nhiệm vụ phải nhả tiền ra giống y như cái gặt băng tâm (bây giờ gọi là máy kéo tiền trong casino). Cái ngày ba má khám phá ra bé Út bị dùng như búp bê sống để chơi đùa, coi như các nàng bị đòn và phải dẹp ngay.

Tám tuổi, bắt đầu được chính thức tham gia biểu diễn, tôi mang luôn nghệ danh bé Thành Tâm, chưa được lấy tên thật vì gia đình vẫn còn lo sợ có chuyện không may cho tôi.

Trong những món được sở hữu, tôi đặc biệt thích những quả châu óng ánh lung linh bằng thủy tinh mùa Giáng sinh. Có lần tới nhà cậu út tôi chơi, được mợ cho một trái châu, tôi cưng nó lắm, ngày nào tôi cũng áp sát nó vào mắt và cứ tò mò không biết trong lòng trái châu có gì. Rồi khi nó bị rớt bể, nỗi thất vọng gần ngang với việc cả một thế giới sụp đổ với mình. Nhưng cũng kịp nhận ra bên trong vật quý kia không có gì cả, cái lung linh huyền ảo của trái châu đó chỉ là cái bên ngoài. Tôi có một cái tật không biết là xấu hay tốt, cái gì mà khi được cảnh báo là coi chừng bể thì tôi lại muốn nó bể, tự khám phá bên trong hình ảnh đứa bé ngoan, còn có một tinh thần khát khao nổi loạn ngầm luôn tồn tại trong mình. Cái gì càng cấm tôi lại càng muốn làm.

Trong mớ ấm trà của ba sưu tập, có một bộ trà của Nhật, mỏng như giấy quyến, cứ gợi trong tôi nỗi khát khao muốn cắn thử coi nó ra sao, vậy là tôi làm thiệt. Tôi “ghé răng cắn vào”, mặc dù “không có miếng môi ngọt đắng” mà nó vẫn bể trong miệng tôi như cái vỏ trứng gà mong manh tan nát. Cưng mấy thì Út cũng phải bị một trận đòn như ai, nhưng từ đó tôi có một niềm vui lớn khi hiểu ra cái gì mình nghĩ được là cũng có khả năng sẽ làm được. Ngó hòn bi ve đủ màu xoắn tít trong hình cầu bé nhỏ, tôi cứ khoái cầm cái búa đập bể ra lấy trái khế bên trong, hóa ra trong đó cũng chẳng có gì.

Phải là nghệ sĩ sống trong nghề nhiều năm, ở giai đoạn trước đây (mà cả sau nầy nữa) mới mang cảm giác sợ con cái mình theo nghề diễn của mình sẽ thấy trước đời sẽ cực khổ nhiều hơn niềm vui. Như má Bảy Phùng Há, người vẫn được trong giới vinh danh là “Tổ sống”, biết bao nhiêu lần trên đỉnh vinh quang, nhưng vẫn bị ám ảnh chuyện con đào kép đi lang thang theo cha mẹ sẽ bị thất học. Một thời gian dài và ngay cả trước khi mất, bà cứ nhắc đi nhắc lại chuyện hát hội lấy tiền, xây Ký Nhi Viện và xây trường học đặc biệt cho con em nghệ sĩ kẻo tương lai chúng long đong. Ba má tôi cũng vậy, không muốn “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, cứ sợ các con theo nghiệp mình sẽ khóc nhiều hơn cười nên luôn buộc các con phải học xong Trung học rồi muốn làm gì thì làm. Ấy vậy mà thích diễn quá, tôi đã mấy lần bước ra sàn diễn nhà tham gia làm quân sĩ cùng với anh Bạch Long, trước mắt ba tôi. Anh lúc đó coi như người của “nhà khác” rồi, nên là người duy nhứt trong gia đình bấy giờ được đi hát. Khi bị tôi xin được làm đứa quân sĩ thứ hai đứng chung, anh Long cũng sợ anh Hai (  tức là ba của hai đứa  ), nhưng vì cưng đứa em Út, thấy tôi mê quá, anh làm liều. Chính anh là người “sắm tuồng” (  vẽ mặt  ) cho tôi. Khi ba tôi ra hát, vừa dòm thấy tôi, ông hết sức ngạc nhiên, còn tôi thì run lên từng chập vì sợ ăn đòn. Vừa xong lớp đó là Ba chụp lấy cây roi mây, định khi vào cánh gà sẽ quất cho mấy roi, nhưng ông vừa vào cánh gà bên nầy, tôi đã tọt sang cánh gà bên kia. Chạy vòng vòng như vậy, lại tới lớp ông phải ra. Tôi cứ thoắt hiện, thoắt biến như vậy cho tới khi vãn tuồng thì tôi… thoát nạn.

Thêm một chuyện nữa để bạn hình dung ra chất nổi loạn ngầm trong tôi từ bé. Thử coi, bao nhiêu gia đình chen chúc ở trong lòng đình, dùng một nhà vệ sinh chung, đêm đến đâu ai dám ra ngoài. Bấy giờ, bên kia đường Phạm Ngũ Lão là nhà ga Sài Gòn (bây giờ là Công viên 23 tháng 9). Đó là nơi khi đêm đến các xe tải chở trái cây từ Đà Lạt về đậu ở đó, cũng là nơi trẻ bụi đời thường núp vào đó để phóng uế. Tôi nhìn hình ảnh đó với đôi mắt thèm thuồng vì đó là biểu tượng của… “Tự Do”. Ba má tôi cấm tiệt chuyện tôi băng qua đường vì sợ tôi bị xe đụng và cũng cấm tôi chơi với bụi đời vì sợ tôi hư. Quyết tâm sang được tới bến bờ tự do kia, tôi mon men làm quen với trẻ bụi đời, nhờ dắt mình sang bên kia đường để được làm chuyện ấy – y chang tụi nó. Đó là một kỳ công vì tự do đã đoạt được trong vòng bí mật. Hạnh phúc nhân lên mấy lần vì mình đã giao du được với những đứa mà người lớn cấm, và theo cảm nhận cá nhân thì chơi với tụi nó thiệt là thú vị, có gì ghê gớm như ba má cấm đâu. Được dắt qua đường, được vừa trò chuyện vừa hưởng một trong tứ khoái, được phạm tội mà không ai hay, nói chung là cảm giác lúc đó nó… đã gì đâu!

Có thể nói gì về tôi những ngày đó? Sống, thở với sân khấu. Được thần thánh chọn. Chết đi sống lại. Thích làm thử những chuyện cấm. Tự nhìn ra bên trong đứa bé ngoan là tôi ngày ấy luôn ẩn chứa một tâm hồn nổi loạn.

Sự nổi loạn ấy bám riết, tăng trưởng cùng tôi mãi đến ngày nay.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button