Hồi ký - danh nhân

Những Điều Tôi Biết Chắc

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Oprah Winfrey

Download sách Những Điều Tôi Biết Chắc ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : DANH NHÂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời giới thiệu


Chẳng phải chuyện gì mới mẻ, nhưng chí ít với cuốn sách này, tôi nghĩ vẫn đáng để kể lại một lần sau chót: Đó là hồi năm 1998, tôi vừa quảng bá cho bộ phim Beloved trong một chương trình truyền hình trực tiếp phỏng vấn Gene Siskel – cây phê bình phim xuất sắc đã quá cố của tờ Chicago Sun-Times. Mọi thứ đều trôi chảy tuyệt vời, cho đến thời điểm kết thúc. “Nói tôi nghe nào,” ông hỏi, “chị biết chắc những gì?”

Đúng, đây không phải lần đầu tiên tôi bị bắt bí. Tôi đã hỏi và bị đặt biết bao nhiêu câu hỏi suốt bao nhiêu năm, và chẳng mấy khi tôi thấy mình lâm vào cảnh hoàn toàn bí từ – nhưng, tôi phải thừa nhận, người đàn ông này đã tìm ra cách khiến tôi phải “đứng hình”.

“À ừm, về bộ phim ư?” Tôi lúng búng, biết rõ là ông kiếm tìm thứ gì đó lớn lao, sâu sắc, phức tạp hơn, nhưng vẫn cố đánh trống lảng cho đến khi đưa ra được một lời đáp ít nhiều mạch lạc.

“Không,” ông đáp. “Cô hiểu ý tôi còn gì – về bản thân cô, về cuộc sống của cô, bất cứ gì, tất tật bất cứ thứ gì…”

“Ừừừm, tôi biết chắc… ừừừm… Tôi biết chắc, là tôi cần thời gian để nghĩ ngợi thêm đôi chút về điều này, Gene ạ.”

Thế là, sau 16 năm và rất nhiều suy ngẫm, câu hỏi ấy đã trở thành câu hỏi trọng tâm của đời tôi: Suy đến cùng, chính xác là tôi biết chắc được những gì?

Tôi đã khám phá câu hỏi ấy trong mỗi số tạp chí O – thật ra, “Những điều tôi biết chắc” (What I Know for Sure) chính là tên chuyên mục hằng tháng của tôi – và, tin tôi đi, lắm lúc một câu trả lời chẳng phải dễ kiếm ra. Tôi biết chắc được gì? Rằng nếu thêm một biên tập viên nữa gọi điện hay viết thư hay thậm chí là gửi tín hiệu khói hỏi han xem “nợ nần bài vở” số này định thế nào, chắc tôi phải thay tên đổi họ mà chuyển biệt tới xứ Timbuktu1 mất!

1 Timbuktu là một thành phố cổ ở vùng Tombouctou, Mali.

Nhưng đúng lúc tôi sẵn sàng giương cờ trắng và thét lên, “Thế đấy! Tôi kiệt sức rồi! Tôi chẳng biết gì hết!” Tôi lại nhận ra mình đang dắt cún cưng đi dạo, đang pha một ấm trà hay ngâm mình trong bồn tắm, thế rồi, chẳng biết từ đâu, một khoảnh khắc sáng tỏ sẽ đưa tôi trở về với điều gì đó mà trong óc, trong tim và tự bản năng, tôi hoàn toàn thấu suốt, vượt qua khỏi bóng tối nghi ngại.

Thế nhưng, tôi phải thừa nhận là tôi vẫn có chút e sợ khi phải đọc lại số bài vở tương đương 14 năm ròng dồn lại. Liệu có giống như coi lại những tấm ảnh của bản thân tôi với những kiểu tóc tai và trang phục thật ra phải đưa vào thư mục chắc-kiểu-này-là-mốt-hồi-đấy chăng? Ý tôi là, bạn sẽ phải làm sao, nếu những gì bạn vốn biết chắc hồi bấy giờ hóa ra lại là những thứ nghĩ-gì-vậy-trời, xét trong hiện tại?

Tôi lấy một cây bút đỏ, một ly Sauvignon Blanc, hít một hơi thật dài, ngồi xuống, và bắt đầu đọc. Trong lúc đọc, những gì tôi đã làm, những thời điểm trong cuộc đời khi tôi viết những mẩu này bỗng ồ ạt ùa về. Tôi lập tức nhớ ra đã vắt óc vắt não, đã lao tâm khổ tứ, đã thức khuya dậy sớm ra sao, tất thảy đều nhằm khám phá ra những điều tôi đã dần hiểu về những gì căn cốt trong cuộc đời, những điều như niềm vui, khả năng hồi phục, sự kính nể, mối kết nối, lòng biết ơn và năng lực nữa. Tôi thật vui sướng được thông báo rằng những gì tôi khám phá ra trong đống bài vở của 14 năm ấy là, khi ta biết điều gì đó thật sự rõ ràng thì có khả năng nó sẽ chống chịu được thử thách của thời gian.

Xin chớ hiểu sai ý tôi: Bạn sống, và nếu bạn mở lòng với thế gian, thì bạn luôn học hỏi. Nên mặc dù lối suy nghĩ cốt lõi của tôi vẫn tương đối vững chắc, cuối cùng tôi đã dùng cây bút đỏ ấy để nâng lên đặt xuống, khám phá và mở rộng một vài chân lý cũ kỹ cùng vài hiểu biết thấu suốt phải rất vất vả mới có được. Chào mừng bạn tới với cuốn sách tự thú nho nhỏ của riêng tôi!

Trong khi bạn đọc về tất cả những bài học tôi đã phải vật vã tranh đấu, phải rơi nước mắt, phải chạy trốn, và rồi quay về, làm hòa, đùa giỡn, rồi sau rốt đã dần biết chắc, tôi hy vọng bạn sẽ bắt đầu đặt cho bản thân chính câu hỏi mà Gene Siskel đã đưa ra cho tôi suốt bao năm về trước. Tôi biết rằng những gì bạn tìm được trên hành trình ấy sẽ rất đáng vui thích, vì thứ bạn tìm ra, chính là bản thân mình.

– Oprah Winfrey

Tháng 9 năm 2014

ĐỌC THỬ

NIỀM VUI

“Ngồi lại. Say ngắm đời ta.”

– Derek Walcott.

Lần đầu tiên Tina Turner2 xuất hiện trên chương trình của tôi, tôi những muốn bỏ trốn theo nàng, trở thành một cô gái hát bè, rồi say sưa nhảy nhót thâu đêm trong các buổi biểu diễn của nàng. Rồi, giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực vào một đêm ở L.A., khi tôiđi lưu diễn cùng Tina trong chương trình The Oprah Winfrey Show. Sau trọn một ngày luyện tập cho chỉ một ca khúc, tôi đã có cơ hội thể hiện.

2 Tina Turner là một ca sĩ, nhạc sĩ và diễn viên người Mỹ từng giành 8 giải Grammy, được mệnh danh là Nữ hoàng nhạc Rock.

Đó là trải nghiệm căng thẳng trí não, run rẩy chân tay thế nhưng rất phấn chấn, hồ hởi. Trong vòng 5 phút 27 giây, tôi đã có cơ hội cảm nhận thế nào là “quậy tưng” trên sân khấu. Chưa bao giờ tôi lại điên cuồng hay vượt thoát bản thân đến thế. Tôi nhớ đã phải đếm bước trong đầu, cố theo đúng nhịp, chờ đến lúc hất cao chân, và cứ phải chú ý từng li.

Rồi, trong thoáng chốc, bỗng tôi ngộ ra: Được rồi, cô gái, chuyện này sẽ chóng qua thôi. Và nếu tôi không chịu thả lỏng, tôi sẽ lỡ mất cuộc vui. Nên tôi dẹp đi mọi suy nghĩ, quên hẳn mấy thứ bước, bước, xoay, đá, mà chỉ nhảy nhót thoải mái. VIUUUUU!

Mấy tháng sau, tôi nhận được gói quà từ người bạn, cũng là giáo viên hướng dẫn của tôi – Maya Angelou – bà muốn tặng tôi món quà mà mọi cô con gái của bà đều phải có. Mở ra, tôi thấy chiếc CD ghi bài hát của Lee Ann Womack3 mà tới giờ tôi vẫn khó có thể nào lắng nghe mà lại không khóc rưng rức. Bài hát ấy, một lời mặc khải cho cuộc đời Maya, có một câu này trong điệp khúc: Khi bạn được lựa chọn, ngồi lặng lẽ hay thỏa thuê nhún nhảy, tôi mong bạn sẽ nhảy. (When you get the choice to sit it out or dance, I hope you dance.)

3 Ca khúc có tựa đề I hope you dance.

Điều tôi biết chắc là mỗi ngày đều mang lại cho bạn cơ hội hít một hơi, hất giày khỏi chân, bước lên và nhảy – để sống không hối tiếc và lấp đầy cuộc sống của bạn bằng thật nhiều niềm vui, hứng khởi và những nụ cười. Bạn có thể can đảm sải bước lên sân khấu cuộc đời rồi sống theo những gì tâm hồn bạn thôi thúc, hay bạn có thể ngồi lặng bên bức tường, thu mình vào bóng tối sợ hãi và nghi ngại bản thân.

Bạn có sự lựa chọn ngay khoảnh khắc này đây – khoảnh khắc duy nhất bạn nắm chắc trong tay. Tôi mong bạn đừng thu mình vào những thứ vụn vặt tầm thường, đến nỗi quên cả thực sự tận hưởng – vì khoảnh khắc này đã sắp sửa trôi qua. Tôi mong bạn sẽ nhìn lại và nhớ đến ngày hôm nay như một ngày bạn đã quyết định coi mọi thứ là quan trọng, để tận hưởng mỗi giờ phút như thể sẽ chẳng còn giây phút nào trên thế gian. Và khi bạn được lựa chọn giữa ngồi lặng lẽ hay thỏa thuê nhún nhảy, tôi mong bạn sẽ nhảy.

Tôi rất coi trọng những vui thú của mình. Tôi làm hết sức, chơi hết mình; tôi tin vào lẽ âm-dương ở đời. Chẳng cần cầu kỳ chi lắm để khiến tôi hạnh phúc, vì tôi tìm thấy niềm khoái lạc trong hầu hết những gì mình làm. Một số niềm vui thú được xếp hạng cao hơn những thứ khác, hẳn nhiên. Và vì tôi cố thực hành những gì tôi hằng thuyết giảng – sống trọn từng khoảnh khắc – nên tôi chủ tâm làm cho hầu như mỗi giây phút trở nên hòa hợp với mức độ hài lòng tôi nhận được.

Đã bao lần tôi cười như nắc nẻ khi nói chuyện điện thoại với cô bạn thân Gayle King, đến nỗi nhức hết cả đầu? Bỗng đâu giữa lúc ấy, đôi khi tôi chợt nghĩ, Chẳng phải đây là một món quà – sau biết bao năm “nấu cháo điện thoại” đêm khuya – khi có ai đó nói với tôi sự thật và chúng tôi cùng cười thỏa thuê? Tôi gọi đó là niềm vui đáng giá năm sao.

Luôn lưu tâm, rồi tạo dựng những trải nghiệm bốn và năm sao giúp bạn hạnh phúc. Với tôi, chỉ cần thức dậy, cảm thấy “trí khôn bình tĩnh,” có thể đặt chân xuống sàn, bước tới phòng tắm, rồi làm những việc cần làm ở đó, thế là đã đáng xếp hạng năm sao. Tôi đã nghe biết bao câu chuyện về những người chẳng đủ mạnh khỏe để làm được như thế.

Một tách cà phê thật đậm, phủ kem hạt dẻ tuyệt hảo: bốn sao. Dạo chơi trong rừng cùng đàn chó chạy nhảy tung tăng: năm sao. Tập tành thể lực: một sao, vẫn như xưa. Ngồi dưới những tán sồi của tôi, đọc báo ngày Chủ nhật: bốn sao. Một cuốn sách thật hay: năm sao. Lê la quanh bàn bếp của Quincy Jones, tán đủ chuyện trên trời dưới bể: năm sao. Có thể làm việc tốt cho người khác: năm sao cộng. Niềm vui thích xuất phát từ chỗ biết rằng người tiếp nhận hiểu thấu tinh thần của món quà. Tôi nỗ lực để làm được việc gì đó tốt lành cho người khác mỗi ngày, bất kể tôi có quen biết người đó hay không.

Một điều tôi biết chắc, mãn nguyện chính là năng lượng được đáp đền qua lại: Những gì bạn trao đi, rồi sẽ quay trở lại. Mức mãn nguyện nền tảng được xác định qua cách bạn nhìn nhận toàn bộ đời sống của mình.

Quan trọng hơn cả thị lực 20/20, chính là tầm nhìn nội tại của bạn, linh hồn ngọt ngào bé bỏng thủ thỉ những chỉ dẫn cùng phước lành suốt đời ta – đó chính là sự mãn nguyện.

Cuộc sống ngập tràn những kho báu mê say, chỉ cần ta dành một giây nâng niu trân quý. Tôi gọi đó là những khoảnh khắc “oa, tuyệt vời!”, và tôi đã học cách tạo ra những giây phút ấy cho riêng mình. Một ví dụ rất đích đáng: tách trà sữa vị quế hồi 4 giờ chiều của tôi (cay nồng, nóng hổi, phủ lớp bọt sữa hạnh nhân – thật sảng khoái và đủ nâng đỡ tinh thần tôi cả buổi chiều). Những khoảnh khắc như thế đầy sức mạnh, tôi biết chắc. Đó có thể là bộ nạp năng lượng, là khoảng không hít thở, là cơ hội để tái kết nối với chính bản thân bạn.

Lúc nào tôi cũng mến mộ từ ngon lành. Cái cách nó rung lên trên lưỡi khiến tôi mê mẩn. Và khoái hơn cả một bữa ăn ngon lành là trải nghiệm nào đó ngon lành, béo ngậy và lớp lang tựa lát bánh dừa mềm mịn. Tôi đã được nếm cách đây vài sinh nhật – cả chiếc bánh lẫn trải nghiệm như thế. Đó là một trong những khoảnh khắc tôi gọi tên là “Thượng đế nháy mắt với ta” – khi chẳng biết từ đâu, mọi thứ hiện lên thật tuyệt hảo.

Bữa ấy tôi túm năm tụm ba với một đám bạn gái ở Maui; tôi vừa từ Ấn Độ về và muốn tổ chức một chầu chiêu đãi spa tại gia để ăn mừng dịp bước sang tuổi 58.

Như mọi chị em bạn gái vẫn làm, dù ở tuổi này, tụi tôi quây quần quanh bàn và ríu ran “tám chuyện” đến nửa đêm. Đêm trước sinh nhật của tôi, năm trong số tám người chúng tôi vẫn ngồi tại bàn đến tận 12 rưỡi, mệt phờ vì cuộc chuyện trò suốt năm tiếng đồng hồ, thôi thì đủ thứ trên đời, từ đàn ông cho đến công nghệ mài da siêu dẫn. Cười nói ra trò, ít nhiều nước mắt. Kiểu dây cà dây muống của phụ nữ khi tụi tôi cảm thấy an toàn.

Hai ngày nữa tôi có lịch phỏng vấn giảng sư tâm linh nổi tiếng Ram Dass, và tình cờ tôi bắt đầu ngâm nga một câu từ bài hát gợi nhớ tới tên ông.

Bỗng nhiên cô bạn Maria bảo, “Cậu ngâm nga cái gì thế?”

“Ờ, một câu trong bài hát tớ thích ấy mà.”

Cô ấy bảo, “Tớ biết bài đấy. Tớ nghe mỗi tối luôn.”

“Đời nào,” tôi đáp. “Đấy là một bài không nổi lắm trong album của một cô tên là Snatum Kaur mà.”

“Phải!” Maria nói. “Phải! Phải! Là Snatum Kaur! Tớ nghe cô này mỗi tối trước khi đi ngủ. Sao cậu lại biết nhạc của cô ý?”

“Là Peggy” – một bạn khác trong nhóm chúng tôi lên tiếng – “tặng tớ một đĩa CD hai năm trước, từ bấy tới giờ tớ nghe suốt. Tớ bật nhạc cô ý hằng ngày trước khi tập thiền.”

Giờ thì tất cả tụi tôi đều rú rít và phá lên cười. “Đùa chắc!”

“Thật ra tớ còn tính chuyện mời cô ý đến hát mừng sinh nhật tớ kia,” tôi lên tiếng lúc đã ngớt cười. “Xong tớ nghĩ, Thôi dẹp, phiền phức quá. Giá tớ biết các cậu cũng thích cô này, tớ đã cố đến nơi đến chốn rồi.”

Khuya hôm đó, nằm trên giường, tôi nghĩ bụng, Chẳng phải đó là một điều gì đó ư? Mình sẵn lòng chịu phiền phức vì một người bạn, chứ không phải vì chính mình. Chắc rồi, mình cần thực hành những gì mình rao giảng và phải biết quý trọng bản thân hơn. Tôi thiếp đi, cứ ước chi tôi đã mời Snatum Kaur đến hát.

Hôm sau, sinh nhật tôi, tụi tôi dự nghi lễ “cầu đất lành” với một tù trưởng Hawaii. Tối đó, chúng tôi tề tựu ở sân hiên thưởng thức cocktail buổi hoàng hôn. Cô bạn Elizabeth của tôi đứng lên – để ngâm một bài thơ, tôi đoán vậy, hoặc đọc chúc từ gì đó. Thế mà, cô lại bảo, “Cậu mong ước, và giờ cậu đã bộc lộ ý muốn ấy.” Cô khẽ gõ một hồi nhè nhẹ, và thốt nhiên tiếng nhạc vang lên.

Nhạc cứ nghèn nghẹt, như thể loa bị hỏng sao đó. Tôi nghĩ bụng, Chuyện gì vậy trời? Và rồi từ từ hiện ra, bước tới sân hiên của tôi… là Snatum Kaur, trong chiếc khăn xếp màu trắng. Cả nhạc công của cô nữa! “Sao lại có vụ này?” Tôi hét lên. Hét rầm rĩ, rồi khóc ngon lành. Maria, đứng kế tôi, nước mắt giàn giụa, cầm tay tôi và gật đầu lia lịa. “Cậu không chịu tự làm cho bản thân cậu, nên tụi mình làm cho cậu đây.”

Ra là sau khi tôi đi ngủ bữa đêm trước, bạn bè tôi đã gọi điện tìm coi Snatum Kaur ở đâu, xem liệu họ có thể rước cô đến Maui trong vòng 12 giờ tới chăng. Như cuộc đời và Thượng đế đã an bài, cô và các nhạc công đang ở một thị trấn cách đó 30 phút đi đường, sửa soạn cho một buổi diễn. Và rất “lấy làm vinh hạnh” được đến và hát.

Đó là một trong những điều ngạc nhiên tuyệt vời nhất đời tôi. Tầng tầng lớp lớp là những ý nghĩa tôi vẫn đang tiếp tục giải mã. Một điều tôi biết chắc: Đó là khoảnh khắc tôi sẽ mãi nhâm nhi tận hưởng, thực tế rằng nó đã xảy ra, cách nó xảy ra, rằng nó xảy ra chính vào sinh nhật của tôi. Tất tật… thật quá… ngon lành!

Đâu là lần gần nhất bạn cười đùa với một người bạn đến nỗi đau nhức hai má, hay giao con cái lại cho bảo mẫu rồi rong chơi suốt dịp cuối tuần? Thẳng thắn hơn, nếu ngay ngày mai đời bạn kết thúc, bạn sẽ hối tiếc vì chưa kịp làm điều gì? Nếu hôm nay là ngày cuối cùng trong cuộc đời bạn, bạn sẽ sống như cách bạn đang sống chứ?

Có lần tôi băng ngang một biển quảng cáo làm tôi chú ý. Trên đó nói rằng, “Kẻ lìa đời với nhiều đồ chơi nhất cũng vẫn là kẻ đã chết mà thôi.” Bất cứ ai từng cận kề cửa tử đều có thể nói với bạn rằng đến cuối cuộc đời, khả năng cao là bạn sẽ chẳng hồi tưởng lại xem đã bao đêm thâu bạn gò mình trong văn phòng, hay tài khoản dự phòng của bạn trị giá bao nhiêu. Những suy nghĩ còn vấn vương ám ảnh sẽ chỉ là câu hỏi “giá mà”, kiểu Đáng lẽ mình đã trở thành một người ra sao, nếu rốt cuộc mình chịu làm những điều mình vẫn hằng mong muốn?

Khả năng quyết định đối mặt với nhân sinh hữu hạn mà không hề lảng tránh hay nao núng chính là khả năng nhận thức rằng vì ta sẽ chết đi, nên giờ đây ta buộc phải sống. Là chuệch choạc loay hoay hay tấn tới hưng thịnh, tất thảy đều do bàn tay bạn quyết định – bạn là nguồn ảnh hưởng lớn lao duy nhất tới cuộc sống của mình.

Hành trình của bạn bắt đầu từ chỗ lựa chọn đứng lên, bước ra ngoài và sống thật trọn vẹn.

Có thứ gì khiến tôi yêu thích hơn cả một bữa ăn ngon? Không mấy. Một trong những bữa ngon nhất tôi từng ăn xảy ra trong một chuyến tới Rome, tại một nhà hàng nhỏ nhắn đáng yêu đông rặt người Ý, chỉ trừ bàn tôi: có các bạn của tôi, Reggie, Andre, Gayle, Kirby – con gái của Gayle, và tôi, tiệc tùng đúng kiểu La Mã.

Có một khoảnh khắc, khi những người phục vụ, nhận được gợi ý từ Angelo – người bạn Ý chủ trì tiếp đãi chúng tôi, mang ra bao nhiêu món khai vị ngon lành đến nỗi tôi thật sự thấy tim mình dội lên, như một động cơ sang số. Chúng tôi có món bí ngòi nhồi thịt ba rọi xông khói kiểu Ý, cùng những trái cà chua tươi ngon, chín mọng phủ phô mai mozarella chảy, nóng đến nỗi bạn có thể thấy cả những bong bóng phô mai tí xíu phập phồng như nhung đỏ sóng sánh, cùng một chai Sassicaia năm 85, món vang đỏ Tuscany đã “thở” suốt nửa giờ đồng hồ, sẵn sàng để nhấp môi thưởng thức.

Tôi đã nhắc chưa nhỉ, là tôi phủ lên tất cả những món ấy một tô mì hầm đậu (được chế biến tuyệt hảo) và một chiếc tiramisu nhỏ nhắn? Đúng vậy, một cuộc đánh chén thịnh soạn. Tôi đã phải trả giá bằng cuốc đi bộ nhanh suốt 90 phút quanh đấu trường Colosseum ngày hôm sau – nhưng thật đáng với từng miếng ngon lành.

Tôi có rất nhiều niềm tin vững chắc. Giá trị của ăn uống lành mạnh là một trong số đó. Tôi biết chắc rằng một bữa ăn mang lại niềm vui thực thà sẽ đem tới cho bạn ích lợi trong cả dài hạn và ngắn hạn hơn rất nhiều những thực phẩm kiểu “nhét cho căng bụng” khiến bạn phải đứng trong bếp, xoay xỏa qua lại giữa chạn bát và tủ lạnh. Tôi gọi đấy là cảm giác nhai rơm: Bạn muốn thứ gì đó, nhưng không thể tìm ra xem đấy là cái gì. Tất tật những cà rốt, cần tây, gà lột da trên đời này đều không thể mang lại cho bạn sự mãn nguyện so với chỉ một mẩu sôcôla duy nhất, nếu đó là những gì bạn thực sự thèm khát.

Nên tôi đã học cách ăn một miếng sôcôla – quá lắm, là hai – và thách bản thân ngừng lại rồi thưởng thức nó, hiểu thấm thía, như Scarlett O’Hara4, rằng “ngày mai là một ngày mới,” và sẽ luôn có thêm nhiều điều mới mẻ nảy sinh từ đó. Tôi đâu phải ngốn ngấu cho hết chỉ vì nó đang có sẵn ở đó. Một quan niệm thật đúng đắn!

4 Nhân vật chính trong phim “Cuốn theo chiều gió”, với câu nói nổi tiếng “After all, tomorrow is another day.”

Đã hai chục năm trôi qua kể từ lần đầu tiên tôi gặp Bob Greene tại một phòng tập ở Telluride, Colorado. Hồi đó tôi nặng 107 kí, mức cao nhất xưa nay. Tôi bó tay đầu hàng và tuyệt không hy vọng – quá hổ thẹn vì thân hình và thói quen ăn uống của mình, tôi còn chẳng dám nhìn thẳng vào Bob. Tôi vật vã mong cầu một giải pháp cứu vãn tình thế.

Bob dẫn dắt tôi qua các nhịp độ luyện tập và khuyến khích xây dựng một phong cách sinh hoạt xung quanh việc tiêu thụ thực phẩm toàn phần – whole foods (từ lâu tôi đã từng nghe tên cửa hàng bách hóa có chung tên gọi và sứ mệnh – Whole Foods).

Tôi chống đối. Nhưng kể cả khi những chế độ ăn uống khác nhau đến rồi lại đi, lời khuyên của anh vẫn luôn nhất quán và khôn ngoan: Hãy ăn những thực phẩm giúp bạn tăng tiến.

Vài năm về trước, cuối cùng tôi cũng ngộ ra chân lý và bắt đầu tự trồng rau củ cho mình. Và nơi khởi đầu chỉ có vài luống xà lách, mấy cây cà chua, cùng húng quế (loại thảo mộc yêu thích của tôi) trong sân sau nhà tôi ở Santa Barbara rốt cuộc đã trở thành một trang trại hẳn hoi ở Maui. Thú vui vườn tược của tôi đã trở thành một niềm đam mê.

Tôi vui sướng đến phát cuồng lúc ngắm những cây bắp cải tím tụi tôi vừa trồng, những cây cải voi vươn ngang đầu gối, những củ cải đỏ to tướng đến nỗi tôi gọi tụi nó là mông khỉ đỏ đít – vì với tôi tất cả tụi nó là hiện thân của một khoảnh khắc tròn đầy.

Ở miệt nông thôn Mississippi, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, một mảnh vườn đồng nghĩa với sống sót. Ở Nashville, nơi gia đình tôi sinh sống sau này, bố tôi luôn dọn sạch một “thửa đất” ngay bên hông nhà, ở đó bố trồng nào cải lá, cà chua, đậu đũa và đậu ván.

Giờ đây đó là thức ăn yêu thích của tôi; thêm chút bánh mì ngô là đủ làm chân tôi nhún nhảy. Nhưng cái hồi tôi mới chỉ là con nhóc, tôi chẳng thấy chút giá trị gì trong việc ăn mấy thứ thực phẩm cây nhà lá vườn. “Sao nhà mình lại không có mấy thứ đồ ăn mua-ở-tiệm-về như người ta chứ?” Tôi nhì nhèo. Tôi muốn rau củ nhà mình phải xuất xứ từ “thung lũng niềm vui – hô, hô, hô – Green Giant!”5Phải ăn mấy thứ đồ đem từ vườn vào làm tôi thấy sao mà nghèo khổ.

5 Một thương hiệu rau củ quả đông lạnh và đóng hộp của hãng General Mills.

Giờ tôi đã biết chắc rằng tôi may mắn nhường nào khi được tiếp cận với thực phẩm tươi sạch – một thứ không phải mọi gia đình ngày nay đều có thể coi là chuyện đương nhiên.

Cảm tạ Chúa, vì tốt tươi nảy nở.

Tôi đã luôn làm việc chăm chỉ để gieo trồng những hạt giống cho một cuộc đời trong đó tôi được liên tục mở rộng những ước mơ. Một trong những ước mơ ấy là cầu cho tất cả mọi người được ăn thực phẩm tươi sạch đi từ nông trại đến bàn ăn – vì thực phẩm tốt hơn chính là nền tảng cho một cuộc sống tốt hơn. Đúng thế, Bob ạ, tôi đưa hẳn câu này vào sách in: Từ đầu chí cuối, anh đều đúng!

Tôi gặp Gayle King hồi năm 1976, khi đó tôi là một phát thanh viên tin tức tại một đài truyền hình ở Baltimore còn cô là trợ lý sản xuất – hai chúng tôi thuộc hai nhóm hiếm khi tương tác với nhau và hẳn nhiên là không mấy thân thiết. Kể từ ngày chúng tôi gặp gỡ, Gayle đã bày tỏ công khai rằng cô tự hào vì tôi giúp nâng cao vị thế của một nữ phát thanh viên ra sao và rằng cô phấn khởi thế nào khi được là thành viên trong một tập thể có tôi góp mặt. Kể từ đó tới giờ, mọi chuyện vẫn luôn là như vậy.

Chúng tôi không trở thành bạn bè ngay lập tức – chúng tôi chỉ là hai phụ nữ tôn trọng và ủng hộ cho con đường của nhau. Rồi tối nọ, sau một trận bão tuyết rất lớn, Gayle không về nhà được – nên tôi mời cô ở lại chỗ tôi. Nỗi bận tâm lớn nhất của cô? Đồ lót. Cô nhất quyết lái 40 dặm đường trong bão tuyết để tới Chevy Chase, Maryland, nơi cô sống cùng mẹ, để lấy được đồ lót sạch. “Tớ có khối đồ lót sạch,” tôi bảo với cô. “Cậu dùng đồ của tớ, hay ta đi sắm một ít cũng được.”

Rốt cuộc khi tôi đã thuyết phục được cô về nhà mình, tụi tôi thức thâu đêm trò chuyện. Và chỉ trừ vài kỳ nghỉ ở nước ngoài, Gayle và tôi đã trò chuyện mỗi ngày kể từ đó.

Tụi tôi cười rất nhiều, chủ yếu là tự chế nhạo bản thân. Gayle đã giúp đỡ tôi qua những đận bị giáng chức, suýt bị sa-thải, bị lạm dụng tình dục, và cả những mối quan hệ rối beng và tệ hại thuở đôi mươi, khi tôi chẳng thể phân biệt giữa bản thân mình với cái thảm chùi chân. Đêm này qua đêm khác, Gayle lắng nghe những câu chuyện tệ hại mới nhất kể rằng tôi bị cho “leo cây”, bị lừa dối, bị đối xử tệ bạc như thế nào. Cô luôn đòi nghe chi tiết (chúng tôi gọi nó là “quyển, chương, và đoạn”), rồi cơ hồ nhập tâm như thể chuyện đó xảy ra với chính cô vậy. Cô chưa bao giờ phán xét tôi. Vậy mà, khi tôi để cho gã đàn ông nào đó lợi dụng mình, cô thường bảo, “Hắn chỉ đang đục khoét từng mẩu linh hồn cậu. Một ngày nào đó, tớ mong là hắn đục đủ sâu để cậu thấy được cậu thực sự là ai – một người xứng đáng hưởng hạnh phúc.”

Trong mọi thắng lợi của tôi – trong mọi điều đẹp đẽ tuyệt vời từng đến với tôi – Gayle luôn là người cổ vũ hăng hái nhất cho tôi. (Tất nhiên, bất kể tôi kiếm ra nhiều tiền đến đâu, cô vẫn lo lắng tôi tiêu xài quá trớn. “Nhớ cái anh chàng M. C. Hammer nhá,” cô rầy rà, như thể chỉ cần mua sắm một chặp nữa thôi, là tôi sẽ theo bước anh chàng nghệ sĩ rap đã tán gia bại sản kia.) Và trong tất cả những năm tháng bên nhau, tôi chưa từng cảm thấy một thoáng chốc ganh tị nào từ Gayle. Cô yêu cuộc sống của mình, yêu gia đình mình, cô mê mẩn vụ mua hàng giảm giá (đủ để vượt cả một quãng đường gian nan qua thành phố chỉ vì đợt giảm giá xà bông Tide.)

Chỉ có một lần cô thú thực là muốn đổi chỗ với tôi: cái đêm tôi hát trên sân khấu cùng Tina Turner. Cô ấy, một người hát còn không chuẩn ở ghế nhà thờ, mà lại huyễn hoặc chuyện được trở thành ca sĩ.

Gayle là người tử tế nhất tôi từng biết trên đời – thật tình quan tâm đến câu chuyện của hết thảy mọi người. Cô là kiểu người sẽ hỏi một tài xế taxi ở New York xem anh này có con chưa. “Tụi nhóc tên gì vậy anh?” Cô sẽ hỏi thế. Khi tôi chán nản, cô san sẻ buồn đau; khi tôi vui sướng, bạn có thể tin rằng cô đang ở đâu đó trong hậu cảnh, tíu tít cổ vũ và nở nụ cười tươi rói hơn bất cứ ai. Đôi khi tôi cảm thấy như Gayle là phần người tử tế của chính tôi – phần người nói rằng “Dù cho có chuyện gì đi nữa, thì tôi vẫn ở đây, vì bạn.” Một điều tôi biết chắc, Gayle là một người bạn tôi có thể nương tựa. Cô đã dạy cho tôi biết niềm vui của có được và trở thành một người bạn đích thực.

Rước về ba chú cún con cùng một lúc không phải là quyết định sáng suốt nhất tôi từng đưa ra. Tôi hành động trong cơn cao hứng, bị hút hồn bởi những gương mặt bé xíu dễ thương, say sưa với hơi thở cún con ngọt ngào và hàm răng hô của Em Cún Số 3 (Layla).

Rồi tôi mất hàng tuần trời thức dậy vào mọi giờ trong đêm với lũ cún. Tôi hốt cả kí phân và mất nhiều giờ đồng hồ huấn luyện chó để tụi nó biết cư xử cho đàng hoàng.

Cả đống việc. Tôi bị tước mất giấc ngủ – và triền miên phải gắng kìm cả ba đứa một lúc để tụi nó khỏi phá tanh bành mấy món đồ đạc của tôi. Ôi chà, hẳn tôi đã thêm phần kính nể đáng kể đối với các bà mẹ bỉm sữa thực sự rồi đấy!

Tất cả tình yêu cún con này bắt đầu khiến tôi điên đầu, nên tôi phải có sự chuyển biến về thế giới quan. Một hôm, trong khi dắt tụi nó đi dạo, tôi dừng lại và ngắm cả đám nô giỡn – ý tôi thực sự là nô giỡn: lăn lộn, bổ nhào, đuổi nhau, cười cợt (đúng vậy, cười kiểu chó), và nhảy choi choi như thỏ. Tụi nó vui đùa hết cỡ, và nhìn thấy cả đám như vậy khiến toàn bộ cơ thể tôi buông lỏng, thư giãn, và mỉm cười. Tựa như sinh linh nhỏ bé lần đầu tiên được khám phá một đồng cỏ: Thật diệu kỳ biết bao!

Tất cả chúng ta đều có cơ hội cảm nhận điều kỳ diệu mỗi ngày, nhưng ta lại bị ru ngủ đến thành ra tê liệt. Bạn đã bao giờ lái xe về nhà sau giờ làm việc, mở cửa trước, và tự hỏi bản thân xem làm thế nào mình về được tới đây?

Tôi biết chắc rằng tôi không muốn một cuộc đời tắt-lặng – tê liệt với cảm nhận và quan sát. Tôi muốn mỗi ngày đều là một khởi đầu mới mẻ để mở rộng thêm nữa những gì có thể. Để nếm trải niềm vui trên mọi cung bậc.

Tôi cực thích được chụm một ngọn lửa trong lò sưởi. Chất củi sao cho chuẩn (phong cách kim tự tháp) và để ngọn lửa bùng lên mà không cần gỗ mồi, đúng là một cảm giác tuyệt vời! Tôi không biết tại sao với tôi, việc ấy lại mãn nguyện đến thế, nhưng đúng là vậy – hồi còn là cô nhóc, tôi vẫn ước ao được làm một Nữ Hướng Đạo Sinh nhưng tôi lại không đủ tiền mua đồng phục.

Một ngọn lửa thậm chí còn tuyệt hơn khi bên ngoài trời mưa xối xả. Và đúng là tuyệt nhất trần đời khi tôi đã xong xuôi công việc, đã kiểm tra thư từ, tắt các loại thiết bị, và sẵn sàng để đọc.

Mọi thứ tôi làm trong ngày đều để chuẩn bị cho giờ đọc sách. Cứ đưa tôi một cuốn tiểu thuyết hay hồi ký thật hay, một chút trà, và chỗ nào đó ấm cúng để cuộn mình, thế là thiên đường với tôi rồi đấy. Tôi thích được sống trong suy nghĩ của người khác; tôi sững sờ kinh ngạc bởi những mối liên hệ tôi cảm nhận với những người sống dậy từ trang sách, bất kể hoàn cảnh của họ khác xa tôi đến mấy. Tôi không chỉ cảm thấy tôi quen biết những người này, mà tôi còn nhận ra thêm nhiều điều về bản thân hơn thế. Những hiểu biết thấu suốt, thông tin, kiến thức, cảm hứng, sức mạnh: Tất cả những điều trên và hơn thế có thể toát ra từ một cuốn sách.

Tôi không thể tưởng tượng nổi tôi sẽ ở đâu hay sẽ là ai nếu không có một công cụ căn cốt là đọc. Chắc chắn là tôi sẽ không thể kiếm được việc làm đầu tiên ở đài phát thanh hồi 16 tuổi. Tôi đang dạo một vòng quanh đài phát thanh WVOL ở Nashville thì phát thanh viên chợt hỏi, “Cô có muốn xem giọng mình thu vào băng nghe thế nào không?” và đưa cho tôi một tờ bản tin cùng cây mic. “Anh phải nghe cô gái này mới được!” Anh ta hô tướng lên với sếp. Thế là sự nghiệp phát thanh của tôi bắt đầu – ít lâu sau đó, đài thuê tôi đọc bản tin trên sóng. Sau bao nhiêu năm ngâm thơ cho bất-cứ-ai chịu nghe và đọc tất tần tật những gì tôi chạm tay vào được, giờ đã có người trả tiền để tôi làm việc mình thích – đọc dõng dạc.

Sách, với tôi, đã có lúc là cách để thoát ly. Giờ tôi coi việc đọc một cuốn sách hay như một thú thư nhàn thiêng liêng, một dịp được ở bất cứ nơi nào tôi lựa chọn. Đó là cách tiêu xài thời gian tuyệt đối ưa thích của tôi. Điều tôi biết chắc là việc đọc giúp bạn mở mang. Đọc sách giúp bạn tiếp cận và cho bạn lối đi vào bất cứ thứ gì tâm trí bạn có thể nắm giữ. Điều tôi thích nhất ở việc đọc: Nó mang lại cho bạn khả năng chạm tới những tầng bậc cao hơn. Và vẫn tiếp tục leo lên thêm nữa.

Mục tiêu chính yếu và căn cốt nhất của tôi trong đời là duy trì kết nối với thế giới tâm linh. Mọi thứ khác sẽ tự khắc đâu vào đấy – điều này tôi biết chắc. Và cách thực hành tâm linh số Một của tôi chính là sống ngay trong hiện tại… khước từ việc ướm mình vào tương lai, hay dằn vặt những lỗi lầm quá khứ… mà chỉ cảm nhận sức mạnh thực sự của hiện tại. Đó, thưa bạn quý mến, chính là bí quyết cho một cuộc sống an vui.

Nếu tất cả mọi người ghi nhớ để sống theo cách ấy (như con trẻ vẫn làm khi vừa có mặt trên hành tinh này; là điều những tâm hồn cằn cỗi khô cứng chúng ta gọi là ngây thơ), ta sẽ biến đổi cả thế giới. Vui chơi, cười đùa, và cảm nhận niềm vui.

Đoạn Kinh thánh ưa thích của tôi, tôi đã yêu mến từ khi mới là cô nhóc tám tuổi, là câu Thánh thi 37:4. “Hãy khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va; Thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước.” Đây là câu thần chú xuyên suốt mọi trải nghiệm của tôi. Khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va – nơi điều tốt lành, sự tử tế, lòng cảm thông, tình yêu thương – và xem những gì sẽ xảy ra.

Tôi thách bạn dám làm.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button