Hồi ký - danh nhân

Góc Nhìn Sử Việt: Nguyễn Văn Vĩnh

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nhất Tâm

Download sách Góc Nhìn Sử Việt: Nguyễn Văn Vĩnh ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : DANH NHÂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Bạn đọc thân mến!

Lịch sử văn hóa của một dân tộc không phải của riêng cá nhân nào, chính vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển lịch sử văn hóa cũng không phải riêng một người nào có thể gánh vác được, nó thuộc về nhận thức chung của toàn xã hội và vai trò của từng nhân tố trong mỗi chặng đường lịch sử. Lịch sử là một khoa học. Lịch sử không phải là việc thống kê sự kiện một cách khô khan rời rạc. Bởi mỗi sự kiện trong tiến trình đó đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau bằng sợi dây vô hình xuyên suốt không gian và thời gian tạo nên lịch sử của một dân tộc.

Dân tộc Việt Nam trải hơn một nghìn năm Bắc thuộc, gần trăm năm dưới ách cai trị của thực dân, đế quốc, nhưng con cháu bà Trưng, bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… vẫn kiên trì bền chí, tin tưởng ở quá khứ hào hùng, không ngừng tranh đấu hướng tới tương lai rộng mở vì độc lập tự do của đất nước.

Một dân tộc, một quốc gia muốn trường tồn và phát triển, ngoài việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, điều quan trọng hơn nữa là phải có một nền tảng giáo dục vững chắc. Trong đó, giáo dục về lịch sử và lòng tự hào dân tộc là cần thiết để ghi khắc trong tâm trí các thế hệ, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, ý thức về nguồn gốc dân tộc, truyền thống văn hóa và nội lực quốc gia, đồng thời giúp định hình góc nhìn thấu đáo về vai trò của từng giai đoạn, triều đại và nhân vật – dù gây tranh cãi – tạo nên lịch sử đó.

Chính vì những giá trị to lớn đó, vấn đề học tập, tìm hiểu lịch sử nước nhà hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước và toàn xã hội. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay… và rất nhiều những tổ chức khác đã và đang kiên trì con đường thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học lịch sử quốc gia, phổ biến tri thức lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc tới toàn xã hội.

Đồng hành với mối quan tâm của toàn xã hội, Công ty Cổ phần Sách Alpha – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, với tôn chỉ “Tri thức là sức mạnh” – đặc biệt quan tâm tới việc góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về truyền thống văn hóa lịch sử đất nước.

Theo nhiều kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu của bạn đọc cho thấy, “lỗ hổng lịch sử” ở không ít người trẻ hiện nay hoàn toàn có thể bù lấp một phần dựa trên nhiều nguồn tư liệu, công trình nghiên cứu, sách cổ sách quý hiện đang được các Viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân lưu giữ. Để chung tay tái hiện một cách rõ nét những mảnh ghép lịch sử dân tộc, Công ty Cổ phần Sách Alpha đã triển khai dự án xuất bản mang tên Góc nhìn sử Việt với mục đích xuất bản lại và xuất bản mới một cách có hệ thống các công trình, tư liệu, sách nghiên cứu, sách văn học có giá trị… về lịch sử, bước đầu hình thành nên Tủ sách Alpha Di sản.

ĐỌC THỬ

I. NỔI TIẾNG THẦN ĐỒNG, HIẾU HỌC

Nhâm Ngọ (1882), ngày 30-4, tại làng Phượng Dực, tổng Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, Nguyễn Văn Vĩnh chào đời.

Ngay từ thuở ấu thơ, Nguyễn Văn Vĩnh đã tỏ ra là một trẻ thông minh khác thường. Dạn dĩ, bặt thiệp, mới năm, sáu tuổi, Nguyễn đã ứng đối trôi chảy cuồn cuộn như nước trước những câu “vấn nạn” mắc mỏ của những người đến thử tài trí Nguyễn. Hầu hết những ông khách đến viếng nhà Nguyễn đều biểu lộ sự kinh ngạc, chẳng tiếc lời khen song thân Nguyễn đã hữu phúc sinh con.

Gia đình Nguyễn lại khéo un đúc cho Nguyễn trở nên người hiếu học đệ nhất, để hòa hiệp với trí thông minh sẵn có kia mà rèn luyện cho thành một nhân vật hữu dụng trong đời, hữu ích cho nhân loại.

Nên biết, bấy giờ chưa có thư viện, các sách vở đều thiếu, thế mà gia đình Nguyễn Văn Vĩnh chẳng để cho Nguyễn phải chịu thiệt thòi phần nào về việc học, cố gắng chọn lọc, gom góp đủ sách hay, luôn luôn kích thích tinh thần hiếu học của Nguyễn, khiến phải say mê, phấn phát(1), tự lực dồi lòng, luyện trí. Do đó, hằng ngày Nguyễn không rời quyển sách trên tay, đôn đốc cần cù học hỏi, ai cũng phải chịu là người rất ham học.

Nhâm Thìn (1892), Nguyễn Văn Vĩnh 11 tuổi (tính tuổi theo năm tây thì mới mười) – cái tuổi còn ngây thơ – Nguyễn đã ra thi tốt nghiệp trường Thông ngôn. Và đáng lẽ đỗ thứ 12, nhưng vì tuổi quá trẻ, Nguyễn bị đánh hỏng, để về học thêm trong một thời gian nữa và để cho tuổi cao thêm lên chút nữa.

Bốn năm sau, Bính Thân (1896), Nguyễn 15 tuổi, lại ra thi. Nguyễn chiếm ngay “thủ khoa”, tức đỗ đầu bảng. Trong năm 10 tuổi đã ra thi, đỗ thứ 12, nhưng phải về học lại vì tuổi còn trẻ, để đến nay ghi tên đầu bảng, Nguyễn Văn Vĩnh được xưng tụng là thần đồng, tưởng cũng không quá đáng.

II. DẤN BƯỚC HOẠN TRƯỜNG

Thi đỗ tốt nghiệp trường Thông ngôn năm Bính Thân (1896), ngay trong năm ấy, Nguyễn Văn Vĩnh được bổ làm Thư ký Tòa sứ Lao Kay(2).

Có lẽ Nguyễn Văn Vĩnh đã làm việc quan siêng năng, tháo vát, rất được lòng các quan thầy. Nên chỉ nội năm sau, Đinh Dậu (1897), Nguyễn được đổi xuống Tòa sứ Kiến An [khi ấy còn ở Hải Phòng].

Hải Phòng lúc bấy giờ đã là một hải cảng đô hội. Về đấy, Nguyễn Văn Vĩnh càng có dịp bồi bổ thêm kiến văn, học thức. Ngay trong thời kỳ này, Nguyễn giao thiệp với khách nước ngoài và bắt đầu học tiếng Anh, tiếng Trung Hoa.

Rồi thuyên chuyển sang Tòa sứ Bắc Ninh. Ít lâu sau, Nguyễn lại được đưa về Tòa đốc lý Hà Nội.

Nguyễn Văn Vĩnh đã làm việc quan đắc lực như thế nào, nên trong sự thuyên chuyển, chúng ta đã nhìn thấy ngay sự ưu đãi. Nhưng điều đáng cho chúng ta phải tìm hiểu là: Nguyễn Văn Vĩnh có lấy thế làm vinh diệu(3) và thỏa mãn rồi chăng?

Không. Nguyễn Văn Vĩnh há chỉ là một nhân vật tầm thường, an thân trong cái thế giới tầm thường ư?

Bấy giờ, trong nước đã dấy lên nhiều phong trào đáng cho thanh niên chú ý mà vấn tâm(4), hầu sẵn sàng kiểm điểm năng lực để phục vụ quốc gia dân tộc: xuất dương du học, vận động cải cách duy tân.

Dù là người Âu hóa rất sớm, Nguyễn Văn Vĩnh trước tiếng gọi của non sông, cảm thấy hồn thiêng non nước dần dần thấm nhập hồn mình; tinh thần dân tộc đã khiến cho tinh thần của người có học thức sâu rộng phải băn khoăn rất mực, phải chọn con đường phụng sự sao cho không hổ với giống nòi.

Trong lối hoạn trường, Nguyễn Văn Vĩnh đoái nhìn lại, hẳn thấy nhiều gai góc. Nhất là khi xuất chính, tự xem xét lại, chỉ nhận thấy rằng ấy là phục vụ cho đám người đi cai trị; mà guồng máy hành chính của họ càng tốt máy, ắt là dân chúng bị trị càng ngày càng thêm bị ép xác để lấy mỡ dầu cung phụng. Nguyễn Văn Vĩnh trong sự nhận thức ấy, lòng nào lòng nỡ lạnh nhạt với tổ quốc cho đành. Thế thì phải mở một con đường quang đãng để cho hồn, trí vẫy vùng. Để cho, dù không cứu được dân nước thoát ách thống trị, ít ra cũng đánh lên được vài tiếng chiêng cảnh tỉnh, gọi hồn dân nước để cùng đồng bào cùng lo cho tổ quốc, đóng góp cho tổ quốc được phần nào hay phần nấy, hầu đền ơn tấc đất ngọn rau.

Đã có định kiến(5), đã lập chí, Nguyễn Văn Vĩnh âm thầm chuẩn bị súc tích khả năng, chờ ngày chuyển hướng. Ngày ấy, một ngày trong năm Bính Ngọ (1906), sau khi dự cuộc đấu xảo ở Marseille trở về, Nguyễn Văn Vĩnh đệ đơn từ chức. Và được chấp nhận.

Bính Ngọ (1906), một năm đánh dấu chấm dứt cuộc đời “công chức” của Nguyễn Văn Vĩnh. Nhưng cũng từ năm ấy, một Nguyễn Văn Vĩnh có chí hiên ngang, đáng mặt là trang hào kiệt, xuất hiện trong văn giới cũng như trên trường chính trị, nêu cao thanh giá(6), ghi tên vào lịch sử cho muôn đời công luận phẩm bình.

III. TRÊN ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP

Khoảng năm 1935, đáp lời một bạn ký giả đến phỏng vấn, Nguyễn Văn Vĩnh rằng:

– Tôi là người chịu ảnh hưởng của Hán học rất nhiều.

Nội một câu ấy, bao hàm biết bao tư tưởng thâm thúy. Còn ai lạ gì cái tinh thần Hán học. Một khi người nào đã nhập diệu cái tinh thần Hán học, tức là đã lãnh hội được ít nhiều Nho học hoặc Đạo học, cố nhiên không thể không có cái bản sắc Á Đông.

Nguyễn Văn Vĩnh học rộng, nói tiếng Pháp giỏi, viết chữ Pháp hay, thường mặc Âu phục, và cũng là nhân vật Âu hóa rất sớm, nhưng suốt đời bao giờ cũng giữ được cái tinh thần Việt Nam, cái bản sắc Á Đông. Điều ấy, những ai đã từng được Nguyễn Văn Vĩnh tiếp chuyện, đều đã công nhận. Và trên mặt các báo, Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã từng đem những thuần phong, mỹ tục, những tính chất và tập quán của dân tộc Việt Nam, những câu ca dao trong phái bình dân mà dịch ra chữ Pháp để cổ động cho nước nhà.

Ngay sau khi đệ đơn từ chức, Bính Ngọ (1906), Nguyễn Văn Vĩnh không tơ tưởng gì đến cuộc đời công chức đã trải qua nữa, dốc lưu tâm vẽ đường doanh nghiệp.

Đầu tiên, Nguyễn cùng ông Dufour mở cái nhà in thứ nhất ở Hà Nội (chỗ nhà Crédit Foncier ngày nay). Rồi thì lần lượt chủ trương hết báo này sang báo khác, báo Việt thì đã đành, mà báo Pháp thì cũng sốt sắng làm. Và đem những sách hay của Pháp, của Trung Hoa dịch ra Việt văn. Hơn nữa, gặp thời cơ thuận tiện, Nguyễn Văn Vĩnh cũng dấn thân vào trường chính trị, hoạt động chính trị hăng hái không kém phần phục vụ văn hóa.

Nguyễn Văn Vĩnh làm báo, Nguyễn Văn Vĩnh làm chính trị và Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương thư viện “Âu Tây tư tưởng” chuyên dịch các sách Âu Tây; ở phương diện nào cũng đều được đồng bào chú ý.

Chúng ta hãy kiểm điểm lại công nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh, theo từng phương diện:

  1. a) Nguyễn Văn Vĩnh ký giả

Sở dĩ đến nay và về sau nữa, các học giả, văn nhân trong nước hãy còn mến tưởng Nguyễn Văn Vĩnh ít nhiều vì Nguyễn Văn Vĩnh đã thốt ra một câu làm cảm động hầu hết dân chúng các giới ở trong nước, đến thành một câu nói bất hủ của Nguyễn Văn Vĩnh và cũng là câu kinh nhật tụng của những ai yêu nước: “Nước Nam ta mai sau hay dở ở như chữ quốc ngữ”.

Lấy câu nói trên đây làm phương châm, lấy báo giới làm lợi khí tuyên truyền cổ động, Nguyễn Văn Vĩnh hăng hái đi tiên phong và đã ráo riết xung phong trong mặt trận văn hóa, mở được con đường sống cho “quốc ngữ” phát huy sắc thái.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button