Hồi ký - danh nhân

Kẻ Trăn Trở

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Lương Hoài Nam

Download sách Kẻ Trăn Trở ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Hồi Ký – Danh Nhân

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Những lời khen tặng

Người ta bảo, trí thức là người thích mua dây buộc mình, lo toàn những chuyện không ai khiến lo. Đọc Lương Hoài Nam, tôi thấy anh đúng là tuýp người có cái tâm như vậy. Ngay những chuyện anh bàn về hàng không – lĩnh vực mà anh được đào tạo bài bản và phụng sự suốt mấy chục năm trời – không phải chuyện nào cũng liên quan đến chức phận của anh. Với ngành giáo dục, anh chỉ là “sản phẩm và khách hàng” như anh tự nhận trong một bài viết, mà nói cho đúng, anh chỉ là “cựu khách hàng”, vì các con anh đều đã chọn con đường du học nước ngoài, nhưng anh vẫn nhiệt tâm nghiên cứu sâu về giáo dục và có nhiều đề xuất, giải pháp khá thuyết phục. Anh còn mở rộng mối quan tâm của mình đến những vấn đề lớn về kinh tế – xã hội, từ nợ công, kinh doanh bất động sản, tới đường lối phát triển kinh tế, đổi mới nếp sống, nếp nghĩ của người Việt Nam để nâng cao vị thế của đất nước trong hội nhập và cạnh tranh quốc tế,…

Tuy nhiên, điều làm nên khác biệt là Lương Hoài Nam không (hoặc không chỉ) chia sẻ những mối bận tâm với bạn bè, đồng nghiệp bên bàn trà. Hơn 10 năm nay, anh đều đặn viết báo và trả lời phỏng vấn báo chí để bày tỏ chính kiến của mình về những chuyện lẽ ra có thể yên tâm là có người khác lo rồi. Và cơ duyên với báo chí (bản thân anh từng là Tổng biên tập Tạp chí Heritage của Vietnam Airlines) đã đưa những ý kiến xây dựng của anh đến với công chúng.

Đọc lại những bài viết của Lương Hoài Nam được tuyển chọn trong tập sách này, tôi rất mừng vì tập sách tạo điều kiện cho bạn đọc tiếp cận với các bài viết của anh một cách hệ thống. Tôi cũng như một số bạn đọc khác có thể không nghĩ như tác giả Lương Hoài Nam về một vài vấn đề nào đó. Tuy vậy, phải nói ở lĩnh vực nào, vấn đề nào, Lương Hoài Nam cũng có những phát hiện riêng, đề xuất được những giải pháp riêng. Điều đáng quý là đa phần những phát hiện và giải pháp đó đều dựa trên khảo cứu, trải nghiệm, có số liệu và ví dụ thực tế minh chứng cập nhật, chứ không phải là sản phẩm của óc tư biện, mặc dù lập luận trong nhiều bài viết cho thấy anh là người có đủ khả năng đưa ra những nhận xét và đề xuất chỉ dựa trên tư duy sắc bén của mình. Điều đáng quý hơn nữa là tất cả nhận xét, phê bình, góp ý, đề xuất của tác giả, kể cả một vài điều có thể bị coi là “nghịch nhĩ”, “động chạm” đều xuất phát từ cái tâm của một người luôn trăn trở vì lợi ích chung của đất nước, của cộng đồng.

Tôi thích các bài Từ lũy tre làng ra biển lớn và Nhận thức về “Tây học”; Nếu chúng ta muốn; Hoa hậu, bóng đá và nỗi nhục chẳng liên quan; Tinh thần doanh nhân kiểu Mỹ và sứ mệnh cà phê Việt… Điều chinh phục tôi trong những bài viết này là óc quan sát sắc sảo và thái độ thẳng thắn của Lương Hoài Nam. Anh phát hiện ra cái bất bình thường trong những chuyện số đông cho là rất bình thường, để từ đó đặt ra những vấn đề cần suy nghĩ nghiêm túc và thay đổi.

Viết đến đây, tôi nhớ Thầy học của tôi, GS. NGND. Nguyễn Tài Cẩn, lúc sinh thời Thầy thường tâm sự: “Tôi ngại nhất là hướng dẫn sinh viên giỏi làm luận văn, vì các cô cậu ấy thuộc bài quá, gặp vấn đề gì cũng xếp vào được những cái khung lý thuyết đã có sẵn rồi. Tôi thích hướng dẫn những người biết ngạc nhiên hơn.” Tôi hiểu đó là những kinh nghiệm chắt lọc từ một đời nghiên cứu khoa học và dạy học của Thầy – một nhà khoa học, nhà sư phạm xuất chúng, và cũng là những lời nhắc nhở lớp học trò chúng tôi lúc đó. Và đến tuổi này, tôi tin là mình đã thấm được tinh thần ấy: Biết ngạc nhiên để nghĩ lại cả những điều tưởng chừng là “thiên kinh địa nghĩa”, những tập quán lâu đời, đó là cơ sở để làm khoa học, cũng là cơ sở để mỗi người, mỗi ngành đổi mới và tiến bộ, để đất nước kịp “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện của toàn dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lên trong bức thư của Chủ tịch gửi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trân trọng giới thiệu tập sách Kẻ trăn trở của TS. Lương Hoài Nam với bạn đọc.

Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2015
GS. Nguyễn Minh Thuyết

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Đọc cuốn sách này, sẽ thấy một Lương Hoài Nam – nhà báo chuyên nghiệp.

Một trong các phẩm chất của nhà báo chuyên nghiệp là không từ chối các đề tài, một khi nó đến từ cuộc sống. Không phải nhà báo chọn đề tài, mà cuộc sống “bắt” nhà báo phải viết về cái gì. Mức độ phong phú của các lĩnh vực đề tài tác giả viết khiến bất cứ nhà báo chuyên nghiệp nào cũng có thể phải ghen tỵ: đường sắt, hàng không, xe máy, an toàn giao thông, nợ xấu, thương hiệu, mạng nhện dây điện, thị trường bất động sản, công nghiệp ô tô ở Việt Nam, và nhiều nhất là giáo dục.

Đọc cuốn sách này, sẽ gặp một Lương Hoài Nam – nhà nghiên cứu.

Khó đòi hỏi nhà báo chuyên nghiệp, dù giỏi đến mấy, nhất định phải có kiến thức của nhà nghiên cứu chuyên sâu. Nhưng ở đây nhà báo Lương Hoài Nam đồng thời là nhà nghiên cứu Lương Hoài Nam. Các bài viết có trong tập sách này toát lên chiều sâu của một tư duy nghiên cứu, khai phá, vẻ đẹp của lập luận và tranh biện.

Đọc cuốn sách này, sẽ mến một Lương Hoài Nam – người công dân trí thức.

Tôi vẫn đặc biệt ấn tượng bởi định nghĩa về người trí thức, được biết là xuất phát từ J. P. Sartre, rằng: Trí thức là người hay “xớ rớ vào những chuyện không phải của họ”. Là một người chuyên ngành hàng không, Lương Hoài Nam đau đáu với những gì liên quan đến sự phát triển hay sự trì trệ của đất nước. Điều khiến Lương Hoài Nam “vật vã” hơn cả là vấn đề giáo dục của nước nhà. Với một trí thức đúng nghĩa, không thể có cái gì liên quan đến “định mệnh quốc gia” lại không phải là việc của mình.

Xớ rớ lắm thì trăn trở nhiều thôi, làm sao khác được!

Trần Đăng Tuấn
Nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, Tổng giám đốc Đài truyền hình An Viên

ĐỌC THỬ

Lời giới thiệu

Anh Lương Hoài Nam không phải là nhà báo chuyên nghiệp. Công việc thường ngày của anh cũng không phải là nghiên cứu giáo dục. Anh làm việc trong lĩnh vực kinh doanh hàng không và du lịch. Vậy mà trong mấy năm gần đây, anh Nam đã viết hàng chục bài về đề tài cải cách giáo dục đăng tải trên cả báo giấy, báo điện tử và mạng xã hội. Những bài viết của anh luôn đầy ắp tư liệu, được dẫn dắt bởi tư duy mạch lạc và trình bày với văn phong trong sáng, dễ hiểu.

Tôi nghĩ rằng để đọc những bài viết của anh Nam về giáo dục, nên bắt đầu bằng bài viết mang tính tự sự: Từ lũy tre làng ra biển lớn và Nhận thức về “Tây học”. Đây cũng là một trong những bài viết mà tôi thích nhất. Câu chuyện từ lũy tre làng đi ra biển lớn hẳn không phải là chuyện riêng của anh Nam, mà là của đa số trong chúng ta. Có lẽ không nên e ngại sáo ngữ mà không khái quát nó lên như câu chuyện của dân tộc.

Trong câu chuyện giáo dục, câu hỏi anh (hay tôi) thuộc về lũy tre làng hay thuộc về biển lớn thực ra không quan trọng lắm. Câu hỏi quan trọng là anh có muốn con anh sống với thế giới rộng lớn hơn thế giới của chính bản thân anh hay không? Nếu chúng ta đã thực sự rành mạch với bản thân mình rồi thì câu hỏi chọn mô hình nào cho giáo dục Việt Nam sẽ không cần phải bàn cãi nhiều nữa.

Đọc những bài anh Nam viết riêng về giáo dục, tôi vẫn nhận ra tư duy của doanh nhân hàng ngày vật lộn với sự khốc liệt của môi trường cạnh tranh. Tôi dạy học và nghiên cứu ở một đại học, công việc của tôi rất khác với công việc của anh Nam. Nhưng có một điểm chung trong suy nghĩ của tôi và anh là khi mình đã chấp nhận sống trong môi trường cạnh tranh của thế giới rộng mở, đôi khi mình phải cất kỹ những bản sắc dân tộc, có thể là rất thiêng liêng với cuộc sống riêng tư của mình, để hòa nhập mạnh mẽ vào cuộc chơi chung, theo những giá trị chung của nhân loại. Nếu không làm được như vậy thì chúng ta chỉ còn cách tự an ủi mình với vị thế của người thua cuộc.

Với tư duy mạch lạc của một doanh nhân có nhiều kinh nghiệm, những bài viết của anh Nam luôn dựa trên những bảng biểu đối sánh, những con số cụ thể. Anh cũng nhìn giáo dục từ quan điểm của thị trường lao động, mong muốn giáo dục đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu của nền kinh tế, thay vì chỉ hướng tới các giá trị chân thiện mỹ.

Hy vọng tuyển tập này với những bài viết của anh Lương Hoài Nam về giáo dục và cả về những chủ đề xã hội khác sẽ đến được tay của nhiều bạn đọc. Tôi tin rằng những trăn trở của anh sẽ gặp gỡ, cộng hưởng với nhiều trăn trở của những người khác, để thai nghén những vận động tích cực của xã hội.

GS. Ngô Bảo Châu
Đại học Chicago, Hoa Kỳ
Viện Toán cao cấp, Việt Nam

Lời nói đầu

Tôi tự nhận mình là kẻ trăn trở. Tôi có nghề để làm, không phải một nghề mà nhiều nghề. So với nhu cầu của mình, cuộc sống của tôi không có gì để phàn nàn.

Nhưng tôi chưa bao giờ giới hạn mình bởi nghề. Đúng hơn là tôi không thể giới hạn những điều quan tâm xung quanh những chuyện nghề. Ngược lại, nghề cho tôi điều kiện đi nhiều, thấy nhiều, cả trong và ngoài nước; càng đi nhiều, thấy nhiều, tôi càng trăn trở, về đủ thứ chuyện trên đời. Thêm vào đó, sự may mắn được sống trong thời đại internet đem đến cho tôi cơ man thông tin về những thứ mà tôi quan tâm. Nhưng internet cũng làm tôi trăn trở nhiều hơn về nhiều thứ hơn.

Mỗi khi trăn trở tôi thường viết báo. Có lúc tôi chỉ viết ra suy nghĩ, cảm xúc của tôi về một vấn đề. Cũng có lúc tôi đề xuất một số việc, giải pháp mà tôi nghĩ có thể làm, nên làm. Tôi cám ơn các tòa soạn báo đã ưu ái tạo điều kiện để tôi chia sẻ những trăn trở với cộng đồng. Chúng ta sống trong một thế giới chia sẻ, từ kinh tế, thông tin cho đến các giá trị khác. Chúng ta không nhất thiết phải đồng thuận về mọi thứ, nhưng sự cởi mở chia sẻ có thể giúp gợi mở cho mỗi người, cơ quan quản lý, doanh nghiệp những ý tưởng bổ ích, tiến bộ.

Tôi cám ơn vợ tôi, người thường làm bạn đọc đầu tiên và biên tập viên thứ nhất cho nhiều bài viết của tôi. Vợ tôi giúp tôi sửa các bài viết sao cho dễ đọc, dễ hiểu đối với bạn đọc, kể cả khi tôi viết về những vấn đề chuyên ngành phức tạp.

Cuốn sách này tập hợp những bài báo của tôi đã đăng trong gần 5 năm qua, là cách để tôi chia sẻ những trăn trở của mình với nhiều người hơn nữa.

Xin cám ơn tất cả bạn đọc!
Lương Hoài Nam

Lời bạt

Tôi biết đến anh Lương Hoài Nam từ ngày anh còn phụng sự cho Vietnam Airlines. Tôi bám sát mọi việc làm, mọi bài nói chuyện hay bài viết của anh, bởi “cảm” được cái tâm của anh. Cái tâm của Lương Hoài Nam khác tâm của nhiều người ở chỗ rất có tầm và anh luôn không chỉ làm cho người đọc, người nghe giật thót mình mà thường chỉ ra giải pháp rất cụ thể. Tôi nghĩ trong lòng “Cứ bám sát ông Nam này khối người tỉnh ngộ và chỉ cần làm theo anh hướng dẫn là ngon”. Thời đó tôi làm việc tại tập đoàn FPT.

Tôi theo sát Lương Hoài Nam nhiều năm nay, nhất là từ khi facebook xuất hiện. Phải thừa nhận rằng tương tác của facebook rất tốt. Tốt đến mức tôi (và cả bạn nữa) có thể học được rất nhiều điều mới lạ mỗi ngày. Hay đến mức tôi đề xuất với anh Nam xuất bản cuốn sách chọn từ những bài viết của anh trong những năm qua. Bởi nhiều bài anh viết từ mấy năm trước mà bây giờ vẫn nóng hổi, vẫn rất thời sự, cứ y như thể anh ấy vừa viết. Thật sự là vậy.

Đôi khi, ngồi uống trà độc ẩm, tôi nghĩ: Anh Lương Hoài Nam tâm huyết nhất với gì? Câu trả lời lại mỗi lần mỗi khác. Nhiều lần tôi cho rằng anh ấy hết mình cho ngành hàng không, đúng ngành anh ấy học. Nhưng đọc nhiều bài tôi lại thấy anh vô cùng tâm huyết với du lịch. Những cái nhìn của Lương Hoài Nam về du lịch làm tôi, người vốn mê du lịch và đã lang thang trên 40 quốc gia, phải giật mình. Thế rồi, có hôm tôi ngồi cả mấy tiếng đồng hồ đọc lại các bài của anh trong lĩnh vực giáo dục lại thầm nghĩ, nếu anh ấy làm lãnh đạo ngành này thì tuyệt vời làm sao. Những phân tích, những góc nhìn, những giải pháp rất cụ thể của Lương Hoài Nam trong giáo dục và đào tạo làm những ai được tôi chuyển bài viết của anh cho đọc đều trầm trồ. Thế rồi những bài viết của anh về tầm nhìn quốc gia, về đất nước và con người Việt Nam với thế giới. Rồi những bài viết về kinh tế, xã hội, văn hóa,… cũng rất sâu sắc và rúng động.

Lần ngồi bên nhau gần đây tại tầng cao nhất của một tòa nhà tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi lắng nghe những trăn trở của anh. Theo dõi, tôi thấy những trăn trở đó hiện ra cả trên khóe mắt, trên vầng trán, trên những sợi tóc. Rồi nơi đôi vai, nơi đôi bàn tay. Mấy cốc nước gọi ra hình như tôi quên uống. Tôi đã uống no những trăn trở của anh mất rồi.

Bản thảo hình thành khi Lương Hoài Nam lên đường đi các nước Baltic để thăm lại nơi anh từng học ngày xưa. Tôi theo dõi và vẫn thấy anh trăn trở ngay cả khi ở Saint Petersburg, Moscow hay Riga. Hình như trăn trở của anh đã ngấm sâu vào 15 tỷ tế bào trong não anh. Mà không, ngấm rất sâu vào từng thớ thịt, từng khúc xương, xuyên vào đến tủy sống, lan khắp 70 ngàn tỷ tế bào của cơ thể Lương Hoài Nam. Nói thật: ít thấy ai trăn trở nhiều như anh.

Ngay khi bản thảo hình thành, chúng tôi đã nhận được đánh giá rất cao của GS. Nguyễn Minh Thuyết, TS. Trần Đình Thiên, rồi anh Trần Đăng Tuấn… GS. Ngô Bảo Châu cũng hòa cùng trăn trở của anh Lương Hoài Nam. Thật là đáng quý, đáng trân trọng. Tôi mong sao những trăn trở này biến thành trăn trở chung của toàn thể dân tộc Việt Nam và từ đó sẽ có những hành động rất cụ thể để cùng thay đổi nước nhà.

Một vấn đề gây bàn cãi thú vị là tên sách. Phương án ban đầu là Kẻ trăn trở. Tuy nhiên, trong cuộc họp của chúng tôi, nhiều ý kiến cho rằng chữ “kẻ” là không ổn, dễ gây ra hiểu lầm từ tác giả, rằng không tôn trọng tấm lòng lớn của anh Lương Hoài Nam và cần bỏ đi chỉ giữ lại tên sách là Trăn trở. Bàn luận nhiều lắm, kể cả tìm ra nhiều phương án tên khác. Tuy nhiên, tại buổi thảo luận cuối cùng, được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi vẫn giữ nguyên tên ban đầu.

Nguyện vọng của chúng tôi là, sách được đến với đông đảo bạn đọc, nhất là sinh viên. Tôi mong mỏi có nhiều tọa đàm, nhiều hội thảo tại nhiều trường học trên cả nước. Tôi rất muốn từ cuốn sách Kẻ trăn trở sẽ nảy sinh nhiều đề tài, nhiều cuốn sách khác cùng trăn trở.

Tôi hoàn toàn tin rằng bạn đã có trong mình nhiều trăn trở sau khi đọc Kẻ trăn trở và bạn đã có một kế hoạch rất cụ thể để biến những trăn trở này thành hành động cụ thể, dù rất nhỏ, để góp phần cho một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Sách Thái Hà

Nghĩ về sự học

Từ lũy tre làng ra biển lớn và Nhận thức về “Tây học”

Điều tôi muốn nói là cái gì và ai đã làm cho trái đất nhỏ đi với tôi và những người khác như vậy?

Tôi chợt nhận ra: đó chính là nhờ kiến thức con người. Nói đúng hơn – nhờ hành trình đi tìm kiến thức của con người, đặc biệt là của những người châu Âu, của “Tây”.

Ngày học cấp một, tôi hay về quê trong các dịp hè và Tết. Quê tôi là làng Hậu Luật, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tôi có nhiều bạn cùng lứa ở làng Hậu Luật và chúng tôi thường tụ tập vui chơi với nhau ở sân kho hợp tác xã. Có những lúc, bọn tôi lang thang ra đến rìa làng. Bên kia cánh đồng là làng Văn Tập cùng xã.

Bên Hậu Luật có một lũy tre, bên Văn Tập có một lũy tre. Chúng tôi nhìn qua cánh đồng sang làng Văn Tập như nhìn sang một thế giới khác, xa lắc xa lơ. Đôi lần chúng tôi đánh liều rủ nhau băng qua cánh đồng đi sang làng Văn Tập, thường chỉ vào dịp Tết vì bên đó có biểu diễn văn nghệ, chơi đu, đánh cờ người. Những chuyến “vượt biên” sang làng Văn Tập đối với chúng tôi là “hành động đáng kể” và mang lại nhiều cảm xúc.

Thật ra, cánh đồng giữa hai làng Hậu Luật và Văn Tập chỉ rộng cỡ…200 mét. Sau này mỗi lần về quê, nhìn cánh đồng này và nhớ lại những kỷ niệm “vượt biên” thời xưa, tôi phì cười. Nhưng trong đôi mắt và trên đôi chân của những đứa con nít chúng tôi, làng Hậu Luật là cả một thế giới. Lũy tre làng là biên giới của nó với những thế giới khác và làng Văn Tập là một thế giới khác.

Năm 1980, ở tuổi 17, tôi là học viên trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự). Đơn vị tôi đóng quân tại sân bay Tân Sơn Nhất. Công việc chủ yếu của chúng tôi là học tiếng Nga. Thời gian còn lại là tập quân sự, trồng rau, có một đợt đi gặt lúa, bắt cá tận Hậu Giang. Cái “làng”, cái thế giới của tôi đã rộng ra rất nhiều so với cái làng Hậu Luật quê tôi.

Nhưng, cũng giống như khi xưa đứng ở lũy tre làng Hậu Luật, tôi lại nhìn thấy một thế giới khác. Cái thế giới đó xuất hiện vào cuối chiều thứ Năm hàng tuần, khi chiếc máy bay Boeing 747 của Air France chuẩn bị đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi và đồng đội thường đứng sẵn ở sân doanh trại chờ máy bay của Air France xuất hiện và nhìn theo cho đến khi nó đáp xuống sân bay, khuất tầm nhìn.

Giống như làng Văn Tập đối với làng Hậu Luật, cái máy bay của Air France là một “thế giới khác”, cái thế giới mà chúng tôi chưa biết.

Năm 1981 tôi sang Liên-xô học hàng không. Tôi có dịp đi dọc ngang Liên-xô trong các dịp nghỉ hè, nghỉ đông. Cái “làng” của tôi đã rộng hơn nhiều mảnh đất hình chữ S. Nơi đó tôi không chỉ học chữ, mà được biết thêm rất nhiều những thứ khác. Đó là một thế giới lớn và thú vị. Chỉ riêng ngành hàng không Liên-xô đã là cả một thế giới rồi.

Hè năm 1985, tôi theo các nhân viên của sân bay Pulkovo (Leningrad) “đột nhập” vào chiếc máy bay DC-10 của hãng hàng không Pan Am từ Mỹ sang. Đứng ở trong chiếc máy bay DC-10 đó, tôi lại cảm nhận được về một “thế giới khác” mà nó đại diện, một thế giới tôi còn chưa biết và muốn biết.

Năm 1990 tôi về nước làm việc cho một hãng hàng không. Rồi tôi phụ trách việc mở rộng mạng đường bay và hợp tác quốc tế của hãng hàng không đó. Công việc đó cho tôi cơ hội đi dọc ngang châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Australia. Mặc dù tôi chưa có dịp đến Nam Mỹ và châu Phi, nhưng cái “làng” của tôi qua năm tháng làm hàng không đã được mở ra rất rộng. Tôi được thấy, được biết thêm nhiều điều.

Với những chuyến đi, tôi có cảm giác trái đất như nhỏ đi. Một vòng trái đất chỉ 50 giờ bay, có nhiều nhặn gì đâu?

Điều tôi muốn nói là cái gì và ai đã làm cho trái đất nhỏ đi với tôi và những người khác như vậy?

Tôi chợt nhận ra: đó chính là nhờ kiến thức con người. Nói đúng hơn – nhờ hành trình đi tìm kiến thức của con người, đặc biệt là của những người châu Âu, của “Tây”.

Tại sao tôi lại nghĩ về người châu Âu, đến “Tây”?

Có hai thứ làm tôi nghĩ như thế. Đó là Biển và Trời. Tôi cảm thấy sự ứng xử của người châu Á và người châu Âu đối với hai thứ đó có những điểm giống nhau, nhưng có những điểm rất khác nhau.

Người châu Á và người châu Âu đứng trước biển. Cả hai đều thấy biển có muối và cá. Họ lấy muối và cá về nhà ăn. Họ thấy nước biển có thể nâng thuyền và gió biển có thể đẩy thuyền đi. Họ đóng thuyền để đánh bắt cá, đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Nhưng người châu Á không ra xa. Họ nhìn thấy đường chân trời và nghĩ biển là phẳng và vô tận. Với người châu Á, đi về hướng đó là đi vào cõi hư vô bất tận. Người châu Á không đi. Họ chỉ ra xa chừng nào còn nhìn thấy đất liền để biết đường quay về.

Hơn 2.500 trước, Pythagoras, một nhà toán học và triết học châu Âu, cho rằng trái đất (kể cả biển trên nó) là hình cầu, đồng nghĩa với việc nó không vô tận, mà hữu hạn. Nếu trái đất hình cầu, theo logic, cứ đi thẳng mãi về một hướng, sớm muộn gì cũng sẽ trở về điểm xuất phát. Nếu đi mãi về hướng chân trời, sớm muộn gì sẽ tìm thấy cái-gì-đó, chứ không phải là đi vào cõi hư vô bất tận (như người châu Á nghĩ).


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button