Hồi ký - danh nhân

Hồi ký không tên

hoi ky khong ten1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Lý Quý Chung

Download sách Hồi ký không tên ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH HỒI KÝ – DANH NHÂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời nhà xuất bản

Lý Quí Chung (Chánh Trinh, 01.09.1940-03.3.2005) là một nhà báo lão luyện, một chủ bút độc lập quả cảm, đồng thời lại là một dân biểu, một nghị sĩ của chế độ cũ, sớm lựa chọn con đường đối lập ở nghị trường miền Nam trước 1975 đương đầu chống lại chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Với ngần ấy vị trí, ông là một nhân vật có điều kiện nhìn sâu vào bên trong bộ máy chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên. Từ góc nhìn của ông, những sự kiện, biến động chính trị – xã hội, cũng như một số góc khuất trong chính trường Sài Gòn từ 1965 đến 1975 được phản ánh sinh động trong quyển hồi ký này. Và nhất là, ông đã cho người ta được hiểu thêm những đóng góp khác nhau của nhiều người Việt yêu nước cho ngày toàn thắng.

Hồi ký là một góc nhìn, một góc nhớ của một người, cho nên nếu có những phân tích, đánh giá mang tính chủ quan thì cũng là điều có thể chấp nhận của một thể loại. Với hồi ký liên quan đến lịch sử thì cũng thế, dù không phải là biên niên sử các sự kiện mà người viết được chứng kiến, thì điều quan trọng nhất vẫn là tôn trọng đúng dòng chảy lịch sử chung của cả dân tộc. Còn những cái nhớ, cái ghi về những chi tiết, quan hệ riêng tư, sau 30 năm còn lại bao nhiêu, chính xác li ti đến mức nào, xét cho cùng cũng là việc mà người đọc nên “rộng rãi” khi đọc.

Nhà nghiêu cứu Trần Bạch Đằng

Đọc Hồi ký không tên

Tên tuổi Lý Quí Chung không xa lạ gì với giới trí thức TP. HCM và miền Nam, bây giờ càng gần gũi hơn với những người hâm mộ bóng đá qua các bài viết mà anh ký tên Chánh Trinh.

Vào tuổi 64, anh viết hồi ký – Hồi ký không tên. “Không tên” nhưng vẫn “có tên” bởi mọi hồi ký đều do một người, một nhóm người nhớ lại và ghi chép những gì mà đời mình đã trải qua, đương nhiên kèm theo suy nghĩ về thế sự, nhân tình và, không loại trừ, tâm sự. Tập hồi ký có mặt rất nhiều tên mà tôi hiểu tác giả chọn tên cho tập hồi ký này đã hàm ý khái quát “số thành” của những cái tên được thể hiện trong dòng chảy của năm tháng, những cái tên hóa thân vào sự kiện – mà không ít sự kiện nằm trong một quá trình chuyển động dữ dội của Sài Gòn và miền Nam, của Việt Nam – đặc biệt 15 năm (1960-1975) đất nước ta đối mặt với Mỹ, đối mặt trên chính trường, trên chiến trường. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả và Nhà xuất bản đề nghị tôi viết lời giới thiệu tập hồi ký này, bởi hầu hết sự kiện cùng nhân vật được nhắc trong hồi ký, bản thân tôi có biết, có tiếp xúc, thậm chí, về sự kiện, có chịu trách nhiệm với cương vị – trong thời gian ấy – người phụ trách phong trào cách mạng Thành phố Sài Gòn. Cho nên, những gì anh Lý Quí Chung kể lại, ít nhiều tôi hiểu – hiểu cả phần chiều sâu. Tuy nhiên, đọc lại hồi ký, tôi vẫn cảm ơn tác giả đã hệ thống, không theo logic hình thức mà bằng “chuỗi” diễn tiến của tình thế và tác giả giúp tôi nhớ lại quá khứ chưa xa lắm song chưa phải người trong cuộc nào cũng đánh giá chính xác. Giá trị lớn nhất của hồi ký là tác giả “kể chuyện” một cách giản dị, rõ ràng, “lớp lang”, dù chỉ thông qua thực tế thu hẹp liên quan đến cá nhân mình. Có thể còn một số điều cần trao đổi thêm với tác giả, chủ yếu chung quanh hiện tượng và bản chất của một số sự kiện, song đó là thu nhận của tác giả trong một thân phận cụ thể – Lý Quí Chung không thuộc một gia đình truyền thống cách mạng, hay có chân trong đội ngũ quần chúng trỗi dậy từ Cách mạng Tháng Tám, hay nằm trong tầng lớp bị áp bức bóc lột thậm tệ, càng không phải là… “một Việt Cộng nằm vùng”. Anh “đại diện”- nếu hiểu chữ “đại diện” theo nghĩa chẳng do ai bầu mà là sự đương nhiên – cho lớp trung gian của xã hội, “trung gian” cả về kinh tế lẫn chính trị.

Lý Quí Chung sinh năm 1940. Anh vào đời đúng lúc đất nước ta vừa dứt được ách đô hộ của Pháp, đang đứng trước sự đe dọa của đô hộ Mỹ. Anh Chung, trong tuổi sinh viên, tiếp cận với những năm cuối cùng của chế độ Ngô Đình Diệm và trải dài suốt cuộc chiến tranh khốc liệt vào bậc nhất của Việt Nam, cho đến tận ngày 30-4-1945. Độ dài của hiện thực chiến tranh tuy gói gọn ở anh Chung có 15 năm, song lại đúng vào lúc lịch sử đặc quánh những nội hàm rất tiêu biểu.

Trước đây, tôi chưa gặp anh, song đã biết tiếng anh trong hai trường hợp mà tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Trường hợp thứ nhất, tôi đọc trên báo Tiếng Dội bài của nhà báo vốn rất quen thuộc với tôi là Trần Tấn Quốc – người được giới báo chí Sài Gòn vào những năm 60 suy tôn là “đại trưởng lão” trong làng báo – viết một bài nói về các nhà báo trẻ ở Sài Gòn, đặc biệt đánh giá cao Lý Quí Chung, khi ấy Lý Quí Chung ký tên là Nguyễn Lý. Ông Quốc viết, đại ý: Làng báo Sài Gòn xuất hiện nhiều cây viết tài năng và ông cảm thấy mình khó sánh kịp, bởi “cái bóng đồ sộ của Nguyễn Lý” – tôi nhớ câu này và chữ “cái bóng đồ sộ” theo cách nhìn của ông. Tôi biết Trần Tấn Quốc khi ông còn mang trên Trần Chí Thành, từng hoạt động cộng sản lâu năm, bị tù Côn Đảo, một nhà báo trí thức khá kiêu kỳ đã đánh giá Lý Quí Chung như thế và điều đó khiến tôi suy nghĩ. Trường hợp thứ hai, trên báo Tiếng Nói Dân Tộc, Lý Quí Chung có viết một bài xã luận nói về Quốc hội Sài Gòn, anh là dân biểu: Rất xấu hổ khi làm “cây kiểng” cho chế độ Nguyễn Văn Thiệu.

Tất nhiên, tôi còn đọc những tờ báo mà Lý Quí Chung hoặc cộng tác hoặc làm chủ bút, tôi đọc khá nhiều. Bấy giờ, tức vào những năm 60 và đầu những năm 70, báo chí Sài Gòn khá nổi bật trong đấu tranh chống Mỹ và chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Nhiều tờ báo đăng bài của các dân biểu đối lập, nhất là nhóm Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh, Dương Văn Ba, Nguyễn Văn Binh, Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan… Báo chí đối lập là hiện tượng độc đáo của Sài Gòn trong suốt hai cuộc kháng chiến, tôi chỉ nói báo chí công khai, trong khi báo chí nửa công khai, nhất là của sinh viên, học sinh và các hội đoàn, thì gần như “tràn ngập lãnh thổ”. Những tờ báo do các dân biểu đối lập “chịu trận” quy tụ rất đông số trí thức có tinh thần dân tộc. Lý Quí Chung có mặt trên các bài xã luận với phong cách riêng. Anh không “dữ dội” như Nguyễn Ngọc Lan – khi Nguyễn Văn Thiệu phản đối khẩu hiệu chống Mỹ cứu nước của Mặt trận Giải phóng, Nguyễn Ngọc Lan bấy giờ còn là linh mục, đã “hiến kế” cho tổng thống, đảo ngược khẩu hiệu của Mặt trận Giải phóng thành “chống nước, cứu Mỹ” – cũng không mang tính chất nghiên cứu như linh mục Trương Bá Cần về thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cũng không “chua” và “sát rạt” như Tư Trời Biển (Ngô Công Đức). Anh Chung nhạy bén ở khía cạnh thời sự.

Sau ngày đất nước thống nhất, tôi gặp anh Lý Quí Chung thường hơn, và gần đây, gặp trong một vài cuộc hội thảo về bóng đá. Do vậy, ở một chừng mực nào, tôi hiểu anh. Anh đã sống dưới chế độ cách mạng ngót 30 năm, dài hơn thời gian chạm mặt với chế độ cũ, nếu tính chỗ xuất phát từ một Lý Quí Chung 20 tuổi. Không có gì đặc biệt khi trong tập hồi ký hoặc nói thẳng hoặc ẩn chứa ưu tư của một trí thức trước thời cuộc, song Lý Quí Chung hướng về phía trước, hướng về những khám phá, hướng về nghĩa vụ. Tôi cho rằng tập hồi ký là nỗ lực của Lý Quí Chung để tự hiểu mình, tự đặt mình trong vận nước và, thật đáng quý, tự vượt qua chính mình. Ở cái tuổi 64, cái “ngộ” ấy chắc chưa viên mãn, song nó là cái nền cho một hồi ký khác – tôi hy vọng sẽ viên mãn hơn.

Thật ra, giới lớp trí thức Sài Gòn như Lý Quí Chung, “phơi phới sống với chế độ mới” là chuyện không thể có, tức không thể đòi hỏi. Rồi đây độc giả sẽ còn đọc nhiều hồi ký nữa của nhiều nhân vật có mặt lúc này lúc khác giữa lòng Sài Gòn. Những tư liệu ấy – nếu được đọc với sự phê phán và lòng bao dung – sẽ thêm cho pho sử hiện đại nước ta các khía cạnh không phải là không thú vị.

Cách mạng Việt Nam đa dạng. Góp vào bức tranh đa dạng ấy những đường nét riêng, tôi xem đó là cống hiến của Lý Quí Chung.

ĐỌC THỬ

 1. Tuổi thơ bên dòng sông Đồng Nai

Tôi sinh năm 1940 tại Mỹ Tho (Tiền Giang) nhưng chỉ ở đấy đến năm 3 tuổi thì cùng gia đình đến sống tại Biên Hòa (Đồng Nai). Cha tôi làm công chức, do có mâu thuẫn với tỉnh trưởng Mỹ Tho, nên có lệnh đổi lên Bà Rá. Thời Pháp, địa danh này ở miền Đông dành để “lưu đày” các công chức vô kỷ luật. Trên đường di chuyển lên Bà Rá ngang qua Biên Hòa, cha tôi được viên tỉnh trưởng ở đây giữ lại do được đánh giá là một công chức có trình độ (cha tôi học Collège Mỹ Tho, đậu Diplôme và rất giỏi tiếng Pháp).

Tuổi thơ của tôi ở Biên Hòa – từ 3 đến 12 tuổi (1943 – 1952)- trải qua khá êm đềm mặc dù đây là một giai đoạn đầy biến động của đất nước. Sự kiện lịch sử Pháp theo chân quân đội Anh đánh chiếm lại các tỉnh miền Đông để lại trong ký ức của tôi – hồi đó mới 5 tuổi – những hình ảnh tuy không rõ ràng và lớp lang, nhưng được giữ lại mãi cho đến sau này. Tôi còn nhớ không khí chuẩn bị rộn ràng, không hề sợ hãi, của người dân Biên Hòa cùng với lực lượng Việt Minh nhằm chống lại sự tấn công của quân Pháp. Lần đầu tôi được thấy cây tầm vông vạt nhọn, vũ khí tiêu biểu cho những ngày đầu kháng chiến chống Pháp tại miền Nam. Tôi cũng tham gia lần đầu tiên và là lần duy nhất cắt dán những lá cờ đỏ sao vàng dùng gắn trên ngực cho thanh thiếu niên trong khu phố của tôi. Lá cờ đỏ sao vàng in một dấu ấn đậm nét trong ký ức tuổi thơ của tôi mặc dù tôi không hiểu ý nghĩa chính trị của nó vào thời điểm ấy. Nhưng cái không khí chung quanh dành cho lá cờ đỏ sao vàng đủ khiến cho thằng bé con trong tôi cảm nhận được lá cờ tượng trưng cho một điều gì đó hết sức đặc biệt đối với mọi người. Tôi không nhỡ rõ lúc đó cha tôi làm gì và ở đâu (trước đó ông vẫn là công chức ở tỉnh) nhưng tôi lại nhớ mình không hề bị cha ngăn cản làm theo những người lớn tham gia Việt Minh…
Khi những người kháng chiến ở thành phố Biên Hòa không thể ngăn trở người Pháp theo chân quân đội Anh tái chiến tỉnh nhà, nhiều người đã phải “chạy giặc”, tức là rời thành phố chạy về các vùng nông thôn để tránh quân Pháp và Anh. Mẹ tôi đưa tôi và em gái tôi mới một tuổi “chạy” khỏi thành phố Biên Hòa trên một chiếc ghe chài chất đầy các thứ vật dụng giường, tủ, bàn, ghế, mùng mền như dọn nhà. Ghe đi đến đâu cũng thu hút sự tò mò của người dân sống dọc hai bên sông. Họ đổ xô ra xem. Chiếc ghe khá to thả xuôi theo con sông Đồng Nai không biết đi đến đâu. Mẹ tôi lúc ấy mới 23 tuổi (mẹ sinh tôi lúc 17 tuổi), ăn mặc theo thị thành, đẹp một cách đài các, đứng một mình trên ghe ngơ ngác, tay bồng em gái tôi. Cảnh ấy không khác gì một bức tranh siêu thực! Cha tôi không “tản cư” cùng với vợ và các con vì hướng tản cư đi sâu vào vùng Việt Minh kiểm soát. Cái gốc công chức làm cho chính quyền do Pháp cai trị khiến ông lo ngại. Ông ở lại thành phố, lẩn trong giới người Hoa mà ông quen biết.
Khi ghe đi qua làng Tân Vạn, một bà chủ lò lu giàu có tại đây thương cảm tình cảnh của mẹ tôi với hai đứa con nhỏ đã gọi ghe lại và cho gia đình tôi tá túc trong cơ sở lò lu của bà. Căn nhà xưa của bà tọa lạc giữa một khu đất rộng lớn, bốn bề bao bọc bởi một hàng rào cao khoảng hơn hai mét được dựng lên với những cái lu bị thải ra vì kém chất lượng hoặc nứt bể. Bà cho mẹ tôi ở một căn nhà nhỏ nằm một góc khu đất gần hàng rào, khá sáng sủa. Tình cảnh một người phụ nữ đẹp, không có mặt chồng, ở một mình với hai đứa con không thể không gây chú ý nhiều người trong làng. Có một nhân vật thế lực ở địa phương thường rón rén đến sát hàng rào nhìn trộm mẹ tôi qua những lỗ hở của những cái lu bể. Tôi là người phát hiện đầu tiên chuyện đó và liền chạy đi “mét” mẹ tôi. Chính bà chủ lò lu cho người lấp các lỗ hở trên hàng rào. Lò lu (nơi để lu vào nung) đối với tuổi thơ của tôi quả là một cái hang khổng lồ. Nó không khác hang động của 40 tên cướp trong truyện thần thoại Alibaba. Mỗi khi có máy bay của Tây đến dội bom, mọi người đều chạy vào núp trong hầm lò. Gia đình tôi luôn nhớ ơn lòng tốt của bà chủ lò ở Tân Vạn.

Khi Pháp tái lập lại guồng máy cầm quyền đô hộ của họ tại Biên Hòa, ông tỉnh trưởng cũ thuyết phục cha tôi trở lại làm việc ở tòa bố (tòa hành chánh của tỉnh). Về giai đoạn ấy, sau này hình như cha tôi có giải thích không rõ ràng lắm, đại khái như: “Làm công chức gần như là cái nghề của ba”.
Dù ông làm công chức cho Pháp rồi lần lượt cho các chính quyền Sài Gòn trong gần suốt đời ông, nhưng cứ mỗi khi nói về kháng chiến, về một số bạn bè của ông thời học trường Collège Mỹ Tho đã đi theo cách mạng, ông luôn tỏ ra kính trọng và hãnh diện. Mãi khi tôi đã lớn, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe cha tôi nhắc về họ.
Tôi không hề có ý định vẽ lại một chân dung khác của cha tôi mà cuộc đời làm công chức đã gắn liền với guồng máy cai trị Sài Gòn thời Pháp cho đến các chính quyền do Mỹ dựng lên sau này. Ông đã từng làm quận trưởng, phó tỉnh trưởng hành chánh ở nhiều tỉnh, quận (Thủ Đức, Long Thành thuộc tỉnh Biên Hòa, Tiểu Cần thuộc tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Củ Chi, Tân Uyên…) và sau cùng làm phó đô trưởng hành chánh Sài Gòn (1970-1972); nhưng ông vẫn là một công chức thuần túy, chưa bao giờ tham gia chính trị như một chính khách. Thời Ngô Đình Diệm ông không vào đảng Cần Lao, thời Nguyễn Văn Thiệu, ông từ chối gia nhập đảng Dân Chủ để củng cố địa vị của mình. Ngay từ nhỏ, tôi đã nghe ông hơn một lần nói:
“Không phải ai cũng có thể chọn con đường đi của mình. Đôi khi hoàn cảnh đặt mình ở bên này hay bên kia. Nhưng cái chính là dù ở đâu, mình cũng ráng lo cho dân là tốt rồi”. Tất nhiên một suy nghĩ như thế là gần như phi chính trị; nhưng cha tôi tin thật lòng mình điều ông nghĩ và ông cố gắng hành động như ông quan niệm.
Thế nhưng chính cái quan niệm phi chính trị ấy của cha tôi đã sớm gieo vào đầu tôi một ý thức nào đó về trách nhiệm công dân, một cuộc sống không thể thờ ơ với những gì xảy ra chung quanh mình. Bởi nghĩ cho cùng, cách giải thích và biện minh của cha tôi về “hoàn cảnh” của ông, cũng là sự trăn trở của một người trí thức có lòng yêu nước, nhưng thật sự không “yên tâm” với sự lựa chọn bất đắc dĩ của mình.

Rồi sau đó ông rất thanh thản đón ngày quân giải phóng vào Sài Gòn, vui vẻ gặp lại bạn bè cũ từ Hà Nội trở về (như ông Trần Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam hay ông Cao Tấn Bổ công tác tại Văn phòng Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, xưa kia là bạn học chung với ông). Dù là công chức cao cấp của chế độ cũ, nhưng cha tôi không bị đi học tập cải tạo tập trung. Vì từ năm 1973 cha tôi đã bị cách chức Phó đô trưởng hành chánh Sài Gòn và bị chế độ Thiệu cho về hưu sớm do các hoạt động chống chế độ của con trai ông. Lúc bấy giờ tôi đang làm dân biểu Hạ nghị viện, thuộc khuynh hướng chính trị đối lập, gần như ngày nào cũng “xuống đường” hoặc có lời phát biểu chống chế độ Sài Gòn trên diễn đàn quốc hội hay trên báo chí. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tay chân ông nhiều lần tìm cách trực tiếp hoặc gián tiếp buộc cha tôi gây áp lực với tôi đứng về phe họ hay ít ra phải ngưng các hoạt động chống họ. Nhưng biết rõ thái độ chính trị của tôi, cha tôi luôn tìm cách né tránh các yêu cầu của họ. Có một lần đại tá Đỗ Kiến Nhiểu, đô trưởng Sài Gòn Chợ Lớn, cấp trên trực tiếp của cha tôi, đặt thẳng vấn đề ông ta muốn gặp tôi để bàn một số việc. Cha tôi thừa biết Đỗ Kiến Nhiểu muốn bàn chuyện gì (không có chuyện gì khác hơn là yêu cầu con mình ngưng chống chế độ Thiệu) nhưng thật khó thối thoát. Ông cũng thấy trước rằng nếu để con mình gặp và từ chối lời đề nghị gì đó của đại tá Nhiểu thì tình thế càng căng hơn. Cuối cùng cha tôi nảy ra một ý kiến: cuộc hẹn định 8 giờ sáng nhưng tôi sẽ đến văn phòng Đô trưởng tại Tòa Đô vào lúc 7 giờ 30. Dĩ nhiên vào giờ đó Đỗ Kiến Nhiểu chưa đến. Tôi chỉ cần viết vài chữ cho biết mình đã đến và bận họp Quốc hội nên phải đi ngay, không thể chờ ông ta. Dù sao đó chỉ là kế hoãn binh. Phe ông Thiệu không thể chấp nhận duy trì ở cương vị Phó đô trưởng một người có con trai hoạt động chống họ một cách tích cực. Khi cha tôi bị cách trức (1973), ông nói với tôi như thông báo một việc biết trước thế nào rồi cũng đến: “Tụi nó cho ba nghỉ rồi!”. Cha tôi mất năm 1991 mà không kịp được nhìn thấy những đổi thay tốt đẹp sau này của đất nước.
Cái máu say mê thể thao của tôi thừa hưởng từ cha tôi. Từ những năm 14-15 tuổi, tôi đã đọc thường xuyên các báo thể thao của Pháp như L’Equipe, Mirroir Sprint (chuyên về xe đạp) v.v… Các báo này ba tôi đặt mua dài hạn ở nhà sách Albert Portail (nay là nhà sách Xuân Thu, đường Đồng Khởi). Tôi nhớ có lần cha tôi đưa tôi lên Sài Gòn xem đấu quần vợt tại Xẹc Tây (Cercle Sportif Saigonnais – bây giờ là Cung văn hóa Lao động). Đó là khoảng năm 1953-1954, lúc đấu thủ huyền thoại Võ Văn Bảy vừa nổi lên. Trận đấu diễn ra trên sân số 4 gần hồ bơi của Xẹc. Đối thủ của anh Bảy là tay vợt người Úc nổi tiếng thế giới. Thế mà anh Bảy chơi rất ngang ngửa. Cha tôi là người ủng hộ anh Bảy một cách sung sướng. Thế nhưng ngồi gần cha tôi có một vị khán giả cứ thỉnh thoảng lại nói: “Thằng Úc nó thả cho anh Bảy đó, chứ làm gì anh Bảy kiếm được một jeu (tiếng Pháp: một ván)”. Lúc đầu cha tôi làm như không nghe, nhưng vị khán giả kia cố tình lặp lại cho lọt vào tai cha tôi nhận định của ông ta. Thế là cha tôi nổi nóng lên, quay sang nói thẳng vào mặt ông ta “Sao ông tự ti mặc cảm đến như thế. Võ Văn Bảy chơi hay thật chứ đâu được thả”. Rồi hai người cãi nhau quyết liệt và thách nhau ra ngoài để “giải quyết”. Khi hai người sắp đánh nhau, tôi lo sợ khổ tâm vô cùng, không biết phải bênh vực cha mình thế nào đây. Chẳng lẽ nhảy vào tiếp tay cho cha tôi đánh lại cái ông khán giả kia? Rất may, có một công chức cao cấp thuộc đàn anh của cha tôi đi ngang qua, thấy cha tôi đang đứng thủ thế, liền can thiệp: “Phát, mày làm cái gì kỳ vậy”. Thế là cuộc đấu… võ giữa hai người được ngăn chặn kịp lúc!
Thật không thể tưởng tượng, 25 năm sau cũng tại Xẹc Tây, lúc này có tên là Nhà Văn hóa Lao động, cha tôi lại suýt đánh nhau lần thứ hai cũng tại sân quần vợt. Lần này ông đi xem cháu nội của ông, tức con trai lớn của tôi – Lý Quí Hùng – thi đấu với anh Võ Văn Bảy ở giải toàn thành, hình như lúc đó là năm 1979. Hùng thi đấu khá xuất sắc và lấy được của anh Bảy mấy jeu. Người ngồi kế bên cha tôi lần này là bác sĩ Nguyễn Phước Đại, cũng là một người say mê quần vợt. Tôi rất thân với bác sĩ Đại, nhưng cha tôi và ông Đại lại chưa từng gặp mặt nhau. Ông Đại bình luận mấy bàn thắng của Lý Quí Hùng là do…” cha nó (tức là tôi) mua chuộc anh Bảy”! Cha tôi ngồi kế bên liền lên tiếng: “Xin lỗi ông, cha của thằng Hùng không bao giờ làm chuyện đó”. Bác sĩ Đại đáp trả lại: “Làm sao ông biết cha thằng Hùng bằng tôi”. Cha tôi bình tĩnh nói lại: “Chắc chắn tôi phải biết cha của thằng Hùng hơn ông, đơn giản tôi là cha của cha thằng Hùng”. Lúc này hai người suýt choảng nhau. May mà có một người quen biết cả hai cản ngăn kịp.
Mẹ tôi là một phụ nữ suốt đời vì chồng con. Hồi trẻ bà được xem là người phụ nữ đẹp nhất Biên Hòa. Những năm tôi hoạt động chính trị đối lập, mẹ tôi luôn tỏ ra chia sẻ và hỗ trợ. Bà rất hãnh diện về lập trường độc lập và đối lập của con trai mình trong Quốc hội và trên báo chí. Mẹ tôi dư biết các hoạt động chống chế độ của tôi tất yếu sẽ dẫn tới kết cuộc cha tôi sẽ bị cách chức. Rất yêu chồng nhưng không bao giờ bà ép buộc con trai mình đầu hàng hay bỏ cuộc.
Thời trẻ cha tôi rất mê đánh bạc và thường vắng nhà. Chuyện học hành của tôi hoàn toàn do mẹ tôi lo. Bà đặt tất cả tình thương và hy vọng vào đứa con trai trưởng. Bà muốn tôi trở thành bác sĩ. Cha mẹ tôi có tất cả tám người con. Tôi có sáu em gái và một em trai cũng là đứa em út trong nhà. Về đường học vấn của tôi, công sức mẹ bỏ ra rất nhiều, nhưng thẳng thắn mà nói bà không nhận được sự đền đáp như ý nguyện. Tôi chưa bao giờ là một học sinh giỏi hoặc chuyên cần. Khi cha tôi còn là một thư ký quèn ở Biên Hòa, mẹ tôi quyết tâm đưa tôi vào học trường Pháp ở tỉnh nơi chỉ dành cho con Tây và con công chức cao cấp trong tỉnh. Theo suy nghĩ của mẹ tôi, trường Nguyễn Du mà tôi theo học (đến lớp tư, tức lớp hai hiện nay) dạy kém. Trường Pháp ở Biên Hòa do bà vợ của ông chánh thanh tra giáo dục ở tỉnh tổ chức. Bà là người Việt Nam nhưng có quốc tịch Pháp. Chánh thanh tra là ông Trần Bá Chức, trước kia là giáo sư trường Collège Mỹ Tho và là thầy cũ của cha tôi. Có lẽ nhờ mối quan hệ này mà tôi được đặc biệt nhận vào học trường Tây. Tôi còn nhớ cái tên Tây mà bà hiệu trưởng đặt cho tôi: Charles.
Trường Việt tôi học lôi thôi, sang trường Pháp cũng không khá. Tôi chỉ mê tắm sông Đồng Nai và đá banh trên đồng ruộng sau mùa gặt. Các gốc rạ chĩa lên thật cứng và bén, các lỗ chân trâu đầy trên mặt ruộng như những cái bẫy lúc nào cũng có thể làm lọi chân các cầu thủ chân đất tí hon, nhưng những hiểm nguy này vẫn không ngăn trở bọn trẻ chúng tôi quần quật suốt ngày với quả banh nhựa. Ngay từ lúc ấy tôi đã tỏ ra có năng khiếu bắt gôn. Bạn bè gọi tôi là “gôn Tịnh”, tên của một thủ môn huyền thoại cùng thời với những Trương Tấn Bửu, Guichard, Tốt, Cúi…
Sông Đồng Nai đã cướp đi lần lượt nhiều mạng sống của bạn bè tôi thời thơ ấư, bản thân tôi cũng suýt chết mấy lần. Một lần vì trốn người nhà ra gọi về, tôi lặn xuống núp dưới cây cầu ván và bị kẹt dưới cây cầu suýt chết ngộp. Một lần khác thi nhau lặn qua đáy một chiếc ghe lớn, do nước chảy mạnh làm lạc hướng nên hụt hơi mà vẫn không trồi được đầu qua phía bên kia ghe! Nhưng bọn nhóc chúng tôi không hề sợ hay hờn dỗi con sông Đồng Nai. Các buổi trưa, dù nắng hay mưa, bọn tôi không bao giờ lỡ hẹn với nó. Nơi chúng tôi tắm có một cây đa thật to, tán phủ cả một đoạn sông trông vừa hùng vĩ vừa bí hiểm như trong rừng châu Phi. Chính ở đây bọn nhóc chúng tôi thường đóng vai người rừng Tarzan, với những pha đu cây (là rễ chằng chịt của cây đa) tung người ra xa rồi buông rơi xuống nước một cách ngoạn mục.
Mẹ tôi cuối cùng cũng phát hiện ra hai năm học trường Tây ở tỉnh của tôi chẳng đến đâu. Tôi đen thui như người Campuchia vì cả ngày ở dưới sông hoặc rượt bóng trên đồng. Nhưng mẹ tôi không chịu nhìn nhận sự yếu kém này là do con mình mà lại cho rằng do nhà trường thiếu sâu sát và chăm sóc. Thế là mẹ tôi lại nghĩ đến một trường Tây khác ở tận Sài Gòn! Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu xuất phát từ đâu mẹ tôi lại có ý nghĩ đưa tôi lên Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat, trường trung – tiểu học Pháp lớn nhất toàn Đông Dương lúc đó chỉ dành cho con em người Pháp hoặc “quan lớn người Việt”. Trường này là nơi Thái tử Norodom Sihanouk (nay là Quốc vương Campuchia) từng học nội trú hồi nhỏ. Nhiều con em hoàng tộc Lào cũng được gởi đến học ở đây. Ý nghĩ của mẹ tôi quá táo bạo, gần như không tưởng vào lúc đó bởi cha tôi chỉ là một công chức cấp tỉnh bình thường. Nhưng cuối cùng mẹ tôi cũng thực hiện được ước vọng của mình. Một người bạn cũ của cha tôi làm trong tòa đại sứ Pháp ở bộ phận văn hóa đã giúp mẹ tôi. Tôi hoàn toàn không có tiêu chuẩn vào học trường này – về trình độ Pháp văn và cả về vai vế xã hội thời đó.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button