Hồi ký - danh nhân

Hồi Ký Chính Trị – Dr Mahathir Moham

hoi ky chinh tri mahamad1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Mahathir Mohamad

Download sách Hồi Ký Chính Trị – Dr Mahathir Moham ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH HỒI KÝ – DANH NHÂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                   

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

“Hồi ký chính trị Mahathir Mohamad” là cuốn sách đồ sộ ghi lại di sản chính trị của vị thủ tướng đã đưa Malaysia từ một nước nghèo đói thành quốc gia thịnh vượng.

Các nước châu Á được đánh giá là có bước phát triển thần kỳ trong giai đoạn cuối thế kỷ XX hầu như đều được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo kiệt xuất. Một Lý Quang Diệu làm nên sự phát triển vượt bậc của Singapore, công cuộc đổi mới của Trung Quốc gắn với tên tuổi Đặng Tiểu Bình, sự bùng nổ của Hàn Quốc gắn với giai đoạn cầm quyền của Park Chung Hee, và ở Malaysia là Tun Dr Mahathir Mohamad.

Tại Việt Nam, độc giả đã có cơ hội biết danh các vị lãnh đạo này qua nhiều cuốn hồi ký và sách viết về Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình… trong khi câu chuyện thần kỳ của Malaysia chưa được đông đảo độc giả hiểu rõ. Hồi ký chính trị Tun Dr Mahathir Mohamad không chỉ là hồi ức của một con người, một nhân vật, mà còn là những dấu mốc gắn với sự phát triển của Malaysia, có nhiều nét tương đồng với Việt Nam.

Trong nguyên bản, cuốn sách có tên A Doctor in the House, là một cách chơi chữ khó chuyển ngữ. Bản thân Mahathir Mohamad là một bác sĩ được đào tạo đúng chuyên môn. Nhưng với sự nghiệp cả đời cống hiến cho Malaysia, ông – với cương vị thủ tướng tới 22 năm – cũng chính là vị bác sĩ tài ba đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả cho nền chính trị, kinh tế của quốc gia này. Cuốn sách dày gần 1.000 trang do chính Mahathir viết và xuất bản tại Malaysia năm 2011.

Trong cuốn sách đồ sộ, vị thủ tướng thứ tư của Malaysia kiêm cựu Chủ tịch Đảng UMNO đã ghi lại quá trình hoạt động chính trị của mình. Sinh ra trong một gia đình khá nghèo, Mahathir Mohamad được cha mẹ giáo dục thành một công dân có trách nhiệm. Do nhà nghèo, ông phải theo học ngành y theo học bổng. Các vị lãnh đạo đảng UMNO của Malaysia thường xuất thân từ những gia tộc lớn, chỉ có Mahathir là vị thủ tướng đầu tiên của Malaysia không thuộc giới quý tộc.

Mahathir lớn lên trong một đất nước có hoàn cảnh xã hội phức tạp. Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, người Malaysia thoát khỏi ách thống trị của người Anh, nhưng chịu nhiều di chứng nặng nề: tranh chấp biên giới với Indonesia, Thái Lan, quan hệ xấu với Singapore… Trên đất nước này, người Malaysia là công dân hạng dưới, người Hoa nắm hết quyền lợi kinh tế, chính trị. 70% người dân sống ở mức nghèo khổ, tỷ lệ biết chữ thấp, cả nước chỉ có 100 người học đại học. Malaysia lại là một đất nước đa tôn giáo (Công giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo); đa sắc tộc (người Hoa, Ấn, Malaysia gốc Arab, Malaysia gốc Ấn, Malaysia thuần…); chính trị cũng phức hợp, xã hội nặng về phong kiến, chấp nhận đa thê, hôn nhân cận huyết…

Trong cuốn hồi ký của mình, cựu thủ tướng Malaysia đã đưa ra những phân tích sâu sắc về lịch sử đất nước cùng những giải pháp, bước đi của ông. Qua đó có thể thấy được vai trò của Mahathir trong công cuộc xây dựng và phát triển Malaysia hiện đại, biến một nền kinh tế trồng cây cao su và khai thác mỏ thành một trong những nước công nghiệp phát triển nhất của châu Á.

Hồi ký chính trị Mahathir Mohamad không chỉ là hồi ức của một con người, một nhân vật làm nên lịch sử Malaysia, mà có thể là tài liệu tham khảo hữu ích cho các độc giả Việt Nam, bởi Việt Nam và Malaysia có nhiều điểm tương đồng. Cuốn sách đồ sộ này nằm trong tủ sách Những nhà kiến tạo quốc gia của Alphabooks.

ĐỌC THỬ

1. TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG

Tôi trở thành Thủ tướng thứ tư của Malaysia vào ngày 16 tháng 7 năm 1981. Giống như các nhà lãnh đạo tiền nhiệm trong Đảng Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO), tôi từng mơ ước trở thành thành viên trong Nội các, thậm chí mơ trở thành Thủ tướng. Nhưng tôi không thể tin rằng có ngày giấc mơ đó sẽ trở thành hiện thực. Trước giây phút đứng đối diện Quốc vương chờ tuyên thệ, tôi vẫn là ứng viên có rất ít khả năng đạt được vị trí cao nhất đất nước này.

Những người có lá phiếu quyết định luôn lưỡng lự khi bầu cho tôi vì tôi không xuất thân từ tầng lớp quyền quý Mã Lai. Tunku Abdul Rahman Putra Al-haj, Thủ tướng đầu tiên của Malaysia là một thái tử, con trai của Tiểu vương Kedah (nay là một bang nằm ở vùng đông bắc bán đảo Malaysia). Ông cũng là nguyên Phó Ủy viên Công tố và Thanh tra Giáo dục ở bang này. Dòng họ Tunku được tất cả các tầng lớp xã hội nhắc đến đầy thiện cảm và thường có nhiều người đứng đầu các Bộ trong các ngành dân chính ở Kedah. Con đường tiến tới chức vụ Thủ tướng của ông không hề đi ngược với những tục lệ xã hội Mã Lai thời đó.

Thủ tướng thứ hai của Malaysia, Tun Abdul Razak Hussein xuất thân từ gia tộc có nhiều chính khách xuất chúng. Cha ông là công chức cấp cao trong chính quyền bang Pahang, một bang nằm ở vùng bờ biển phía đông của bán đảo Malaysia. Bản thân Tun Razak cũng là ngoại trưởng bang Pahang trước khi ông tham dự nền chính trị quốc gia. Sau khi Liên bang Mã Lai được thành lập năm 1948, ông trở thành Thủ hiến bang. Nắm giữ vị trí thứ hai trong đảng UMNO, ông trở thành Phó Thủ tướng và là người kế nhiệm đương nhiên của Thủ tướng Tunku.

Cũng như Tun Razak ở bang Pahang, người tiền nhiệm của tôi là Tun Hussein Onn cũng thuộc dòng dõi quyền quý của bang Johor, một bang miền nam bán đảo Malaysia. Ông cũng như các thành viên trong gia đình rất thân với cung điện Johor. Ông và cha ông từng là Thủ hiến bang Johor. Với họ, việc nắm quyền lãnh đạo là truyền thống của gia đình.

Tôi thì khác. Tôi có xuất thân bình dân – là con trai của một giáo viên phổ thông với mức lương 90 Ringgit mỗi tháng (tính theo thời điểm tôi bắt đầu tham gia chính trị). Người Mã Lai thời đó vẫn rất phong kiến và không vượt lên thân phận của họ. Nhưng tôi đã phá bỏ được rào cản tư tưởng này, mở đường cho họ hướng tới vị trí Thủ tướng của đất nước. Ngày nay, một người bình thường khi trở thành Thủ tướng cũng được kính trọng như bất kỳ Thủ tướng nào xuất thân từ các tầng lớp quyền quý khác.

Ba Thủ tướng đầu tiên của Malaysia đều là luật sư được đào tạo ở London. Tôi là bác sĩ y khoa tốt nghiệp trường Đại học Mã Lai ở Singapore. Riêng điều đó đã gây bất lợi cho tôi. Y học không được coi là chuyên môn phù hợp cho chức vụ Thủ tướng. Các luật sư được coi là thích hợp cho chức vụ này bởi việc quản lý liên quan đến các hoạt động lập pháp. Các bác sĩ không được đào tạo chuyên sâu về luật pháp và quản lý.

Tôi cũng là kẻ nổi loạn, hay phá rối và không có người bảo hộ. Năm 1969, tôi bị khai trừ khỏi Đảng UMNO vì dám chỉ trích Thủ tướng Tunku. Chỉ riêng điều này cũng có thể chấm dứt sự nghiệp chính trị của tôi. Trước tôi, cũng đã có người phải trải qua cảnh ngộ tương tự. Aziz Ishak, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp, người thuộc Nội các của Thủ tướng Tunku, đã xúc tiến thành lập xí nghiệp giống cây trồng nhằm giúp những nông dân Mã Lai vốn vẫn luôn bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Tunku không hài lòng vì điều này. Ông không muốn làm mất lòng các công ty giống cây trồng ngoại quốc và ông đã loại Aziz khỏi Nội các. Ông thậm chí còn khai trừ Aziz khỏi Đảng UMNO và không bao giờ cho phép tái gia nhập.

Tôi may mắn hơn Aziz. Cuối cùng tôi cũng được khôi phục đảng nhưng lý lịch đã từng gây rối luôn cản trở tôi nắm giữ những chức vụ cao trong Đảng hoặc trong chính phủ. Không có các mối quan hệ gia đình với các quan chức quyền quý và với xuất thân bình dân, tôi sẽ khó tiến xa. Tuy nhiên, Thủ tướng Tun Razak đã là người bảo trợ chính trị cho tôi. Ông không hề để tâm đến hành vi của tôi với Tunku và đã giúp tôi rất nhiều khi chính thức bổ nhiệm tôi làm Bộ trưởng sau khi tôi giành được ghế tại Quốc hội trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1974.

Mãi gần đây, ở Malaysia vẫn còn quy định chính trị ngầm rằng, một người trước khi chính thức trở thành Bộ trưởng phải là đại biểu Quốc hội và sau đó là Thứ trưởng. Tôi đã bỏ qua hai giai đoạn “học nghề” này.

Điều dễ hiểu là một số người trong Đảng UMNO có chức vụ cao hơn tôi đã không chấp nhận bước đi tắt này của tôi. Thậm chí Thủ tướng Tun Razak cũng cho rằng, tôi có rất ít cơ hội để trở thành Thủ tướng. Khi ông mất vào năm 1976, tôi đã mất đi nhà bảo trợ chính trị duy nhất của mình.

Ngay cả khi Thủ tướng Tun Razak còn sống, tôi cũng phải vận động tranh cử hết sức thận trọng. Một người bạn của tôi là Datuk Harun Idris, Thủ hiến bang Selangor miền trung Malaysia, người đã giúp tôi trở lại Đảng UMNO sau khi tôi bị khai trừ, cũng cho rằng, tôi đã làm mất cơ hội trở thành phó Chủ tịch Đảng UMNO trong cuộc bầu cử năm 1975 của ông. Tôi cũng cùng tranh cử năm đó và tôi đã đánh bại ông. Harun và các con ông không bao giờ tha thứ cho tôi, nhưng tôi cũng không bao giờ quên những gì ông đã làm cho tôi. Về sau, ông phải ra hầu toà và bị kết tội tham nhũng, nhưng tôi đã ân xá cho ông trong suốt thời gian tôi làm Thủ tướng. Năm 1986, Harun và con trai ông đã ủng hộ Tengku Razaleigh Hamzah, người về sau trở thành Phó Chủ tịch Đảng UMNO, khi Tengku Razaleigh và tôi cùng tranh cử chức Chủ tịch Đảng UMNO trong cuộc bầu cử của đảng năm đó.

Ngay cả khi có sự ủng hộ của Thủ tướng, bạn cũng không có được sự ủng hộ của các thành viên cấp cao trong đảng. Khi Tun Hussein bổ nhiệm tôi làm Phó Thủ tướng năm 1976, tôi luôn phải đối mặt với sự phản đối của các thành viên có chức vụ cao trong đảng như Lãnh đạo Tổ chức thanh niên Tan Sri Syed Jaafar Hassan Albar, người đã chết vì bệnh tim khi đang vận động tranh cử ở bang Johor. Ngay sau khi tôi được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, hai người bạn thân của tôi đã bị bắt vì bị cáo buộc là những người thân cộng sản.

Tan Sri Abdullah Ahmad và Abdullah Majid là hai Thứ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Tun Hussein. Abdullah Ahmad từng là Trợ lý chính trị và là bạn của Thủ tướng Tun Hussein. Ông cũng là một trong những người ủng hộ tôi mạnh mẽ nhất. Dường như thế vẫn chưa đủ, ba ngày trước khi tôi tuyên thệ trở thành Thủ tướng, Trợ lý chính trị của tôi, Siddiq Ghouse, bị bắt vì bị cáo buộc có liên quan đến các hoạt động gián điệp. Bộ trưởng nội vụ khi đó là Tun Ghazali Shafie nói rằng, Siddiq là gián điệp cho KGB của Liên Xô.

Tôi không phải là Phó Thủ tướng con nhà dòng dõi, lại là người có Thư ký chính trị là “gián điệp” và là người có nhiều bạn “thân cộng sản”. Con đường thăng tiến của tôi trong đảng gần như chấm hết.

Tuy nhiên, không chỉ mình tôi bị phản đối như vậy. Tun Hussein cũng bị công kích khi Thủ tướng Tun Razak bổ nhiệm ông làm Phó Thủ tướng. Một số lãnh đạo của Đảng UMNO coi ông là người ngoại đảng vì mãi đến năm 1964 ông mới tái gia nhập Đảng UMNO sau 17 năm ông và cha ông, Dato’ Onn Jaafar, người sáng lập Đảng UMNO, rời khỏi đảng này để thành lập Đảng độc lập Mã Lai. Chính Thủ tướng Tun Razak là người đưa Tun Hussein trở lại với Đảng UMNO. Hai người lấy hai chị em ruột, vì vậy, họ có mối liên hệ rất thân thiết với nhau. Tun Hussein trở thành Bộ trưởng Giáo dục và con đường thăng tiến của ông rất rộng mở. Sau này, việc ông chọn tôi làm Phó Thủ tướng được coi là quyết định khờ dại, phần vì tôi có liên quan tới một số người bị coi là cộng sản. Nhưng Thủ tướng Tun Hussein là người cương trực, ông đã từng làm việc với người Anh. Không ai có thể tin rằng, ông có thể có bất kỳ sự dính líu nào với chủ nghĩa cộng sản. Hơn nữa, Tun Hussein dần dần đã khống chế được những người mà ông nghi ngờ có khuynh hướng theo phe cánh tả, bất chấp họ có chỗ đứng trong Đảng UMNO và thân cận với Thủ tướng tiền nhiệm Tun Razak.

Tôi vẫn băn khoăn không hiểu tại sao ông lại chọn tôi làm phó cho ông. Bản thân ông biết rất ít về tôi. Có lẽ vì ông biết về Tun Ghafar Baba, người cùng tranh cử với tôi trong cuộc bầu cử của Đảng UMNO và giành được số phiếu bầu cao nhất trong 3 vị trí phó chủ tịch Đảng, còn ít hơn tôi. Về thái độ của Thủ tướng Tun Hussein đối với phó Chủ tịch Đảng UMNO, ông Tengku Razaleigh Hamzah, thì tôi chỉ có thể đoán. Có lẽ, sự vụ xảy ra khi Tun Hussein còn là Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng đã khiến Tengku Razaleigh Hamzah mất điểm. Tengku Razaleigh khi còn là Giám đốc Công ty Dầu khí Quốc gia PETRONAS và Giám đốc Tập đoàn Pernas, tập đoàn thương mại quốc gia (nay là Tradewinds Corporation) đã đề nghị cấp 100 triệu Ringgit cho mỗi công ty, nhưng ông báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng Tun Razak mà không thông qua Bộ trưởng Tài chính Tun Hussein. Có lẽ Tun Hussein không thể quên được sự vụ này. Tôi cho rằng, ông không có nhiều lựa chọn khi ông chọn phó cho mình và có lẽ cách nhìn nhận của cựu Thủ tướng Tun Razak đối với tôi vẫn còn ảnh hưởng đối với ông. Đã có lần ông nói với tôi, cựu Thủ tướng Tun Razak đã khuyên ông chọn tôi nếu cần sự trợ giúp.

Số phận đã mỉm cười đối với tôi. Khi Tun Dr Ismail Abdul Rahman, người mà Thủ tướng Tun Razak bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng cho ông, qua đời, Tun Hussein trở thành Phó Thủ tướng. Không lâu sau, Tun Razak cũng qua đời và Tun Hussein trở thành Thủ tướng. Sức khỏe ốm yếu đã khiến Tun Hussein không thể làm Thủ tướng được nữa. Ông đã từ chức vào tháng 7 năm 1981.

Con đường thăng tiến của tôi được coi là nhanh, nhưng tôi phải mất 18 năm để trở thành nghị sĩ và mất 28 năm để trở thành Bộ trưởng. Những ngày đầu tiên đó, tôi không hề biết đến những phi vụ chính trị được vận động bằng tiền bạc và tôi cũng không sử dụng tiền để giành được vị trí mà tôi có. Ngay cả khi tiền bạc được sử dụng trong các chiến dịch chống lại tôi, tôi vẫn cố chiến thắng mà không hề nhận hối lộ. Tôi biết ơn sự dân chủ trong Đảng UMNO, điều đi ngược với bản chất phong kiến của người Mã Lai. Năm 1969, tôi dám đương đầu với Thủ tướng Tunku bởi tôi cảm thấy mình nhận được sự ủng hộ của người dân. Dù bị khai trừ, tôi vẫn có thể tái gia nhập Đảng UMNO cũng nhờ sự ủng hộ này.

Tuy nhiên, tôi được chọn làm Phó Thủ tướng bởi một nhà lãnh đạo không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong đảng. Hiển nhiên là tôi đã có khoảng thời gian không hề dễ dàng và Tun Hussein có thể không bảo vệ tôi nhiều. Tun Hussein cần Tun Razak ủng hộ khi ông được chọn làm Phó Thủ tướng. Khi Tun Razak chết, Tun Hussein không còn nền tảng vững chắc của người dân. Việc bắt giữ những người bị coi là thân cộng sản trong đảng như một dấu hiệu cho thấy vị trí của ông sẽ bị ảnh hưởng bởi những người cộng sản. Ông đồng ý gây áp lực với những người bị bắt giữ có thể là biện pháp tốt giúp vực dậy vị thế chính trị yếu kém của chính ông. Chính quyền của ông đã bị ám ảnh bởi những hồn ma cộng sản do những kẻ hay nói xấu ông tung ra với hy vọng ông sẽ bị hạ bệ hoặc phải từ chức sớm, gây ra cuộc chiến trong giới lãnh đạo Đảng UMNO.

Ngoài việc không thể kiểm soát được những toan tính nhằm hạ bệ mình trong nội bộ Đảng UMNO, Thủ tướng Tun Hussein cũng phải đối mặt với những thách thức từ phía những người Hoa. Dưới Chính sách kinh tế mới (NEP), Luật hợp tác công nghiệp (ICA) năm 1975 quy định rằng, các công ty phải chia 30% cổ phần của họ cho người Bumiputera. Hầu hết các công ty của người Hoa thời đó là công ty tư nhân, họ phản đối chia cổ phần cho người Bumiputera, những người hoàn toàn xa lạ đối với họ. Nhưng luật là bất di bất dịch và những doanh nhân người Hoa vận động chống đối chính phủ. Họ cũng đòi thành lập một trường đại học dạy bằng tiếng Hoa. Để thực hiện được Chính sách kinh tế mới, chỉ tiêu dành cho người Bumiputera trong các trường đại học của chính phủ được nâng lên. Điều này khiến những học sinh người Hoa và người Ấn Độ càng có ít cơ hội được vào đại học. Đối với những người giàu, điều này sẽ không gây ra vấn đề gì khi họ có thể ra nước ngoài học. Nhưng cơ hội để đạt được kiến thức cao hơn đối với những người nghèo không phải là người Mã Lai bị giảm rất nhiều do hệ thống chỉ tiêu này.

Hồi đó chúng tôi vẫn chưa có những trường đại học tư hoặc các viện giáo dục không thuộc hệ thống đại học. Nhiều người Hoa hoàn thành trung học phổ thông bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ nên nhu cầu cần có trường đại học dạy bằng tiếng Hoa tăng lên nhanh chóng. Được nhóm Dong Jiao Zong (Hiệp hội giáo viên trung học người Hoa thống nhất ở Mã Lai) lãnh đạo, cộng đồng người Hoa đứng lên chống đối. Cả Thủ tướng Tun Hussein và tôi đều lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tôi khi đó là Bộ trưởng Giáo dục và vấn đề này tôi phải quyết định. Nếu tôi đồng ý với những yêu sách của cộng đồng người Hoa, tôi sẽ làm mất lòng những người Mã Lai ủng hộ tôi, nhưng nếu từ chối họ, tôi sẽ khiến Đảng người Mã gốc Hoa (MCA) và đảng Phong trào nhân dân Malaysia (Gerakan) – các đảng đối tác người Hoa của UMNO trong Mặt trận quốc gia cầm quyền – yếu đi.

Không giống như người Mã Lai, hầu hết người Hoa bỏ phiếu vì những vấn đề cụ thể hơn là vì mối quan chính trị của họ. Về vấn đề thành lập trường đại học dạy bằng tiếng Hoa, kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, những người ủng hộ Đảng MCA và Đảng Gerakan sẽ ủng hộ Đảng Dân chủ hành động (DAP) đối lập. Họ trung thành với dòng dõi hơn là với đảng. Ví như, trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1969, những cử tri người Hoa trong khu vực bầu cử của tôi đã bỏ phiếu cho Đảng Hồi giáo Liên Malaysia (PAS) chỉ đơn giản vì họ muốn đảm bảo rằng, một nhân vật bị coi là “người Mã Lai cực đoan” như tôi sẽ không chiến thắng. Đôi khi, sự lựa chọn của các cử tri thiểu số ở Malaysia lại có vai trò quyết định mà không ai dám mạo hiểm bỏ qua.

Trong hoàn cảnh bất ổn này, một số người Hồi giáo cực đoan Mã Lai cũng gây ra nhiều vấn đề. Ngày 26 tháng 5 năm 1979, một nhóm vài người Hồi giáo cực đoan đã báng bổ các thánh đường của những người theo đạo Hindu, phá một thánh đường ở Selangor để bố trí các lính bảo vệ có vũ trang. Khi những kẻ gây rối này đến, họ bị đánh trả và bốn người bị chết. Điều này đã kích động sự phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng người Mã Lai và kích động tinh thần chống Ấn lan toả mạnh mẽ ngay cả khi chính phủ đã bắt và xử lý những người liên quan. Điều đáng lo ngại và là dấu hiệu cho thấy sự việc còn tiếp diễn trong tương lai là những thanh niên Mã Lai đã từng kích động phản ứng của người Ấn Độ không phải là những thanh niên nghèo ở nông thôn, phẫn uất vì bị chặn đứng mọi cơ hội, mà là những sinh viên trẻ từng được đào tạo ở nước ngoài.

Ngày 16 tháng 10 năm 1980, tại Batu Pahat, bang Johor, một nhóm người Hồi giáo Mã Lai lầm đường lạc lối khác đã tấn công một đồn cảnh sát. Họ đã bị dẹp lui và 8 người trong số họ thiệt mạng. Tuy nhiên, vụ việc này đã đánh dấu vấn đề đang nổi lên trong những lời giáo huấn sai lệch của những người Hồi giáo ở Malaysia. Một sự vụ tương tự nhưng nghiêm trọng hơn xảy ra vào cuối năm 1985 khi một người đàn ông tự xưng là Ibrahim Libya và những người dị giáo theo anh ta đã tổ chức một cuộc nổi dậy ở Memali, bang Kedah.

Trên cương vị Thủ tướng, Tun Hussein phải đối mặt với vấn đề khó khăn nhất là giải quyết vụ tham nhũng liên quan đến Harun Idris. Harun Idris là Thủ hiến bang Selangor cũng là nhà lãnh đạo Tổ chức thanh niên của Đảng UMNO. Ông rất nổi tiếng với tính cách thẳng thắn, bộc trực của người Mã Lai. Không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong đảng và có những đối thủ nhiều quyền lực trong Đảng UMNO, Tun Hussein sẽ phải thận trọng khi đối phó với Harun. Nhưng Tun Hussein đã thẳng thắn điều tra vụ việc. Tầng lớp thanh niên theo Đảng UMNO phản đối ông mạnh mẽ. Tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài ủng hộ ông, dù tôi biết rằng, nếu ông mất chức, tôi có thể cũng mất chức theo ông.

Tuy nhiên, Thủ tướng Tun Hussein là người quyết đoán. Ông không hề để ý đến sự phản ứng của những thanh niên theo Đảng UMNO, thậm chí ông còn sẵn sàng chuẩn bị điều động lực lượng cảnh sát khi Harun từ chối đầu hàng. Làn sóng phản đối Tun Hussein tiếp tục tăng, nhưng chiến thắng của Mặt trận quốc gia cầm quyền trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1978 đã giúp ông bảo vệ được vị trí của mình. Phấn khích do chiến thắng này, Hussein quyết định tổ chức bầu cử trong Đảng UMNO để củng cố vị trí Chủ tịch đảng của mình. Ông phải tranh cử cùng một thành viên Đảng UMNO là Haji Sulaiman Palestine, một nhân vật thông minh, năng động. Sulaiman đã từng sống ở Palestine trong những năm tháng tuổi trẻ, cái tên Palestine của ông cũng bắt nguồn từ đó. Ông khiến người ta kinh ngạc khi có thể nói tiếng Do Thái cổ thành thạo. Con người theo chủ nghĩa dân tuý này có khả năng hùng biện lôi cuốn, nhưng Tun Hussein đã chiến thắng với cách biệt rõ rệt. Tôi không phải tranh cử với ai nên vẫn giữ vị trí Phó Chủ tịch đảng. Mối đe doạ đối với Tun Hussein và tôi được đẩy xa dần.

Tuy nhiên, quan hệ của tôi với Tun Hussein đôi lúc cũng căng thẳng. Ông từ chối một số đề nghị của tôi và không hài lòng khi tôi dám mạo hiểm đưa ra những đề nghị đó. Càng ngày càng thất vọng, cuối cùng tôi không đưa ra ý kiến của mình nữa. Tôi không muốn làm ông bực tức và không muốn làm mất đi cơ hội trở thành Thủ tướng của mình. Sau đó, vào năm 1981, Thủ tướng Tun Hussein bất ngờ thông báo cho Nội các rằng, ông chuẩn bị tới Anh để chữa trị bệnh tim. Chúng tôi đều biết ông không được khỏe, nhưng chúng tôi không nghĩ rằng bệnh tim của ông nghiêm trọng đến mức phải phẫu thuật (ngày đó người ta coi phẫu thuật là nghiêm trọng hơn bây giờ nhiều). Ca phẫu thuật đã thành công, nhưng Tun Hussein vẫn không được khỏe sau khi về nước. Ông phải tạm nghỉ và tôi xung phong đảm nhiệm thêm những công việc của ông. Một ngày giữa năm 1981, sau cuộc họp tại dinh thự của ông, ông đề nghị tôi ở lại. Ông nói với tôi rằng, ông không thể tiếp tục đảm đương công việc được nữa và muốn từ chức. Tôi một lần nữa đề nghị làm phần việc của ông trong thời gian ông nghỉ ngơi, nhưng ông rất kiên quyết khi nói rằng ông đã quyết định tôi sẽ là người thay thế ông.

Tôi giữ kín thông tin này và đợi Thủ tướng Tun Hussein chính thức thông báo trước mọi người. Ngày 15 tháng 5 năm 1981, Tun Hussein tuyên bố quyết định của ông trước tổ chức Đảng UMNO ở thành phố Johor Baru. Hàng nghìn đảng viên tham dự cuộc họp thường niên đã bị sốc khi ông tuyên bố sẽ không tham gia tái tranh cử chức vụ Chủ tịch đảng và sẽ từ chức Thủ tướng. Ngay sau đó, ông thông báo trước Nội các và công bố trước công chúng rằng, ông có ý định từ chức Thủ tướng. Đảng UMNO kế hoạch tổ chức bầu cử Đảng tại Hội nghị toàn thể thường niên vào ngày 28 tháng 6 năm đó. Tôi chấp thuận sự chỉ định vào chức vụ Chủ tịch đảng chỉ khi biết rõ Tun Hussein sẽ không tham gia tranh cử.

Vì không có ứng viên nào nổi bật nên tôi sẽ trở thành Chủ tịch đảng vào ngày 28 tháng 6, ngày Tun Hussein sẽ chính thức từ chức. Tâm điểm của sự quan tâm là cuộc tranh đua vào chức vụ Phó Chủ tịch thường trực của đảng. Có 2 ứng viên, Tengku Razaleigh và Tun Musa Hitam, người từng là Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 1981 – 1986, cả hai đều là Phó Chủ tịch của UMNO.

Hội nghị toàn thể thường niên của UMNO năm đó được tổ chức tại hội trường Nirwana của khách sạn Hilton, vì toà nhà trụ sở của Đảng UMNO vẫn chưa được xây dựng xong. Hội trường chật kín đại biểu cùng các quan sát viên và các vị khách mời. Sau phần công tác tổ chức, Thủ tướng Tun Hussein bước lên diễn đàn, trình bày bài phát biểu ngắn mà theo thông lệ của Đảng UMNO thì đó cũng là bài phát biểu khai mạc Hội nghị. Phát biểu trước đám đông đang rất trật tự, ông tuyên bố rằng, sau khi tham khảo ý kiến của tôi, ông đã quyết định từ chức Thủ tướng vào ngày 16 tháng 7. Điều này có nghĩa là trong vòng 17 ngày, Thủ tướng sẽ không còn là Chủ tịch Đảng UMNO hoặc ngược lại Chủ tịch Đảng UMNO sẽ không còn là Thủ tướng nữa. Mặc dù điều này trái với truyền thống, nhưng nó không phải là vấn đề trọng đại nên không ai phát biểu phản đối cả. Mọi cặp mặt hướng về Tun Hussein khi ông bước xuống diễn đàn sau bài phát biểu. Tiếng vỗ tay vang lên và ông bắt tay các thành viên của Hội đồng tối cao trước khi bước về chỗ của mình.

Hội nghị tạm dừng. Tất cả các thành viên của Hội đồng tối cao trở về phòng VIP để nghỉ ngơi và dùng cà phê. Tun Hussein không ở lại lâu. Các đảng viên Đảng UMNO xúm quanh ông khi ông bước tới cổng vào phía dưới của khách sạn, từ đó Hội đồng tối cao đứng tiễn ông. Sau đó, các đảng viên vây quanh tôi để chúc mừng. Đây là cơ hội tốt để họ thể hiện sự ủng hộ đối với tôi mặc dù tôi không chắc rằng bao nhiêu người trong số họ thực sự chân thành.

Hội nghị tiếp tục với phần bầu Phó Chủ tịch thường trực, các Phó Chủ tịch và các vị trí khác. Ở Đảng UMNO, bất kỳ ai trở thành Phó Chủ tịch thường trực của đảng cũng đều trở thành Phó Thủ tướng. Vì vậy, đương nhiên cuộc tranh cử giữa Tengku Razaleigh và Tun Musa sẽ thu hút được sự chú ý nhất. Tôi quyết định sẽ làm việc với bất kỳ ai giành thắng lợi. Tôi không thể nỗ lực ủng hộ một trong hai người vì nếu ứng viên tôi ủng hộ thất bại, tôi sẽ phải ở lại cùng cấp phó đối lập. Giữ công bằng, không ra mặt ủng hộ ai là rất quan trọng đối với tôi, bởi vì tôi muốn hòa hợp với cấp phó của tôi. Tôi không giữ được mối quan hệ tốt với Tun Hussein và tôi cảm giác rằng, điều này lý giải tại sao một số đề xuất tôi đưa ra đều bị từ chối. Tuy vậy, thái độ trung lập thận trọng của tôi cuối cùng cũng không giúp tôi có được sự ủng hộ lâu dài của cấp phó. Chỉ sau 5 năm, Tengku Razaleigh và Tun Musa đã liên minh với nhau để tranh cử chức Chủ tịch Đảng UMNO với tôi.

Mặc dù Harun vẫn ở trong tù khi Tun Hussein từ chức Thủ tướng, nhưng ông cũng được đề nghị bổ nhiệm vào chức Phó Chủ tịch đảng tại Hội nghị năm đó. Tun Hussein không đưa ra ý kiến phản đối gì về điều này. Hơn nữa, không ai trong tổ chức đảng phản đối việc bổ nhiệm đó. Tuy nhiên, theo luật, Harun sẽ không được giữ chức vụ thực sự trong chính trị trong vòng 5 năm kể từ khi ra tù. Phía Tổ chức thanh niên của Đảng UMNO tuyên bố rằng, họ muốn Harun nhận được lệnh ân xá chính thức từ Quốc vương. Tôi không chắc chắn liệu có lệnh chính thức thì Harun có được trở lại hoạt động chính trị hay không, nhưng cuộc bầu cử Đảng UMNO lần này lại có tính chất quyết định. Nó quyết định ai là người làm phó cho tôi và cho thấy cảm giác của các đảng viên UMNO về thời gian ngồi tù của Harun. Tôi biết cảm giác của Tun Hussein về vấn đề này. Ông đã ném mạnh tập hồ sơ về trường hợp của Harun trước mặt tôi khi trước đó tôi cố gắng tranh luận rằng, sẽ có những rắc rối chính trị nếu tiếp tục kiện Harun. Bây giờ tôi mới nhận thấy rằng, ông sẽ rất bực mình nếu tôi làm điều gì đó cho Harun. Mặt khác, tôi không thể mạo hiểm bỏ qua tình cảm của các đảng viên và nguyện vọng của người dân ngay sau khi trở thành Chủ tịch đảng.

Không khí thật sôi nổi khi phiếu bầu được kiểm. Tại cuộc họp thường lệ của Hội đồng tối cao đêm trước hội nghị, tất cả các ứng viên đều cam kết rằng, dù chiến thắng hay thua cuộc, họ vẫn sẽ tiếp tục phục vụ Đảng UMNO và chính phủ. Tôi cảm thấy có lý khi khẳng định rằng, đảng sẽ không bị chia rẽ giữa những người ủng hộ Tengku Razaleigh và những người ủng hộ Tun Musa. Tun Musa chiến thắng Tengku Razaleigh với số phiếu áp đảo 722/512. Mọi người hô to chúc mừng khi kết quả bầu cử được công bố. Các đại biểu đến dự dường như không để ý đến lời yêu cầu khẩn khoản của tôi là đừng quá thể hiện cảm xúc trước kết quả bầu cử.

Tiếp theo là kết quả bầu cử các Phó Chủ tịch còn lại. Tôi nín thở chờ đợi số phiếu bầu cho Harun. Có bảy ứng viên, trong số đó chỉ có Tun Ghafar là đương nhiệm. Hai người khác là Tengku Razaleigh và Musa Hitam không ra tranh cử. Họ đã nghĩ tiêu cực, hoặc là chỉ tranh cử chức vụ Phó Chủ tịch thường trực hoặc không tranh cử chức vụ nào khác. Ngoài Tun Ghafar và Harun, các ứng viên còn lại là Tengku Tan Sri Ahmad Rithaudeen, Tengku Ismail, Tun Ghazali Shafie, Tan Sri Senu Abdul Rahman và Datuk Seri Dr Rais Yatim. Đúng như dự kiến, Tun Ghafar đứng đầu với 869 phiếu bầu. Đứng thứ hai là Harun với 757 phiếu và Tengku Ahmad Rithaudeen về thứ ba với 711 phiếu bầu.

Những điều tôi lo sợ nhất đã xảy ra. Kết quả cuộc bầu cử đã đưa ra hai vấn đề lớn đối với tôi khi tôi bắt đầu đảm nhiệm công việc Chủ tịch Đảng UMNO và Thủ tướng. Thứ nhất, có thể có sự chia rẽ trong Đảng giữa những người ủng hộ Tun Musa và những người ủng hộ Razaleigh. Thứ hai, giờ tôi đang có một Phó Chủ tịch trong tù.

Ngày 15 tháng 7, Tun Hussein chủ trì cuộc họp Nội các cuối cùng trên cương vị Thủ tướng của ông. Ngày hôm sau, ông gửi thư từ chức chính thức lên Quốc vương Yang di-Pertuan Agong, sau đó lên Tiểu vương bang Pahang, Ahmad Shah. Đến 11 giờ trưa cùng ngày, một buổi lễ ngắn gọn được tổ chức tại Hội trường trang trọng trong Cung điện. Tới dự buổi lễ có tất cả các Bộ trưởng, cùng với Tổng thanh tra cảnh sát, Tư lệnh các lực lượng vũ trang và Bộ trưởng Tư pháp. Toh Puan Suhaila Mohd Noah, phu nhân Thủ tướng Tun Hussein và phu nhân của tôi, Siti Hasmah Mohd Ali cũng tới dự. Tại một bàn khác có quyền Chánh án Toà án Tối cao Tan Sri Raja Azlan Shah, người sau này trở thành Tiểu vương bang Perak – một bang vùng tây bắc Malaysia – và Tổng Thư ký Chính phủ Tan Sri Hashim Aman.

Tun Hussein bước vào, còn tôi bước phía sau. Chúng tôi mặc lễ phục màu tối và đội mũ songkok, bởi vì các Bộ trưởng Malaysia phải mặc lễ phục truyền thống khi thôi giữ chức vụ. Khi đó Quốc vương Yang di-Pertuan Agong bước vào và ngồi xuống ngai vàng, xung quanh là 4 cận thần được tuyển dụng từ quân đội và cảnh sát. Trong lúc chờ quan thị thần, tôi bước tới chỗ Quốc vương. Ngài đưa cho tôi bản tuyên thệ chính thức. Sau khi đọc lời tuyên thệ, tôi giữ một bản, một bản để lưu trữ mật, tôi ký, sau đó quyền Chánh án Toà án Tối cao ký tiếp vào các bản tuyên thệ đó.

Giờ phút đặt bút ký là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời tôi. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, tôi thường tự hỏi làm sao một dân thường như tôi lại có thể nắm giữ chức vụ này. Nhìn lại chặng đường đó thì chức vụ thủ tướng hoàn toàn không phải dành cho một bác sĩ. Nhưng tôi đã trở thành Thủ tướng thứ tư của Malaysia như thế đấy.

 


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button