Hồi ký - danh nhân

Hillary Clinton: Bí Mật Quốc Gia Và Sự Hồi Sinh

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Jonathan Allen & Amie Parnes

Download sách Hillary Clinton: Bí Mật Quốc Gia Và Sự Hồi Sinh ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : DANH NHÂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Ai, Hillary Clinton hay Donald Trump, sẽ là Tổng thống thứ 45 (nhiệm kỳ 2017-2021) của nước Mỹ?

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ suốt hơn 200 năm qua luôn là sự kiện hấp dẫn, đầy căng thẳng kịch tính. Và cuộc bầu cử năm 2016 này thậm chí sẽ hấp dẫn hơn nữa, căng thẳng kịch tính hơn nữa, bởi bất kể kết quả thế nào, người trở thành Tổng thống Mỹ lần này cũng sẽ đi vào lịch sử.

Cuộc đua năm 2016 giữa đại diện hai đảng: Donald Trump đại diện cho Đảng Cộng hòa, và Hillary Clinton đại diện cho Đảng Dân chủ, sẽ trở thành một trong những cuộc tranh cử thu hút nhiều người trên toàn thế giới quan tâm theo dõi nhất. Nếu Hillary thắng, bà sẽ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử. Hoặc ít nhất, bà cũng là nữ ứng viên chính thức đầu tiên của một đảng lớn trong lịch sử nước Mỹ.

Cả hai đều không xa lạ với giới truyền thông, cũng không xa lạ với nhau khi đều sống ở New York: Hillary là thượng nghị sĩ của bang New York, còn Donald Trump là tỉ phú sống ở New York. Nhưng họ đầy trái ngược nhau. Trong khi Hillary là một chính khách lão luyện, khôn ngoan, đầy thận trọng với truyền thống Dân chủ nổi bật, mối quan hệ rộng lớn trong chính giới Mỹ, thì Trump lại có vẻ theo chủ nghĩa dân túy với các phát biểu quá khác người, đến mức từng có lúc Đảng Cộng hòa đã tìm cách hợp sức đánh bại ông.

Hillary là một chính trị gia tiêu biểu dày dạn kinh nghiệm, gần như cả cuộc đời theo đuổi sự nghiệp chính trị, cùng chồng trong hành trình dẫn dắt nước Mỹ với tư cách Đệ nhất Phu nhân từ khi còn trẻ (1993-2001), rồi trở thành thượng nghị sĩ, là ứng viên tranh cử với Omaba trong Đảng Dân chủ năm 2008, rồi trở thành Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Obama. Hơn 20 năm trong chính trường Mỹ khiến bà trở thành người phụ nữ đầy quyền lực và kinh nghiệm… Nếu như năm 2008, Hillary phải chấp nhận nhường bước trước Obama quá xuất sắc, thì năm 2016 này, bà đã vượt qua Thượng Nghị sĩ Sanders để chính thức nhận sự đề cử của Đảng Dân Chủ.

Còn Trump là doanh nhân, tỉ phú Mỹ với cuộc đời cũng đáng tự hào, nhưng lại xa lạ với chính trường. Ông là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của The Trump Organization, và là người sáng lập Trump Entertainment Resorts. Ông nổi tiếng trên toàn nước Mỹ nhờ sự nghiệp kinh doanh, nỗ lực gây dựng thương hiệu, đời sống cá nhân, sự giàu có và bản tính thẳng thắn của mình. Trump chưa từng tham gia hoạt động chính trị chính thức, chưa từng giữ chức vụ dân cử nào ở cấp bang hay liên bang, song trong cuộc tranh cử nội bộ của Đảng Cộng hòa, ông đãchiến thắng vang dội đầy bất ngờ trước hàng loạt ứng viên sáng giá trong Đảng như Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz, Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, Thống đốc bang Ohio John Kasich, và vượt rất xa Jeb Bush nổi tiếng của dòng họ Bush.

Để cung cấp cho độc giả Việt Nam tư liệu tham khảo về quan điểm, chính sách, kinh nghiệm cũng như tính cách của hai ứng viên này, mà chắc chắn một trong hai người sẽ trở thành người có quyền lực lớn nhất của Mỹ, và có lẽ cũng là của thế giới, chúng tôi đã tiến hành mua bản quyền, dịch và xuất bản hai tác phẩm HRC: State Secrets and the Rebirth of Hillary Clinton (Hillary Clinton: Bí mật quốc gia và sự hồi sinh) của Jonathan Allen và Amie Parnes, và cuốn Time to Get Tough: Make America Great Again! (Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ) do chính Donald Trump là tác giả. Quan điểm và chính sách của họ sẽ trở thành quan điểm và chính sách của Chính phủ Mỹ ít nhất trong 4 năm tới, và sẽ có ảnh hưởng lớn đối với toàn thế giới.

Nếu trong cuốn Time to Get Tough: Make America Great Again!, Trump kịch liệt phản đối mọi chính sách của Tổng thống Obama, và đưa ra những sáng kiến độc đáo, những chính sách chưa từng có mà có phần xa lạ với giới chính trị, có phần theo chủ nghĩa dân túy, đôi chút sống sượng nhưng đầy thẳng thắn; thì với cuốn HRC: State Secrets and the Rebirth of Hillary Clinton, sẽ cho thấy ở Hillary chỉ là sự điều chỉnh của chính sách Obama, với sự cứng rắn nhưng khéo léo và duyên dáng đến tuyệt vời của người mà nếu thành công, sẽ trở thành người đầu tiên có thời gian sống trong Nhà Trắng dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Cả hai cuốn sách, ngay từ tên gọi, từ con người và phong cách viết cũng đầy trái ngược nhau, song chúng tôi tin rằng, sẽ mang lại cho độc giả Việt Nam các thông tin rất hữu ích, nóng bỏng và mới mẻ về những gì đã, đang và sẽ diễn ra ở nước Mỹ, một quốc gia đang ngày càng có những ảnh hưởng mạnh mẽ ở Á châu, trong đó có Việt Nam.

ĐỌC THỬ

Dẫn nhập

Hillary mở to mắt nhìn vào màn hình.

Trước mắt bà là hình ảnh Tòa Lãnh sự Mỹ đứng nơi tuyến đầu của văn minh, tại một trong những nơi vô trật tự nhất hành tinh, ngay chỗ nổ ra chiến sự giữa những người ôn hòa khoan dung và những kẻ quá khích cực đoan. Các nhà ngoại giao bên trong Tòa Lãnh sự này tin rằng mình đang ở đây để cứu giúp; còn những kẻ khủng bố chống Mỹ ngoài kia thì chắc chắn không nghĩ như thế.

Trong một căn phòng họp trang bị video trên lầu 7 của trụ sở Bộ Ngoại giao tại Washington, Hillary quan sát những tên khủng bố đang tấn công bên ngoài Tòa Lãnh sự, hết khung hình này đến khung hình khác. Những hình ảnh nghẹt thở đó do camera an ninh ở khuôn viên tòa Lãnh sự thu được. Hillary muốn nhóm phụ tá của bà – khoảng hai chục người đang tụ tập quanh bà trong phòng họp – “cảm nhận được những gì các đồng nghiệp đang đối mặt nơi tiền đồn kia,” như lời một người trong số đó kể lại sau này.

Hình ảnh này được trình chiếu chẳng bao lâu sau cuộc đột kích ngày 5 tháng Tư năm 2010, và hai năm rưỡi sau cuộc đột kích đó Đại sứ Chris Stevens lại bị sát hại trong khuôn viên nơi phái đoàn đặc biệt của Hoa Kỳ đóng tại Benghazi.

Những kẻ tấn công cũng đã làm chuyện tương tự như thế trong Tòa Lãnh sự Mỹ ở Peshawar, cửa ngõ dẫn tới khu vực các sắc tộc của Pakistan, vốn là thiên đường khét tiếng nhất thế giới của bọn khủng bố. Chúng cho nổ bom đặt trên xe khi chạm hàng rào chỉ cách cửa ra vào Tòa Lãnh sự 15 mét, và tung ra một cuộc đột kích tiếp theo bằng súng và lựu đạn. Các nhân viên người Pakistan của Tòa Lãnh sự bị giết trong đợt tấn công, song những kẻ khủng bố đã bị đẩy lui trước khi chúng có thể xâm nhập tòa nhà. Cùng ở trong một khu vực nguy hiểm tương tự, nhưng Tòa Lãnh sự ở Peshawar được xây cất vững chắc hơn so với tòa nhà ở Benghazi, vốn chỉ sử dụng tạm thời cho phái đoàn đặc biệt.

Việc chiếu băng hình này nhằm thức tỉnh những cái đầu trơ lì ở Bộ Ngoại giao. Tại Peshawar, cuộc tấn công đã bị chặn đứng chủ yếu nhờ hàng rào xe tải xếp thành hình vòng cung bên ngoài và phản ứng cấp thời của các binh sĩ Pakistan trong vai chủ nhà bảo vệ cho Lãnh sự quán.

Những lời đe dọa chống đối hoạt động ngoại giao Hoa Kỳ vang lên ngày càng nhiều không chỉ ở Iraq và Afghanistan, nơi Hoa Kỳ đang có lực lượng quân sự trên bộ, mà cả ở những nơi khác không thuộc vùng chiến sự. Các nhà ngoại giao vấp phải nhiều khó khăn hơn khi thực thi các công vụ chính của họ – tương tác với dân chúng địa phương – mà không có một đơn vị vũ trang mạnh làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh chặt chẽ cho họ.

Khi nhậm chức ngoại trưởng, Hillary từng bàn bạc rất lâu với Ryan Crocker, đại sứ kỳ cựu ở Pakistan, Afghanistan, và Iraq; ông bảo bà rằng bất chấp nguy hiểm, các nhà ngoại giao đã hoạt động hiệu quả khi họ không ngồi ì trong các Tòa Đại sứ và Lãnh sự kiên cố. Bà hiểu rằng Peshawar là một trong các tiền đồn Mỹ có vị thế bấp bênh nhất trên thế giới, nó bị Al Qaeda, Taliban, và những lực lượng jihad(1) khác bao vây. Những nhà ngoại giao phải mạo hiểm đối diện với nguy cơ thường trực khi đi tới các cộng đồng dân cư xung quanh, nhưng lần này lại là một cuộc đột kích vào ngay ngôi nhà của họ.

Lúc Hillary nghe tường trình về sự kiện này và việc bọn khủng bố đã bị đẩy lui, bà đề nghị Pat Kennedy, thứ trưởng phụ trách hoạt động an ninh ngoại giao, lập ra một tập hồ sơ cho bà. Tôi muốn xem nó, bà bảo Kennedy.

Ơn Chúa, chúng ta có hàng rào xe tải ở vòng ngoài, bà suy tư khi xem các băng hình. Cứ mỗi khi xảy ra cuộc đột kích vào người hay cơ sở ngoại giao Mỹ, lại rộ lên tranh cãi đòi rút khỏi chỗ đó. Nhưng Hillary tin rằng Hoa Kỳ không thể chấp nhận những khoảng trống tại các khu vực phức tạp. Các Tòa Đại sứ, Lãnh sự Hoa Kỳ và các nhà ngoại giao làm việc tại đó là những phương tiện quan trọng để Hoa Kỳ tác động lên phần còn lại của thế giới. Đó còn là tuyến hành lang cho những hoạt động tình báo, quân sự và thương mại.

Tuy thế, các hiểm họa cho hoạt động ngoại giao hiện nay là quá rõ. Các nhà ngoại giao Mỹ tại những vùng chiến sự cũng chịu nguy cơ thương vong như quân đội. Chỉ khác là các nhà ngoại giao không mang súng ống. Hillary hiểu rằng việc dấn thân vào hoạt động ngoại giao ở những khu vực thế giới không thân thiện với nước Mỹ là việc mạo hiểm có tính toán. Bà đã vận động chính quyền và hai viện để ngân sách chi cho an ninh của các tiền đồn ngoại giao ở những vùng chiến sự cũng phải được bảo đảm tuyệt đối như chi cho vũ khí và trang bị quân đội. Bà đưa Pakistan vào cùng một danh sách với Afghanistan và Iraq, những nước mà ngân sách an ninh dành cho cho sứ quán ở đó phải được đảm bảo bằng luật.

Việc quyết định cắt bỏ các cuộc tiếp tân, vốn lên lịch rất sít sao, để dành thời gian cho một tường trình về an ninh sứ quán đã gửi tới mọi người tham dự một thông điệp rằng Hillary lúc ấy tin tưởng “đây là việc quan trọng nhất mà chúng ta phải bàn bạc,” như một người có mặt đã nhận xét.

Đó không phải là lần chót.

Vào gần cuối nhiệm kỳ của bà ở Bộ Ngoại giao, vào tháng Chín năm 2012, cuộc đột kích Benghazi – và về bản chất giống như cuộc điện thoại mà bà gọi đi lúc 3 giờ sáng năm 2008 – đã dập tắt ánh hào quang được mô tả là soi tỏ con đường trở lại chính trường của bà. Suốt bốn năm, kể từ ngày nhận lời mời của Barack Obama gia nhập nội các của ông, bà đã bị cuốn vào một chiến dịch vận động tái thiết lập và làm mới lại bộ mặt nước Mỹ. Một cách đồng thời, và theo đuổi tới cùng, bà đã củng cố Bộ Ngoại giao, tăng cường các mối quan hệ của Mỹ với một số quốc gia, và ghi đậm dấu ấn của mình ở trong nước. Sứ mạng ấy đòi hỏi một nghị lực mạnh mẽ, với công phu của kẻ nuôi trồng và hái lượm vốn liếng chính trị, với sự tỉnh táo thận trọng của diều hâu, và với hoài bão của một người phụ nữ tin rằng mình xứng đáng là tổng thống. Lựa chọn công việc này đã là mạo hiểm, nhưng việc liên tục can dự vào các hoạt động ngoại giao tại những khu vực nguy hiểm của thế giới thì đúng là liều lĩnh.

Cả trước cũng như sau cuộc đột kích Benghazi, Hillary đều diễn giải quan điểm của mình rằng Hoa Kỳ không thể vì lý do an nguy của các nhà ngoại giao mà rút lui khỏi những khu vực bất ổn nhất thế giới. Thay vì tránh né hiểm nguy, bà lập luận, việc mà Bộ Ngoại giao phải làm chính là điều hòa và chế ngự các mối nguy hiểm ấy, một quan niệm phản ánh các cân nhắc mang cá tính của bà về mạo hiểm và phần thưởng.

Ở Hillary còn có một tính cách quen thuộc mà một số người gọi là “thành kiến trong hành động,” gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của bà. Có thể thấy điều này trong cách tiếp cận của bà đối với việc truy tìm Osama bin Laden, trong cách bà xây dựng một liên minh để can thiệp quân sự vào Libya, và ngay cả trong cách bà cổ vũ những trợ lý của mình đổi mới và ứng biến, cho dù đó là việc lập nên những nhóm cộng tác, viện trợ cho những kẻ nổi dậy, hay trường hợp của Richard Holbrooke, thất bại trong việc tìm kiếm một giải pháp đúng đắn cho hòa bình ở Afghanistan.

Từ những ngày đầu tiên bà đã cho thấy hiểu biết sâu sắc về các cán cân quyền lực trong chính giới Mỹ và các chính trị gia quốc tế. Do đó bà có tiếng nói ngày càng có trọng lượng trong chính quyền Obama, chuyển từ vị thế một đối thủ đeo bám sát nút trong cuộc tranh cử thành cố vấn và người thi hành tin cậy theo ý chí của tổng thống. Một số sáng kiến của bà hiện vẫn còn bám rễ lâu dài, và có lẽ bà phải đứng nhìn người khác thu hoạch thành quả khi chúng đơm hoa kết trái. Chủ trương của bà khi dùng “quyền lực thông minh” để hành xử với các quốc gia khác đã thành công, rõ ràng nhất là ở Burma(2) cũng như trong việc kiểm soát các mối quan hệ phức tạp hơn tại Trung Đông và châu Á.

Cho dù ngay cả một số trợ thủ nhiệt thành nhất cũng bất mãn với bà, nhưng di sản của Hillary không phải là một trong những cuộc đàm phán thương lượng về hòa bình hay một học thuyết mới định hình chính sách đối ngoại Mỹ. Mà đó chính là sự lớn mạnh của ngành ngoại giao một cách khôn ngoan, và cùng với quốc phòng là sự mở rộng tầm ảnh hưởng của quyền lực Mỹ, cũng như tài năng trong việc lãnh đạo một bộ máy hành chính khổng lồ.

Thông qua các câu chuyện hậu trường chính trị, cuốn sách này lần theo ánh hào quang từ cuộc trỗi dậy gần đây nhất của Hillary Clinton, một câu chuyện được người ta xem là cuộc hồi sinh chính trị của bà, mà những chương cuối vẫn đang chờ được viết ra. Phần nào câu chuyện ấy là việc tạm trao lại quyền chỉ đạo hoạt động chính trị gia đình cho Bill Clinton, người đã nhân danh sự tái cử của Barack Obama – và trừng phạt các đối thủ của Hillary trong chiến dịch bầu cử – đặt nền móng cho Hillary tái tranh cử vào năm 2016. Nhưng, giữ bí mật những việc ấy, Hillary luôn khẳng định mình đã đứng ngoài ván bài chính trị, trong khi vẫn tiếp tục xây dựng mạng lưới chính trị nhà Clinton, tìm kiếm các đồng minh mới trong chính quyền, trong chính giới Đảng Dân chủ, và thế giới doanh nhân vốn có thể hỗ trợ thiết lập một nền tảng rộng lớn vào năm 2016.

Đương nhiên cho đến thời điểm cuốn sách này được viết ra, Hillary vẫn chưa công bố quyết định nào về kế hoạch của mình. Tuy vậy, đại đa số các chính trị gia đều nhìn nhận rằng cấp trên muốn làm mọi thứ trong quyền lực của mình để bảo đảm ý đồ của họ được triển khai cho tới khi mệnh lệnh chót được ban hành. Hillary không hề xa lạ với cách nhìn ấy. Nhưng bà từng thể hiện tinh thần sẵn sàng mạo hiểm – từ việc nhận làm ngoại trưởng trong chính phủ của Obama tới việc giám sát các vị trí trong Phòng Tình huống của ông – khi mà trách nhiệm, lòng trung thành và những lời tư vấn thẳng thắn của bà có thể gây ra mâu thuẫn với giới chóp bu Đảng Dân chủ hoặc với toàn bộ cử tri.

Lòng trung thành, dù làm sự việc tốt hơn lên hay tệ đi, đã trở thành đặc trưng của Hillary và nhóm gắn kết chặt chẽ với bà, từ những ngày bà còn là đệ nhất phu nhân cho đến khi tham gia Thượng viện và Chính phủ. Bà đề cao nó cho bản thân, cũng như đòi hỏi đức tính ấy ở các trợ thủ của mình, và thường chủ yếu dựa vào nó để đánh giá những người xung quanh. Có thể quy phần nào lỗi cho thất bại của bà trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008 là do cách bà ban thưởng cho những đồng minh lâu dài các công việc mà họ không đủ khả năng đảm nhiệm; ngay cả những người ủng hộ bà nhiệt thành nhất cũng thường phải tự hỏi liệu bà đã thật sự học hỏi được đủ chưa từ trải nghiệm ấy để đặt năng lực lên trên lòng trung thành trong việc gây dựng vốn chính trị cho cuộc đua thứ hai tới Phòng Bầu dục.

Khi bà cân nhắc tranh cử, thành kiến sẽ dẫn đến hành động, tinh thần mạo hiểm sẽ phải được tính toán, và ứng viên này gần như chắc chắn sẽ tái xuất trên chính trường.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button