Hồi ký - danh nhân

Artaturk: Người Khai Sinh Nước Thổ Nhĩ Kỳ Hiện Đại

artaturk-nguoi-khai-sinh-nuoc-tho-nhi-ky-hien-dai-ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Andrew Mango

Download sách Artaturk: Người Khai Sinh Nước Thổ Nhĩ Kỳ Hiện Đại ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : DANH NHÂN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Atatürk – Người khai sinh NHÀ NƯỚC THỔ NHĨ KỲ HIỆN ĐẠI

Lịch sử của một quốc gia trong giai đoạn mang tính bước ngoặt với những chuyển biến sâu sắc thường gắn liền với cuộc đời một nhân vật được tôn vinh là nhà lập quốc hoặc nhà kiến tạo quốc gia. Hiểu biết về những nhân vật lịch sử này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các học giả nghiên cứu về khoa học chính trị, các chính khách và cả những cá nhân có tầm nhìn kiến tạo, đổi mới. Trong thế kỷ XX, trên thế giới xuất hiện những nhân vật được xem là nhà kiến tạo quốc gia vĩ đại, những người lên nắm quyền khi đất nước đang trong giai đoạn hỗn loạn khủng khiếp, họ đã hiện đại hóa đất nước bằng cách xây dựng hệ thống mới và đạt được tăng trưởng nhanh kéo dài. Ở châu Á có thể kể đến Lý Quang Diệu của Singapore, Park Chung Hee của Hàn Quốc, Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đại lục; ở châu Âu có Mustafa Kemal Atatürk của Thổ Nhĩ Kỳ…

Cùng với cuốn Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, trong bộ sách Các nhà kiến tạo quốc gia vĩ đại, AlphaBooks trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một tác phẩm đồ sộ nữa, Atatürk – Người khai sinh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.

Sau Thế chiến I, Atatürk lên nắm quyền vương quốc Ottoman cổ đang tan rã, củng cố một số vùng lãnh thổ biên giới còn lại và xây nên những định chế mới nhằm biến đổi Thổ Nhĩ Kỳ thành một quốc gia hiện đại, mang phong cách phương Tây và hướng đến phương Tây. Ông thành lập quốc hội lâm thời năm 1920 khi ông 39 tuổi, tuyên bố quốc gia độc lập năm 1923 và tiếp tục cầm quyền đến khi mất năm 1938.

Trong 18 năm cầm quyền, Atatürk đã thực hiện những cải cách triệt để theo hướng áp dụng văn hóa hiện đại hoàn toàn vô thần. Các giám mục tôn giáo bị loại bỏ, các trường tôn giáo riêng bị đóng cửa, giáo dục được thế tục hóa và tòa án tôn giáo bị xóa bỏ. Ông áp dụng hệ thống tư pháp mới, với các bộ quy định về luật thương mại, hàng hải và tội phạm dựa trên luật dân sự Thụy Sĩ và luật hình sự Ý. Năm 1928 Atatürk xóa bỏ vai trò tôn giáo chính thức của Hồi giáo khỏi hiến pháp. Ông áp dụng Dương lịch, số đếm phương Tây, trọng lượng và các thước đo quốc tế, sử dụng họ(1), và đặt các ngày nghỉ hàng tuần là Chủ nhật phương Tây thay cho thứ Sáu Hồi giáo. Năm 1928 ông tiếp tục áp dụng chữ cái Latinh để thay thế chữ viết Ả Rập-Ba Tư. Từ thời ông, phụ nữ có quyền bầu cử và tham gia công quyền. Ông đã đi khắp đất nước để thuyết phục người dân thay đổi.

Trong mối quan hệ nhạy cảm và lộn xộn giữa thế giới Ả Rập và các tộc người thiểu số như Kurd với một đế chế của thế giới Hồi giáo cũ đang đứng giữa những giao tranh của phương Đông và phương Tây, Kitô giáo và Hồi giáo, Atatürk đã tạo được những thay đổi vĩ đại. Và câu chuyện cuộc đời ông thật sự là một huyền thoại về “một con người vừa được tôn sùng vừa đáng khiếp sợ”.

Nếu Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc đi sâu nghiên cứu phân tích những vấn đề về nền tảng xã hội, kinh tế vĩ mô, những chiến lược chính trị… thì Atatürk – Người khai sinh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại lại có một cách tiếp cận khác hẳn với chân dung một vị lãnh tụ vĩ đại. Cuốn sách này là một ký sự tuyệt vời. Chưa từng có cuốn sách nào được xuất bản ở Việt Nam cho thấy một xã hội quân sự của thế giới Hồi giáo được thiết lập từ truyền thống đến hiện đại như thế nào; quá trình biến đổi từ một quốc gia mang nặng hệ tư tưởng Hồi giáo – và do đó trì hoãn sự phổ biến những kiến thức mới dựa trên nền tảng tư duy – thành một quốc gia thế tục, hiện đại theo hướng phương Tây ra sao.

Tác phẩm đồ sộ này còn cho chúng ta thấy rõ những yếu tố xung quanh quá trình sinh thành của một nhà kiến tạo quốc gia trong thời hiện đại, sự huyền thoại hóa tin đồn và những vấn đề tinh tế tản mạn trong một bộ máy chính trị khổng lồ khiến người ta không thể đọc mà không nghĩ đến Việt Nam. Bên cạnh đó, không thể hiểu Hồi giáo mà không hiểu vai trò của đế chế Ottoman, không thể hiểu Ottoman trong lịch sử nếu không hiểu hậu duệ hiện đại của nó là Thổ Nhĩ Kỳ, và không thể hiểu bất cứ gì nếu không biết vị lãnh tụ vĩ đại của nó đã được sinh thành và nuôi dưỡng, trở thành một huyền thoại như thế nào.

Lột tả được bức tranh rộng lớn đó qua cuộc đời chỉ một nhân vật, cuốn tiểu sử này thật sự mang màu sắc của một cuốn tiểu thuyết, vừa chi tiết vừa đơn giản với lối văn chương giản dị, rõ ràng. Và một điều quan trọng, dù rất ngưỡng mộ Atatürk, Andrew Mango đã dựng nên một bức chân dung hoàn toàn chân thực về một nhà độc tài kiêu ngạo, tàn nhẫn và độc đoán. Công trình cần mẫn suốt nhiều năm của ông đã tái hiện lại rõ ràng cuộc đời phức tạp của con người đã tạo nên Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Quỹ Teda, thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ; Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ; Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi trong quá trình xuất bản cuốn sách này. Đặc biệt, chân thành cảm ơn ông Ngô Minh Đức – Giám đốc Tổng đại lý Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam đã tài trợ cho việc xuất bản cuốn sách ở Việt Nam.

ĐỌC THỬ

LỜI TỰA

Mustafa Kemal Atatürk là một trong những chính khách quan trọng nhất thế kỷ XX. Ông góp phần lớn vào công cuộc thiết lập và định hình Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, ngày nay là quốc gia mạnh nhất nằm giữa biển Adriatic(1) và Trung Quốc, trong vành đai rộng lớn của đại lục Á – Âu phía nam Nga và phía bắc tiểu lục địa Ấn Độ. Ông có ảnh hưởng tới lịch sử các quốc gia láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ. Với những dân tộc bị ngoại xâm thống trị, ông đã chỉ ra một con đường tiến tới nền độc lập trong quan hệ hữu nghị với phần còn lại của thế giới.

Ngày nay, Atatürk được biết đến như một nhà cải cách theo hướng phương Tây triệt để. Mô tả này đúng, nhưng chưa đủ. Ông học tập và đưa vào các giá trị phương Tây nhằm đưa quốc gia của ông vươn lên ngang hàng với những quốc gia giàu có nhất trên thế giới, vốn phần lớn nằm ở phương Tây. Nhưng mục đích của ông không phải để bắt chước phương Tây, mà để tham dự vào một nền văn minh toàn cầu – cũng như các nhà tư tưởng Khai sáng châu Âu, ông nhìn nhận điều này như là sự tiến bộ của nhân loại, không phân biệt tôn giáo cũng như sự chia rẽ do tôn giáo gây ra. Ông tin rằng cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thực sự cần được mỗi quốc gia tiến hành cho chính mình, dựa trên một lý tưởng thế tục phổ quát là tiến bộ chung của nhân loại, và do đó không mang ý nghĩa là sự đối đầu với những quốc gia tiên tiến nhất. Ông là người chống chủ nghĩa đế quốc; theo lý tưởng của ông, công cuộc đấu tranh đó mang ý nghĩa duy nhất là hướng tới sự thịnh vượng chung cho nhân loại văn minh. Trên tất cả, ông là một người kiến tạo, một trong những nhà kiến tạo quốc gia vĩ đại nhất thời hiện đại.

Lý tưởng của Atatürk đầy lạc quan và nhân đạo. Việc thực hiện lý tưởng đó của ông nhiều khi không đạt được kết quả như mong muốn. Hơn thế nữa, về cuối đời, tư tưởng của ông bị xâm nhiễm bởi những học thuyết chủng tộc hay sắc tộc ưu tú vốn thịnh hành trong thế giới phương Tây đương thời. Atatürk từng có và đến bây giờ vẫn có nhiều người chống đối ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những người theo Hồi giáo truyền thống nhìn thấy trong lý tưởng tiến bộ mang tính thế tục của ông hình ảnh một kẻ phá hoại-ngoại đạo, và tin ông là kẻ bắt chước đám tà đạo. Với những người khác, ông đơn giản là một tên độc tài vô đạo đức. Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở các quốc gia láng giềng lại có lý do khác để căm ghét Atatürk. Ông đánh bại người Hy Lạp; các tướng lĩnh của ông đánh bại người Armenia; ông đẩy lui người Ả Rập, trong khi sáp nhập vào nước mình một tỉnh mà những người Ả Rập-Syria tuyên bố thuộc về họ. Những người Kurd theo chủ nghĩa dân tộc quy trách nhiệm cho ông về chính sách đồng hóa người Kurd(2) trong lòng quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể thấy hầu hết những người theo chủ nghĩa dân tộc chống Thổ Nhĩ Kỳ này trong số những nhân vật phê phán Atatürk. Những người theo chủ nghĩa Marx, cả người Thổ Nhĩ Kỳ lẫn không phải người Thổ Nhĩ Kỳ, lại có những lý lẽ phê phán riêng; nhưng họ không còn hiện diện nữa.

Cuộc tranh cãi quanh Atatürk mang đến lợi ích cho những người viết tiểu sử cũng như các sử gia, vì từ đó không chỉ những luận cứ mà cả những nguồn thông tin mới được đưa ra. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi cuộc tranh luận về ông đặc biệt sôi nổi, những cuốn sách mới về Atatürk xuất hiện ồ ạt. Tập đầu tiên trong toàn tập Atatürk và một ấn bản mới công bố thư tín cá nhân của ông đã được xuất bản khi bản thảo cuốn sách này sắp hoàn tất. Ngoài ra, phải kể đến một cuốn sách phê phán toàn diện mang đầy tính chỉ trích nhắm vào Atatürk từ những người theo chủ nghĩa Hồi giáo. Tuy nhiên, trước những nghiên cứu mới nhất này, đã có đủ tư liệu mới được đưa ra để minh chứng rằng cần phải có một cuốn tiểu sử mới. Những tư liệu này hầu như đều bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng bao gồm các hồi ký, nhật ký của những người cùng thời với Atatürk, các đoạn trích từ các sổ ghi chép và tàng thư của chính ông, những câu chuyện lịch sử về nước cộng hòa, các bản tường thuật lại những sự kiện cụ thể, v.v.. Thông tin trong những cuốn sách này đều thuộc sở hữu công cộng, cho dù nhiều ấn phẩm không còn được in, số khác lại rất khó tìm. Cuốn tiểu sử mới này dựa chủ yếu vào các nguồn tư liệu bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ đã được công bố, vốn chưa bao giờ được kiểm chứng, so sánh và đối chiếu kỹ lưỡng.

Tôi muốn xin lỗi các độc giả không phải người Thổ Nhĩ Kỳ về sự có mặt ít ỏi của những cuốn sách bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ châu Âu khác trong phần tài liệu tham khảo. Thực tế, Mustafa Kemal gần như không được biết đến ở phương Tây cho tới năm 1919, khi ông lãnh đạo phong trào quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, có nhiều người ngoại quốc gặp ông vì công việc, nhưng chưa ai có hân hạnh tiếp cận ông. Tôi thường trích dẫn trực tiếp những nguồn do các học giả phương Tây viết về Atatürk, họ cũng dựa vào nguồn tư liệu bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ được công bố.

Việc phải dựa vào tư liệu bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ – vì Atatürk trước hết là một nhân vật lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là của lịch sử thế giới, khiến tôi dùng chính tả tiếng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại để viết các tên riêng. Một ngoại lệ là cách viết tên thành phố Istanbul, vốn theo quy định của chính tả Thổ Nhĩ Kỳ cần viết một dấu chấm trên đầu chữ I hoa; tuy vậy, tôi đã giữ lại dấu chấm trên đầu chữ I hoa cho tên riêng của tất cả các địa danh khác, như İzmir (Smyrna), İzmit (Nicomedia), İznik (Nicaea), v.v.. Không thể có sự thống nhất hoàn toàn, thứ nhất vì chính tả Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại tự nó vẫn chưa đạt được tới mức đó; thứ hai vì một số người Thổ được nhắc đến trong cuốn sách này tự viết tên họ theo những cách khác nhau. Có những trường hợp tôi đã viết tên những người đó theo cách hiện đại, chẳng hạn đổi từ Khalide Edib thành Halide Edip. Với một vài địa điểm có thời nằm dưới sự thống trị của đế quốc Ottoman, tôi dùng cách viết theo chính tả Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, sau đó đưa ra trong ngoặc đơn tên hiện tại của những nơi này, ví dụ như Yanya (Ioannina, sau này là Yanina ở vùng Epirus thuộc Hy Lạp). Với những nơi khác, tôi dùng cách gọi truyền thống theo tiếng Anh: Salonica, Aleppo, Damascus, Baghdad, Mecca, v.v.. Những địa danh này được luật Thổ Nhĩ Kỳ quy định năm 1934. Với thời kỳ trước đó, tôi sử dụng tên được nhắc đến trong tư liệu của những nhân vật người Thổ, rồi thêm vào trong ngoặc đơn tên họ dùng sau này, ví dụ: Ali Fuat (Cebesoy), Falih Rifki (Atay)… Về Atatürk, tôi không thống nhất cách gọi tên. Nói chung, tôi gọi ông là Mustafa, hay gọi ông là Mustafa Kemal đối với giai đoạn trước năm 1934, nhưng thỉnh thoảng tên Atatürk vẫn xuất hiện trước khi ông chính thức sử dụng nó năm 1934.

Tôi đã viết cuốn tiểu sử này tại London, chủ yếu dựa vào những cuốn sách mà Ahmet Yüksel, ông hoàng của những người bán sách cổ tại Ankara, cố gắng tập hợp lại cho tôi tại nhà sách Sanat Kitabevi. Tôi không thể hoàn thành được việc này nếu không có sự giúp đỡ của ông. Trong quá trình viết, tôi đã thảo luận về cuốn sách với rất nhiều bạn bè trong những chuyến đi thường xuyên tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi biết ơn tất cả họ, đặc biệt là Giáo sư Sina Akşin, Tiến sĩ Şahin Alpay (người cho tôi biết về một số tư liệu thú vị trên báo chí Mỹ), Şakir Eczacibaşi (người đã gửi cho tôi bản sao một bài báo trên tạp chí The Caucasus, Mỹ), Giáo sư Selim İlkin (người đã liên tục cung cấp những bài cắt từ báo chí Thổ Nhĩ Kỳ và các tư liệu khác về Atatürk cho tôi), Altemur Kiliç (cha ông là một trong những người bạn gần gũi nhất của Atatürk), Giáo sư Emre Kongar (người cung cấp cho tôi những tập ảnh do Bộ Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông làm Thứ trưởng thường trực, xuất bản), Giáo sư Baskin Oran, Đại sứ Müfit Özdes (hậu duệ một người bạn của Atatürk), Giáo sư Azmi Süslü (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Atatürk ở Ankara) và Giáo sư Mete Tuncay. Tôi mắc nợ rất nhiều bạn bè, như Giáo sư Metin And, vì lòng hiếu khách ông dành cho tôi trong những chuyến đi tới Thổ Nhĩ Kỳ và những lời khuyên, động viên của ông. Tôi xin cảm ơn các bạn Canan và Peter Reeves vì đã đọc và góp ý cho hai chương bản thảo, cũng như lòng hiếu khách của họ tại Istanbul và Bodrum. Tôi vô cùng biết ơn Ban Lịch sử Quân sự (ATASE) của Bộ Tổng Tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ vì đã đưa tôi tới thăm các chiến trường tại vùng Anatolia(3) trong cuộc Chiến tranh giành Độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Anh, tôi nhận được sự giúp đỡ và động viên từ các bạn, cũng là đồng nghiệp của tôi, Giáo sư Clement Dodd và Tiến sĩ William Hale. Tôi đặc biệt biết ơn Giáo sư Geoffrey Lewis, người đã đọc toàn bộ bản thảo, đưa ra những gợi ý quý báu và giúp tôi phấn chấn lên khi tôi cần đến nhất. Tôi cũng đã nhận được những lời phê bình hữu ích từ Tiến sĩ George Harris tại Washington. Caroline Knox ở Nhà xuất bản John Murray đã luôn là một biên tập viên kiên nhẫn, đắc lực và nhiệt tình. Mary, vợ tôi, cũng đã kiên nhẫn giúp đỡ tôi rất nhiều để hoàn thành cuốn sách khi góp ý cho tôi về cách viết. Những khiếm khuyết trong cuốn sách là lỗi của chính tôi và tôi rất mong độc giả giúp chỉ ra chúng.

DẪN NHẬP

Mustafa Kemal Atatürk sinh ra trong thời kỳ tươi đẹp(4)(*) của văn minh châu Âu. Vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XIX, châu Âu và những quốc gia có nguồn gốc từ đại lục này, ở bên kia các đại dương, đều sống trong hòa bình và có thể tập trung cho phát triển sức mạnh, tri thức và sự giàu có. Pháp đã phục hồi từ thất bại sau chiến tranh với Đức năm 1870(5), Mỹ phát triển sau sự tàn phá của cuộc Nội chiến(6). Đức giàu có và hùng mạnh hơn theo từng ngày. Áo – Hung là một đế quốc bình yên với cấu trúc không bền vững. Sau chiến thắng trước đế quốc Ottoman năm 1878, Nga trải qua một sự chuyển mình về kinh tế và mở rộng quyền lực ở châu Á. Anh đang truyền bá về những lợi ích của hòa bình, trật tự và tiến bộ trên khắp đế quốc của mình. Nhật đã mở cửa với phương Tây, và đang áp dụng kiến thức phương Tây để đặt nền móng cho sức mạnh công nghiệp và quân sự. Các viên chức dân sự, thương gia, kỹ sư, nhà khoa học và bác sĩ ở châu Âu – và các đồng nghiệp ở Mỹ của họ, với số lượng ngày càng tăng – đang tổ chức, phát triển, giao dịch, xây dựng, giảng dạy trên toàn cầu. Châu Âu đang làm chủ và thay đổi thế giới. Nó vừa thu nhận vừa ban phát thành quả lao động của mình. Nhưng đồng thời, những nạn nhân của châu Âu cũng được tạo ra trong quá trình đó.

Sẽ là sai lầm nếu mô tả những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX chỉ là thời đại của chủ nghĩa đế quốc. Các đế quốc đã tồn tại trong suốt tiến trình lịch sử thành văn, và những người sáng lập cũng như cai trị chúng, một cách rất tự nhiên, cho rằng quyền lực, lối sống, các giá trị và tôn giáo của họ – hay nền văn minh của họ – mang lại lợi ích không chỉ cho riêng họ, mà cho cả những dân tộc bị trị. Điều này cũng thường (là) đúng.

Điều mới mẻ ở thế kỷ XIX là sự cùng tồn tại mang tính cạnh tranh của một số đế quốc cùng bắt nguồn từ một hệ thống văn minh. Hệ thống văn minh này đã phát triển bên trong ranh giới của Kitô giáo, nhưng sau thời Khai sáng(7) và cuộc Cách mạng Pháp(8), nguyên lý tổ chức của nó không còn dựa vào tôn giáo, mà dựa vào chủ nghĩa duy lý. Dù nguồn gốc mang tính địa phương, chủ nghĩa duy lý lôi cuốn tất cả mọi người, những sinh vật có ý thức. Tuy nhiên, trong khi việc áp dụng lý trí vào làm chủ thế giới vật chất đưa đến những lợi ích không thể chối cãi, thì trong quan hệ xã hội, nó đem lại kết quả cả tốt lẫn xấu. Đúng là việc thực thi lý trí có thể cải thiện những quan điểm xã hội và chính trị truyền thống. Nhưng việc theo đuổi các chính sách, lý tưởng và học thuyết duy lý tạo ra những cách biệt và căng thẳng mới trong nội bộ từng cộng đồng và giữa chúng với nhau.

Cùng lúc đó, những sự chia rẽ cũ vẫn tồn tại dưới những cái tên mới. Nơi những tín đồ Kitô giáo truyền thống từng chiến đấu chống những kẻ dị giáo, nay những người duy lý có nguồn gốc Kitô giáo được khai sáng tin rằng họ đang phải chống lại những kẻ cuồng tín ngu muội. Vậy nên, nếu trước đây những người Hồi giáo bị coi là những kẻ dị giáo vì họ chống Kitô giáo, thì đến giai đoạn này, họ bị coi là những kẻ cuồng tín vì chống khai sáng – duy lý. Những nhà truyền giáo từng tìm cách cải đạo những kẻ dị giáo sang đức tin chân chính. Tương tự, những nhà tư tưởng, giáo viên và những người thống trị châu Âu của thời Khai sáng đã nỗ lực để khiến những kẻ cuồng tín nhìn ra lẽ phải và sửa đổi lối sống.

Nhận định rằng một số cộng đồng sống trong tình trạng tồi tệ hơn những cộng đồng khác, một số hướng tới khai sáng trong khi số khác chống lại nó, các nhà tư tưởng, những người tin mình là người duy lý, cho rằng nhân loại được chia thành những giống nòi với năng lực không tương đồng. Đến cuối thế kỷ XIX, sự chênh lệch này có thể được lý giải và biện minh bằng cách dùng những nguyên lý do Charles Darwin đưa ra trong nghiên cứu của ông về nguồn gốc các loài để phân tích xã hội loài người. Những người ủng hộ “thuyết Darwin xã hội” tin rằng với loài người, các chủng tộc cũng được phân loại giống như sự phân loại các loài động vật. Quan điểm này được truyền bá và có ảnh hưởng rộng rãi. Sự khác biệt chủng tộc không chỉ được nhìn nhận giữa người da đen với người da trắng, mà còn giữa người châu Âu với người châu Á, và giữa người gốc Đức, gốc La tinh với gốc Slav.

Các nhà duy lý đã củng cố thêm sự chia rẽ khi họ chia các chủng tộc thành quốc gia. Sự thành công của các dân tộc châu Âu, vốn là những dân tộc có nền tảng chính trị-xã hội thống nhất và phân biệt với những láng giềng của họ về ngôn ngữ cũng như lịch sử, khiến họ nghĩ về bản thân như những quốc gia riêng biệt, dẫn tới niềm tin rằng quốc gia là đơn vị tổ chức chính trị tự nhiên.

Không có gì ngạc nhiên khi những thủ lĩnh của cuộc Cách mạng Pháp lại nhìn nhận dân tộc họ như một quốc gia vĩ đại, vì chính trong họ lý tính đã chiến thắng và tạo ra một tuyên ngôn phổ quát về nhân quyền. Cũng không ngạc nhiên khi các quốc gia láng giềng đã cố gắng noi gương họ, từ đó tạo thành những vòng ảnh hưởng ngày càng lan rộng. Nhưng trong khi người ta có thể trông chờ quá trình tiếp theo của sự kết nối giữa ý tưởng nhân quyền phổ quát, vốn được lý trí thừa nhận, với lý tưởng của chủ nghĩa dân tộc cùng niềm tin đi liền với nó là chính quyền và quốc gia tốt nhất nên đồng nhất với nhau; vẫn có một thực tế cũng đúng không kém, rằng chủ nghĩa dân tộc và tinh thần bác ái giữa người với người hiển nhiên không tương thích với nhau, ngay cả trên lý thuyết. Trên thực tế, lý tưởng của chủ nghĩa dân tộc, xuất phát từ Cách mạng Pháp, đã chia cắt các quốc gia và cộng đồng vốn đang cùng tồn tại. Lý tưởng ấy gây ra vô vàn thống khổ cho hàng triệu nạn nhân của nó, gây ra tổn thất về vật chất và thậm chí làm nghèo đi chính những kẻ chiến thắng trong cuộc tranh chấp để giành giật lãnh thổ và quyền lực. Số phận của những kẻ thua cuộc còn buồn thảm hơn nhiều.

Tự do, bình đẳng và bác ái về logic không hề mâu thuẫn với sự tồn tại của các đế quốc đa dân tộc, kể cả nếu trên thực tế các lý tưởng đó phá vỡ hệ thống trật tự nền tảng của các đế quốc này. Nhưng chủ nghĩa dân tộc, vốn lan rộng đồng thời với các tư tưởng của Cách mạng Pháp, đã phá hủy những giá trị đó. Nó thêm một động lực mới vào những sự phân biệt cũ về cộng đồng, tôn giáo, hệ phái và bộ tộc, đem lại cho chúng một cách giải thích duy lý. Cả hệ tư tưởng lẫn quan sát thực tế đều mang lại những lời biện hộ hợp lý cho xung đột. Các cộng đồng dân tộc đã làm chủ nền văn minh duy lý mới của châu Âu ở các mức khác nhau. Sự chênh lệch này thể hiện qua năng lực của họ, cả trong nội bộ lẫn khi cạnh tranh với những cộng đồng khác. Điều này dẫn tới kết luận là, cũng như các chủng tộc, các cộng đồng dân tộc không chỉ chênh lệch về thực tế bên ngoài, mà cả về năng lực nội tại, trong khả năng tiếp thu văn minh và thiên hướng cuồng tín thiếu lý trí. Do đó, các quốc gia, cũng như các cá nhân có thể được phân loại không chỉ thành tiến bộ và lạc hậu, có học thức và dốt nát, mà còn thành xứng đáng và không xứng đáng, giàu và nghèo. Đây không phải là sự phân loại được những kẻ thua cuộc tán thành. Nhưng họ chỉ có thể chứng tỏ mình không đáng phải nhận số phận dành cho mình bằng cách mạnh lên thông qua công cuộc tiếp nhận nền văn minh mang tính phổ quát của châu Âu. Như thế, văn minh là điều kiện tiên quyết cho thành công của quốc gia. Ngược lại, thành công trong cuộc tranh đua giữa các quốc gia là bằng chứng của văn minh.

Những khuôn mẫu về chủng tộc, khu vực, sắc tộc và dân tộc luôn là một phần trong cuộc tranh luận về nhân loại. Những tiêu chí đó có thể được chấp nhận như một kiểu tốc ký thuận tiện để ghi lại những khác biệt trong lối sống của các cộng đồng cụ thể. Chủ nghĩa duy lý không giảm bớt việc sử dụng các khuôn mẫu về chủng tộc hay dân tộc, mà diễn giải chúng theo những cách mới. Trong khi các nhà địa lý Ả Rập thời Trung cổ viết rằng người Slav và các giống người phương bắc khác nóng tính vì tính cáu gắt chiếm ưu thế trong khí chất của họ, các nhà duy lý lại đoạn tuyệt với thuyết tính khí để đề cao học thuyết về văn minh. Tử tước de la Jonquière tuyên bố vào năm 1881 rằng: “Người Ottoman cũng không ngoan cố chống lại văn minh hơn bất cứ quốc gia nào khác. Họ có những phẩm chất dân tộc mà người ta không thể tìm thấy ở những sắc tộc khác trong đế quốc: đó là sự thành thật và lịch sự. Sự ngu dốt mà họ bị đẩy vào, sự cuồng tín mà họ bị cuốn theo có thể thấy qua quá nhiều bằng chứng đẫm máu – tất cả những điều này nên được quy trách nhiệm cho những kẻ nắm trong tay vận mệnh của họ.”

Đây là những ý tưởng thống trị tại phần lớn thế giới khi Mustafa Kemal Atatürk chào đời ở Salonica vào năm 1880/1881.

Vào cuối thế kỷ XIX, nhà nước Ottoman đã hơn sáu trăm năm tuổi, và đã đến lúc thể hiện sự già cỗi của mình. Lịch sử của nhà nước này bắt đầu từ năm 1281, khi Osman, một thủ lĩnh (bey) có xuất thân Turcoman (Türkmen)(9), thừa kế một tiểu quốc ở tây bắc Tiểu Á và bắt đầu bành trướng ra các vùng đất thuộc về quốc gia Byzantine(10) láng giềng. Về phía đông lãnh địa chính của Osman, vùng cao nguyên trung tâm Tiểu Á trước đó đã bị người Thổ Seljuk (viết theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại là Selçuk) chinh phục sau chiến thắng của họ trước người Byzantine tại Malazgirt năm 1071. Những kẻ chinh phục thoạt đầu gọi vùng đất này là Rum (hay Roman). Tên gọi Rumeli (đất Roma, Rumelia trong tiếng Anh) sau đó được dùng để chỉ những vùng Ottoman chinh phục ở châu Âu, và được gọi là Anadolu (Anatolia trong tiếng Anh, xuất phát từ Anatole trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là phía Đông) ở Tiểu Á. Người châu Âu nghĩ ra một cái tên đơn giản hơn. Tới cuối thế kỷ XII, họ bắt đầu gọi những vùng đất bị người Thổ chinh phục là Turkey (đầu tiên xuất hiện dưới tên Turchia trong tiếng Italia). Cái tên này đồng hành cùng những người kế nghiệp Osman Bey khi họ tiến vào châu Âu đầu thế kỷ XIV và bành trướng lãnh thổ ngày càng xa hơn về phía tây. Nhưng những kẻ chinh phục không gọi miền đất của họ là Thổ Nhĩ Kỳ hay bản thân họ là người Thổ. Họ xem mình là những người theo Hồi giáo, cai trị “miền đất của Hồi giáo” (darü’l-İslam, nghĩa đen là Ngôi nhà Hồi giáo), nơi họ đã thiết lập “nhà nước” (devlet, hay sau này được giới quan liêu gọi là Devlet-i-Aliyye, Nhà nước Tối thượng, hay Memalik-I Mahrusa, Lãnh địa Thần thánh được Bảo hộ).

Nhà nước Ottoman mang tính Hồi giáo, phong kiến và trung cổ về nguyên tắc tổ chức. Chính quyền của nó được thiết lập dựa trên luật Hồi giáo (sharia, theo chính tả Thổ là şeriat), được bổ sung bằng các sắc lệnh hoàng gia (kanun) hay luật tục (örf) và phải căng ra, đôi khi đến mức phi lý, để đáp ứng các yêu cầu hằng ngày. Theo luật này, những người theo các tôn giáo độc thần không phải Hồi giáo phải chấp nhận sự cai trị của Hồi giáo để được bảo vệ và được tiến hành các hoạt động chung của cộng đồng. Ba cộng đồng phi Hồi giáo chịu lễ xưng tội chính – người Hy Lạp hay tín đồ Kitô giáo theo Chính thống giáo phương Đông, tín đồ Kitô giáo Armenia theo giáo phái Gregorian (Nhất nguyên) và người Do Thái – được biết đến như các millet, một khái niệm sau này mang ý nghĩa thế tục là dân tộc. Cho dù phạm vi của đế quốc Ottoman có thay đổi theo thời gian, hệ thống cộng đồng millet tự quản đem đến cho nó một tính chất đa sắc tộc, đa văn hóa vốn vắng mặt tại châu Âu do sự kiểm soát của Kitô giáo. Đúng là những người không theo Hồi giáo phải chịu đựng những hạn chế của nhà nước Ottoman, song họ có thể sống và thành đạt, một triển vọng hoàn toàn bị chối bỏ cho tới tận thời hiện đại với người Hồi giáo tại những vùng đất bị những nhà thống trị Kitô giáo tái chiếm, những người Do Thái nằm dưới sự cai trị này cũng chỉ được hưởng một cách bấp bênh.

Các millet phi Hồi giáo là một yếu tố trong hệ thống chính quyền phức tạp. Mỗi người đều có một chủ nhân (sahip), người phải chịu trách nhiệm về hành vi của những ai mà người đó quản lý. Những kim tự tháp nhỏ tạo thành kim tự tháp lớn của nhà nước Ottoman, đứng đầu là sultan hay hoàng đế. Hoàng đế cai trị với quyền lực tuyệt đối, nhưng ở dưới luật thiêng liêng bất biến, để “bảo trợ cái thiện và ngăn cấm cái ác” và để duy trì công lý (adalet), điều này được xem như sự cân bằng hoàn hảo giữa các yếu tố cấu thành nhà nước.

Hầu như trong suốt lịch sử nhà nước Ottoman, hệ tư tưởng chính thức của nó cũng chính là tôn giáo. Thông điệp của nó thật đơn giản: tuân theo Đấng Tiên tri và luật lệ của Ngài, và mọi việc sẽ tốt đẹp. Cho dù hoạt động thực tế của nhà nước mang tính thế tục hơn nhiều, hệ tư tưởng tôn giáo chính thức tác động lớn đến tư duy của những hoàng đế Hồi giáo đứng đầu nhà nước. Vì họ sở hữu chân lý được mặc khải vốn đã chứng tỏ giá trị của nó trong sự mở rộng quyền lực Ottoman, họ rất miễn cưỡng lắng nghe những kẻ vô đạo về bất cứ điều gì ngoại trừ các lời khuyên về kỹ thuật. Khi làm như thế, họ phải giấu kín mục đích của mình. Trong mọi trường hợp, hệ tư tưởng chính thức của nhà nước là một chướng ngại cho cải cách.

Sự bảo thủ không chỉ giới hạn trong hệ tư tưởng của chính quyền. Y học theo trường phái Hippocrates, thiên văn học và địa lý học theo Ptolemy, cũng như các lĩnh vực khoa học thời Trung cổ khác đã lưu lại ở nhà nước Ottoman rất lâu sau khi chúng đã bị, đầu tiên là điều chỉnh, sau đó là loại bỏ ở Tây Âu. Những người biện hộ cho Hồi giáo luôn lý luận rằng Hồi giáo không mâu thuẫn với tư duy con người. Hơn thế, đặc biệt vào thời hiện đại, họ khăng khăng cho rằng Hồi giáo là tôn giáo duy lý nhất trong mọi tôn giáo. Dẫu vậy, thực tế vẫn là Hồi giáo chính thống tại Ottoman đã trì hoãn sự phổ biến những kiến thức mới có được dựa trên nền tảng tư duy. Nhưng không gì có thể chặn đứng được dòng chảy của những kiến thức mới.

Người Ottoman rất sẵn sàng sử dụng công nghệ quân sự của châu Âu. Nhưng ngoài lĩnh vực quân sự, sự du nhập các ý tưởng và phương pháp của châu Âu rất chậm chạp. Mãi tới năm 1727, một người Hungary có nguồn gốc ở Transylvania, người đã cải từ Nhất nguyên luận sang Hồi giáo, mới có thể thiết lập tại Istanbul xưởng in đầu tiên sử dụng chữ cái Ả Rập. Nó bị đóng cửa sau vài năm, và nghề in lại phải gây dựng lại muộn hơn.

Đúng là những thay đổi trong sản xuất đôi lúc lan tỏa nhanh chóng. Việc trồng trọt các giống cây mới – khoai tây, ngô, thuốc lá – trở nên phổ biến trên lãnh thổ Ottoman. Nhưng việc tổ chức xã hội, bao gồm cách thức tổ chức lực lượng vũ trang, tiếp tục theo phương thức cổ xưa cho tới tận thế kỷ XIX. Tư duy cầm quyền tuy thường thực dụng trong những sự vụ hằng ngày, vẫn mang tính chất trung cổ về những giá trị tham chiếu mà nó sử dụng. Như các học giả Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay thường nói, Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ có thời Phục hưng.

Vào năm 1529 và một lần nữa vào năm 1683, quân đội Ottoman vây hãm Vienna; đến năm 1878, quân Nga đóng trại bên ngoài thủ đô Istanbul của Ottoman. Những tri thức mới đã tạo nên sức mạnh quân sự, chính trị và kinh tế cho Nga, quốc gia này sau đó trở thành lực lượng chính đào huyệt chôn nhà nước Ottoman. Tổ chức và quy định trong quân đội và hải quân của các Sa hoàng triều đại Romanov, cùng sự giàu có, trước hết từ nông nghiệp, và sau đó từ công nghiệp – đạt được nhờ sử dụng kỹ nghệ Tây Âu – đã bỏ xa nguồn lực của nhà nước Ottoman với khoảng cách ngày càng lớn kể từ thế kỷ XVIII.

Những bản kiến nghị đầu tiên thúc giục cải cách được các quan chức Ottoman thảo ra vào thế kỷ XVIII. Nhưng đã có rất ít điều được thực hiện cho đến khi người Nga tràn xuống Biển Đen. Sau đó, vào năm 1789, năm diễn ra Cách mạng Pháp, một sultan cải cách, Selim III, lên ngôi tại Istanbul và bắt tay vào xây dựng một quân đội hiện đại, như một phần trong trật tự mới (nizam-I cedit) của ông. Selim III chịu ảnh hưởng từ tấm gương của Pháp, phần lớn từ nỗi sợ về an nguy của lãnh thổ, một nỗi sợ sớm tìm thấy lý do chính đáng khi Napoleon tấn công Ai Cập nhân danh Cộng hòa Pháp vào năm 1798.

Mối liên hệ giữa Ottoman và người Pháp có lịch sử lâu dài. Nó bắt đầu từ liên minh thiết lập năm 1541 giữa Sultan Süleyman I (Suleiman Huy Hoàng) và Vua Francis I của Pháp nhằm chống lại Hoàng đế Charles của gia tộc Habsburg. Thỏa ước của liên minh này cho phép các thương gia và cư dân Pháp tại Ottoman được hưởng các đặc quyền, sau này được mở rộng áp dụng cho các nhà nước châu Âu khác, theo đó người châu Âu tại Ottoman được đặt bên ngoài hệ thống tư pháp bản địa. Thoạt đầu thỏa ước này được thực hiện một cách chủ động như một phương thức thúc đẩy thương mại, nhưng sau đó nó khiến người Ottoman phẫn nộ, trong khi người châu Âu khăng khăng duy trì chúng như một cách bảo vệ công dân của họ trước sự chuyên quyền của một nhà nước châu Á lạc hậu.

Selim III bị phế truất, rồi sau đó bị giết trong một cuộc bạo loạn được ủng hộ rộng rãi của lực lượng Janissary, vốn là những binh lính nô lệ của sultan mà sau đó đã trở thành đội cận vệ hoàng gia, và không thể khống chế được. Các nhân sĩ địa phương cố gắng giành lấy khoảng trống quyền lực. Nhưng họ đã bị Mahmut II đánh bại, ông đập tan và tàn sát lực lượng Janissary vào năm 1826, sau đó bắt tay vào quá trình cải cách mang tính phương Tây hóa mà rồi sẽ được những người kế vị ông tiếp tục. Những cải cách này, được gọi chung là Tanzimat (sự thiết lập trật tự), lên tới đỉnh điểm cùng với sự ra đời của Hiến pháp Ottoman năm 1876 vào đầu thời trị vì của Abdülhamit II. Mặc dù sau mười lăm tháng, sultan đã đình chỉ vô thời hạn các kỳ họp của nghị viện, nhưng công cuộc hiện đại hóa giáo dục, giao thông liên lạc và hành chính tiếp tục được tiến hành trong thời kỳ cai trị chuyên chế của ông.

Đến cuối thế kỷ XIX, nhà nước Ottoman đã phát triển một bộ máy quân sự và hành chính dân sự dựa trên mô hình châu Âu. Quyền lực được chuyển từ các nhóm truyền thống – lực lượng Janissary, lãnh chúa phong kiến, các ulema (chức sắc Hồi giáo), phường hội, trí thức – sang một bộ máy quan liêu kiểu châu Âu. Những tiến bộ về giao thông liên lạc – như việc xây dựng những tuyến đường sắt đầu tiên và thiết lập một hệ thống điện tín hiệu quả – cho phép bộ máy quan liêu thi hành các mệnh lệnh của sultan và các bộ trưởng chu đáo hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó. Nhà nước Ottoman đã luôn có quan hệ thương mại với thế giới. Đến cuối thế kỷ XIX, nó đã hòa nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu nhờ mạng lưới giao thông liên lạc tốt hơn, thuế suất hải quan thấp hơn và các dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Như vậy, nhà nước Ottoman trở nên tương đồng, ít nhất là bề ngoài, với các láng giềng phía tây và phía bắc của nó – các đế quốc Áo – Hung và Nga. Như các nước này, nó cũng là một quốc gia đa dân tộc. Như các nước này, Ottoman là một triều đại, được cai trị bằng bộ máy quan liêu. Tương tự như hai quốc gia láng giềng, đế quốc Ottoman bị đe dọa nhiều nhất không phải bởi chính quyền hoạt động kém mà bởi sự liên kết giữa các đối thủ bên ngoài và các phong trào ly khai, vốn giành được sự ủng hộ của các dân tộc bị trị trong nước. Nhưng vẫn còn sự khác biệt này: không chỉ những người đứng đầu đế quốc, mà cả cộng đồng dân tộc gốc của những người này tại Áo – Hung và, ở mức độ thấp hơn, tại Nga, đã được giáo dục về các tư tưởng mới. Ngược lại, tại đế quốc Ottoman, trong khi những người đứng đầu nhà nước đã được khai sáng, đông đảo cộng đồng Hồi giáo, những người cấu thành giai cấp thống trị bất chấp các cải cách, vẫn duy trì những thói quen xưa cũ trong tình trạng lạc hậu. Đối lập hẳn với cách nhìn nhận của các nhà cải cách theo Hồi giáo và đúng như chỉ trích của những người khuấy động chủ nghĩa dân tộc trong các cộng đồng bị trị, không phải nhà nước Ottoman mà chính cộng đồng Hồi giáo đã tụt hậu với thời đại.

Nhà nước Ottoman đã duy trì tính chất đa dân tộc trong suốt quá trình tồn tại. Văn minh Ottoman là sản phẩm chung của những cộng đồng tôn giáo và ngôn ngữ khác biệt cùng tồn tại trong một xã hội, trong khi vẫn duy trì những đặc tính của mình. Đúng là các cộng đồng phi Hồi giáo không phải luôn bằng lòng với thân phận lệ thuộc của mình. Nhất là tại Balkan, những bất bình về ruộng đất hầu hết có khía cạnh sắc tộc, vì các chủ đất lớn đều là người theo Hồi giáo. Các thương gia và nhà buôn Kitô giáo lại có những bất bình khác về việc họ không có một địa vị chính trị tương xứng với sự giàu có. Thường thì đoàn kết tôn giáo vượt lên sự trung thành với Đế chế Ottoman, như việc những người Ottoman theo Kitô giáo tìm kiếm sự bảo vệ từ các cường quốc Kitô giáo châu Âu, và đôi khi đứng về phía họ trong chiến tranh. Nhưng ngay cả những người theo Hồi giáo – người Kurd, người Ả Rập và các tổng trấn Ottoman địa phương, khi muốn củng cố quyền tự chủ của họ – cũng sẵn sàng trở cờ ủng hộ các kẻ thù của sultan.

Có thể thấy người theo Hồi giáo và người không theo Hồi giáo chiếm tỷ lệ khác nhau trong các vùng của đế quốc. Nhưng vẫn tồn tại một số đặc trưng địa lý và ngành nghề nhất định. Người Slav, Vlach (Rumani) và người Albani theo Kitô giáo hợp thành phần lớn số nông dân trên bán đảo Balkan. Người Hy Lạp tập trung ở các vùng ven biển, ngoại trừ cộng đồng người Hy Lạp theo Chính thống giáo nói tiếng Thổ (được gọi là Karamanli), cư trú ở trung tâm Anatolia, trong khi có thể tìm thấy cộng đồng thương nhân Hy Lạp ở phần lớn các thành phố.

Người Armenia bắt đầu tỏa ra khỏi bản quán của họ ở miền đông cao nguyên Anatolia từ cuối thời Byzantine. Dưới thời Ottoman, họ cung cấp phần lớn thợ thủ công và thương nhân cho vùng Anatolia. Các công trình kiến trúc, đồ sứ, sản phẩm dệt của Ottoman – những lĩnh vực mà nhà nước Ottoman đóng góp cho văn minh thế giới – phần lớn được thợ thủ công Armenia tạo dựng và sản xuất. Thương nhân Armenia tham gia tích cực vào hoạt động thương mại trên đất liền với châu Á, và nói chung họ giữ địa vị cao tại Anatolia.

Có những cộng đồng Do Thái ở phần lớn các thành thị buôn bán ở vùng Balkan và Anatolia. Istanbul – nơi vị Chánh Giáo sĩ (hahambaşi) được chính quyền Ottoman giao trách nhiệm quản lý toàn bộ người Do Thái trên khắp đế quốc, dù điều này trái ngược với truyền thống cộng đồng tự quản của người Do Thái – tập trung một cộng đồng lớn; tương tự là Salonica và İzmir (Smyrna). Phần lớn người Do Thái, ngoại trừ tại các tỉnh nói tiếng Ả Rập, là hậu duệ của những người tị nạn đến từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, họ được đón nhận tại đế quốc Ottoman sau khi bị các vị vua Công giáo trục xuất. Những người Do Thái phát triển thịnh vượng trong thời kỳ huy hoàng của Ottoman, sau đó sa sút khi người theo Kitô giáo nắm quyền kiểm soát hoạt động thương mại với châu Âu Kitô giáo, và chỉ vươn lên trở lại vào nửa sau thế kỷ XIX, khi cộng đồng của họ có thêm sức sống mới từ sự truyền bá các tư tưởng mới, chủ yếu từ Pháp, và bắt đầu thay thế các đối thủ cạnh tranh vốn là những người theo Kitô giáo ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn do bị nghi ngờ về lòng trung thành.

Mức hòa lẫn vào nhau của các cộng đồng tôn giáo khác nhau thay đổi tùy vào thời gian và địa điểm. Họ thường cùng làm việc, trong khi sống ở những khu dân cư hay làng tách biệt nhau. Luật şeriat cho phép đàn ông theo Hồi giáo được lấy vợ theo Kitô giáo hoặc người Do Thái, nhưng không cho phép đàn ông không theo Hồi giáo lấy phụ nữ theo Hồi giáo. Cải đạo sang Hồi giáo được hoan nghênh, nhưng cưỡng ép cải đạo bị cấm trên lý thuyết, và hiếm khi xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, đã có hàng nghìn người cải sang Hồi giáo trong những thế kỷ bành trướng của đế quốc Ottoman. Những người này chủ yếu tới từ những cộng đồng bị gạt ra rìa dưới thời cai trị của Kitô giáo. Ở Balkan, phần lớn người theo Hồi giáo là hậu duệ của người Slav và Albani cải đạo. Trong cộng đồng Do Thái, có một làn sóng cải sang Hồi giáo quan trọng sau thất bại của phong trào Cứu thế do Sabetai Sevi lãnh đạo vào thế kỷ XVII. Những người ủng hộ ông, và sau đó cải đạo từ Do Thái giáo sang Hồi giáo, vẫn giữ lại cho tới gần đây một danh tính đặc thù trong cộng đồng Hồi giáo, và họ được gọi là dönme (những người cải đạo) hay Selânikli (những người đến từ Salonica).

Nói chung, người theo Hồi giáo được nhà nước tuyển dụng, họ phục vụ trong vai trò binh lính hoặc công chức; họ cũng là chủ đất và nông dân. Những người không theo Hồi giáo phần lớn là thương gia, lái buôn, thợ thủ công và nông dân. Vì sự gần gũi về tôn giáo với Tây Âu, những người Ottoman theo Kitô giáo tiếp nhận các tư tưởng mới sớm hơn nhiều so với các đồng bào Hồi giáo của họ.

Pháp luật và việc cai trị thực tế tại Ottoman phân loại dân chúng theo tôn giáo. Người theo Hồi giáo do đó được đối xử như một cộng đồng đơn nhất. Song cộng đồng này trên thực tế bị chia rẽ bởi ngôn ngữ và phong tục. Ở vùng Balkan, những ngôn ngữ chính được người theo Hồi giáo sử dụng là tiếng Albani, Serbo-Croat, Bulgaria, Hy Lạp và Thổ. Tại Anatolia, người Hồi giáo nói tiếng Thổ, tiếng Kurd, tiếng Ả Rập và các ngôn ngữ vùng Caucasus. Tiếng Thổ Ottoman – một ngôn ngữ hỗn hợp của Thổ, Ả Rập và Ba Tư – là ngôn ngữ hành chính chính thức của nhà nước. Về mặt xã hội, có sự tách biệt quan trọng giữa thành phố và nông thôn, giữa các cộng đồng định cư và du mục. Nhà nước chủ yếu hiện diện ở các đô thị. Vì thế người Ả Rập thành thị chịu sự kiểm soát của nhà nước, còn người Bedouin và người Kurd sống du mục thì nằm ngoài ảnh hưởng này.

Chủ nghĩa ly khai không trở thành một mối đe dọa đối với sự thống nhất của nhà nước Ottoman cho tới tận đầu thế kỷ XIX. Nguồn gốc của nó là từ trong nước lẫn từ nước ngoài. Sự bất bình có nguồn gốc trong nước; còn lý tưởng dân tộc chủ nghĩa đến từ châu Âu. Những cuộc nổi dậy địa phương, theo đó là sự can thiệp của châu Âu – thường dưới hình thức những cuộc chiến tranh do Nga phát động – cho đến năm 1878 đã dẫn tới sự thành lập các nhà nước độc lập tại Hy Lạp, Rumani, Serbia và Montenegro. Bulgaria trở thành quốc gia tự trị và tiến tới độc lập hoàn toàn; Bosnia và Herzegovina nằm dưới sự quản lý của Áo – Hung, và Síp đặt dưới quyền quản lý của Anh.

Tại châu Âu, nhà nước Ottoman bị thu hẹp lại chỉ còn các thuộc địa Albani, Macedonia và Thrace – những vùng lãnh thổ chạy thành một dải rộng từ biển Adriatic tới eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Tại châu Á, đế quốc Ottoman cai trị vùng Anatolia (ngoại trừ một góc vùng đông bắc nhượng cho Nga năm 1878) và các vùng đất Ả Rập. Ai Cập về lý thuyết chịu sự cai trị của Ottoman, nhưng trên thực tế đã rời khỏi tay các sultan sau khi triều đại Muhammad Ali được thiết lập vào đầu thế kỷ XIX. Tuy nhiên, người Ottoman vẫn kiểm soát Lybia (Tripolitania và Cyrenaica), trực tiếp hoặc thông qua các thủ lĩnh địa phương.

Vào năm 1893, một cuộc điều tra dân số Ottoman, ngoại trừ Lybia cùng các vùng lãnh thổ không còn đặt dưới sự quản lý trực tiếp của sultan, cho biết dân số của đế quốc là 17 triệu người. Chắc chắn con số này thấp hơn thực tế, vì rất nhiều người tránh đăng ký nhân khẩu do sợ bị đánh thuế và gọi đi quân dịch, và quan trọng hơn thế, vì nhiều phụ nữ không được tính đến do phong tục địa phương không cho phép. Nhưng đây là con số tốt nhất chúng ta có về dân số của đế quốc, và dân số của các cộng đồng tôn giáo bên trong nó, quanh thời điểm Atatürk ra đời. Trong số 17 triệu người, khoảng 12,5 triệu là người theo Hồi giáo. Phần còn lại, có hơn 2 triệu người Hy Lạp, gần một triệu người Bulgaria, hơn một triệu người theo giáo phái Gregorian, cùng 150.000 người theo Công giáo và 37.000 người theo Tin lành Armenia, 180.000 người Do Thái và khoảng 240.000 người ngoại quốc (phần lớn là người bản địa có hộ chiếu nước ngoài).

Trong phần lãnh thổ Ottoman tại châu Âu (ngoại trừ Istanbul, các khu ngoại ô của nó và các đảo trên biển Aegea), theo cuộc điều tra dân số, có 1,4 triệu người theo Hồi giáo trên tổng dân số 3,1 triệu người. Phần lớn thần dân Hồi giáo của sultan sống ở châu Á. Các con số thống kê chính thức không nói gì đến tiếng mẹ đẻ của các cư dân, theo hiểu biết chung thì phần lớn người nói tiếng Thổ tập trung ở Anatolia. Anatolia, vùng lãnh thổ Byzantine đầu tiên bị người Thổ Selçuk chinh phục, vẫn là trung tâm của người Thổ khi các thế kỷ Ottoman đi đến hồi kết.

Vào cuối thế kỷ XIX, cộng đồng Hồi giáo cai trị của đế quốc Ottoman chìm trong nỗi lo lắng. Đế quốc của họ đã suy sụp suốt hai thế kỷ. Mỗi khi một tỉnh bị mất, những làn sóng người theo Hồi giáo tị nạn lại ùa vào những phần lãnh thổ còn lại của sultan. Ở Balkan, cuộc tháo chạy quy mô lớn đầu tiên của người theo Hồi giáo diễn ra sau cuộc nổi dậy của Hy Lạp năm 1821 và sự thành lập vương quốc Hy Lạp dưới sự bảo vệ của châu Âu vào năm 1830. Đợt di cư của người theo Hồi giáo này vẫn chưa là gì so với dòng người tị nạn trong thời gian diễn ra chiến tranh Nga – Thổ (1877-1878) và sau cuộc chiến. Người theo Hồi giáo đổ về từ Bulgaria(11), vùng đất đã giành được độc lập về mọi mặt trừ danh xưng chính thức. Họ cũng đến từ Thessaly, vùng bị nhượng cho Hy Lạp, một quốc gia không tham chiến nhưng được các cường quốc châu Âu cho là xứng đáng được bù đắp từ những quyền lợi mà các quốc gia tham chiến thu được.

Còn có thêm người Hồi giáo tị nạn tới từ các vùng đất bị Nga chinh phục khi quốc gia này tiến đánh phía nam. Cho dù phần lớn các lãnh thổ này mới chỉ đặt dưới sự cai trị của Ottoman một thời gian ngắn, cư dân tại đây coi đế quốc Ottoman như người bảo trợ và nơi trú ẩn của họ. Đầu tiên là hàng trăm nghìn người Tartar nói tiếng Thổ đến từ Crimea và vùng thảo nguyên xung quanh, sau đó là phần lớn người Circassia và Abkhazia từ miền tây Caucasus, và một lượng lớn người Chechen từ các triền núi phía bắc dãy Caucasus, người Lezgis và các tộc người Daghistanis khác từ vùng sườn núi phía đông, và người Georgia theo Hồi giáo từ Transcaucasia.

Một người cùng thời ít tuổi hơn Mustafa Kemal Atatürk, nhà văn Thổ Şevket Süreyya Aydemir, sinh ra trong một khu trại tị nạn ở ngoại ô Edirne (Adrianople), đã viết trong hồi ký:

Tôi được sinh ra giữa một cuộc chiến tranh – chiến tranh Thổ – Hy Lạp năm 1897. Đó không phải là những năm yên bình mà vô cùng nặng nề với một thế kỷ đẫm máu, phức tạp… Nơi ở của chúng tôi là một khu dành cho người tị nạn. Những dòng người tị nạn phiêu dạt bị giày xéo bởi chiến tranh và những cuộc tàn sát từ Crimea, Dobruja và hai bên bờ sông Danube đã từng bước bị dồn về đây, khi quân đội thất bại hết lần này đến lần khác trong một trăm năm mươi năm, trong hai trăm năm, và khi biên giới co dần lại… Trong khu vực dành cho người tị nạn của chúng tôi, mỗi gia đình tới từ một nơi khác nhau, và mỗi gia đình lại có một câu chuyện khác nhau để kể về những nơi họ đã dừng chân hay nơi họ đã chạy trốn khỏi. Ngày qua ngày, lượng người tăng dần khi những người tị nạn mới vượt biên giới. Khi họ rời bỏ nhà cửa, đất đai, nơi chôn nhau cắt rốn của mình; những người mới đến này chất lương thực, dụng cụ nấu ăn, chăn đệm lên những cỗ xe bò và lên đường. Phụ nữ và trẻ con ngồi trên đống đồ đạc. Những đoàn lữ hành khốn khổ là hậu duệ của những đội quân chinh phạt đã định cư ở Balkan, bên bờ sông Danube và xa hơn nữa, những đội quân đó đã xây dựng nên những thành phố, lâu đài và làng mạc…

Khắp nơi, người theo Hồi giáo bị ám ảnh bởi ý nghĩ họ đã đánh mất nhà nước (devlet elden gidiyor, “nhà nước đang tuột khỏi tay chúng ta”, hay trong trường hợp của những người Thổ đã đón nhận tinh thần của Cách mạng Pháp, vatan elden gidiyor, “tổ quốc đang tuột khỏi tay chúng ta”). “Làm thế nào để cứu lấy quốc gia?” là câu hỏi mà những người Hồi giáo đã tự vấn. Nhưng khi những nhà cải cách Ottoman cố gắng cứu lấy lãnh thổ quốc gia bằng cách đón nhận các biện pháp theo hướng châu Âu, thì những người Hồi giáo thủ cựu nhìn thấy một mối đe dọa khác, đó là việc tôn giáo truyền thống của họ có thể bị mất đi (din elden gidiyor, “tôn giáo [của chúng ta] đang tuột khỏi tay chúng ta”).

Nỗi bất an của người Hồi giáo đặc biệt rõ tại Macedonia. Tỉnh này, ngoại trừ thành phố chính Salonica và bán đảo Chalcidice nằm phía nam nó, đã bị gộp vào Đại Bulgaria theo Hiệp ước San Stefano (Ayastefano, ngày nay là Yeşilköy trong tiếng Thổ) do Nga áp đặt năm 1878. Khi hiệp ước được tái xét tại Hội nghị Berlin vài tháng sau đó, chủ yếu do sự chống đối của Anh trước sự mở rộng đột ngột tầm ảnh hưởng của Nga, Macedonia được trả lại cho nhà nước Ottoman, người theo Hồi giáo ở đây không khỏi cảm thấy sự ân xá này chỉ là tạm thời. Cảm giác đó được khẳng định qua sự bùng nổ chiến tranh du kích ở Macedonia. Phong trào này được lãnh đạo bởi Tổ chức Cách mạng Nội địa Macedonia (IMRO), thành lập năm 1893. IMRO thu hút người ủng hộ từ cộng đồng người Macedonia nói tiếng Slav theo Chính thống giáo phương Đông, vốn là những người mang nỗi bất bình một phần vì nguyên nhân sắc tộc, một phần vì đất đai. Khẩu hiệu của tổ chức này là “Macedonia cho người Macedonia”, và cương lĩnh chính thức của nó là nhằm thành lập một vùng Macedonia tự trị nằm trong một liên bang Balkan.

Nhưng nếu xét về vấn đề một dân tộc Macedonia thực sự có tồn tại hay không, thì rất không chắc chắn. Thứ ngôn ngữ Slav được sử dụng tại tỉnh này hầu như không khác gì tiếng Bulgaria, và những người theo chủ nghĩa dân tộc Bulgaria từ chối thừa nhận sự tồn tại của một dân tộc Macedonia riêng rẽ. Dù vậy, tình báo quân sự Bulgaria vẫn cộng tác với IMRO với hy vọng hiện thực hóa giấc mơ Đại Bulgaria, được hứa hẹn ở San Stefano để rồi bị tước đoạt tại Berlin. Nhìn thấy ở IMRO một công cụ cho chủ nghĩa bành trướng Bulgaria, các cơ quan tình báo Hy Lạp và Serbia tìm cách chống lại bằng cách tổ chức các nhóm du kích của riêng họ để cổ súy cho tuyên bố chủ quyền của họ với tỉnh này. Nhưng vì mỗi nhóm đều chống lại tất cả các nhóm khác – các nhóm dân tộc chủ nghĩa theo Kitô giáo chống lẫn nhau và chống chính quyền Ottoman, trong khi tất cả cùng khủng bố cư dân địa phương, nên mọi thành phần trong cuộc đều dõi theo động tĩnh của các cường quốc châu Âu. Chính các nước này đã áp đặt hiệp ước Berlin, và lúc này đang gây sức ép, riêng rẽ hoặc bằng nhiều hình thức liên kết khác nhau, đòi hỏi cải cách ở những vùng lãnh thổ của Ottoman. Nhất là trong cộng đồng Hồi giáo, có một nỗi lo sợ lan rộng trước những mưu toan và quyết định của các cường quốc. Kể về những ngày đi học tại Edirne, Şevket Süreyya Aydemir viết:

Khái niệm của chúng tôi về các cường quốc [khái niệm düvel-I muazzama trong tiếng Thổ Ottoman cũng có thể được hiểu là “những sức mạnh khổng lồ”] rất mơ hồ. Nhưng điều chúng tôi hiểu và tin tưởng là mọi thứ các cường quốc muốn đều có hại cho quốc gia Ottoman của chúng tôi. Nói cho cùng, thậm chí ngay tại thành phố Edirne của chúng tôi, các lãnh sự của các cường quốc, khi diễu qua đường phố trên xe của họ, cũng như các kavases [lính gác được tuyển mộ tại chỗ, thường là người gốc Montenegro] tại các lãnh sự quán khi đi bộ trên đường phố trong bộ quân phục có những dải viền vàng của họ, luôn nhìn xuống chúng tôi như thể họ ở trên đỉnh cao ngất.

Người Hồi giáo phản ứng lại mối đe dọa bằng cách cố gắng củng cố nhà nước của họ cũng như bắt chước các nước Kitô giáo láng giềng. Tác giả kể trên nhớ lại:

Trò chơi ưa thích nhất của chúng tôi là chơi thành các toán [çete: toán du kích; çeteci, băng cướp] và các tổ chức [komite, hội kín; komiteci hay komitaci, thành viên hội kín và nói rộng ra là phần tử khủng bố theo chủ nghĩa dân tộc]. Trước hết, chúng tôi chọn ra các kaptan [từ tiếng Hy Lạp kapetanios, chỉ huy] và voivoda [một từ Slav dùng cho thủ lĩnh quân sự]… từ những đứa khỏe mạnh, can đảm nhất trong đám trẻ con, sau đó chia thành các nhóm. Những đứa trẻ tham gia trò chơi sẽ lộn ngược vành mũ lên để trông chúng giống như những cái mũ lông (kalpak) mà đám cướp Hy Lạp và Bulgaria hay đội… Thay cho dao và súng, bọn trẻ giắt que và các mảnh gỗ vào thắt lưng, và thay cho bom, chúng nhét đầy đá vào túi quần và xắc.

Một thứ văn hóa bạo lực lan tràn khắp đế quốc Ottoman. Nó là sản phẩm của các phong trào châu Âu đầy bạo lực – ví dụ các hội kín carbonari tại Italia, sau đó là những kẻ vô chính phủ – hòa trộn với thói quen bất chấp luật pháp bản địa. Súng, dao, lựu đạn trở thành những vật mang tính biểu tượng. Chúng được dùng trong các buổi lễ nhập môn bí mật, kết hợp một cách phi lý với cây thánh giá, Kinh Thánh và kinh Koran; chúng xuất hiện trong biểu tượng của các tổ chức bí mật theo chủ nghĩa dân tộc và trên bìa sách vở của họ. Nhưng có một sự khác biệt giữa các cộng đồng Kitô giáo và Hồi giáo: trong nhóm thứ nhất, chủ nghĩa dân tộc, mặc dù vốn là một phong trào thế tục, kết hợp với tôn giáo, và giới tăng lữ thường cổ vũ, thậm chí tham gia vào các hành động bạo lực; còn trong cộng đồng Hồi giáo, chủ nghĩa dân tộc phát triển trong thế đối lập với tôn giáo. Các giáo sĩ Hồi giáo đại diện cho toàn bộ cộng đồng Hồi giáo (ümmet) chứ không phải cho các quốc gia hình thành từ đó. Mặt khác, các Nhà thờ Chính thống giáo phương Đông của Hy Lạp, Serbia và Bulgaria, cũng như Nhà thờ Gregorian của người Armenia vào cuối thế kỷ XIX đã trở thành nguồn truyền tải các tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong mỗi cộng đồng.

Bị các kẻ thù bên ngoài và bên trong gây sức ép nặng nề, cộng đồng Hồi giáo cũng bị đe dọa bởi sự giảm sút về số lượng. Điều này một phần là hệ quả của chiến tranh, vì người theo Hồi giáo, ngoại trừ Istanbul và một số khu vực miễn trừ, phải chịu quân dịch; trong khi người không theo Hồi giáo, theo nguyên tắc, không phục vụ trong các lực lượng vũ trang Ottoman. Một lý do khác cho sự suy giảm tương đối dân số Hồi giáo là sự lạc hậu của họ với các kiến thức châu Âu, đặc biệt là kiến thức y tế. Điều này dẫn tới tỷ lệ bệnh tật và tử vong cao hơn. Phần lớn bác sĩ và dược sĩ không phải là người theo Hồi giáo, và phần lớn người theo Hồi giáo vẫn trông cậy vào y học theo truyền thống Hippocrates hay y học dân gian. Sự nghèo đói, đi kèm với lạc hậu, cũng làm giảm các tiêu chuẩn sức khỏe.

Mustafa Kemal Atatürk ra đời dưới thời trị vì của Abdülhamit II, vị sultan Ottoman cuối cùng cai trị với quyền lực chuyên chế. Abdülhamit lên ngôi năm 1876 ở tuổi 34, khi một cơn khủng hoảng trong nước cùng một cơn khủng hoảng quốc tế đang đe dọa, không phải lần đầu tiên, sự tồn vong của nhà nước. Năm 1875, nông dân Kitô giáo đã nổi dậy ở Bosnia – Herzegovina. Năm 1876, sự kích động của những người theo chủ nghĩa dân tộc dẫn tới một cuộc nổi dậy của người Bulgaria, cuộc nổi dậy bị đàn áp với tổn thất cực lớn về người. Vụ tàn sát dân cư Bulgaria tại các làng mạc do dân quân Hồi giáo thực hiện đã khiến công luận Nga, Anh và nhiều nước khác phẫn nộ. Những chính khách tìm cách duy trì nhà nước Ottoman vì vậy trở nên yếu thế. Các cường quốc châu Âu đòi hỏi cải cách lập tức. Một đảng lập hiến, vốn đã nắm giữ đến những chức vụ cao nhất trong hệ thống quan liêu Ottoman, cố gắng chống lại các đòi hỏi về quyền tự trị được nước ngoài ủng hộ bằng cách cổ súy việc tự nguyện cải cách trên toàn đế quốc. Giới quan liêu Ottoman theo tư tưởng tự do tự thuyết phục rằng một chính quyền nghị viện dưới nền quân chủ lập hiến sẽ giúp thống nhất quốc gia và thỏa mãn những chỉ trích từ nước ngoài. Đồng thời cũng có sự kích động về tôn giáo mạnh mẽ trong cộng đồng Hồi giáo chống lại người nước ngoài và chính quyền bất lực trong nước. Abdülhamit II lên ngôi với tư cách là ứng cử viên của đảng lập hiến.

Hiến pháp Ottoman đầu tiên được công bố đúng lúc vào ngày 23 tháng Mười hai năm 1876, và nghị viện được triệu tập ngày 19 tháng Ba năm 1877. Nhưng thay vì xoa dịu người Nga, nghị viên chỉ đẩy nhanh thêm lời tuyên chiến của Sa hoàng. Ngày 14 tháng Hai năm 1878, sau khi quân đội Ottoman đã bị Nga đánh bại, Abdülhamit giải tán nghị viện. Trong khi hiến pháp về lý thuyết vẫn còn hiệu lực, kể từ sau đó sultan cai trị quốc gia một cách chuyên chế. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là tái thiết nhà nước Ottoman vốn đã đánh mất lãnh thổ cả ở châu Âu lẫn châu Á.

Những điều kiện lúc đó rất khó khăn: đất nước tràn ngập người tị nạn, ngân khố trống rỗng, và sự tàn phá do các chiến dịch quân sự gây ra đã dẫn tới nạn đói ở nhiều vùng, nhất là miền đông Anatolia. Hòa bình nội quốc bị phá vỡ khi cuộc nổi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc diễn ra trong cộng đồng Kitô giáo tại Macedonia và bắt đầu trong cộng đồng Armenia tại Anatolia. Abdülhamit giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách tận dụng những mâu thuẫn giữa các đối thủ bên ngoài và bên trong của ông. Ông dùng Nga chống lại Anh, và dùng Đức chống lại cả hai nước này. Ông thành lập các trung đoàn bộ tộc trong cộng đồng người Kurd theo mô hình lực lượng Cossack của Nga. Những trung đoàn này là một phương tiện để liên kết và mua chuộc các bộ tộc người Kurd vốn không thể kiểm soát nổi, và họ lại giúp kiểm soát những người theo chủ nghĩa dân tộc Armenia. Nhưng khi các cuộc tấn công của những người theo chủ nghĩa dân tộc Armenia dẫn tới bạo lực và thường là sự trả đũa không cân xứng từ cộng đồng Hồi giáo địa phương, thì cách thức giật dây ngấm ngầm của Abdülhamit vẫn không thể thay thế được sự cần thiết của một chính quyền ổn định vững chắc. Trong bất cứ trường hợp nào, Abdülhamit cũng quá dè chừng các vị bộ trưởng quyền lực để cho phép bộ máy hành chính được duy trì liên tục. Giữa Hội nghị Berlin năm 1878 và việc tái lập hiến pháp năm 1908, đã có mười tám lần thay đổi chính phủ ở Istanbul. Các tể tướng thường chỉ tại vị được vài tháng. Sau đó, họ được tạm nghỉ cho tới khi sultan quyết định lại viện đến sự phục vụ của họ.

Số nạn nhân người Armenia trong làn sóng bạo lực lan rộng khắp Anatolia và bùng phát cả ở thủ đô trong những năm 1890 là chủ đề được tranh cãi dữ dội. Các sử gia Thổ Nhĩ Kỳ tính rằng có dưới 20.000 người Armenia và chừng 5.000 người Hồi giáo bị giết. Các tác giả Armenia và thân Armenia đưa ra con số cao hơn nhiều – 88.000 hoặc hơn thế. Thực tế là dân số Armenia về tổng thể tăng lên trong thời kỳ trị vì của Abdülhamit và ngay sau đó, nhưng mức tăng có lẽ thấp hơn so với người theo Hồi giáo và Hy Lạp, điều này cho phép phỏng đoán một con số nạn nhân thấp hơn, cho dù vẫn rất lớn. Dù thế nào đi nữa, chính việc đàn áp người Armenia đã khiến phương Tây Kitô giáo kết án Abdülhamit. Ông bị chỉ trích là Sultan Đỏ hay Sultan Khát máu bởi các chính trị gia, các nhà báo và họa sĩ biếm họa. Những lời châm biếm cay độc lan truyền tại địa phương, kể lại việc sultan than phiền rằng: “Ta nói trừng phạt; ta đâu có nói giết”, có lẽ đúng thực tế hơn. Tuy vậy, tầm quan trọng của vấn đề Armenia không nằm ở con số nạn nhân, mà ở mối hận thù được khơi dậy giữa người Armenia và cộng đồng Hồi giáo chiếm đa số đang chung sống. Quá trình cùng tồn tại ít nhiều bình lặng giữa người Armenia và người theo Hồi giáo, kéo dài hơn một nghìn năm, đã kết thúc chỉ trong một thế hệ.

Abdülhamit là người đa nghi, khôn ngoan và đáng sợ. Nhưng ông không tàn bạo một cách vô cớ. Những đơn tố cáo của mật thám hay của những người cung cấp tin ồ ạt đổ về tòa án của sultan tại cung điện Yildiz, nằm ở triền đồi phía trên tòa cung điện bên bờ biển Dolmabahçe. Cung điện Dolmabahçe, được xây dựng bên bờ phía châu Âu của eo biển Bosphorus vào những năm 1853-1855 bởi một kiến trúc sư người Armenia cho Sultan Abdülmecit, có vẻ như mở ra với thế giới. Yildiz là một nơi trú ẩn khỏi Dolmabahçe.

Sultan cùng các quan lại của ông biết quá rõ ai là những kẻ đang âm mưu và bất bình. Một số bị giam cầm trong các pháo đài tại các tỉnh, một số bị trục xuất, một số mất việc làm; rất nhiều trong số đó bị dụ dỗ quy phục bằng những lời đề nghị về chức vụ và chỗ ngồi mát ăn bát vàng. Vụ sát hại nhà hoạt động chính trị cải cách Mithat Paşa(12), được biết đến như cha đẻ của hiến pháp 1876, là một ngoại lệ. Bạn của Mithat Paşa, nhà thơ yêu nước đồng thời cũng là nhà báo Namik Kemal bị cầm tù vài tháng, sau đó được bổ nhiệm làm tổng trấn tại một trong những hòn đảo trên biển Aegea. Các nhân vật đối lập chạy trốn sang châu Âu thường quay về nước sau những cuộc thương thuyết với người của sultan. Abdülhamit là một bậc thầy về lôi kéo hơn là một bạo chúa khát máu.

Việc mất đi Bulgaria, miền Nam Serbia, Bosnia-Herzegovina, Síp cùng sự xuất hiện của hàng nghìn người tị nạn đã làm tăng lượng người Hồi giáo trên phần lãnh thổ còn lại của Ottoman. Abdülhamit xây dựng chính sách của ông dựa vào họ. Ông cố gắng gia cố sự gắn kết giữa người Thổ, người Ả Rập, người Kurd và người Albani theo Hồi giáo quanh ngai vàng Ottoman. Ông tuyển mộ các quân sư người Ả Rập và lập ra trường học cho con trai các thủ lĩnh bộ tộc Ả Rập và Kurd. Ông củng cố thiết chế quan liêu của giới tu sĩ Hồi giáo và ủng hộ việc xây dựng các thánh đường. Sultan cũng đầu tư rất nhiều cho giáo dục, trong đó kết hợp giáo dục tôn giáo với các kiến thức mới từ châu Âu. Một hệ thống trường phổ thông, được chia thành dân sự và quân sự, và hướng tới các cơ sở giáo dục bậc cao chuyên biệt hơn, được thiết lập khắp đế quốc. Chúng được lập ra để đào tạo các công chức và quân nhân được khai sáng về tri thức nhưng mộ đạo. Tuy nhiên, một chương trình bao gồm giáo dục tôn giáo và những cuốn sách giáo khoa ngoại quốc được chuyển ngữ, cùng quá trình học tập trong không khí kỷ luật sắt, không khiến tất cả mọi người cùng ưa thích; và các trường học mới trở thành cái nôi cho những nhà cách mạng.

Abdülhamit viện đến nhiều hơn bất cứ ai trong số các tiền nhiệm của mình danh xưng caliph (giáo chủ) mang tính tinh thần của sultan nhằm thu hút sự ủng hộ của những người ngoại quốc theo Hồi giáo. Caliph về lý thuyết là người kế tục Đấng Tiên tri Muhammad với tư cách thủ lĩnh của tất cả tín đồ Hồi giáo. Nhưng không phải tất cả những người theo Hồi giáo đều chấp nhận quyền sử dụng danh xưng này của sultan Ottoman, trong khi phần lớn những người chấp nhận lại hiếm khi để điều đó ảnh hưởng tới các hành động chính trị của họ. Chính tại các cường quốc châu Âu có nhiều cư dân Hồi giáo, như Anh, Nga, và Pháp – hay những nước như Đức và Italia, hy vọng giành được ảnh hưởng chính trị qua việc mở rộng sở hữu thuộc địa – danh xưng caliph của sultan được chú ý nhiều nhất, và dẫn tới mối lo ngại là ông đang theo đuổi một chính sách Liên Hồi giáo bất lợi đối với các quốc gia này. Đúng là Abdülhamit có cố gắng thu hút tình cảm của người theo Hồi giáo, vừa để củng cố vị trí, vừa để gây sức ép lên các cường quốc châu Âu; nhưng đó chỉ là một công cụ chính trị bên cạnh vô vàn công cụ khác, và những gì ông dành cho chủ nghĩa Liên Hồi giáo rất hạn chế và không hiệu quả.

Việc xây dựng tuyến đường sắt Hejaz trong thời gian từ 1900 đến 1908 với nguồn vốn từ người theo Hồi giáo trong nước và hải ngoại có lẽ là thành tựu lớn nhất và cũng là biểu tượng cho chính sách Hồi giáo của Abdülhamit. Nhưng bên cạnh mục đích mộ đạo muốn nhanh chóng và an toàn đưa những người Hồi giáo hành hương tới các thành phố thiêng Mecca và Medina, tuyến đường sắt cũng nhằm củng cố quyền kiểm soát của trung ương với các tỉnh Ả Rập. Ác cảm với nó từ phía các bộ lạc Bedouin, những người đã sống bằng tiền bảo kê nhận được từ các đoàn lữ khách hành hương, cho thấy những hạn chế trên thực tế của tình đoàn kết Hồi giáo.

Tiến triển về kinh tế lúc đầu chậm chạp, trùng với một cuộc khủng hoảng toàn cầu mang tính chu kỳ trong những năm cuối thế kỷ. Nhưng lòng tin của nước ngoài với nhà nước Ottoman dần được phục hồi. Quá trình trả các món nợ nước ngoài tích tụ lại, vốn bị ngừng từ năm 1876, bắt đầu trở lại vào năm 1879, ngay sau Hội nghị Berlin. Năm 1881, một Cục Quản lý Nợ công được thành lập tại Istanbul để làm nhiệm vụ chuyển vào túi các chủ nợ nước ngoài tiền từ một số loại thuế môn bài, chủ yếu là thuế thuốc lá. Cho tới ngày nay, người Thổ vẫn nghĩ về nợ công của Ottoman như một biểu tượng của sự kiểm soát thực dân lên nền kinh tế đất nước. Nhưng khi các chuyên gia nước ngoài tổ chức việc thu thuế và nợ, cùng lúc với việc kiểm soát quá trình tiêu thụ vụ mùa thuốc lá, họ cũng làm tăng thu nhập cho nhà nước và đặt nền móng cho một hệ thống thuế quan hiện đại.

Dù chú trọng tới Hồi giáo, đế chế của Abdülhamit là giai đoạn lý tưởng cho người nước ngoài và cư dân phi Hồi giáo bản địa. Xung đột với người Armenia không làm chấm dứt việc sử dụng người Armenia tại các cơ quan công quyền, cũng không ảnh hưởng tới sự gia tăng mức giàu có của cộng đồng Armenia bên ngoài các khu vực trực tiếp bị ảnh hưởng bởi xung đột. Chiến thắng nhanh chóng của Abdülhamit trước Hy Lạp năm 1897 không tác động đến khoảng hai triệu thần dân gốc Hy Lạp của ông. Sự tăng lên của lượng người, vốn bắt đầu trước đó khi người Hy Lạp di cư sang từ vương quốc Hy Lạp mới giành độc lập nhưng vô cùng nghèo khó để tận dụng những cơ hội kinh tế được nhà nước Ottoman mở ra thông qua các cải cách Tanzimat, tiếp tục diễn ra dưới thời Abdülhamit. Zarifis, chủ ngân hàng gốc Hy Lạp của sultan, là biểu tượng cho quyền lực kinh tế của cộng đồng Hy Lạp, đã sử dụng sự giàu có của họ để xây trường học, câu lạc bộ và lập ra các tổ chức từ thiện, cũng như để mở rộng các mối liên kết của họ với thế giới bên ngoài. Các nhà truyền giáo nước ngoài cũng tăng cường hoạt động giáo dục của họ. Cộng đồng Do Thái hồi sinh nhờ vào các trường học do Alliance Israélite Universelle (Liên minh Do Thái Toàn cầu) lập ra. Năm 1893, Gabriel Arié, hiệu trưởng ngôi trường của liên minh tại İzmir, vốn tới từ Bulgaria, viết trong một ghi chép:

Điều mà một người Bulgaria nhận thấy khi đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ, trước mọi thứ khác, là không khí tự do. Dưới một chính quyền chuyên chế về mặt lý thuyết, thực tế người ta có thể tận hưởng nhiều tự do hơn hẳn so với trong một quốc gia lập hiến… Người ta gần như không cảm thấy có một chính quyền tồn tại… Sự vắng bóng của lực lượng cảnh sát phiền phức, của thuế má nặng nề, của những nghĩa vụ dân sự ở đây là điều các thần dân không theo Hồi giáo đánh giá cao…

Giao thông liên lạc được cải thiện. Cơ sở hạ tầng như các bến cảng, tháp hải đăng và các trạm kiểm dịch được xây dựng. Trong khi các khoản quyên góp của người theo Hồi giáo cung cấp tài chính cho việc thi công tuyến đường sắt Hejaz, những công ty nước ngoài được ưu đãi xây dựng đường sắt ở khắp nơi trong đế quốc. Salonica được nối với Vienna, và mạng lưới đường sắt châu Âu năm 1889, Istanbul năm 1890. Hơn 1.600 kilômét đường sắt đã được các công ty Anh và Đức xây dựng ở Anatolia sau năm 1878. Chúng tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông phân phối và xuất khẩu nông sản, nhất là ở vùng Aegea. Sản xuất tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Thành tựu quan trọng nhất của Abdülhamit là đem đến cho đế quốc Ottoman một thời kỳ hòa bình. Cuộc chiến với Hy Lạp năm 1897 là cuộc chiến duy nhất ông tiến hành. Đúng là có những cuộc nổi dậy của chủ nghĩa dân tộc và những hoạt động cướp bóc ở quy mô địa phương, nhưng trật tự và hiệu quả điều hành của chính quyền đã được cải thiện. Kết quả là, theo như lời nhà nhân khẩu học người Mỹ Justin McCarthy, “Từ năm 1878 đến năm 1912, vùng Anatolia của Ottoman có mức tăng trưởng dân số ổn định. Dân số Hồi giáo tăng gần 50 phần trăm. Dân số gốc Armenia có lẽ tăng với tốc độ hơi chậm hơn, và dân số gốc Hy Lạp tăng nhanh hơn, nhưng về tổng thể số dân theo Kitô giáo có mức tăng tương đương với dân cư Hồi giáo.”

Tuy vậy, tiến bộ đạt được dưới thời Abdülhamit trị vì không giải quyết được những vấn đề cơ bản mà nhà nước Ottoman phải đối diện. Thậm chí nó còn khiến chúng trầm trọng hơn, vì mức tiến bộ đạt được không đồng đều và trong mọi trường hợp đều tụt hậu xa so với bước tiến của phương Tây. Tác nhân chủ yếu tạo nên bước tiến, và cũng là những người hưởng lợi chính từ nó, là người ngoại quốc và các cộng đồng thiểu số không theo Hồi giáo. Đối tượng thứ hai có xu hướng nhìn nhận nhà nước Ottoman, nơi họ đang phát đạt, như một xiềng xích đối với năng lực của họ, một xiềng xích mà họ ngày càng nóng lòng muốn phá bỏ. Trở nên giàu có hơn không hề làm giảm nhiệt huyết của những người ly khai theo chủ nghĩa dân tộc. Ngược lại, nó cung cấp cho họ tiềm lực tài chính và các mối quan hệ với nước ngoài để phục vụ cho hoạt động của mình.

Sự phân mảnh giữa các cộng đồng thể hiện cả trong phát triển xã hội và kinh tế. Vì thương mại và sản xuất phần lớn nằm trong tay cộng đồng không theo Hồi giáo, nên người theo Hồi giáo có vị trí rất khiêm tốn trong tầng lớp trung lưu và cả giai cấp công nhân mới xuất hiện vào nửa sau thế kỷ XIX. Mức cải thiện điều kiện sống của họ rất không đáng kể so với sự thịnh vượng hơn hẳn mà các láng giềng Kitô giáo của họ đạt được, và những đòi hỏi về chính trị cũng bắt nguồn từ thực trạng đó. Khi người theo Hồi giáo tiếp thu tri thức mới từ châu Âu, họ cũng dần chia sẻ cách nhìn nhận của người theo Kitô giáo hay người nước ngoài khi nhận thấy mình đang sống trong một quốc gia lạc hậu, mục nát.

Riza Nur, một người Thổ theo chủ nghĩa dân tộc có sự nghiệp chính trị đầy biến động, thuật lại rằng sau khi tốt nghiệp bác sĩ quân y, ông được phân công tới biên giới Macedonia. Nhiệm vụ của ông là kiểm tra liệu bột mì nhập khẩu từ Bulgaria cho quân đội Ottoman có bị nhiễm độc và chứa các mầm bệnh chết người như đã được khẳng định trong đơn tố cáo gửi sultan hay không. Tới gặp Nazif Paşa, vị hiệu trưởng cao tuổi của trường y, để nhận nhiệm vụ, Riza Nur yêu cầu được cấp một kính hiển vi và các dụng cụ khoa học khác. Vị hiệu trưởng, đội chiếc mũ không vành kiểu cổ và mặc áo thụng đen dài “như một tổng quản cung điện”, chẳng hề để ý đến những yêu cầu đó. “Đó không phải là chuyện của cậu. Đi đến đó, đồ ngốc, và nhét lương vào túi. Dù thế nào đi nữa, cậu sẽ thấy các mầm bệnh nếu mở mắt đủ to.”

Trong mắt tầng lớp những người Thổ trẻ tuổi có học thức đang lên, chế độ Hamidian đại diện cho sự ngu dốt, lạc hậu, tham nhũng và suy tàn. Họ không đánh giá cao khả năng lung lạc dân chúng của sultan. Khái niệm “quản lý vì lợi ích công” (idare-yi maslahat) của đế chế Ottoman chỉ nhận được sự nhạo báng. Bực dọc vì sự kiểm duyệt, lớp trẻ có học thức không hề ấn tượng với sự gia tăng của các ấn bản bách khoa toàn thư, báo chí hay sách.

Các học viên quân sự và sĩ quan trẻ đặc biệt bất bình với chính sách quốc phòng của sultan. Các cuộc diễn tập không được tổ chức, và hạm đội bị neo giữ tại thủ đô vì, như người ta nói, sultan e sợ các âm mưu của giới quân sự. Nhưng ông cũng muốn giảm chi phí. Không giống các vị tiền nhiệm vung tay quá trán, Abdülhamit so đo từng xu. Khi quốc khố trống rỗng, lương bổng bị trả chậm. Điều này gây ra sự bất bình trong giới trung lưu Hồi giáo, vốn trông cậy gần như hoàn toàn vào công ăn việc làm do chính quyền cung cấp. Quân đội do các tướng lĩnh già chỉ huy, họ được chọn vì lòng trung thành và sự thận trọng.

Song Abdülhamit thực sự có cố gắng cải thiện tổ chức quân sự sau thất bại năm 1878. Năm 1880, ông đề nghị Hoàng đế Đức trợ giúp huấn luyện quân đội. Một phái bộ quân sự Đức bắt đầu phục vụ Ottoman từ năm 1882, và trong khoảng thời gian từ năm 1883 đến năm 1895, trưởng đoàn cố vấn quân sự Đức, Tướng Colmar von der Goltz (Goltz Paşa), cải tiến quá trình huấn luyện sĩ quan, và cho dịch sang tiếng Thổ các sách hướng dẫn quân sự, tổng cộng đến hơn 4.000 trang. Những nỗ lực của ông mang lại kết quả thực tế là chiến thắng của Ottoman trước người Hy Lạp ở Thessaly năm 1897.(13)

Giới trẻ Hồi giáo Thổ có học thức nhìn nhận chế độ Hamidian là một nền độc tài gây nguy hại cho sự tồn vong của nhà nước Ottoman, và đặc biệt là sự tồn tại của cộng đồng Hồi giáo cầm quyền; điều đó đã che lấp cho tới tận ngày nay một thực tế rằng đó là một thời kỳ tốt đẹp đối với những người không theo Hồi giáo (ngoại trừ một bộ phận cộng đồng Armenia), và cũng không tồi cho người theo Hồi giáo – dù là người Thổ, Ả Rập, Albani hay Kurd. Đế quốc Ottoman đa sắc tộc, nơi Mustafa Kemal Atatürk được sinh ra, đang lung lay, nhưng vẫn vận hành.

Các du khách phương Tây đều mô tả đế quốc Ottoman là một đất nước đầy màu sắc. Tính từ này được dùng cho cả sự pha trộn về dân cư lẫn tôn giáo, cũng có thể tìm thấy trong đó mô tả về phong cảnh thiên nhiên của đất nước. Đa số dân cư sống trong các ngôi làng. Những ngôi nhà truyền thống chiếm đa số. Chúng được làm bằng gỗ từ vùng Balkan và bờ Biển Đen, gạch không nung từ Anatolia, và đá từ miền núi. Trang phục dân gian vẫn được mặc nhiều. Phương thức canh tác truyền thống vẫn chiếm ưu thế trong nông nghiệp. Nhưng ảnh hưởng của thị trường nước ngoài dẫn tới trọng tâm ngày càng được đặt vào các vụ mùa để thu hoa lợi: thuốc lá ở Balkan, nho sultana, vả và ô liu ở bờ biển Aegea, bông ở đồng bằng Cilicia mới được tháo cạn bao quanh thị trấn Adana. Mặc dù ngũ cốc vẫn được trồng phổ biến, hệ thống giao thông nội địa kém phát triển cùng thói quen canh tác năng suất thấp buộc các thành phố phải trông cậy chủ yếu vào nhập khẩu lúa mì cũng như đường, gạo, trà, cà phê và các nhu yếu phẩm khác.(14)

Đường sắt đã giúp mở mang nhiều vùng đất rộng lớn ở Balkan và Tây Anatolia. Xa hơn về phía đông, giao thông liên lạc rất khó khăn, vì hệ thống đường xá rất kém ở nông thôn. Giao thông hàng hải, vốn phát triển mạnh mẽ, gần như hoàn toàn nằm trong tay người nước ngoài. Các quan chức được bổ nhiệm tới các tỉnh xa thường bắt đầu chuyến đi tới nhiệm sở của họ trên những con tàu của người nước ngoài.

Các thành phố chiếm một phần dân số tương đối nhỏ, ngay cả ở những nơi có vùng ngoại ô rộng lớn như Istanbul. Theo số liệu điều tra năm 1893, dân số Istanbul, bao gồm cả vùng ngoại ô, vào khoảng 950.000 người. Có 210.000 người trong khu vực nội đô İzmir, 120.000 ở Bursa, 105.000 ở Salonica, 115.000 ở Damascus.(15) Dân số thành thị không thuần nhất về nguồn gốc và tôn giáo. Tại Istanbul, người theo Hồi giáo chỉ chiếm nửa dân số, ở İzmir chỉ chiếm 38%, ở Salonica 28%.

Tuy vậy, với sự xuất hiện dày đặc các tháp cầu nguyện và mái vòm đền thờ, các thành phố đều mang dáng vẻ Hồi giáo. Người Ottoman từng là những nhà xây dựng vĩ đại. Các thánh đường, nhà tế bần, các tu viện Hồi giáo (tekke), điện thờ (türbe), nhà tắm kiểu Thổ (hamam) và các đài phun nước tô điểm cho mọi thành phố họ quản lý. Vào thế kỷ XIX, và nhất là dưới thời trị vì của Abdülhamit II, những công trình công cộng khác được thêm vào: các tòa nhà chính quyền cấp tỉnh và quận, trại lính và trường phổ thông. Có những công trình xây bằng đá kiên cố, rất nhiều trong số đó còn tồn tại đến ngày nay cả ở Thổ Nhĩ Kỳ lẫn những tỉnh mà Ottoman đã để mất. Nhà riêng của những người Thổ khá giả hầu như đều làm bằng gỗ. Những người giàu có đặt tư dinh (konak) hay nhà ở bên bờ biển (yali) với khu vườn, các nhà phụ làm chuồng ngựa, bếp, nơi ở cho gia nhân và xưởng giặt. Việc sử dụng gỗ làm vật liệu cho những công trình kiến trúc tư nhân khiến các thành phố thường xuyên phải chịu những trận hỏa hoạn có sức tàn phá lớn.

Thế kỷ XIX cũng là thế kỷ của những thay đổi quan trọng đối với đô thị. Tư gia của người không theo Hồi giáo và người nước ngoài xây chủ yếu bằng đá và gạch. Có 100.000 người nước ngoài tới thủ đô Ottoman trong thời gian từ năm 1840 đến năm 1900 với vai trò thương gia, thợ hay nhà sáng chế. Họ định cư tại quận “người Âu” Pera (Beyoğlu trong tiếng Thổ) và ở ngoại ô. Năm 1857, vùng phía bắc vịnh Sừng Vàng, nơi người bản địa và nước ngoài không theo Hồi giáo chiếm đa số, được trao quyền tự quản. Các thành thị Ottoman thường khá sạch sẽ và ngăn nắp bên trong một số khuôn viên (của các công trình tôn giáo hay tư dinh), nhưng bên ngoài bẩn thỉu. Thế kỷ này cũng là giai đoạn có những nỗ lực vệ sinh các thành phố, mở thêm đường phố giữa ma trận những ngôi nhà gỗ để tạo nên không gian nội thành. Mức độ tiện nghi của Istanbul, İzmir và Salonica được cải thiện đáng kể, mặc dù người Âu vẫn tiếp tục phàn nàn về sự bẩn thỉu và lộn xộn ở đây.

Tại thủ đô, nơi những người khá giả có nhà nghỉ hè dọc eo biển Bosphorus hoặc trên quần đảo Các Ông Hoàng, và cũng là nơi quan chức Ottoman thường sống tại các dinh thự ở ngoại ô, giao thông trở nên dễ dàng hơn khi chính phủ thành lập một công ty tàu hơi nước địa phương (có tên là Şirket-i Hayriye hay Công ty Từ thiện) để điều hành những chiếc phà sản xuất tại Anh và thuê các kỹ sư nước ngoài. Một Công ty Tàu nội đô Istanbul được thành lập năm 1869 để điều hành các toa tàu ngựa kéo trong khu trung tâm thành phố và ngoại ô.

Đến cuối thế kỷ này, Istanbul, İzmir, Salonica và ở một mức độ kém hơn là Trabzon (Trebizond) bắt đầu giống với các thành phố châu Âu. Những nơi này có hệ thống cảng biển và giao thông tốt, vùng bờ biển hấp dẫn, nhà cửa vững chãi và các khu phố buôn bán (bên cạnh các khu chợ truyền thống phương Đông), có đủ khách sạn, nhà hàng, quán bia (cũng như các quán rượu Hy Lạp truyền thống), trường học và bệnh viện. Ngoài ra còn có những biệt thự kiểu cách, tư dinh và câu lạc bộ. Tại Istanbul, các khu chung cư bắt đầu được xây theo kiểu Paris vào thời kỳ chuyển giao hai thế kỷ. Khi các nghệ sĩ và nhạc công nước ngoài đi vòng quanh thủ đô, họ tìm thấy các nhà hát đủ tiêu chuẩn để trình diễn.

Tất nhiên, các thành phố vẫn giữ lại các khu vực “phương Đông” với những ngôi nhà gỗ và những con hẻm chật chội. Trong khi có những người Hồi giáo giàu có – chủ yếu là quan chức cao cấp, một số trong tầng lớp này chuyển sang các khu “người Âu”– thì có rất ít khu Hồi giáo giàu có. Nhưng cũng có ít khu ổ chuột, ít hơn so với các thành phố châu Âu cùng quy mô. Có những khu trại của người Di-gan bên ngoài tường thành, nhưng không hề có những khu ngoại ô lụp xụp tồi tàn vẫn bao quanh các đô thị Thổ Nhĩ Kỳ như ngày nay.

Nhìn cận cảnh, các thành phố chính của Ottoman vẫn còn rất nhiều mặt cần cải thiện. Nhưng diện mạo chung của chúng tương đối tốt, chủ yếu do không có sức ép về không gian, và vì vậy có chỗ cho cây xanh và vườn. Các khu nội thành bị phân cách bởi những nghĩa địa Hồi giáo không có tường bao mà người Âu thấy rất lãng mạn. Có nhiều công trình kiến trúc đẹp ở các nhà nguyện, nhà thờ, cung điện và tư dinh. Các thành phố chính ở Ottoman có những công trình cổ ấn tượng cũng như một số công trình tiện ích hiện đại.

Vấn đề là những công trình tiện ích này chủ yếu do người không theo Hồi giáo và người Âu dựng nên và thụ hưởng. Các gia đình Hồi giáo khá giả cũng thuê thợ xây, thợ nước, thợ may, bác sĩ và nha sĩ không theo Hồi giáo; họ tới mua sắm tại các cửa hàng của người không theo Hồi giáo; nam giới của các gia đình này gặp gỡ nhau tại các nhà hàng và quán cà phê nước ngoài; họ ở trong khách sạn do người không theo Hồi giáo sở hữu và quản lý. Sự khác biệt và mất cân bằng này không thể được duy trì mãi.

Đế quốc Ottoman trong giai đoạn cuối là một quốc gia cởi mở đến mức đáng chú ý. Người nước ngoài có thể tới thăm quan, sinh sống và đi lại trên đất nước này. Họ được các lãnh sự bảo vệ, nằm dưới quyền tư pháp của các tòa án thuộc lãnh sự quán, và có thể sử dụng bưu điện riêng. Những gì khách du lịch và cư dân ngoại quốc kể lại đều nói về một cuộc sống dễ chịu trong các biệt thự tại những vùng ngoại ô, chẳng hạn như Moda ở Istanbul hay Bornabat (ngày nay là Bornova) ở İzmir, với người hầu và những buổi tiệc tùng, đi dã ngoại và đi săn. Cuộc sống xa tổ quốc quả là dễ chịu. Nhiều người theo Kitô giáo bản địa cũng có cuộc sống tương tự hoặc hơn thế.

Quá trình suy tàn của đế quốc Ottoman không hiển hiện rõ khi Mustafa Kemal Atatürk chào đời. Ngày nay, người Thổ theo Hồi giáo hoài niệm về những hình ảnh của đất nước họ một thế kỷ trước. Nhưng ông bà và cụ của họ lại có lý do để lo lắng. Một nhà cải cách Ottoman thế kỷ XIX viết Istanbul có thể trở nên trật tự và thịnh vượng như Paris và London, nhưng “chúng ta sẽ không phải là những người được hưởng lợi hay thụ hưởng những niềm vui đó… Thay vì thế, chúng ta sẽ thỉnh thoảng xuất hiện như người bán củi và than rồi buồn bã ngắm nhìn nó.”(16) Câu hỏi ám ảnh những người Thổ theo Hồi giáo không phải là liệu quốc gia có tồn tại được hay không, mà là liệu họ có sống sót được trong quốc gia đó hay không.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button