Kỹ năng mềm

5 Ngôn Ngữ Tình Yêu Dành Cho Trẻ Em


5 gon ngu tinh yeu danh cho tre em - Gary Chapman1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Gary Chapman

Download sách 5 Ngôn Ngữ Tình Yêu Dành Cho Trẻ Em ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook               

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Đôi khi, con trẻ sử dụng những “ngôn ngữ” kỳ lạ đến mức chúng ta không sao hiểu được. Ngược lại, khi giao tiếp với con cái, chúng ta thường làm cho chúng lúng túng, khó hiểu trước “ngôn ngữ” của chúng ta. Vì sao? Nguyên nhân là vì giữa cha mẹ và con cái luôn tồn tại những yêu thương khác biệt.

Qua quyển sách này, Gary Chapman muốn nhắn nhủ rằng: “Hãy dạy trẻ cách cho đi và đón nhận bằng năm ngôn ngữ tình yêu. Khi bạn tin vào tình yêu và làm tấm gương cho con cái, chúng sẽ được định hướng phát triển lành mạnh về thể chất và xuất sắc về tinh thần!”.

Hầu hết các sai lầm của trẻ đều bắt nguồn từ việc trẻ cảm thấy thiếu thốn tình yêu thương. Tuy nhiên, vấn đề không phải là các bậc cha mẹ không yêu thương con em họ, mà chính là việc trẻ không cảm nhận được tình yêu đó. Cuốn sách này được xuất bản với hy vọng sẽ giúp các bậc phụ huynh biết cách đáp ứng nhu cầu tình cảm của con em mình thông qua những hướng dẫn thực tế, sinh động. Nếu hiểu được ngôn ngữ yêu thương của trẻ và sử dụng nó một cách thường xuyên, bạn sẽ giúp trẻ nhận ra được tình cảm và sự quan tâm chân thành của mình.

Với mục tiêu giúp các bậc phụ huynh nuôi dạy con trẻ tốt hơn, quyển sách tập trung tìm hiểu tầm quan trọng của tình yêu thương đối với trẻ. Trẻ sẽ kiểm soát tốt cơn giận dữ cũng như dễ chấp thuận đề nghị của cha mẹ hơn khi cảm thấy mình được yêu thương. Tuy vậy, trên thực tế, rất ít phụ huynh có nhận thức đúng mức về tầm quan trọng của trách nhiệm dạy con biết kiềm chế cơn nóng giận và cư xử đúng mực. Chính vì thế, như được trình bày ở chương 10, việc dạy con cái kiểm soát cơn giận dữ trở thành nhiệm vụ khó khăn nhất của các bậc phụ huynh. Để thực hiện được nhiệm vụ khó khăn này, bạn phải bắt đầu bằng tình yêu dành cho con trẻ, là vấn đề được trình bày tỉ mỉ trong 9 chương đầu. Bạn sẽ phát hiện ra điều thú vị là khi giúp con trẻ kiểm soát được cơn giận dữ, các bậc phụ huynh có thể xây dựng được mối quan hệ yêu thương và gần gũi với con hơn.

Cuốn sách là cẩm nang hữu ích và cần thiết để các bậc cha mẹ xây dựng mối quan hệ gần gũi, thấu hiểu và yêu thương đối với con cái lứa tuổi vị thành niên. Hiện nay, việc giáo dục trẻ ở lứa tuổi này rắc rối và phức tạp khiến các bậc phụ huynh cảm thấy gặp khó khăn và dường như không hiểu con mình; nhưng chính lúc này đây vai trò của họ lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các nghiên cứu về trẻ vị thành niên đều cho thấy các bậc cha mẹ chính là người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời trẻ. Chỉ khi họ từ chối vai trò đó thì trẻ mới tìm kiếm chúng ở bạn bè đồng lứa hay ở những người trưởng thành khác.

Nội dung cuốn sách tập trung vào nền tảng cơ bản nhất của mối quan hệ thương yêu giữa cha mẹ và trẻ vị thành niên. Ngoài những nội dung bàn về tầm quan trọng của tình yêu thương trong sự phát triển về cảm xúc, trí tuệ, xã hội và tinh thần của trẻ, chúng ta sẽ khám phá năm ngôn ngữ yêu thương của trẻ và cách đong đầy “khoang tình cảm” của trẻ một cách hiệu quả nhất.

Hữu Ích – Giữa cha mẹ và con cái luôn tồn tại những ngôn ngữ yêu thương khác biệt. Vì vậy, đôi khi con trẻ sử dụng những loại ngôn ngữ mà cha mẹ không sao hiểu được. Và khi cha mẹ cần nói điều gì đó với con, cha mẹ thường cũng khó làm cho con trẻ hiểu trọn vẹn tình cảm và suy nghĩ của mình. Và “ 5 ngôn ngữ tình yêu dành cho trẻ “ sẽ giúp chúng ta nhận diện và sử dụng đúng loại ngôn ngữ tình yêu của con. Nhờ đó, trẻ mới có thể cảm nhận được trọn vẹn tình yêu thương của cha mẹ để có thể phát triển toàn diện. Sách đã giúp tôi tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình nuôi dạy con thông qua việc áp dụng những gợi ý hữu ích trong cuốn sách” – Phuong Thao.

Hãy Luôn Làm Đầy Khoang Tình Cảm Của Con Mình ! – Quyết định mua và đọc tiếp quyển sách này sau khi đọc quyển “5 ngôn ngữ tình yêu”, tôi tiếp tục đồng tình với những chia sẻ và học hỏi được nhiều điều qua những câu chuyện tình huống cụ thể mà tác giả trình bày. Tôi tin rằng việc phát hiện ra ngôn ngữ tình yêu cơ bản của 2 con qua những hướng dẫn cụ thể của tác giả và nỗ lực của cả 2 vợ chồng trong việc làm đầy “khoang tình cảm” là chìa khóa quan trọng cho việc vun đắp, nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình, và là điều kiện tối quan trọng trước khi áp dụng các biện pháp, hình thức nuôi dạy, giáo dục con cái trưởng thành thành người có ích cho xã hội” – Lê Thị Mỹ Linh.

ĐỌC THỬ

TÌNH YÊU LÀ NỀN TẢNG

Dennis và Brenda không hiểu chuyện gì đã xảy ra với Ben, cậu con trai tám tuổi của mình.Ben là một học sinh học khá và luôn chăm chỉ làm bài tập về nhà. Thế nhưng thời gian gần đây, thành tích học tập của cậu bé xuống thấp đến mức báo động. Ben thường phải ở lại gặp cô giáo sau giờ học và nhờ cô giảng giải lại từ đầu. Thậm chí có hôm, cậu bé phải đến gặp cô giáo đến tám lần. Vợ chồng Dennis tự hỏi liệu kỹ năng nghe và đọc hiểu của Ben có vấn đề gì hay không. Họ quyết định đưa Ben đến gặp một thầy giáo trong trường nhờ kiểm tra kỹ năng đọc hiểu của con trai. Kết quả cho thấy khả năng nghe của Ben vẫn bình thường và kỹ năng đọc hiểu của cậu bé đúng với trình độ của một học sinh lớp ba.

Ben còn có nhiều biểu hiện khiến vợ chồng Dennis cảm thấy bối rối. Đôi lúc cậu bé tỏ ra rất khó gần, có khi lại quá khích. Giáo viên chủ nhiệm của Ben thường ăn trưa chung với cả lớp. Những lúc ấy, Ben thường đẩy các bạn ra chỗ khác để được ngồi gần cô. Ben thường bỏ dở cuộc chơi để chạy đến bên cô giáo mỗi khi cô xuất hiện trên sân trường vào giờ giải lao. Nếu cô giáo tham gia vào trò chơi nào đó với cả lớp, Ben luôn tìm cách ở bên cô trong suốt trò chơi.

Cha mẹ Ben đã đến gặp giáo viên ba lần nhưng cả hai bên đều không tìm ra được nguyên nhân của vấn đề. Hai năm học trước, Ben tỏ ra rất độc lập và vui vẻ. Thế nhưng giờ đây, cậu bé lại rất thích “dựa dẫm” vào người khác. Trong khi đó ở nhà, Ben lại thường xuyên gây gổ với chị gái của mình. Trước những biểu hiện này, cả Dennis và Brenda đành cho rằng đó chỉ là những biểu hiện bất thường trong một giai đoạn phát triển của Ben mà thôi.

Khi vợ chồng Dennis tham dự buổi hội thảo “Để hôn nhân ngày càng bền vững”, họ đã kể cho tôi nghe về chuyện của Ben. Họ thật sự lo lắng trước những biểu hiện của Ben cũng như tương lai của cậu bé. Brenda chân thành nói với tôi:

– Thưa Tiến sĩ Chapman, chúng tôi biết rằng đây là buổi hội thảo về hôn nhân và câu hỏi của chúng tôi chẳng ăn nhập gì với đề tài chung. Nhưng vợ chồng tôi thật sự rất mong được ông hướng dẫn để giải quyết vấn đề của con trai mình.

Khi nghe Brenda mô tả một số biểu hiện của Ben, tôi liền hỏi cuộc sống của gia đình họ có thay đổi gì trong vòng một năm qua không. Dennis cho biết anh làm nghề kinh doanh nên thường đi công tác xa nhà một tuần hai lần. Vào những ngày làm việc bình thường, anh đều trở về nhà vào lúc 6 giờ đến 7 giờ 30. Những hôm ấy, anh thường dành thời gian để làm một số việc giấy tờ và xem tivi. Ngày trước, vào cuối tuần, anh thường đưa Ben đi xem đá bóng. Nhưng gần một năm nay, anh đã không còn làm việc đó nữa. Anh giải thích:

– Dạo gần đây tôi thấy đi xem bóng đá tốn nhiều thời gian quá nên quyết định ở nhà xem cho tiện.

Tôi hỏi tiếp:

– Còn chị thì sao, Brenda? Thời gian gần đây chị có thay đổi gì trong cách thức sinh hoạt không?

– À, có đấy ạ. – Brenda thừa nhận. – Trước khi Ben vào mẫu giáo, tôi chỉ làm việc bán thời gian. Nhưng năm nay, tôi bắt đầu làm việc toàn thời gian nên thường về nhà muộn hơn bình thường. Vì thế tôi có nhờ ông ngoại đến đón Ben sau giờ học và Ben sẽ ở lại chơi với ông bà khoảng một tiếng rưỡi trước khi tôi đến đón cháu. Vào những tối anh Dennis đi công tác, mẹ con tôi ở lại ăn tối với ông bà xong rồi mới về nhà.

Do sắp đến giờ phải diễn thuyết và cũng đã hiểu được vấn đề của Ben nên tôi đề nghị với vợ chồng Dennis:

– Tôi sắp sửa trình bày về vấn đề hôn nhân và tôi muốn anh chị thử áp dụng các nguyên tắc mà tôi chia sẻ vào mối quan hệ của anh chị với cháu Ben. Chúng ta sẽ trao đổi lại chuyện này khi hội thảo kết thúc nhé.

Vợ chồng Dennis có vẻ hơi ngạc nhiên khi tôi kết thúc câu chuyện mà không đưa ra lời tư vấn nào. Tuy nhiên, cả hai đều đồng ý làm theo yêu cầu của tôi.

Vào cuối ngày, khi các thành viên tham gia hội thảo lần lượt ra về thì Dennis và Brenda cùng đến tìm tôi với vẻ mặt rạng rỡ. Dường như cả hai đã phát hiện ra điều gì đó. Brenda nói nhanh:

– Thưa Tiến sĩ Chapman, tôi nghĩ là chúng tôi đã tìm ra được nguyên nhân dẫn đến tình trạng của Ben hiện nay. Khi ông nói về năm ngôn ngữ tình yêu, cả hai vợ chồng tôi đều đồng ý rằng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của Ben chính là thời gian chia sẻ. Tôi thấy rằng khoảng bốn hay năm tháng gần đây, chúng tôi ít dành thời gian cho Ben hơn so với trước đây.

Brenda tiếp tục nhớ lại:

– Khi còn làm việc bán thời gian, tôi có nhiều thời gian rỗi rãi hơn nên luôn đến đón Ben khi thằng bé tan trường. Sau đó, trên đường về nhà, hai mẹ con sẽ ghé chơi công viên hoặc đi ăn kem. Sau bữa cơm tối, mấy mẹ con tôi thường chơi đùa với nhau. Nhưng tất cả những điều đó đã thay đổi từ khi tôi nhận công việc toàn thời gian. Tôi nhận thấy mình dành thời gian cho Ben ít đi rất nhiều.

Tôi nhìn sang Dennis, và anh cũng gật đầu nói:

– Về phần tôi, ngày trước tôi thường đưa Ben đi xem bóng đá. Nhưng sau đó tôi dừng việc này mà lại không thay thế bằng bất kỳ hoạt động nào khác. Suốt nhiều tháng qua, hai cha con tôi chưa có nhiều thời gian bên nhau.

Tôi nhận xét:

– Tôi nghĩ các bạn đã hiểu ra được nhu cầu tình cảm của Ben. Nếu các bạn đáp ứng được nhu cầu này, tôi nghĩ các bạn có thể sẽ giải quyết được vấn đề của cháu.

Tôi đề nghị Dennis và Brenda thể hiện tình yêu của họ với Ben thông qua việc dành thời gian chia sẻ với cậu bé. Tôi khuyến khích Brenda tìm cách có được những hoạt động chung với Ben như khoảng thời gian cô chưa nhận việc toàn thời gian. Cả hai vợ chồng Dennis đều tỏ ra rất nhiệt tình trong việc thực hiện gợi ý này.

Tôi nói thêm:

– Có thể tình trạng của Ben còn do nhiều nguyên nhân khác nhưng tôi nghĩ nếu hai bạn dành cho Ben thật nhiều thời gian chia sẻ thì các bạn có thể tạo ra thay đổi lớn ở cậu bé.

Chúng tôi tạm biệt nhau. Sau đó, tôi không nhận được tin tức gì từ Dennis và Brenda; nhưng khoảng hai năm sau, tôi quay trở lại Wisconsin để chủ trì một hội thảo khác và đã gặp họ tại đây. Cả hai đều cười rất tươi khi đến chào tôi.

– Hãy cho tôi biết tình hình của Ben đi. – Tôi đề nghị.

Cả hai cùng mỉm cười và nói:

– Ben đã thay đổi rất tuyệt vời. Chúng tôi đã làm đúng như lời chỉ dẫn của ông. Trong vài tháng sau đó, cả hai vợ chồng đều cố dành cho Ben thật nhiều thời gian chia sẻ. Và chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã thấy Ben có nhiều chuyển biến tích cực. Cô giáo của Ben đã mời chúng tôi đến trường lần nữa. Điều đó khiến hai vợ chồng tôi lo lắng thật sự. Nhưng lần này thì cô giáo chỉ hỏi chúng tôi đã làm thế nào mà Ben thay đổi tích cực đến vậy.

Cô giáo cho biết những hành vi tiêu cực của Ben đã ngừng hẳn. Em không còn đẩy các bạn khác ra xa cô giáo trong phòng ăn và cũng không còn hỏi cô giáo những câu hỏi không đáng nữa. Brenda vui mừng kể cho cô giáo nghe cách thức vợ chồng chị áp dụng thông qua việc sử dụng ngôn ngữ tình yêu cơ bản của Ben.

Hai vợ chồng Dennis và Brenda đã học cách sử dụng ngôn ngữ tình yêu của con trai họ. Và họ đã thể hiện câu nói: “Cha mẹ yêu con” theo cách mà Ben có thể cảm nhận được. Chính câu chuyện về cậu bé Ben đã khuyến khích tôi viết cuốn sách này, tiếp theo cuốn Năm ngôn ngữ tình yêu dành cho đôi lứa.

Việc bạn sử dụng được ngôn ngữ tình yêu cơ bản của trẻ không có nghĩa bạn đã loại trừ hoàn toàn nguy cơ trẻ nổi loạn ngày sau. Nhưng điều đó sẽ giúp con bạn cảm nhận được tình yêu thương mà bạn dành cho chúng, mang đến cho trẻ cảm giác an toàn và niềm hy vọng. Nó sẽ giúp bạn dạy dỗ con cái tốt hơn để trẻ phát triển toàn diện và trở thành người có trách nhiệm. Tình yêu chính là nền tảng của quá trình phát triển đó. Sự trưởng thành của con trẻ chủ yếu phụ thuộc vào mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ. Bạn hãy nhớ, chỉ những trẻ nào cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ mới có thể vững vàng trưởng thành. Có thể bạn rất yêu thương con, nhưng nếu bạn không sử dụng được loại ngôn ngữ có thể chuyển đến cho con tình yêu sâu sắc của bạn thì trẻ vẫn cảm thấy mình thiếu vắng tình yêu của cha mẹ.

Làm đầy “khoang tình cảm” của trẻ

Mỗi trẻ em đều có một “khoang tình cảm” riêng. Đó là nơi chứa đựng sức mạnh tình cảm của trẻ, giúp trẻ vượt qua những thử thách trong thời thơ ấu và niên thiếu. Là cha mẹ, bạn phải biết cách làm đầy “khoang tình cảm” của con để trẻ có thể phát triển toàn diện nhất.

Nhưng làm thế nào để làm đầy được “khoang tình cảm” của trẻ? Dĩ nhiên, chúng ta phải luôn dành cho con tình yêu, nhưng tình yêu đó phải giúp cho trẻ phát triển bản thân và sống có trách nhiệm. Và câu trả lời là chúng ta phải thương yêu con cái của mình bằng tình yêu thương vô điều kiện. Đây là loại tình yêu đầy đủ và trọn vẹn nhất, thừa nhận trẻ vì chính bản thân chúng chứ không phải vì những gì chúng làm. Dù trẻ có làm (hay không làm) điều gì đó thì chúng vẫn được yêu thương.

Nhưng một thực tế đáng buồn là các bậc phụ huynh thường dành cho con trẻ loại tình yêu có điều kiện. Loại tình yêu này lệ thuộc vào những việc trẻ làm hơn là bản thân trẻ. Nó đòi hỏi ở con trẻ một thành tích vượt trội nào đó và thường biểu hiện bằng cách nuôi dạy con gắn liền với việc tặng quà cho chúng, trao phần thưởng và những đặc lợi khác khi trẻ hành động hay đạt thành tích theo ý nguyện của cha mẹ.

Chỉ có tình yêu vô điều kiện mới ngăn chặn được những “căn bệnh” ở trẻ như sự giận dữ, cảm giác không được yêu thương, mặc cảm có lỗi, sợ hãi và bất an. Chỉ khi nào chúng ta cho con trẻ đúng tình yêu vô điều kiện đó, chúng ta mới có thể hiểu được chúng một cách sâu sắc và xử lý được những hành vi đa dạng ở trẻ.

Molly là một cô bé lớn lên trong một gia đình khá khó khăn. Cha cô bé đi làm gần nhà còn mẹ em thì làm việc bán thời gian và lo nội trợ. Cha mẹ Molly là những người rất chăm chỉ và cả hai rất tự hào về gia đình mình. Cha của Molly thường nấu ăn buổi tối. Sau bữa ăn, cả hai cha con sẽ cùng dọn dẹp chén dĩa. Vào những ngày thứ bảy, cả gia đình cùng nhau lau dọn nhà cửa và quây quần bên nhau ăn bánh nướng hay xúc xích. Ngày chủ nhật, họ sẽ cùng đi nhà thờ vào buổi sáng còn buổi tối thì đi thăm viếng bà con họ hàng.

Khi còn bé, hầu như tối nào anh em Molly cũng được cha mẹ đọc truyện cho nghe. Tới tuổi đi học, anh em cô bé nhận được sự động viên rất lớn của cha mẹ. Vì chưa bao giờ được bước chân vào đại học nên cha mẹ Molly mong muốn hai con làm được điều đó.

Khi vào phổ thông, Molly kết bạn với Stephanie. Dù học chung lớp và thường ăn trưa cùng nhau nhưng hai cô bé chưa bao giờ đến nhà nhau chơi. Nếu có đến, hẳn hai em đã nhận ra sự khác biệt lớn giữa hai gia đình. Cha của Stephanie là một doanh nhân thành đạt nhưng phần lớn thời gian của ông đều dành cho công việc. Mẹ của Stephanie là y tá. Anh trai của em học ở trường tư thục. Bản thân Stephanie thì được gửi ở một trường bán trú tư thục suốt ba năm cho đến khi em xin cha mẹ chuyển về học ở trường công gần nhà. Vì cha thường đi công tác xa và mẹ lại quá bận rộn nên gia đình Stephanie ít khi có thời gian bên nhau.

Molly và Stephanie chơi thân với nhau cho đến năm lớp chín. Sau đó, Stephanie chuyển sang đi học ở trường dự bị đại học gần nhà ông bà em.

Trong năm đầu tiên, hai cô bé vẫn thường liên lạc với nhau. Sau đó, Stephanie có bạn trai và thư từ trao đổi giữa hai cô bé ngày càng thưa dần rồi ngưng hẳn.

Trong khi đó, Molly cũng bắt đầu thiết lập các mối quan hệ bạn bè mới và hẹn hò với một chàng trai vừa chuyển đến trường cô. Một thời gian sau, gia đình Stephanie chuyển đi nơi khác và Molly không còn nhận được tin tức gì của bạn từ ngày đó.

Nếu Molly biết được chuyện xảy ra sau đó với Stephanie thì hẳn cô sẽ buồn lắm. Sau khi lấy chồng và có con, Stephanie bị bắt vì tội buôn ma túy và phải đi tù. Đó cũng là thời gian cô bị chồng bỏ rơi. Ngược lại, Molly đã có một gia đình hạnh phúc với hai đứa con kháu khỉnh.

Vậy điều gì đã tạo nên sự khác biệt trong cuộc đời của Stephanie và Molly? Chúng ta có thể hiểu được phần nào nguyên nhân của vấn đề này thông qua lời tâm sự của Stephanie với bác sĩ tâm lý của cô: “Tôi chưa bao giờ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ tôi. Lần đầu tiên tôi dính tới ma túy cũng chỉ vì tôi muốn được mọi người chú ý đến mình”.

Bạn có hiểu được ý nghĩa trong câu nói của Stephanie không? Rõ ràng, không phải cha mẹ Stephanie không yêu cô mà là cô chưa bao giờ cảm nhận được tình yêu của họ. Đa phần các bậc cha mẹ đều yêu thương con cái của mình và mong muốn chúng cảm nhận được tình yêu thương đó. Thế nhưng, rất ít người biết cách thể hiện tình cảm một cách trọn vẹn. Chỉ khi học được cách yêu thương con vô điều kiện, họ mới có thể làm được điều đó.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button