Kỹ năng mềm

Ngay Bây Giờ Hoặc Không Bao Giờ

Lời giới thiệu

Cuốn sách sẽ giúp bạn khám phá ra hàng loạt ý tưởng giúp bản thân vượt qua sự trì hoãn hằng ngày. Trong khi nhiều cuốn sách khác chỉ cung cấp những mẹo mực đơn giản, thì với cuốn sách này, bạn sẽ biết được tại sao một chiến lược lại trở nên hiệu quả, nó loại bỏ những hạn chế và niềm tin nào và bằng cách nào chiến lược ấy có thể được ứng dụng tức thì vào cuộc sống của bạn…

Thành công chỉ thực sự đến khi bạn giữ một lòng kiên trì sắt đá với những mục tiêu đã được đặt ra. Trong cuốn sách này, S.J.Scott đã cung cấp chi tiết những kế hoạch hành động trên mọi lĩnh vực của cuộc sống hằng ngày: từ chăm sóc sức khỏe, thể dục, công việc cho tới các mối quan hệ cá nhân. Không giống như các cuốn sách rèn luyện kỹ năng tầm thường khác, nội dung cuốn sách tập trung tối đa vào hai chữ “hành động”. Vì vậy, thay vì phải đọc những lời khuyên chung chung, bạn sẽ nhận được những phương pháp có thể được thực hiện ngay lập tức nhằm tạo lập những thói quen có thể đánh bại sự trì hoãn.

Ebook

File ebook hiện chưa có . Comment tại trang này email của bạn để Downloadsach gửi link ngay khi tìm kiếm được trên Internet. Gợi ý : Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Khi đảm nhận một dự án quan trọng, bạn phải dồn toàn bộ trí lực để hoàn thành nó. Song, bạn sẽ lại có vô vàn lý do để bao biện cho việc trì hoãn dự án này – trưởng nhóm chưa được thông báo, bạn không có những giấy tờ hợp lệ hoặc không rõ mình phải bắt đầu từ đâu. Bất kể lý do là gì, bạn đều đang tìm cách bao biện mỗi khi trì hoãn.

Thêm vào đó, việc trì hoãn sẽ làm nảy sinh một hiệu ứng tích lũy. Nếu bạn thường xuyên trì hoãn, thì khi hoàn thành xong một công việc, ngay lập tức sẽ có thêm vài công việc khác ập đến. Dù bạn có chăm chỉ đến đâu, thì dường như bạn sẽ vẫn mãi phải loay hoay trong cái vòng công việc luẩn quẩn bất tận.

Ai trong đời cũng từng đôi lần trì hoãn. Trong khi đa số thường xuyên trì hoãn, thì một vài người khác lại coi việc trì hoãn là trở ngại ngăn cản họ đến với một cuộc sống hạnh phúc và thành đạt. Cuốn sách này được viết cho những người đó, những người đang nỗ lực tranh đấu để hoàn thành dự án và những công việc cá nhân đúng thời hạn đề ra.

Ngừng trì hoãn không phải là một việc bất khả. Bạn chỉ cần rèn luyện thuần thục những thói quen được rất nhiều người thành đạt sử dụng và biến chúng trở thành một phần công việc hằng ngày của mình. Một số người cũng thường có những nỗi sợ hãi và những hạn chế giống như bạn, nhưng nhờ vào việc tự rèn luyện, họ đã có thể hành động một cách kiên định và hiệu quả.

Trong cuốn sách Ngay bây giờ hoặc không bao giờ, bạn sẽ khám phá ra hàng loạt ý tưởng giúp bản thân vượt qua sự trì hoãn hằng ngày. Trong khi nhiều cuốn sách khác chỉ cung cấp những mẹo mực đơn giản, thì với cuốn sách này, bạn sẽ biết được tại sao một chiến lược lại trở nên hiệu quả, nó loại bỏ những hạn chế về niềm tin nào và bằng cách nào chiến lược ấy có thể được ứng dụng tức thì vào cuộc sống của bạn. Nói một cách ngắn gọn, bạn sẽ khám phá ra được những căn nguyên gây ra sự trì hoãn và cách chiến thắng chúng.

Đôi nét về tác giả

Tôi là S.J. Scott, hiện đang điều hành trang blog Develop Good Habits (Phát triển các thói quen tốt).

Mục đích của trang web này là chỉ ra làm sao mà việc liên tục phát triển thói quen có thể đưa bạn đến với một cuộc sống tươi đẹp hơn. Thay vì giảng giải cho bạn, tôi sẽ cung cấp những chiến lược giản đơn mà ai cũng có thể áp dụng vào cuộc sống bận rộn của mình. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, cách tốt nhất để tạo ra được một thay đổi triệt để đó là chỉ nên tập trung phát triển từng thói quen một.

Hồi cấp ba và đại học, tôi thường chỉ đến đêm cuối trước kỳ thi mới bắt đầu “cày”. Lượng kiến thức cần phải nạp chất cao như núi và chắc chắn tôi khó lòng nhớ được hết chúng.

Phải đến năm 2003, khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến, tôi mới khám phá được một chân lý đơn giản: “Không ai khác, mà chính bạn là người phải chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình.” Câu nói này khiến tôi nhận ra rằng, nếu muốn thành công trong việc kinh doanh, thì trước tiên, tôi phải thay đổi con người bên trong của tôi đã. Trong một vài năm, tôi đã đọc và áp dụng các kiến thức thu được từ một vài cuốn sách/trang web nói về hiệu suất cá nhân như: Getting Things Done (tạm dịch: Hoàn thành mọi việc), 43 Folders (tạm dịch: 43 thư mục), Zen Habits (tạm dịch: Các thói quen về Thiền), Eat the Frog (tạm dịch: Ăn ếch), The Success Principles (tạm dịch: Những nguyên tắc thành công), The War of Art (tạm dịch: Chiến tranh Nghệ thuật) và The 7 Habits of Highly Effective People (tạm dịch: 7 thói quen của những người hiệu quả). Thêm vào đó, tôi đã thử nghiệm nhiều chiến thuật đa dạng với hy vọng chúng sẽ giúp tôi vượt qua được sự trì hoãn và liên tục hành động.

Vậy kết quả ra sao?

Tôi hiện đang có một công việc trực tuyến vô cùng thành công, trong đó bao gồm 37 cuốn sách đã được xuất bản dành cho máy đọc sách Kindle.

Mặc dù chưa phải là một chuyên gia về “hiệu suất cá nhân”, nhưng tôi cảm thấy mình đã có được những bước tiến nhất định. Tất cả những điều này đều nhờ vào việc tạo lập các thói quen hướng tới đạt được kết quả. Nói cách khác, tôi đã tạo dựng được một vài thói quen chống lại sự trì hoãn.

Một vài thông tin về cuốn sách

Cuốn sách không nói về tôi. Tôi viết nó như một công cụ giúp bạn vượt qua sự trì hoãn. Nội dung cuốn sách tổng hợp mọi kiến thức, kinh nghiệm tôi đã học hỏi được trong vài năm qua về cách để có được những hành động phù hợp mỗi ngày. Mặc dù cuốn sách sẽ không thể ngăn cản mong muốn trì hoãn của bạn, nhưng bạn sẽ hiểu được tại sao mong muốn đó lại xảy ra và cách thức rèn luyện những thói quen cụ thể để vượt qua được cảm giác này.

Những thông tin bên trong cuốn sách được đúc kết bằng một khung chương trình cụ thể. Đầu tiên, chúng ta sẽ xem xét bản chất tâm lý đằng sau sự trì hoãn. Tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét 7 lý do mọi người thường dùng để biện minh mỗi khi muốn trì hoãn. Sau đó, chúng ta sẽ thảo luận về 23 thói quen để khuất phục những trở ngại tâm lý này. Và cuối cùng, tôi sẽ giúp bạn biến những kiến thức này thành hành động.

Đừng để sự trì hoãn phá hỏng cuộc sống của bạn. Trong cuốn Ngay bây giờ hoặc không bao giờ, bạn sẽ khám phá được một bản hướng dẫn chi tiết có thể tạo ra những kết quả đáng mong đợi trong đời.

Hãy nắm bắt lấy nó đi nào!

***

APH 1.Sử dụng quy tắc 80/20 để ra quyết định

Lý do bị loại bỏ: “Giờ tôi không có thời gian”

Chúng ta thường trì hoãn bởi mớ công việc đang ngập đầu ngập cổ. Theo tôi, lý do kém thuyết phục này là một triệu chứng cho thấy bạn không xác định được đâu là điều thực sự quan trọng trong công việc cũng như đời sống cá nhân của mình. Thật may là bạn có thể vượt qua được điều này bằng cách áp dụng triệt để quy tắc 80/20.

Nguyên tắc này do Vilfredo Pareto xây dựng, phát biểu rằng 80% kết quả bạn nhận được đến từ 20% nỗ lực của bạn. Tức là, phần lớn kết quả của bạn đến từ một số công việc nhất định. Bạn có thể ứng dụng điều này bằng cách chỉ tập trung vào những hành động tạo ra những kết quả đáng kể và chủ động phớt lờ những công việc còn lại.

Bạn có thể dùng quy tắc 80/20 để chống lại sự trì hoãn theo 5 bước sau:

Bước 1: Xác định những nhiệm vụ 80/20

Việc xác định ra những hành động có tác động lớn nhất đến công việc của bạn là điều rất quan trọng. Về cơ bản, đây chính là những lý do mà bạn được trả lương. Cách đơn giản nhất để áp dụng quy tắc 80/20 là xác định đâu là điều thực sự quan trọng và dành nhiều thời gian hơn cho những điều đó. Nói cách khác, bạn phải tìm ra những công việc tạo ra 80% kết quả và hạnh phúc của bạn.

Nhưng nếu bạn không thể xác định được phần công việc thuộc 80% đó thì sao? Hãy lấy giấy bút ra và viết những công việc thường ngày của bạn. Tiếp đó, khoanh tròn những công việc tạo ra những kết quả tốt nhất cho sự nghiệp của bạn. Cuối cùng, bạn hãy hỏi cấp trên của bạn (nếu có) xem đâu là việc quan trọng nhất.

Bạn cũng nên áp dụng điều này vào đời sống cá nhân của mình. Hãy xác định những điều thực sự có ý nghĩa và những việc đơn giản bởi nó là một thói quen. Dành thời gian cho gia đình, tập thể thao, làm tình nguyện và các mối quan hệ đều có thể được coi là những phần việc thuộc 80%, bởi đây là những hoạt động khiến cuộc sống bạn có thêm nhiều ý nghĩa. Việc dành hàng giờ cho Facebook, lướt web và dán mắt vào tivi không thuộc vào những hoạt động trên bởi nó ngốn quá nhiều thời gian của bạn trong khi gần như không tạo ra được kết quả nào.

Việc xác định được 80% kết quả của bạn là điều rất quan trọng. Hãy xác định đâu là những hành động thực sự tạo ra thu nhập và điều gì thực sự mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của bạn. Thông tin này sẽ giúp bạn đưa ra được những quyết định khó khăn trong bước tiếp theo.

Bước 2: Đặt một câu hỏi đơn giản

Thời gian của bạn là hữu hạn. Vậy tại sao bạn lại tiêu tốn nó vào những việc vô bổ?

Bất cứ khi nào bạn đứng trước một dự án hoặc một công việc mới, hãy tự hỏi một câu hỏi đơn giản:

“Công việc này đang trợ giúp hay phá hủy các hoạt động 80% của tôi?”

Chúng ta thường đồng ý làm một điều gì đó vì sợ mất đi hình tượng hoặc làm ai đó phật lòng. Dù vậy, việc hiểu được điều gì quan trọng trong cuộc sống cũng không có gì là sai cả. Nếu bạn cảm thấy một điều gì đó chiếm mất thời gian của những hoạt động mang lại 80% hiệu quả của mình, hãy tránh làm nó bằng mọi giá. Hãy nhớ: Đừng bao giờ biến những ưu tiên của người khác thành của bạn.

Nhưng, không phải lúc nào cũng có thể từ chối nếu bạn có cấp trên. Một giải pháp dành cho bạn đó là hãy đến gặp họ và giải thích rằng bạn đã xác định được các hoạt động cốt lõi của mình mà giúp đem lại nhiều giá trị nhất. Hãy nói rằng thời gian của bạn sẽ hiệu quả nhất khi tập trung vào những công việc đó. Hãy giải thích rằng bạn càng dành thời gian cho những hoạt động này, thì hiệu suất trong công việc sẽ càng được nâng cao. Bạn sẽ nhận ra rằng phần lớn cấp trên đều sẽ hiểu khi bạn chỉ ra cách bạn có thể thực hiện công việc tốt hơn và giúp họ gặt hái được những kết quả cao hơn.

Bước 3: Loại bỏ hoặc ủy quyền

Nếu bạn đang gặp rắc rối với việc dành thời gian cho một dự án mới, bạn sẽ cần rà soát lại mọi thứ bạn làm thường xuyên. Rất có thể bạn đang làm một vài điều không mang lại cho bạn 80% hiệu quả. Đó là những điều cần phải được loại bỏ hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện.

Danh sách công việc của bạn không nên bị lấp đầy bởi những việc không quan trọng. Nếu một hành động không mang lại sự hài lòng hoặc một kết quả đo lường được, thì bạn cần loại bỏ nó. Hãy hoặc là chuyển giao nó cho một ai khác (ủy quyền) hoặc là loại bỏ nó hoàn toàn.

Một lần nữa, rất có thể bạn sẽ lại phải có một cuộc nói chuyện dài với sếp của mình. Hãy giải thích một cách đơn giản rằng bạn cần phải tập trung vào những hoạt động quan trọng nhất và sau đó yêu cầu chuyển những hoạt động khác cho một người nào đó.

Bước 4: Đừng nhồi thêm vào mà hãy thay thế

Khi bắt đầu một dự án mới, cương quyết không nhét thêm nó vào danh sách những việc cần làm vốn đã chất đống của bạn. Việc nhồi nhét thêm đó sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy quá tải mà thôi, và đây chính là căn nguyên lớn gây ra sự trì hoãn. Thay vào đó, một giải pháp đơn giản hơn là thế chỗ dự án đó vào một công việc không tạo ra kết quả.

Hãy nhớ rằng thời gian là hữu hạn. Nếu bạn cảm thấy dự án mới này đủ quan trọng để bắt tay vào thực hiện, thì nó cần được thay vào chỗ của một hoạt động đạt hiệu quả thấp hơn. Đó là cách bạn có thể tập trung được vào các công việc mang lại 80% kết quả mà không bị chìm nghỉm giữa đống công việc ngốn nhiều thời gian.

Bước 5: Hãy thực hiện “sự trì hoãn sáng tạo”

Mục đích của cuốn sách này là giúp bạn chống lại sự trì hoãn, nhưng đôi khi, việc trì hoãn một công việc nào đó cũng là một chiến thuật. Khi bạn biết một dự án không mang lại cho bạn 80% hiệu quả, thì việc tạm gác lại nó đến “một ngày nào đó” cũng hoàn toàn hợp lý. Bạn sẽ chỉ làm công việc đó nếu sau này nó trở nên quan trọng hơn trong cuộc đời của bạn.

Mấu chốt của sự trì hoãn sáng tạo là tạo ra một thói quen rà soát danh sách những công việc tạm gác lại này. Theo tôi, bạn nên rà soát lại nó hằng tháng, theo dõi những mục tiêu của mình và xác định xem bạn có thời gian cho những dự án mới hay không. Bạn không nhất thiết phải hành động dựa trên những ý tưởng đó, nhưng ít nhất, thỉnh thoảng, bạn cũng nên xem xét chúng.

Áp dụng thói quen

Phải mất một khoảng thời gian việc thực hiện quy tắc 80/20 mới đi vào nề nếp. Ban đầu, sẽ khá khó khăn để buông tay với những dự án mà bạn từng nghĩ nó quan trọng. Nhưng cuối cùng, bạn cũng sẽ phát triển được một nhận thức trực giác về những gì mang lại giá trị và những gì chỉ đang làm lãng phí thời gian của mình.

Để bắt đầu, tôi khuyên bạn nên làm những điều sau:

1. Hằ̀ng tháng đánh giá những hoạt động hằng ngày của bạn.

2. Xác định các hoạt động tạo ra 80% kết quả.

3. Loại bỏ hoặc ủy quyền những nhiệm vụ không nằm trong số các hoạt động 80% đó.

4. Hãy hỏi: “Công việc này phá hủy hay trợ giúp các hoạt động 80/20?” khi một dự án mới xuất hiện.

5. Nếu công việc đó đáng để theo đuổi, hãy thế nó vào chỗ một dự án khác. Đừng chèn thêm nó vào danh sách công việc.

6. Thực hiện trì hoãn sáng tạo với những công việc không quan trọng.

Bạn sẽ nhận thấy rằng thật dễ dàng để chống lại sự trì hoãn nếu tập trung vào những hoạt động mang lại cho bạn những kết quả lớn nhất tương xứng với thời gian bạn bỏ ra. Hãy áp dụng quy tắc 80/20 và bạn sẽ không phải trải qua cảm giác quá tải nữa. Bạn sẽ không bị căng thẳng vì danh sách công việc dài bất tận của mình. Thay vào đó, bạn sẽ thực hiện được những công việc quan trọng nhất với cuộc sống của mình một cách năng động.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button